Tìm kiếm

Thứ Năm, 16 tháng 8, 2018

Nhung bai hoc hay


Vua Đường hỏi thầy trò Đường Tăng dựa vào đâu để thành công và 4 đáp án cần phải ghi nhớ

Trần Quỳnh  - Soha

Năm xưa, bốn thầy trò Đường Tăng trải qua chín chín tám mốt khó khăn, cuối cùng cũng lấy được chân kinh.

Sau khi trở lại Đại Đường, Lý Thế Dân đã mở tiệc rượu đón tiếp Đường Tăng cùng các đồ đệ của mình.

Bấy giờ, nhà vua hỏi Đường Tăng: "Khanh có được thành công như ngày hôm nay là dựa vào điều gì?"

Đường Tăng trả lời: "Thần dựa vào niềm tin. Chỉ cần thần không chết thì nhất định sẽ thỉnh được chân kinh".

Sau đó, Lý Thế Dân lại hỏi Tôn Ngộ Không: "Còn khanh, khanh dựa vào điều gì?"

Ngộ Không nói: "Thần dựa vào năng lực cùng mạng lưới giao thiệp của mình. Thời điểm không còn cách nào, thần sẽ mượn lực".

Tới đây, Hoàng thượng quay sang hỏi Trư Bát Giới: "Trẫm thấy khanh chỉ có chiếc bồ cào này, khanh làm sao có thể thành công?"

Bát Giới đáp: "Thần dựa vào đội ngũ. Một đường có người giúp, có người dạy, có người mang vác, không muốn thành công e cũng khó".

Cuối cùng, nhà vua hỏi Sa Tăng: "Còn khanh, sao có thể thành công?"

Sa Tăng trả lời: "Thần thì lại đơn giản, chỉ cần nghe lời và làm theo". 

Trong quãng đời của mỗi người, 20 tuổi là khoảng thời gian chúng ta dựa vào năng lực, 30 tuổi là lúc ta sống nhờ năng lực và quan hệ, còn từ 40 tuổi trở lên là khi ta phát triển nhờ quan hệ.

Thành công mà mỗi người đạt được không giống nhau, nhưng chúng ta đều có chung một thứ, đó chính là sự lựa chọn. Bạn lựa chọn sống cuộc đời như thế nào, bạn nhất định phải đi trên con đường ấy.

Vậy làm thế nào để có thể chọn ra con đường ngắn nhất dẫn tới thành công?

Lựa chọn đội ngũ chính là sự lựa chọn của thành công

Một người nếu muốn thành công thì nên sớm thành lập cho mình một đội ngũ, hoặc lựa chọn gia nhập vào một đội ngũ.

Trong cuộc sống thay đổi nhanh như chớp mắt ngày nay, dù cho bạn muốn độc bước một mình trên con đường nào, thì đường đi của bạn sẽ càng lúc càng hẹp lại.

Việc tìm cho mình một đối tác có chung chí hướng đích thị là sự lựa chọn để bước tới thành công. Nói cách khác, chúng ta dùng ước mơ để xây dựng đội ngũ và dùng đội ngũ để thực hiện ước mơ.

Con người nhờ có mơ ước mà trở nên vĩ đại, nhờ vào đội ngũ mà trở thành siêu việt, vì biết cảm ơn nên mới biết hạnh phúc, dựa vào học tập mới thu được sự thay đổi, xuất phát từ hành động mới đạt được thành công.

Một người là ai không quan trọng, điều quan trọng nằm ở chỗ, những người đứng sau bạn là ai.

Những yếu tố tạo nên thành công của một đội ngũ

Thứ nhất, người sáng lập bắt buộc phải có tín ngưỡng và phương hướng kiên định.

Thứ hai, người vận hành nhất định phải có quan hệ và tài nguyên mạnh mẽ, đồng thời đủ khả năng đưa ra phương án giải quyết và thi hành hiệu quả.

Thứ ba, quản lý trung tầng phải dựa vào đội ngũ, đội ngũ bắt buộc phải có người giúp, có người dạy, có người dẫn.

Thứ tư, hạ tầng chủ yếu quyết định bởi sự chấp hành, trung thành và nghe lệnh. Cho dù bạn thuộc tầng nào thì đều nên cố gắng làm tốt công việc của mình.

Những kỹ năng cần thiết của một lãnh đạo đứng đầu đội ngũ

1. Quyền uy đến từ năng lực xuất sắc

Bất kỳ một người đứng đầu nào cũng nên đặt ra câu hỏi, bạn dựa vào thứ gì để khiến nhân viên phải nghe lời và kính trọng mình?

Đáp án của câu hỏi ấy chính là tiền đề đặt ra một tiêu chuẩn bất di bất dịch - các nhà lãnh đạo phải có năng lực xuất sắc.

Vì vậy, là một người quản lý, điều đầu tiên bạn cần làm là nâng cao chuyên môn của mình, thậm chí phải không ngừng chạy đua với thời gian để tôi luyện năng lực của bản thân.

2. Quyền pháp lý không quan trọng bằng nhân quyền

Quyền pháp lý có thể coi là quyền hạn công ty trao cho bạn. Ví dụ tiêu biểu là quyền đánh giá để đưa ra mức thưởng, mức phạt đối với nhân viên cấp dưới.

Nhưng những thứ ấy vốn dĩ không quan trọng, mà điều quan trọng vốn gói gọn trong hai chữ "nhân quyền".

Đó là yếu tố quyết định nhân phẩm và năng lực của bạn có được nhân viên tán đồng hay không. Thậm chí điều đó còn có ý nghĩa hơn cả quyền pháp lý, bởi nó sẽ quyết định bạn có thể dẫn dắt đội ngũ đi lên được hay không.

3. Nên giữ khoảng cách nhất định với nhân viên

Dựa trên những quy tắc nhất định, người lãnh đạo cần phải giữ khoảng cách với nhân viên, không nên lẫn lộn giữa tình cảm và công việc

Nếu bạn là người công tư thiếu phân minh, bạn sẽ phát hiện ra rằng, nhân viên kính trọng bạn nhưng lại không kính sợ bạn. Và đó chắc chắn là một điều vô cùng phiền phức!

Nhưng trên thực tế, hiện nay rất nhiều tập thể đều có hiện tượng này. Thực trạng đó biến công ty trở thành một nơi văn hóa giang hồ, văn hóa huynh đệ. Đó chắc chắn là điều bất lợi đối với việc chuyên nghiệp hóa.

Là một lãnh đạo chuyên nghiệp, bạn nhất định phải giữ khoảng cách với nhân viên về mặt quy tắc, nhưng đồng thời cũng nên kéo gần khoảng cách với nhân viên về mặt tình cảm.

Là một người quản lý, bạn cần chú ý thái độ và cách cư xử tránh biến đội ngũ thành chốn văn hóa giang hồ.

4. Trầm, chắc, bình tĩnh là khí chất cần có của một nhà lãnh đạo

Nếu đã làm một người quản lý, bạn phải có lời nói và hành động sao cho ra dáng người quản lý.

Bạn cần biết kiểm soát cảm xúc, không thể hiện vui buồn quá mức trên khuôn mặt hoặc các hành động tùy ý khác, vì đó không phải là điều một người quản lý nên có.

5. Ngôn ngữ, hành vi và cử chỉ phải phù hợp với thân phận, hoàn cảnh

Ngôn ngữ, hành vi và cử chỉ của một nhà lãnh đạo nhất định phải khớp với thân phận và hoàn cảnh của họ. Nếu không, bạn sẽ chẳng giữ được cho mình quyền uy của một người quản lý và khiến nhân viên không nể sợ.

Đối với những người lãnh đạo, giao tiếp chính là một nghệ thuật. Nghệ thuật ấy đòi hỏi chúng ta phải có sự khéo léo, phải chính trực, uy nghiêm, nhưng cũng phải biết cách khiến cho người khác yêu thích.

Nếu không có đủ những yếu tố ấy, thì lời nói của người lãnh đạo sẽ không có trọng lượng, không đủ tầm để nhân viên tuân theo.

Ông giám đốc bắt thằng bé ăn mày liếm chân rồi sẽ cho 100 nghìn

Hòa nhìn em với ánh mắt đầy tội nghiệp rồi quay sang chỗ mấy người đang chực chờ mình quỳ gối để liếm bãi nước bọt kia. Cậu tiến đến, có mấy người thấy vậy liền vỗ đùi đen đét: “Đấy nó sẽ liếm mà” và rồi…

Từ ngày mẹ mất anh em Hòa phải đi lang thang kiếm sống vì bố hay rượu chè cờ bạc cứ hễ về đến nhà là lại đánh đập con cái bắt chúng kiếm tiền cho ông tiêu xài, sợ hãi quá nên 2 anh em rủ nhau trốn đi. Mấy ngày đầu 2 đứa đói meo mó, bụng lúc nào cũng cồn cào. Hễ đi qua hàng ăn là chúng lại nuốt nước bọt ừng ực vì thèm.

Cũng may có mấy người bán rong họ thương nên hôm thì họ cho ít xôi hôm thì họ cho cái bánh hai anh em ăn đỡ qua ngày. Nhìn 2 đứa bé lang thang 1 đứa tầm 5 tuổi 1 đứa tầm 8 tuổi mà ai cũng xót xa. Đêm đêm 2 đứa chui gầm cầu ngủ, nhiều đêm thằng nhỏ nói với anh:

– Anh ơi em nhớ mẹ quá, nếu giờ mẹ còn sống thì tốt anh nhỉ?

– Anh cũng nhớ mẹ lắm, thôi em ngủ đi, anh canh cho. Ngủ đi em.

Nhìn 2 anh em nương tựa vào nhau mà ai cũng xót xa chạnh lòng, ở cái thành phố này hoàn cảnh như 2 đứa không phải là ít. Mỗi ngày trôi qua với chúng đều là 1 ngày dài, thứ chúng luôn khao khát là muốn được no cái bụng ấm cái thân và điều xa xỉ hơn là một mái nhà.

Hòa bắt đầu làm quen với việc đi xin ăn, ai cho gì cậu cũng nhận, có hôm cậu xin vào rửa bát thuê cho 1 cửa hàng chỉ để xin cơm ăn cho 2 anh em, có hôm cậu lại đi nhặt đồng nát. Cuộc sống không có mẹ khiến cậu khôn hơn mỗi ngày, vì đó là quy luật sinh tồn.

Đứa em nhỏ dại khờ ngày nào cũng lẻo đẻo theo anh, nhìn mặt mũi nó đỏ ửng lem luốc đến tôi. Ở cái tuổi của chúng biết bao đứa trẻ còn uống sữa được bố mẹ nẫng trên tay vậy mà 2 anh em lại chẳng được hưởng những điều tốt đẹp đó.

Nhiều lúc đi qua cổng trường Hòa ôm em rồi nhìn thẫn thờ vào trong, hồi mẹ còn sống cậu cũng được đi học như các bạn. Nhưng khi mẹ mất bố cậu không chịu nuôi và không cho đi học nên cậu đành phải nghỉ. Nhớ hồi đó mỗi lúc cậu được giấy khen mẹ đều thưởng cho cậu chiếc bánh bao thơm phức nhưng giờ điều đó chẳng còn. Bỗng dưng Hòa bật khóc, cậu em thấy vậy liền ngây ngô hỏi:

– Anh ơi sao anh lại khóc? Anh đói bụng à.

– À không đâu em, anh không sao, mình đi lượm ve chai tiếp đi trời sắp tối rồi.

– Dạ.

Cậu em ngơ ngác đi theo em, trong 2 đứa nhỏ lầm lũi đến tội nghiệp. Tối đó cậu dắt em đi xin ăn thì gặp mấy người đang nhậu ở 1 quán ven đường. Thấy mấy người ăn mặc sang trọng Hòa liền mạnh bạo đến xin vài nghìn tiền lẻ để mua cơm cho em. Cậu nói rất từ tốn, rồi bỗng dưng 1 người nhìn giàu có nhất trong số họ đưa tay ra hiệu bảo Hòa đến gần rồi tự nhổ nước bọt lên giày mình rồi bảo:

– Mày liếm chỗ này đi, tao sẽ cho mày 100 nghìn.

Nghe ông ấy nói vậy có người phá lên cười ủng hộ còn có người thì nhăn nhó khó chịu:

– Liếm đi, mày cược nó có liếm không?

– Dĩ nhiên làm liếm rồi, bọn này thì có tiền là bất chấp mà.

Ông ta nhìn cậu đầy thách thức, kiêu ngạo.

– Sao 100 nghìn mà còn chê hả, tao hào phóng cho mày luôn 200 nghìn đấy, liếm đi liếm sạch chỗ này đi.

Hòa đứng lầm nhẩm nếu có 200 nghìn cậu và em trai có thể dùng để mua rất nhiều bữa cơm. Mấy người giàu có xem anh em cậu như trò tiêu khiển có người còn bảo:

– Bọn này toàn đồ lừa đảo thôi, cho nó tiền chỉ có phí.

Khi cậu em níu tay anh rồi nói:

– Anh ơi em đói bụng quá.

Hòa nhìn em với ánh mắt đầy tội nghiệp rồi quay sang chỗ mấy người đang chực chờ mình quỳ gối để liếm bãi nước bọt kia. Cậu từ từ tiến đến, có mấy người thấy vậy liền vỗ đùi đen đét:

– Đấy mày thấy chưa, nó sẽ liếm mà.

Ông giám đốc kia nhìn cười cợt thỏa mãn nhưng rồi bỗng dưng Hòa cất tiếng:

– Xin lỗi ông, ông cứ giữ lại số tiền đó đi ạ. Bọn cháu tuy là trẻ mồ côi phải lang thang ăn mày nhưng bọn cháu có lòng tự trọng. Hồi còn sống mẹ cháu dạy cháu như thế. Nếu mẹ cháu biết cháu quỳ gối và liếm bãi nước bọt kia chắc mẹ cháu buồn lắm, ông có con chắc ông cũng không muốn con mình phải làm vậy đúng không ạ? Cháu xin lỗi vì đã làm phiền các ông nhậu, nhưng cháu muốn các ông hiểu bọn cháu không phải là lừa đảo đâu ạ.

Hoa gạt nước mắt, nói rồi cậu nắm tay em đi, còn mấy người đàn ông kia người đờ người ra. Gã giám đốc hách dịch đó xấu hổ vô cùng, họ có học có địa vị có tiền mà cư xử không bằng 1 đứa trẻ. Thấy cậu bé nói vậy mấy người ngồi bện cạnh vỗ tay tán thưởng:

– Hay, có chí khí, cháu ơi lại đây cô chú cho tiền này.

Hòa ngoái lại thấy mấy người đang ăn uống ở đó vẫy tay lại cậu cũng quay lại. Hầu như ai ăn ở quán đó cũng cho anh em cậu tiền, người nào ít thì 5 nghìn 10 nghìn có người thì cho 20 nghìn hoặc hơn. Cậu cảm ơn họ rối rít rồi nắm tay em đi mua cơm.

Gã giám đốc và mấy người bạn cay cú xấu hổ nên giải tán sớm. Suốt chặng đường về câu nói của cậu bé khiến ông ta phải suy nghĩ mãi. Đó có lẽ là bài học cho những kẻ giàu có hay khinh thường những thân phận thấp kém hơn mình. Đừng nghĩ những người nghèo khổ họ không có tự trọng, đôi khi bạn giàu nhưng cư xử chưa chắc đã bằng họ đâu đấy, vậy nên xin đừng có khinh ai.

Theo Phununews

Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Cậu sinh viên nghèo xin cơm, chủ quán giấu bên trong 1 thứ, nhiều năm sau chuyện bất ngờ xảy ra…

Cách đây 20 năm tại Đài Bắc, một sinh viên trẻ đi đến một nhà hàng tiệc đứng Trung Hoa. Cậu đi tới đi lui cho đến khi những thực khách cuối cùng về hết. Lúc đó cậu mới rụt rè đến gặp người chủ nhà hàng và nói rằng: “Cô chú có thể cho cháu xin một bát cơm trắng được không?”
Ông chủ và vợ ông ta có một chút bối rối vì chàng trai này không đặt món ăn nào cả. Nhưng sau một thoáng suy nghĩ, họ vẫn vui vẻ mang lên một bát cơm đầy, tuy nhiên, chàng trai lại ngập ngừng hỏi tiếp:
“Cô chú có thể cho cháu thêm một chút nước sốt hoặc nước súp lên cơm được không?” Người vợ mỉm cười đáp: “Không vấn đề gì, cậu cứ dùng miễn phí.”
Sau khi chàng trai trẻ ăn được khoảng nửa bát cơm, anh chợt nghĩ, hay mình xin thêm một bát nữa. Bà chủ nhà hàng thấy thái độ của cậu, lại nhiệt tình bảo rằng: “Một bát cơm thì không đủ đúng không nào, để tôi cho cậu thêm chút nữa nhé”. Chàng trai trả lời: “Không ạ, cháu muốn để dành để mai mang lên trường ăn ạ”
Ông chủ nhà hàng nghe vậy bèn nghĩ rằng cậu thanh niên này có lẽ xuất thân từ một gia đình nghèo khó và đang rất cố gắng để hoàn thành việc học ở trường, vì vậy ông đã cho thêm thịt lợn băm và trứng kho vào bát cho cậu, nhưng để cơm trắng úp lên trên.
Bà vợ thấy vậy bèn hỏi: “Giúp được người khác là điều rất tốt, nhưng tại sao anh lại phải giấu như thế?”. Người chồng trả lời: “Nếu cậu ấy nhìn thấy, sẽ nghĩ rằng chúng ta đang thương hại cậu và điều đó có thể làm cậu ta tổn thương. Nhưng cậu ấy cũng không thể học tốt được nếu chỉ ăn cơm trắng qua ngày.”
Người vợ rất ủng hộ thiện ý của chồng, bà nói: “Anh thực sự là một người đàn ông tốt”. Ông  cười rồi nhìn bà và nói: “Dĩ nhiên rồi, chẳng phải đấy là lí do vì sao em chọn anh sao?”.
Chàng trai trẻ đã ăn cơm xong và mang phần cơm của bữa trưa mai đi. Anh ta cảm thấy hộp cơm dường như nặng hơn mọi khi, anh quay đầu lại nhìn cặp vợ chồng chủ nhà hàng mà rơm rớm nước mắt.


Từ sau đó, trừ những ngày lễ ra, ngày nào chàng trai này cũng đều đến để được có cơm trắng ăn qua ngày. Và người chủ nhà hàng thì luôn luôn cho thêm thức ăn để dưới đáy hộp để cậu mang theo cho ngày hôm sau.
Việc này cứ thế tiếp diễn cho đến khi chàng trai năm ấy tốt nghiệp đại học. Và rồi ông bà đã không còn thấy cậu trở lại nhà hàng kể từ đó.
Năm tháng trôi qua, vợ chồng ông bà chủ của nhà hàng năm nào giờ đã qua 50 tuổi. Bỗng một ngày, họ nhận được thông báo từ chính phủ rằng nhà hàng sẽ bị dỡ đập, vì nó bị xây dựng trái phép. Họ đã khóc rất nhiều, tài sản cả đời mưu sinh đã dành cho con trai du học Mỹ, giờ ở ngưỡng trung niên, lại mất việc làm mà không còn tài sản, họ có thể làm gì được đây?
Rồi một hôm, trong nỗi buồn tuyệt vọng, một người đàn ông trẻ xuất hiện với diện mạo lịch lãm nhẹ nhàng đến nhà và nói với ông bà rằng: “Giám đốc của công ty chúng tôi muốn mời ông bà đến quản lí nhà hàng tiệc đứng tự phục vụ mới mở của chúng tôi. Tất cả mọi thứ đều đã được sắp xếp xong, những gì ông bà cần làm chỉ là quản lí và dẫn dắt nhân sự ở đó, toàn bộ lợi nhuận sẽ chia cho ông bà 50%”.
Hai vợ chồng vô cùng sửng sốt: “Ai là giám đốc của công ty các vị? Chúng tôi không quen biết bất kì ngài giám đốc của doanh nghiệp nào cả!”.
“À, vì ông bà là những người tốt bụng, chính ông bà đã cưu mang giám đốc công ty chúng tôi. Tôi không biết rõ sự việc diễn ra thế nào, nhưng lãnh đạo chúng tôi nói rằng anh rất yêu thích món thịt băm và những quả trứng kho mà ông bà nấu ngày nào.”
Nghe đến đó, hai vợ chồng già cảm thấy cay cay khóe mắt…
Cậu thanh niên trẻ ngày ấy có gia cảnh vô cùng khó khăn, mồ côi cha mẹ và sống với bà, nhà không đủ tiền cho cậu ăn học, nhưng cậu vẫn quyết tâm phải học bằng bạn bằng bè, vì cậu biết đó là con đường duy nhất giúp cậu thoát khỏi cảnh nghèo khó, tuy nhiên cả ngày đi lang thang không có thức ăn, cậu gần như không còn sức đến trường. Và rồi  khi cậu gặp hai ông bà chủ nhà hàng phúc hậu và lấy hết dũng khí để hỏi xin một bát cơm trắng, và nhận được sự tốt bụng còn nhiều hơn thế, thì cứ thế, cậu đã cố gắng hết sức để tiếp tục hoàn thành việc học của mình, những lúc nản chí nhất, cậu lại nhớ đến sự rộng lượng của vợ chồng ông bà chủ và tự nhủ mình phải học tốt để sau này báo đáp công ơn của họ. Và sự quyết tâm của cậu đã được đền đáp, năm tháng trôi qua, sau khi tốt nghiệp, cậu tập trung gây dựng sự nghiệp và đã trở thành giám đốc trẻ của một công ty đi đầu về dịch vụ ăn uống, ngay khi công việc ổn định, cậu đã mở ngay một nhà hàng tiệc đứng và chuẩn bị mọi thứ để đến mời hai ông bà chủ nhà hàng năm xưa trở thành quản lý nhà hàng. Cậu muốn đền đáp sự tử tế tốt bụng mà cậu đã được nhận. Nếu không có sự giúp đỡ của họ, có lẽ cậu đã không thể học xong, và sẽ không có được ngày hôm nay.
Một bát cơm trắng, không phải là quá to lớn. Nhưng một bát cơm trắng với thức ăn được đặt kín đáo ở dưới đáy, đó là thể hiện của một lòng tốt không cần phô trương, của một sự bao dung, chu đáo đầy tế nhị. Và hơn hết, chính sự ân cần, cho đi không cần nhận lại mỗi ngày của hai ông bà chủ dành cho anh sinh viên nghèo khổ là nguồn động lực lớn nhất cho anh nỗ lực theo đuổi con đường học hành mà không dám nản chí dù chỉ một ngày, chính nhờ sự xúc động từ đáy lòng với hành động ấy, mà anh trở thành một người rộng lượng và lấy việc báo đáp ân nghĩa làm mục đích lớn nhất cho phấn đấu sự nghiệp của mình. Và rồi một ngày, anh đã thực sự trả ơn được cho hai vợ chồng ân nhân của mình.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được một sự thật rằng, “hành thiện tích đức”, “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Những câu nói của người xưa nay càng cảm thấy thấm thía trong cuộc đời. Một người thường xuyên hành thiện thì sẽ tích được nhiều phúc đức, làm việc tốt là không mong đáp trả, tuy nhiên rồi mọi điều bạn làm đều được ghi hết lại từ việc nhỏ cho đến việc lớn, không thiếu đi một chút nào, dần dần về sau đều được đáp lại tùy theo những tốt xấu trong quá khứ đó. Cho nên, một người kiên trì, nhẫn nại, có chí lớn đều sẽ qua chịu thống khổ tạm thời mà tiến đến thành công. Người nhân hòa, đức độ với những người xung quanh đều sẽ nhận được phước báo to lớn.
Có một câu nói như sau: Lòng tốt như thứ nước hoa quý. Có ai đem cho nó mà chẳng giữ được trên tay mình vài giọt thơm… Hãy cho đi và đừng mong nhận lại, bởi một ngày nào đấy, vào lúc không ngờ nhất nhưng là lúc bạn khó khăn nhất, thì có thể lòng tốt ấy sẽ quay trở lại và giúp đỡ bạn.

Kathy Mc Williams, theo Visiontimes. Quỳnh Anh biên dịch

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2016

Dân nghèo, quan tham và bài toán tiểu học khiến GS Ngô Bảo Châu, PGS Văn Như Cương bó tay

Nguồn Tri thức trẻ
PGS Văn Như Cương (trái) và GS Ngô Bảo Châu

Nếu lao đầu vào giải nhiều "bài toán trong cuộc sống" ở Việt Nam, chắc chắn GS Ngô Bảo Châu không bao giờ có được Bổ đề cơ bản.
1. "Năng lực kỳ lạ" của đứa trẻ 4 tháng tuổi
PGS Văn Như Cương vừa có một status nhẹ tênh trên facebook:
TOÁN HỌC VÀ CUỘC SỐNG.
Xin giới thiệu một bài toán có liên quan tới thực tế cuộc sống, rất cần cho học sinh tiểu học.
Đề Toán : Ông lớn Phạm Công Danh và đồng phạm làm thất thoát 9 ngàn tỉ đồng. Có ý kiến cần thu hồi số tiền ấy và cho sinh viên vay để họ học cho hết bậc Cao Đẳng hoặc Đại học, mỗi sinh viên được vay 6 triệu đồng một khóa học.
Câu 1. Có bao nhiêu sinh viên được vay tiền ? (Đáp số: 1.500.000 sinh viên)
Câu 2. Ra một đề toán tương tự như đề trên, với tên tuổi có thật có thể bị truy cứu về tội "gắp lửa bỏ tay người?
Đọc qua đề, có thể dễ dàng thấy PGS Văn Như Cương đã "mắc bệnh" quan liêu.
Tuy nhiên sự "quan liêu" ấy thật thâm thúy: Đề thi dành cho "học sinh tiểu học" nhưng lại khiến bố mẹ, ông bà chúng cũng như các nhà toán học, khó có thể giải.
Trong vụ án Phạm Công Danh mà PGS Cương nhắc đến, quả thật có những bài toán cực khó nhưng lại được các bị cáo lại giải một cách ngon lành theo kiểu học sinh tiểu học.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (Giám đốc Công ty Hương Việt) đã bật khóc tu tu trước tòa, khai rằng trước đây mình là nhân viên bán xe của Tập đoàn Thiên Thanh chỉ với mức lương 7 triệu đồng/tháng.
Theo lời khai của Vân: Một ngày đẹp trời, em trai của Phạm Công Danh đã đưa cho Vân một "đề thi tiểu học": Đó là nhờ Vân đứng tên giám đốc công ty giúp Danh.
Khi Vân nói không biết làm giám đốc thì Trung nói chỉ cần đưa chứng minh nhân dân và ký giấy tờ để làm thủ tục.
Bài toán làm giám giám đốc được ê kíp giải rất nhanh: Nhân viên quèn + chứng minh thư = Giám đốc.
Trước vành móng ngựa, Vân phải giải "đề thi tiểu học" của Tòa: Bị cáo nói chẳng biết gì nhưng bị cáo có biết nếu không có chữ kỹ của bị cáo thì 400 tỉ sẽ không bị rút?
Trong nước mắt, "nữ giám đốc 400 tỉ" ấy đã đưa ra đáp số khác khiến các nhà toán học đầu hàng: Không biết gì + tin tưởng + 1 chữ ký = 400 tỉ (gấp 57.000 lần mức lương 7 triệu/ tháng trước đó của Vân).
"Bị cáo có ký các giấy tờ trên nhưng không biết gì hết. Bị cáo quá tin anh Danh, quá tin tập đoàn chứ không biết, không bàn bạc hưởng lợi gì hết" – Vân nói.
"Chiêu thức không biết gì" của giám đốc Vân trong đại án 9.000 tỉ có vẻ cũng đang được áp dụng nhuần nhuyễn tại mấy thôn nghèo đến xác xơ ở Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Một năm hai lần, các cán bộ thôn Lộc Tiên (Hải Lộc), Thái Hòa (Hưng Lộc) đều đè nghiến dân xuống thu tới hàng chục khoản đóng góp/ mỗi vụ.
Dù là người cùng thôn, nhưng các công bộc này không cần biết ai là cụ già hơn 80 tuổi nằm liệt giường, ai là em bé đỏ hỏn mới chào đời.
Vì thế, nên có bà cụ nằm bẹp trên giường nhiều năm nay không ra hội trường thôn, lẫn đứa trẻ sinh cuối năm 2015 đang nằm nôi, chưa biết cái hội trường tròn méo thế nào, đều phải oằn lưng đóng quỹ xây dựng hội trường.
Bà Chinh, một nông dân khốn khổ đã kêu trời trước "bài toán tiểu học" mà tôi tạm diễn giải theo tinh thần ra đề của PGS Văn Như Cương:
Mỗi người dân phải trực tiếp lao động đắp đất. Nếu không trực tiếp lao động, phải đóng 50.000 tiền "quỹ đắp đất dự trữ".
Nhà bà Chinh có 4 người. 3 người lớn bận việc, không đi đắp đất được. Cháu bé 4 tháng tuổi, dù đã rất cố gắng, nhưng cháu cũng không thể bò ra đồng trực tiếp đi đắp đất.
Hỏi nhà bà Chinh phải đóng bao nhiêu tiền?
Đáp số: 4 người x 50.000đ = 200.000đ
Con gái lớp 2 của tôi giải bài toán này trong 2 phút, nhưng tôi cam đoan: GS Ngô Bảo Châu chắc chắn không thể đưa ra đáp số đúng.
Bộ não ưu việt của GS Châu không thể phân tích được cái công thức đã đi ngược lại tất cả các quy luật toán lý hóa sinh…, và dĩ nhiên, cả quy luật của thượng đế: Một đứa trẻ 4 tháng tuổi có nghĩa vụ đi… đắp đất.
2. Bệnh viện "vừa cứu người vừa hại người"
Có một "bài toán tiểu học" đau lòng khác vừa được công bố.
Đó là nhiều năm nay, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An xả thải ra môi trường với mức độc hại vượt hàng chục lần mức an toàn cho phép.
Ung thư đang trở thành một đại dịch ở Việt Nam.
Ô nhiễm môi trường cũng đang là một hiểm họa.
Bệnh viện Ung bướu là nơi chữa ung thư, nơi các thầy thuốc chuyên trừ bệnh cứu người.
Thế nhưng suốt thời gian rất dài, các cán bộ chức năng của Bệnh viện nhắm mắt, chấp nhận đầu độc môi trường và gây nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho dân một cách âm thầm, vì "không có giải pháp nào khác trong khi chờ sự đầu tư dự án để làm mới nhà máy xử lý nước thải".
Bệnh viên có thể chờ dự án, còn thần chết và bệnh tật, hình như chưa bao giờ có thói quen chờ nạn nhân. Vì thế, những người sống xung quanh bệnh viện Ung bướu Nghệ An, có lẽ thấu hiểu hơn ai hết câu: "Trời kêu ai người ấy dạ".
Vì vậy Chữa bệnh + Gây ra bệnh = Bệnh viện có thể trở thành phép toán gây buồn bã nhất, không chỉ với các nhà toán học.
Một "bài toán tiểu học hay của thập kỷ" cũng vừa được ông Chủ tịch Thanh Hóa xới xáo lại trong một cuộc họp báo.
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh đã giải thích việc Sở NN&PTNT tỉnh này có tới 8 PGĐ Sở (trong khi quy định hiện hành không quá 3 PGĐ), bằng những lý do hết sức "nhân văn".
Thứ nhất, theo ông Xứng, có 1 PGĐ Sở là do "lịch sử để lại" – nghĩa là do Bộ cử về tiếp cận cơ sở. (Nghe lý luận này, cư dân mạng bình luận: Ô, thế Bộ cử về thì ông PGĐ sở đó không phải làm việc hay sao, không phải trả lương hay sao?)
Thứ 2, có 1 PGĐ Sở kiêm chi cục trưởng Kiểm lâm. "Thực tế ông này không điều hành với tư cách PGĐ Sở mà chỉ điều hành Kiểm lâm". (Độc giả bình luận: Ô, thế thì bổ nhiệm PGĐ Sở làm gì nhỉ?)
Vì 2 ông là "do lịch sử để lại" nên Sở này chỉ còn có vỏn vẹn…6 PGĐ Sở khác giúp việc cho GĐ.
Theo các vị lãnh đạo, vì Thanh Hóa có nhiều đặc thù như diện tích rộng quá, nông nghiệp nhiều quá, nên việc thiết kế thêm ghế PGĐ sở là rất hợp tình hợp lý, là thể hiện tầm nhìn.
Ở Việt Nam, "đặc thù" là cụm từ rất ảo diệu cho các phép biến hóa. Chính vì thế "Bài toán phép cộng tiểu học" của Thanh Hóa có thể tạo nên trào lưu học tập tưng bừng của các địa phương khác.
Nếu áp dụng phép cộng thần diệu này, sau "đặc thù" sáp nhập với tỉnh Hà Tây, Hà Nội sẽ đủ luận cứ để đòi gấp đôi số ghế lãnh đạo – điều mà thủ đô đã phải vật vã mấy năm mới giảm được.
TP.HCM cũng có thể xin hơn gấp đôi số lãnh đạo các sở về quy hoạch, đô thị, văn hóa, du lịch…vì "đặc thù" dân số của thành phố này hơn gấp đôi dân số Thanh Hóa.
> Mời xem bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY
Sở Nông nghiệp Hà Giang cũng có thể xin thêm PGĐ chuyên nghiên cứu canh tác trên... đá vì có "đặc thù" cao nguyên đá.
Sở Nông nghiệp Khánh Hòa có thể lắp thêm ghế PGĐ "đặc thù" chuyên chỉ đạo nuôi trồng ở… đảo, vì tỉnh này có cả quần đảo Trường Sa. Dĩ nhiên, Đà Nẵng có Hoàng Sa, không lẽ lại chịu thiếu ghế???
Sở Nông nghiệp Cà Mau có thể xin thêm PGĐ Sở "đặc thù", điều hành công tác về rừng ngập mặn…
Cái sự lo cho đại cục ở Thanh Hóa, tạm gọi là lo xa. Còn cái sự vun vén gia đình mình như đại tá Hồ Phi Thắng đang làm, gọi một cách nhân văn là lo cho "tiểu cục". Hàng chục phạm nhân thụ án tại trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai đã được đưa thẳng tới "công trường lao động đặc thù": Xây biệt thự cho đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam này.
Mặc dù, khi bị phát hiện, đại tá Thắng thừa nhận việc này là phản cảm. Nhưng có lẽ "bài thi toán tiểu học" trong vụ này quá dễ giải, do "đặc thù" đơn vị quản tù, nên ông vẫn chặc lưỡi chấp nhận việc làm sai nguyên tắc.
Đại tá Thắng đưa ra thông điệp rất nhân văn: "Anh em thấy tôi cống hiến với ngành nên đưa phạm nhân ra phụ giúp, xem đó như là tình nghĩa với tôi. Tháng 10.2016 ông Thắng nghỉ hưu nên việc ông "lo lắng cho tiểu cục" cũng dễ hiểu.
Chúng ta hãy rời biệt thự xây dở hoành tráng của đại tá Thắng để quay trở về "đại cục". Đó là hiện thế giới còn tới 6 bài toán thế kỷ, đang thách thức người giải.
Bỏ qua chuyện cá nhân, thì bài toán của đại tá Thắng, có đáp số khiến là không ít VIP hiện nay hài lòng. Nó có thể trở thành thách thức thế kỷ đối với các nhà toán học.
Có bao nhiêu đáp số đúng cho bài toán ấy: Phản cảm một tí + Sai nguyên tắc một tí + chuyến tàu vét một tí + hoàng hôn nhiệm kỳ một tí = Tình nghĩa một tí.
3. GS trái đất và "người ngoài hành tinh"
Hai ngày trước, dư luận toàn cầu đã nổi sóng chỉ vì một cái bóp (ví) trị giá…11 trị USD (khoảng 250 ngàn VNĐ) được phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cầm theo khi tới nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ.
Bà Hà Tinh, người luôn có mặt trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất suốt 12 năm qua của Forbes, đang là Giám đốc điều hành Temasek Holdings (Singapore), một quỹ đầu tư khổng lồ có giá trị tới 66 tỉ.
Chiếc ví 11 USD bà cầm, là sản phẩm của một thanh niên tự kỷ, được bà mua ủng hộ.
Ở Việt Nam có khoảng 200.000 trẻ tự kỷ.
Tôi thật lẩn thẩn khi tự dưng lại mơ đến bài toán của PGS Cương: Nếu Phạm Công Danh và chiến hữu dùng 9.000 tỉ để mua bóp 11 USD ủng hộ người tự kỷ, thì sẽ được bao nhiêu cái bóp được bán? Bao nhiêu người tự kỷ có thêm cơ hội chữa bệnh?
Tôi đã chứng kiến vài sinh nhật trong xóm nhà lá ven sông Hồng, giữa Thủ đô Hà Nội.
Nơi ấy, có những đứa trẻ 8,9,10,11 tuổi chỉ mới nhìn thấy cảnh thổi nến sinh nhật… trên tivi và lần đầu tiên được nếm bánh gato do một đoàn từ thiện mang tới.
Với một buổi sinh nhật có giá 100 ngàn như vậy, bọn trẻ sẽ không thể nào hiểu được tại sao một bữa tiệc sinh nhật lại có giá tối thiểu 550 triệu đồng.
Dưới thời ông "quan ngã ngựa" Trịnh Xuân Thanh cai trị PVC, một nhân viên công ty con đã 4 lần rút tiền từ quỹ với tổng cộng hơn 750 triệu đồng, trong đó sử dụng gần 550 triệu đồng để chi "sinh nhật bố sếp Thanh ở TCty".
Nhân viên "tình nghĩa và chu đáo" với bố sếp đến mức ấy, chắc trên thế giới cũng hiếm, chứ nói gì đến ở nước nghèo như Việt Nam.
Ở Việt Nam, liệu có công thức toán học vi diệu nào giúp những người quản trong tay 66 tỉ USD như bà Hà Tinh, vẫn có thể nói không với "sinh nhật bố của sếp" và nói không với nhiều đồ siêu xa xỉ?
Có công thức nào để công bộc hành xử giống người đứng đầu quốc đảo hùng mạnh - Thủ tướng Lý Hiển Long (chồng bà Hà Tinh): Đi họp hội nghị thượng đỉnh APEC bằng máy bay giá rẻ?
Trong phiên tòa xử đại án 9.000 tỉ, bà Hứa Thị Phấn, đại diện cho một nhóm cổ đông, đã ngậm ngùi "Tôi rất thương anh Danh".
Người có "công đầu" làm thiệt hại 9.000 tỉ như Danh, vẫn có người thương đến như vậy, thì đúng là cuộc sống này thật vi diệu.
Liệu có công thức toán học vi diệu nào cho ra đáp số: Những quan tham, tha hóa như Danh, như Dương Chí Dũng, Huyền Như… biết đoái thương số phận những người tự kỷ, những nông dân nghèo kiết xác, quanh năm bán mặt cho đất (thu nhập cả năm chỉ bằng một chai rượu ngoại trên bàn tiệc đầy phè), nhưng vẫn bị đè cổ thu tô?
Nguyên phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông đã chua chát trước cảnh đè nghiến dân xống để thu tô của những công bộc đồng hương:
"Dường như cho thấy đang có sự xuất hiện trở lại của một bộ phận cường hào, ác bá thời phong kiến ở nông thôn trong thời kỳ văn minh này.
Họ đè đầu, cưỡi cổ người dân, tận thu bằng mọi giá, từ những đứa trẻ mới sinh ra chưa biết gì, đến các cụ già nằm liệt và khi không thu được đủ thì lại có động thái là o ép, ức hiếp người dân".
Một vị nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa khác, ông Lê Nam cũng đã phải kêu trời khi thấy nông dân bị cán bộ bóc lột xơ xác: "Tại sao lại có những cán bộ đến thế kỷ thứ 21 rồi mà còn làm ăn theo kiểu như người ngoài hành tinh thế?".
Tiếng kêu của ông Lê Nam có thể làm chúng ta sực tỉnh. Nó là chìa khóa giải đáp được đề thi: Tại sao các nhà toán học hàng đầu lại chấp nhận đầu hàng trước nhiều "bài toán cuộc sống trình độ tiểu học" ở Việt Nam?
Đáp án: Tại vì GS Ngô Bảo Châu và PGS Văn Như Cương chỉ là "người trái đất".
Mà người trái đất làm sao giải được đề toán của những "người ngoài hành tinh" đang trà trộn ở các vùng quê nghèo như Hậu Lộc, Thanh Hóa và đang bền bỉ đục khoét trên nhiều chiếc ghế bổng lộc?

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

7 nguyên nhân khiến quan chức quen ngồi máy lạnh nghe báo cáo

Nguồn: Tuổi trẻ Onlime, ngày 11/3/2016 - Tham gia chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM, ông Diệp Văn Sơn đã đưa ra 7 nguyên nhân lý giải cho việc hội họp lu bù ở Việt Nam.

Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM do Tuổi Trẻ làm cầu nối xin trích đăng bài viết này:

Được biết lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo sở ban ngành bớt họp để có thời gian đi cơ sở. Đây là sự chỉ đạo xác đáng. Mấy năm về trước, có một lãnh đạo TP.HCM thống kê mỗi năm ông được mời dự 700 cuộc họp ở Trung ương và địa phương, thậm chí có ngày được mời dự 7 cuộc!

Theo Patrick Lencioni, tác giả quyển sách Chết vì hội họp, trong lời giới thiệu có nói ông từng tiếp xúc với rất nhiều nhà lãnh đạo, một câu nói ông thường được nghe là “Nếu tôi không phải dự hội họp, tôi sẽ làm được nhiều việc hơn”. Ở nước ta công bằng mà nói, hội họp nói chung là những cuộc họp bổ ích, không có nó là không xong. Với cơ chế hiện hành, thực trạng của nền hành chính chỉ có họp mới giải quyết được công việc. Mọi ngành mọi cấp từ trung ương đến địa phương điều hành công việc từ bàn hội nghị.

Đó là còn chưa kể đến cả hệ thống chính trị thực chất đã bị tình trạng hành chính hóa các đoàn thể cũng lấy hội họp làm phương tiện hoạt động, kéo cả chính quyền vào cuộc. Đi tìm nguyên nhân lý giải cho chế độ hội họp lu bù gây áp lực cho công việc của lãnh đạo các địa phương, có thể thấy do các nguyên nhân sau:

Thứ nhất, nguyên nhân đưa đến tình trạng họp hành triền miên (một ngày có khi dự 7 cuộc, cuộc nào cũng quan trọng - phát biểu của một đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố) do phân công phân cấp không rõ ràng. Chúng tôi biết rằng trong 7 cuộc họp đó sẽ được giảm thiểu nếu có sự giao quyền tự chủ cho các sở, phân cấp cho quận huyện, nâng cao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này. Dự 7 cuộc họp, 7 nội dung khác nhau, dứt khoát không thể có những chỉ đạo sâu sát được!

  - Thứ hai, việc phân định chức năng giữa các cơ quan chưa rõ ràng, còn chồng chéo, một việc không có người chịu trách nhiệm chính, có quá nhiều cơ quan tổ chức tham gia cùng một việc, cho nên phải họp bàn để thống nhất từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đòi hỏi có mặt đủ thành phần.

 - Thứ ba, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ chưa được làm rõ, chưa được thể chế hóa. Có những việc phải tiến hành 5-6 cuộc họp như: họp thường vụ, họp ban cán sự, họp thường trực ủy ban, họp ủy ban, nhiều việc phải đưa ra HĐND, họp triển khai ra sở ngành, quận huyện... Đồng chí chủ tịch tất nhiên là phải dự đủ các cuộc họp này!

 - Thứ tư, chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ.

 - Thứ năm, phân cấp trung ương, địa phương chưa rõ, chưa được thể chế hóa, chế độ hóa và ngay giữa 3 cấp ở địa phương cũng tương tự.

 - Thứ sáu, chưa xóa bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì nhà nước cũng ôm, cái gì cũng đòi xin - cho, báo bẩm... Muốn giảm họp phải nhận diện cho rõ cái gì nhà nước cần quản lý, cái gì giao cho các thành phần khác, các tổ chức xã hội... Tóm lại là muốn giảm họp phải mạnh dạn giảm nội dung quản lý (theo xu thế cải cách hành chính).

 - Thứ bảy, có hay chăng vấn đề năng lực ở đây, hoặc thiếu tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm... nên kéo tập thể vào sinh ra họp hành.

Có ý kiến cho rằng sử dụng triệt để giải pháp công nghệ thông tin để giảm họp. Chúng tôi thiết nghĩ đưa công nghệ thông tin vào quản lý là cần thiết, nhưng công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, công cụ nên chỉ giải quyết được cái ngọn, không thể giải quyết được cái gốc đó là cơ chế. Cũng đã từng có những cố gắng giảm họp tại các địa phương bằng cách ban hành quy chế quy định khi nào thì được tổ chức hội nghị. Tuy nhiên xem ra quy chế chỉ là mệnh lệnh hành chính không có cơ sở khoa học. Vì thế phải tích cực cải cách cơ chế mới mong giảm họp một cách căn cơ có cơ sở khoa học.