Tìm kiếm

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Bài thuốc đơn giản tự chế “vĩnh biệt” bệnh viêm xoang không tốn một xu



Hễ bệnh viêm xoang càng nặng thì khi xông mũi bằng bài thuốc này sẽ càng thấy có hiệu quả nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ.
Thương con trai bị viêm xoang từ nhỏ, đã điều trị nhiều năm với đủ mọi phương pháp mà không khỏi bệnh, vợ chồng ông bà Trần Ngọc Đảnh - Trần Thị Kim Phúc (ngụ Quận 6, Tp.Hồ Chí Minh) cất công mày mò, cậy nhờ những bài thuốc dân gian.
Điều thần kỳ đã đến khi gia đình này được mách nước tự chế bài thuốc cực kỳ đơn giản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên dùng cây giao (một loại cây thuộc họ xương rồng), giúp người bệnh “đoạn tuyệt” với bệnh xoang mà không tốn một đồng tiền.
Bài thuốc quý của đại ngàn
Ông Đảnh (67 tuổi) vốn không phải là bác sĩ, cũng không một ngày được học về thuốc trị bệnh. Ông trước là giảng viên Trường Đại học Nông Lâm, sau này về công tác ở Sở Nông nghiệp cho đến khi nghỉ hưu.
Vị kỹ sư về hưu kể lại: “Con trai tôi bị viêm xoang từ năm 10 tuổi. Cứ mỗi lần thay đổi thời tiết là cháu đau, nhức đầu, nước mũi chảy liên tục rất khó thở. Ngoài ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thì căn bệnh này còn gây cho cháu rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt và học tập. Thương con, vợ chồng tôi cứ nghe nói có thầy thuốc nào, bài thuốc nào chữa bệnh cho con dù xa xôi mấy cũng lặn lội đến. Suốt nhiều năm đưa con đi điều trị ở khắp các bệnh viện nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm”.
Khoảng đầu năm 2003, một lần ông Đảnh tình cờ gặp một đồng đội cũ từng cùng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Khi biết những vất vả của gia đình bạn trong việc điều trị cho con trai, người này đã chỉ cho chú Đảnh một bài thuốc rất mà trước khi  đóng quân ở Tây Nguyên đã được đồng bào dân tộc tốt bụng chỉ cho khi thấy mình bị xoang nặng. Bản thân người này sau khi áp dụng đã khỏe mạnh, hết bệnh từ đó đến nay.
Bài thuốc này kỳ thực rất đơn giản, chỉ duy nhất một vị thuốc là cây giao. Phương pháp chữa bệnh cũng rất dễ dàng, người bệnh chỉ việc đun cây giao tươi lên và xông. Chỉ sau hơn một tháng dùng loại thuốc tự chế này, căn bệnh dai dẳng và “cứng đầu” của con trai ông Đảnh đã hết hẳn. Người thanh niên này đang học tập và làm việc tại Úc, sống trong mùa đông lạnh và khắc nghiệt của xứ sở “chuột túi” nhưng căn bệnh vẫn không tái phát.
Từ khi con trai khỏi bệnh, trong những lần đi tập dưỡng sinh, sinh hoạt các câu lạc bộ, bà Phúc đã phổ biến bài thuốc này cho người quen và rất nhiều người nhờ đó đã khỏi bệnh. Nhiều năm chứng kiến nỗi khổ của con trai khi phải sống chung với căn bệnh khó chịu, ông bà quyết tâm giúp những người bị bệnh như con trai mình tìm lại sức khỏe.
Khi bài thuốc được phổ biến rộng rãi, nhiều người tìm đến gia đình để xin bài thuốc, cây thuốc. Ngôi nhà ống giữa đất Sài Thành không có không gian để trồng cây nên để giúp đỡ những người bệnh, nên có mấy năm ròng, mỗi tuần ông bà lại thuê một chiếc xe 16 chỗ chạy ra Ninh Thuận, Bình Thuận chở đầy một xe cây giao về phát cho mọi người.
Thời gian gần đây do tuổi cao, vợ chồng ông bà không thể đi xa lấy thuốc cho mọi người nên bỏ thời gian soạn hẳn một quy trình đầy đủ từ mô tả cây, công dụng, cách làm, tác dụng, lưu ý … và mỗi người bệnh tìm đến đều được biếu một bản quy trình này.
Chi tiết quy trình diệt bệnh xoang bằng cây giao
Điều đầu tiên trong bài thuốc này, ông Đảnh nhấn mạnh: “Do cây giao thuộc họ xương rồng, có mủ đục có hại cho mắt nên trong mọi thao tác làm thuốc (cắt, bẻ…) nhất thiết phải thật cẩn thận, tránh để mủ này dính vào mắt (có thể mang kính), tránh trường hợp mủ có khả năng làm hại, đui mắt.
Những dụng cụ nhất thiết phải có để chữa bệnh xoang gồm: 1. Một ấm nước nhỏ (bằng kim loại, sành sứ đều được và lưu ý sau này không dùng ấm này để nấu nước uống vì sợ độc). 2. Lấy một tờ lịch treo tường loại lớn quấn xéo lại thành một cái ống dài. Lưu ý ống phải dài khoảng 50cm, nếu ngắn quá thì hơi sẽ quá nóng, dễ bị phỏng da; còn nếu dài quá thì hơi không đủ mạnh để hít. Ống phải quấn sao cho một đầu vừa miệng vòi ấm, còn một đầu nhỏ hơn dùng để hít. Nếu có ống tre hay trúc được thông lỗ giữa các đốt cây thì tốt hơn, nhưng không được dùng loại ống bằng nhựa bởi dễ nóng chảy.
Bài thuốc xông mỗi ngày gồm một chén (bát) nước và khoảng 70gr cây. Nếu không có cân thì có thể đếm khoảng 15-20 đốt cây thuốc cho một ngày dùng. Thường buổi sáng dùng phần lớn lượng cây thuốc trong phần thuốc của cả ngày, chừa lại một vài nhánh nhỏ để đến chiều bổ sung lượng thuốc đã bốc hơi.

Cây Giao
 Nếu dùng một lần một ngày thì trọn phần thuốc đã định vào một lần. Cắt nhỏ các đốt cây thành cỡ một nửa đốt ngón tay rồi thả vào ấm. Nên cắt cây ngay trên miệng ấm để cho mủ cây nhỏ vào ấm càng tốt. Sau đó đặt ấn lên bếp, nên sử dụng loại bếp có chức năng tăng giảm lửa như bếp ga mini. Đầu tiên vặn lửa thật lớn cho nước trong ấm sôi sùng sục. Khi thấy hơi xông ra nhiều từ vòi ấm thì bớt lửa đến cực nhỏ, canh sao cho hơi vẫn còn bốc ra nhẹ ở vòi ấm. Kế tiếp đưa một đầu ống đã quấn vào vòi ấm, còn một đầu cho vào mũi để hít hơi xông lên.
Thời gian xông là hai lần trong một ngày (nên sử dụng vào sáng và tối). Thuốc đã dùng buổi sáng nên để dành và hâm lại dùng buổi tối. Khi hâm dùng lần hai thì nhớ bổ sung thêm một ít nước cùng vài đốt cây mới. Sau đó đổ bỏ, hôm sau lại làm liều thuốc mới. Hai hôm đầu xông mỗi lần 20 phút, từ ngày thứ 3 - 5 mỗi lần 25 phút, sau đó xông 30 phút mỗi lần và duy trì như vậy cho đến hết bệnh. Khi bệnh đã khỏi, nên xông củng cố thêm vài lần, mỗi lần 45 phút rồi mới nghỉ hắn. Trẻ em nên xông với thời gian ngắn hơn so với người lớn, để khi quen dần mới tăng thời gian lên.
Theo ông Đảnh, nên xông kiên trì cho đến khi hết hẳn, bệnh nặng có thể xông đến khoảng 30 ngày. Sau đó duy trì thêm một vài lần cho chắc ăn rồi ngưng, không nên lạm dụng. Về sau, nếu có tái phát mới xông tiếp. Có nhiều trường hợp bệnh nặng lâu năm, khi xông đã khỏi bệnh lâu dài.
Kinh nghiệm bản thân của vị kỹ sư về hưu này cho thấy hễ bệnh càng nặng thì khi xông sẽ càng thấy có hiệu quả nhanh, bình thường chỉ sau từ 2 - 4 lần xông sẽ thấy bệnh thuyên giảm rõ. Nếu xông quá lâu mà vẫn không có chút kết quả gì thì chỉ có thể là cơ thể người bệnh không “chịu thuốc” hoặc là đã lấy không đúng giống thuốc hay sử dụng không đúng cách. Những trường hợp này nên ngưng dùng. Qua nhiều năm tiếp xúc với nhiều người bệnh xoang, ông Đảnh khẳng định: “Tỉ lệ khỏi bệnh là rất cao, khoảng trên 90% người đã dứt bệnh xoang khi xông mũi bằng cây giao.”
Ông Đảnh lưu ý: “Người mới xông có thể gặp các biểu hiện sau: Có người xông vào thấy thông mũi, nhẹ đầu, dễ chịu và khỏi bệnh nhanh chóng. Có người 2 - 3 hôm đầu thấy sổ mũi nhiều, khó chịu nhưng tiếp tục xông sẽ qua khỏi và êm dần cho đến khi hết bệnh. Có một số bệnh nhân viêm xoang sàng sẽ thấy bớt đau ở cổ và vai nhưng dồn lên đau nhiều ở đầu nhưng chừng 2 - 3 hôm sau cơn đau sẽ dịu dần; khi xông tiếp sẽ hết đau rồi hết hẳn bệnh”.
Một lưu ý cuối cùng: Bài thuốc này không được dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Cây giao là một loại cây thuộc họ xương rồng, không lá, không gai (Có nơi còn gọi là cây nọc rắn, cây càng tôm, cây xương khô, xương cá hay cây san hô xanh...). Cây mọc hoang ở nhiều nơi, ở thôn quê cây thường được trồng làm hàng rào.
Thân chỉ gồm nhiều đốt tròn có đường kính như chiếc đũa, màu xanh, có độ dài không đều, mọc tua tủa ra các phía. Lá nhỏ, hẹp, rụng sớm, thường chỉ có cành nhánh trơ trọi. Thân khi bẻ ra thấy nhiều mủ màu trắng đục như sữa, và chính mủ này là vị thuốc trị bệnh xoang.
Cây dễ trồng, có thể cắt cành và giâm xuống đất ẩm. Sau khi giâm, người ta tưới nước vừa phải mỗi ngày, sau vài ngày thì cây sẽ bén rễ, rồi dần sẽ nảy nhánh con, phát triển tốt.

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

HỌC BÁC ĐỂ SỐNG ĐẸP CỦA CHỊ CHI HỘI TRƯỞNG PHỤ NỮ



Chị Tạ Thị Hiệp (1973) - Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Thuận An, Ủy viên BCH Hội LHPN xã Duy Nghĩa là một trong những điển hình về thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ở huyện Duy Xuyên, được các cấp ủy Đảng, các đoàn thể biểu dương, khen thưởng nhiều năm.
           Với đặc điểm của một vùng đất cát nghèo như Duy Nghĩa, đời sống kinh tế của đại đa số nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, chị Tạ Thị Hiệp cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Sau khi lập gia đình với anh Đặng Văn Thành (cùng ở xã Duy Nghĩa), cuộc sống gia đình ban đầu rất vất vả. Anh Thành ngày ngày đi khai thác củi dương liểu thuê ở địa phương, chị tần tảo với nghề buôn bán nhỏ tại chợ Nồi Rang cũng như các chợ lân cận để mưu sinh và phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống khốn khó cứ trôi dần qua năm tháng trong sự thiếu vốn, thiếu thông tin để làm giàu nhưng chị luôn nêu cao quyết tâm cùng chồng vượt qua. Lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” mà chị cảm nhận được từ thời còn trẻ như nhắc nhở và thôi thúc chị vươn lên trong cuộc sống. Mỗi ngày, chị thức dậy từ sáng sớm để chở hàng tạp hoá mua được đến các chợ cho kịp phiên để bán kiếm lời. Chiều về, chị lặn lội đến các nơi để mua hàng cho ngày mai. Số tiền thu được hằng tháng tằn tiện lắm cũng vừa đủ chi tiêu cho cái ăn, cái mặc trong nhà. Tuy cuộc sống vất vả, nhưng chị luôn biết dành những khoảng thời gian ít ỏi còn lại ngoài công việc để chăm sóc gia đình, động viên chồng nổ lực phấn đấu để có nguồn kinh phí tích lũy, dành thời gian nhắc nhở con học hành chăm chỉ để vững vàng bước vào đời.
              Là hội viên, cán bộ của tổ chức Hội Phụ nữ, chị Tạ Thị Hiệp luôn tham gia sinh hoạt đầy đủ các buổi hội họp, sinh hoạt, học tập chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Hội, nắm được quyền và nghĩa vụ của người hội viên đối với tổ chức mà mình tham gia. Với chị, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc thì phải là một công dân tốt, nắm bắt đầy đủ, chính xác các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào thực tế cuộc sống. Đây là điều kiện tốt để nâng cao kiến thức cuộc sống của cá nhân, từ đó, xây dựng cho mình hướng đi thích hợp để xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội. Trong các buổi sinh hoạt, hội họp của Hội Phụ nữ, chị luôn luôn quan tâm đến các phong trào thi đua của Hội các cấp phát động, nhất là các gương điển hình về vượt khó vươn lên của các cá nhân tại địa phương cũng như trong huyện, trong tỉnh để học tập.
            Khi chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hoá các loại hình sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế tại xã Duy Nghĩa, chị đã bàn bạc cùng chồng và đi đến quyết định chuyển đổi ngành nghề, khai thác tốt thế mạnh của địa phương ven biển vốn có nguồn thủy, hải sản dồi dào và nghề khai thác, chế biến vốn nổi tiếng từ lâu đời. Chị Hiệp từ công việc buôn bán nhỏ lâu nay chuyển sang đầu tư mở cơ sở chế biến hải sản ở địa phương. Tuy có thuận lợi là nguồn sản phẩm đầu vào có sẵn tại chỗ, ít vận chuyển, thu gom nhưng công việc mới, thông tin về thị trường, kỹ thuật chế biến, chất lượng sản phẩm làm ra luôn là những đòi hỏi mang tính sống còn đối với gia đình chị. Quyết tâm “đào núi và lấp biển” một lần nữa lại trỗi dậy, chị tiếp tục lặn lội tìm kiếm đến các mô hình chế biến hải sản ở khắp nơi, vừa để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, vừa làm quen để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với chồng, chị vào đến tận Quảng Ngãi, Nha Trang, Bình Thuận, ... là những nơi có ngành nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh và là nơi vợ chồng chị có một số người thân, quen để tìm hiểu, học hỏi. Với sự cố gắng không biết mệt mỏi, sau một thời gian, vợ chồng chị học được kỹ thuật chế biến, đồng thời đã đặt mối quan hệ làm ăn lâu dài với Công ty thuỷ sản Nha Trang về việc tiêu thụ sản phẩm.
            Công việc ban đầu của cơ sở chế biến cũng hết sức khó khăn do nguồn vốn đầu tư khá lớn. Nhiều năm lao động vất vả của vợ chồng chị cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu. Chị lại tất tả đi vay mượn của bà con xung quanh, thấy anh chị chí thú làm ăn, lại quan hệ tốt với chòm xóm nên mọi người cho chị mượn được nguồn vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng. Hội LHPN, địa phương xã Duy Nghĩa cũng đã hướng dẫn chị lập thủ tục, vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện từ nguồn vốn giải quyết việc làm được 150 triệu đồng. Có được nguồn vốn ban đầu, chị đã mua sắm trang thiết bị và mua nguyên liệu để thực hiện khát vọng chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh của mình. Lúc đầu mới sản xuất thí điểm, chị Hiệp thường thức dậy từ 03 giờ sáng hằng ngày để ra bến sông chờ đón các ghe, tàu đánh bắt cá vào bến để mua thuỷ, hải sản làm nguyên liệu sản xuất. Có hôm tàu thuyền về muộn, đến tối mịt  mới mua được hàng đem về, chị cùng gia đình, người thân thức trắng đêm để chế biến cho đúng theo qui trình kỹ thuật.
            Thấu hiểu và chia sẻ với điều kiện nghèo khó của chị em phụ nữ trong xã qua chính nổi gian truân, vất vả của mình nên ngay khi cơ sở đi vào hoạt động, chị đã mời gọi được 15 lao động nữ tại địa phương, chủ yếu là các chị em không có việc làm, gia đình nằm trong diện nghèo khó để giúp cho chị em có việc làm và thu nhập. Khi cơ sở ngày càng ăn nên làm ra, chị đã đầu tư nguồn vốn mở rộng qui mô sản xuất, thu hút trên 70 lao động là những chị em phụ nữ nghèo khó, chưa có việc làm tại địa phương nhằm chia sẻ khó khăn của các chị em phụ nữ nghèo trong cuộc sống. Hiện nay, mức thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi chị từ 3 đến 4 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Xí sống tại thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa đã 60 tuổi, gia đình còn khó khăn được chị Hiệp nhận vào làm tại cơ sở chế bến thuỷ sản Thành Hiệp với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này cũng góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình bà.  
Khi các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Tạ Thị Hiệp càng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người hội viên phụ nữ trong mọi hoạt động của Hội, của địa phương. Chị dành nhiều thời gian để tham gia vào công tác xã hội, đặc biệt là việc nêu gương về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Chị tích cực làm việc từ thiện để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống tại cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay, hàng năm chị đi quyên góp từ các nơi và dành phần tiền tiết kiệm của mình để tặng từ 100 đến 150 xuất quà/ năm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ ốm đau, hoạn nạn, ... với trị giá mỗi xuất quà là 150.000 đồng vào dịp 8/3, 20/10 và tết Nguyên Đán. Nhìn những cảnh sống bất hạnh, khó khăn của một số chị em trong địa phương, chị luôn tự nhủ với chính mình phải làm gì để góp phần cùng với xã hội giúp đỡ những mảnh đời này vượt qua những khó khăn, bất trắc như những việc làm của Bác Hồ mà mình đã được học và nghe kể lại. Năm 2007, chị đến bệnh viện Hội An để khám bệnh, nhìn thấy chị Truyện - người cùng địa phương đang vật vả trên giường bệnh nhưng không có tiền để điều trị theo yêu cầu của bác sĩ (gia đình chị Truyện thuộc diện nghèo khó, con đông nên kinh tế rất khó khăn, không có tiền để mua máu để điều trị bệnh). Chị Hiệp đã đi quyên góp và hỗ trợ kinh phí để chị Truyện mua 02 đơn vị máu theo yêu cầu chữa bệnh của bác sĩ. Chị Truyện đã qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Chị Hiệp cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì việc làm của mình đã góp phần cứu sống một mạng người. Từ đó, mọi hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện ở địa phương, chị đều tham gia rất tích cực, đã giúp đỡ được nhiều trường hợp vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Năm 2009, biết được nhiều chị em hội viên phụ nữ trong chi hội còn sống trong những căn nhà tạm, dột nát, chị bỏ công đi các nơi ở Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, ... để quyên góp nguồn kinh phí, hỗ trợ chị em xây dựng lại nhà ở cho chị em phụ nữ nghèo trong chi hội với số tiền là 10 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Ái Linh sống ở thôn Thuận An, người được chị Hiệp giúp kinh phí xây dựng nhà và nhận vào làm việc tại cơ sở Thành Hiệp bày tỏ lòng biết ơn của mình: “Chị Hiệp là ân nhân của gia đình em, cưu mang giúp đỡ gia đình em để có được nơi ăn, chốn ở và việc làm, nhờ vậy mà cuộc sống ngày càng được cải thiện tốt hơn”. Vừa qua, chị vận động các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã và bỏ phần kinh phí tiết kiệm của mình để tặng 02 sổ tiết kiệm cho 02 cháu mồ côi ở địa phương.
             Thời gian cho công việc phát triển kinh tế gia đình và công tác nhân đạo khiến chị rất bận rộn, nhưng với sự tin yêu của hội viên phụ nữ trong chi hội, chị được bầu vào các chức danh Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thuận An. Thời gian của chị Hiệp càng thêm bận rộn hơn. Với chị, khi đã được sự tín nhiệm, tin tưởng của chị em thì phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho xuất sắc. Trên cương vị người đứng đầu của chi hội, chị luôn lo toan, trăn trở làm thế nào để chi hội đạt và giữ vững danh hiệu thi đua chi hội xuất sắc. Từ suy nghĩ đó, chị đã bàn bạc với các chị tổ trưởng đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình làm kinh tế, giúp đỡ phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Trong 2 năm qua, chi hội phụ nữ thôn Thuận An đã nhận đỡ đầu 01 cháu có bố bị bệnh AIDS qua đời với mức trợ cấp mỗi tháng 100.000 đồng. Hằng năm còn tặng được 05 sổ tiết kiệm cho các chị phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với tấm lòng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đối với những mảnh đời bất hạnh, chị Hiệp luôn nêu gương sáng trong công tác xã hội, nhân đạo từ thiện, được UBND xã, Hội LHPN xã Duy Nghĩa, Hội LHPN huyện Duy Xuyên tặng giấy khen cho những đóng góp đầy tính nhân văn trong các hoạt động. Trong Hội nghị tuyên dương các điển hình học tập và làm theo Bác của huyện, chị được  UBND huyện tặng giấy khen. Đặc biệt, chị được chọn là gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2013 tham dự Hội nghị biểu dương do Trung ương Hội LHPN tổ chức vào ngày 02/10/2013 tại Hà Nội và được tặng bằng khen. Ngoài ra, chị còn được Hội phụ nữ huyện công nhận danh hiệu Cán bộ Hội giỏi 5 năm liền.
             Từ một người phụ nữ nghèo khó, vào đời với đôi bàn tay trắng để lập nghiệp rồi vươn lên làm giàu, góp phần giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó trong cuộc sống, chị Tạ Thị Hiệp xứng đáng là một điển hình trong việc học Bác để sống đẹp, xứng đáng là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng, nhân dân nói chung học tập, tôn vinh.

                                                    Trần Thị Minh Yến - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện 

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG TẬN TỤY



Người dân thị trấn Nam Phước nói riêng, du khách có dịp đến ngã ba Nam Phước nói chung đã từng chứng kiến và khá quen thuộc với hình ảnh anh thợ sửa khoá Lê Văn Thịnh tay cầm tấm biển đỏ, dẫn dắt các cụ già, trẻ em qua đường khiến nhiều người hết sức cảm phục. Gặp anh Thịnh vào một ngày oi bức, tôi ấn tượng với một người đàn ông ít nói nhưng ánh mắt luôn chứa đựng nhiều nhiệt tâm. Đôi bàn tay thô ráp vì hằng ngày phải liên tục mài, dũa, cắt chìa, sửa khóa cho khách hàng để kiếm cái sinh nhai. Nhưng cũng chính đôi tay này đã dìu dắt không biết bao nhiêu cụ già, học sinh, trẻ em ở ngã ba Nam Phước sang đường an toàn. Nhiều người đã nhận xét: “Trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống, ai nấy đều dồn thời gian cho công việc, sinh hoạt của mình thì hình ảnh anh thợ sửa khoá Lê Văn Thịnh là một hình ảnh đẹp, cần được tôn vinh, biểu dương và khen ngợi”!
Ngã ba Nam Phước, huyện Duy Xuyên là một trong những vị trí trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Đây là nơi giao nhau giữa tỉnh lộ 610 và Quốc lộ 1A nên mật độ xe cộ, người tham gia giao thông rất đông đúc khiến tình hình giao thông diễn biến rất phức tạp. Tiệm cắt chìa, sửa khóa của anh Thịnh nằm bên lề đường, gần với ngã ba Nam Phước nên anh đã chứng kiến nhiều vụ va quẹt, tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày ở đây. Nhiều cụ già tuổi cao, chân yếu, mắt mờ đi qua đường đã rất khó khăn nhưng vô cùng nguy hiểm; trẻ em, nhất là học sinh của trường Tiểu học số 3 Nam Phước lúc bãi trường mà người nhà chưa đón kịp, các em tự đi qua đường không kịp quan sát kỹ rồi bị xe tông, ... Những cái chết thương tâm, những thương tật không đáng có để lại trên thân thể các cụ, các cháu đã gieo vào lòng anh Thịnh nổi xót xa, ray rức. Anh thường xuyên trăn trở: Mình phải làm gì để góp phần giảm bớt tai nạn giao thông ở đây, nhất là tai nạn với các cụ già, trẻ em? Nổi niềm ấy đã thôi thúc anh thực hiện ý tưởng làm người dẫn đường cho các cụ, các cháu. Công việc này đã được anh thực hiện hơn 15 năm nay một cách âm thầm và tự nguyện. Điều quan trọng nhất với anh là góp phần làm giảm bớt nổi bất hạnh trong từng gia đình, chung tay xây dựng cuộc sống xã hội ngày một an toàn, tươi đẹp hơn!
Nghề sửa khoá, làm chìa là nguồn sống chính của bản thân anh cùng gia đình. Trong công việc, anh luôn luôn cần mẫn, chi li từng chi tiết nhỏ nên khách hàng rất vừa lòng. Tuy vậy, thu nhập hằng ngày của vợ chồng anh Thịnh cũng chỉ đủ cho chi tiêu tằng tiện trong gia đình. Anh yêu nghề và yêu luôn công việc làm người dẫn đường của mình. Tay thoăn thoắt cắt chìa, sửa khoá nhưng mắt anh thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn xem có ai đang cần mình giúp đỡ không. Thấy một cụ già hay một em bé đang lúng túng nhìn dòng xe chạy là ngay lập tức anh bỏ dở công việc đang làm để giúp. Đã hơn mười lăm năm “hành nghề” dắt người già và trẻ em sang đường, anh Thịnh đã rất thân thiết với những em học sinh trường Tiểu học số ba Nam Phước. Có những em nhỏ được anh dắt sang đường đi học những ngày đầu tiên giờ đã vào đại học. Mỗi buổi tan trường về, người đi đường thường nghe giọng trẻ con ơi ới gọi: “Chú Thịnh”, “Chú Thịnh”! thì người thợ sửa khoá lại tức tốc sang dẫn các cháu qua đường. Các em cười đùa vui vẻ vì an tâm đã có chú Thịnh quan sát xe cộ trên đường. Bàn tay nhỏ nhắn của các em nằm gọn trong đôi bàn tay thô ráp của chú thợ sửa khóa với niềm tin tưởng và yêu mến. Anh Thịnh ân cần như một người cha mà cũng gần gũi như một người bạn của trẻ nhỏ. Tâm sự về công việc của mình, anh bảo đó là chuyện đơn giản trong cuộc sống, nhưng là một phần không thể thiếu trong ngày. Làm riết rồi quen nên đi đâu cũng nhìn xem có ai cần sang đường hay không. Nhiều người không biết, cười anh làm việc không đâu, bảo anh khi không lo việc thiên hạ, các em đã có phụ huynh đưa đón rồi nhưng anh chỉ cười trừ, có những điều nhìn từ bên ngoài làm sao mà hiểu hết.
Dắt người già, trẻ em sang đường - công việc mới nghe tưởng chừng như dễ dàng, đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có một sự kiên nhẫn, lòng yêu thương, tâm huyết mới có thể làm được. Nhiều lúc công việc nhiều, khách hàng đứng chờ và hối thúc liên tục, nhiều người cằn nhằn vì đợi quá lâu nhưng anh ôn tồn bảo: “Không dắt tụi nhỏ qua, lỡ có chuyện gì mình hối cũng không kịp”. Những người này dần cũng hiểu và thông cảm với anh. Không kể một người hay nhiều người cần sang đường, anh Thịnh đều nhiệt tâm và ân cần giúp đỡ, không chờ đợi, nề hà vì phải bỏ dở công việc của mình. Anh Thịnh cho đi tình yêu thương của mình và cũng nhận lại được sự kính trọng của các cha mẹ học sinh. Có anh họ yên tâm mỗi khi con mình tan học mà chưa đến đón kịp; có anh các cháu sẽ biết đi đúng luật giao thông, biết cùng nhau đoàn kết khi sang đường. Anh Phạm Quang Năm - bạn thân nhiều năm của anh Thịnh cho biết: thỉnh thoảng lại thấy anh Thịnh có những quả ổi, quả xoài, hỏi ra mới biết đó là do các em học sinh được anh dắt sang đường biếu để bày tỏ lòng biết ơn! Anh Thịnh không bao giờ nhận quà biếu của phụ huynh học sinh, bởi theo anh đây là công việc chung mà bản thân anh phải có trách nhiệm góp công sức vào thực hiện. Anh Năm còn cho biết thêm: “Nó ít nói về bản thân lắm, cái tính lâu nay là vậy! nó giờ chỉ ước ao phía bên kia ngã ba cũng có một người dẫn đường như nó”.
Mặt trời đã lên cao nhưng anh Thịnh vẫn nán lại cho hết giờ học để dẫn học sinh sang đường rồi mới về ăn trưa. Dù một ngày dẫn hàng chục cháu qua đường nhưng anh bảo vẫn chưa hết run bởi anh cần tập trung cao độ, tuyến đường này giao thông rất phức tạp. Hiểu được tấm lòng thiện nguyện của anh, công an thị trấn Nam Phước đã làm một tấm biển “Nhường đường cho người già và trẻ em” để anh thuận tiện hơn trong công việc của mình.
Cứ như thế, giữa ngược xuôi dòng người, anh Thịnh - Người dẫn đường vẫn âm thầm làm công việc của mình. Người dẫn đường ấy đã đưa các em đến bờ của sự an bình và cũng là bến bờ của tình người. Việc làm hôm nay của anh Thịnh sẽ mang nhiều ý nghĩa trong tương lai khi những mầm non ấy bước vào đời. Để rồi hằng ngày ở ngã ba Nam Phước này, người ta vẫn thấy nụ cười hồn nhiên của các em đi ngang qua bao nổi lo toan, vất vả của cuộc sống xã hội ngoài kia./.
                                                                                  Hà Dung-BTG Huyện ủyDuy Xuyên

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Thư sám hối gửi vợ ngày 8/3

Cuộc sống khó, khổ nhưng nàng luôn bên hắn, không lời oán than kẻ đã không lo nổi cho vợ dù chỉ là mái nhà đủ để tránh nắng mưa. Nhưng hắn vẫn chứng nào tật nấy, sáng sớm đến cơ quan, tối muộn mới mò về cùng vô vàn các lý do này nọ.
Họp hành rồi công việc, ăn trưa, về đến phòng vừa ngó cái máy tính đã thấy dòng tít nóng hổi “hôm nay là hôm nào, tháng này là tháng nào”. Thấy hoa hết mắt mũi. Trời ạ, hôm nay là kỷ niệm 6 năm ngày cưới mà ta đã “dám quên”. Lần này có lẽ nàng sẽ ăn thịt ta mất. Hắn vội vã alo cho nàng để hy vọng gỡ gạc tí nào hay tí nấy. Ai dè chưa kịp nói gì đã thấy nàng khúc khích: “Khẽ chứ, con bé còn đang ngủ”. Hóa ra nàng lại tiếp tục không truy cứu tội lỗi của hắn. Bao nhiêu lần như thế rồi.
Hôm trước có dịp ngồi với một ông già 87 tuổi, được nghe cụ phán một câu thật chí lý: “tôi sống đến ngần này tuổi rồi thấm thía một chân lý rằng tuổi nhỏ thì sợ mẹ cha, lớn lên sợ vợ, về già sợ con”. Hắn bây giờ cũng đang chìm đắm trong 2 cái sợ thường trực: sợ ông bà không chăm cháu và sợ vợ không nuôi. Thế nên, mỗi khi các ngài ấy khẽ dậm chân một cái là hắn đã tim đập chân run rồi. Nhưng làm sao nên cơ sự như thế chứ?
Hắn quyết định hy sinh một giấc ngủ trưa bắt đầu suy nghĩ. Sợ ông bà thì thật đúng rồi và chẳng có gì phải bàn cả. Đến chuyện ông bà dẫm phải cái gai mùng tơi mà hắn còn hết hồn, huống chi là... Còn tại sao hắn sợ vợ nhỉ? 5 năm trước, nàng theo hắn ra Bắc bắt đầu cuộc sống làm vợ, bỏ lại sau lưng một gia đình ấm êm mà chưa lúc nào rời xa, bỏ lại một công việc thật tốt giữa thành phố Sài Gòn. Để rồi nàng được nhận lại những gì nhỉ?
Một căn phòng trọ tạm bợ đã được thuê; một công việc với mức lương giảm đi hơn nửa? Hay là việc ngày lại ngày thui thủi đi đi về về căn phòng trọ ấy không một lời kêu than và chỉ bật khóc khi nửa đêm kẻ trộm soi đèn vào phòng hoặc việc cạy khóa lấy đi bộ máy tính với những tài liệu quý giá? Trong khi đó hắn thì sao? Vẫn tiếp tục cuộc sống cũ với công việc chẳng đâu vào đâu, chiều chiều lang thang bia bọt, tối tối lại dạo cafe với mấy ông bạn dày ăn mỏng làm. Nàng đã không hề trách cứ.
Rồi nàng quyết định về Nam Định khi không thể tiếp tục cuộc sống như thế này mãi. Hai đứa tìm mua một căn nhà cấp 4 bé tí tẹo dột nát làm tổ ấm riêng tư khi trong tay chỉ có vỏn vẹn vài triệu đồng. Những đêm mưa, hai vợ chồng mắt nhắm mắt mở ôm chăn, kéo giường chạy quanh nhà, lâu dần thành quen. Hay chuyện sau mỗi trận bão lại thêm những vạt ngói rơi như để thêm phần rôm rả. Cuộc sống khó, khổ nhưng nàng vẫn luôn bên cạnh hắn, không lời oán than một kẻ đã không lo nổi cho vợ dù chỉ là mái nhà đủ để tránh nắng mưa.
May thay, cuộc sống khó khăn dần dần cũng qua. Những tháng ngày miệt mài đèn sách đã đền đáp cho nàng thi đâu đỗ đó. Hai vợ chồng đã có một công việc được gọi là ổn định dù mức lương theo đúng nghĩa ba cọc ba đồng. Những con lợn tiết kiệm giúp ngôi nhà bớt dột hơn. Tình yêu đơm hoa kết trái khi bé Su ra đời.
Nhưng tưởng sẽ tỉnh ngộ, nhưng hắn vẫn chứng nào tật nấy. Sáng sớm đến cơ quan, tối muộn mới mò về cùng vô vàn các lý do này nọ. Nàng vẫn chỉ cười xòa, bao dung. Nàng cứ như một cỗ máy chăm sóc trẻ em hoạt động đêm ngày không biết mệt mỏi. Gần một năm trời nàng đã quên mất giấc ngủ trưa, trong khi ấy thỉnh thoảng hắn lại vênh váo với nàng vì “hôm nay tớ yêu con được 5 phút rồi nhé”.
Thế đấy, đó là rất ít trong nghìn triệu các lý do để hắn sợ vợ. Và bây giờ hắn đang ngồi đây để đăm chiêu, sám hối. Cám ơn các mẹ, cám ơn vợ đã cho hắn cuộc sống đầy ý nghĩa biết bao. Ngày 8 tháng 3, cầu chúc cho các mẹ, các chị luôn luôn hạnh phúc khi được là nỗi khiếp sợ của những người đàn ông như hắn.


Văn Phúc - VnExpress.net – 10:25 ICT Thứ sáu, ngày 08 tháng ba năm 2013

Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Cám ơn em nhiều lắm nghen bà xã…


Vợ bệnh mới mấy ngày mà tôi muốn điên thật rồi. Thậm chí bây giờ, cái chuyện ăn cơm tối xong, ngồi bắt tréo chân xỉa răng, coi thời sự trên tivi cũng trở thành “ham muốn tột bật”…
 Nhìn vợ trùm mền rên hừ hừ và run rẩy, tôi hết sức bực mình. Tự dưng rồi lại lăn đùng ra ốm là sao? Lớn đầu rồi, lẽ ra phải biết dầm mưa đầu mùa rất dễ bị bệnh, quên áo mưa thì phải đứng đâu đó chờ cho hết mưa rồi mới về chớ?
Bệnh nằm một chỗ rồi cơm nước, chợ búa ai lo? Con cái ai đưa rước, kèm học? Nhà cửa ai dọn dẹp, lau chùi? Quần áo ai giặt ủi? Vô bếp thì không biết chai nào là nước tương, chai nào là dầu hào, chai nào là nước mắm, chai nào là dấm ăn… Cả chuyện đổ rác cũng trở nên phức tạp. Và còn biết bao nhiêu chuyện có tên và không tên khác.
Tôi thật sự thấm thía “tổn hại” của chuyện vợ bệnh khi chiều thứ bảy không thể đi nhậu với bạn bè. “Bả bịnh rồi, tui phải đi rước mấy đứa nhỏ”- tôi miễn cưỡng trả lời mấy anh bạn.
Mà đâu phải chỉ có chiều thứ bảy? Cả những ngày khác trong tuần tôi cũng chẳng còn thong dong đi sớm để cà phê, cà pháo. Buổi trưa cũng vậy. Ngồi làm việc mà mắt cứ ngó chừng đồng hồ, không thể nào tập trung. Vậy mà có hôm còn rước trễ khiến thằng út cằn nhà: “Mẹ không bao giờ đón con trễ như ba”.
Không chỉ bị nó phê bình vì đón trễ mà nấu ăn nó cũng chê, giặt quần áo không vò kỹ mấy chỗ bẩn nó cũng trách, ủi quần áo sơ ý 2-3 li nó cũng cằn nhằn, giải không nổi bài toán lớp 5 của thằng lớn thì nó bảo chắc hồi trước đi mua bằng…
Vợ bệnh mới mấy ngày mà tôi muốn điên thật rồi. Thậm chí bây giờ, cái chuyện ăn cơm tối xong, ngồi bắt tréo chân xỉa răng, coi thời sự trên tivi cũng trở thành “ham muốn tột bật” và “hạnh phúc lớn nhất cuộc đời”. Bởi giờ đây, sau bữa cơm là dọn dẹp, rửa chén, lau bếp, bỏ quần áo vô máy giặt, xếp quần áo khô, ủi đồ cho 3 cha con, trả lời thằng lớn, giải đáp cho thằng bé…
Chỉ duy nhất một việc tôi làm không bị chê là nấu cháo cho vợ. Đó là công việc đơn giản nhất trên đời. Chỉ cần nấu gạo cho nhừ, bỏ thịt vô; nêm nếm mắm, muối, hành, tiêu rồi múc ra. Chỉ đơn giản vậy thôi mà bà xã tôi sung sướng ăn một hơi hết chén cháo và còn khen ngon.
Tôi bảo thằng út: “Đó, con thấy chưa? Cháo ba nấu tới đầu bếp số 1 trong nhà còn khen ngon”. Thằng út nghe vậy, hí hửng xin một chén. Nhưng nó vừa múc một muỗng cho vô miệng đã phun “phèo” và la lên: “Trời ơi, mặn dữ vậy ba?”. Ừ thì hồi nãy rót nước mắm ra vá để nêm lỡ tay rót hơi nhiều, đổ vô thì mắc công nên tôi cho hết vô nồi cháo.
Nói chung thì tôi đúng là một gã vụng về nhưng tôi trót làm đàn ông thì biết làm sao được? Đàn ông vá trời lấp biển chứ có phải sinh ra để làm những chuyện tủn mủn bếp núc đâu?
Tôi vẫn mang cái suy nghĩ ấy cho đến ngày có mấy cô đồng nghiệp của bà xã đến thăm. Các cô mang theo tiền lương vừa mới lãnh dùm cho bà xã. Vợ tôi đưa cả cho tôi: “Anh giữ để đi chợ, đóng tiền học cho con”. Tôi liếc chừng xấp tiền, lòng đầy thắc mắc: Tiền lương của vợ tôi sao… dầy quá vậy? Và tôi sốt ruột chờ khách ra về để khám phá bí mật về tiền lương của vợ mà bấy lâu nay tôi vốn xem thường.

Tôi thật sự không tin vào tay mình, mắt mình: Tiền lương đợt 2 của vợ tôi là 18 triệu; tạm ứng đợt đầu 5 triệu đồng. Tôi lắp bắp: “Sao… sao… lương của em nhiều vậy?”. Vợ tôi cười: “Thì hồi nào tới giờ vẫn vậy mà anh? Tháng nào em cũng được thưởng năng suất”.
Người ta nói đàn bà nhiều chuyện, còn vợ tôi sao kín miệng dữ vậy? Hóa ra cái số tiền 8 triệu hằng tháng tôi đưa cho vợ chẳng nhằm nhò gì so với tiền lương của vợ tôi. Vậy mà lúc nào tôi cũng lên mặt, làm ra vẻ mình là trụ cột gia đình.
Tôi thật sự bối rối, không biết nói sao với vợ để xóa bỏ cái “cục quê” này nên tối đó cứ ngồi mãi bên giường vợ, hết bóp tay lại bóp chân cho nàng. Vợ tôi thấy vậy thì giục: “Anh ngủ đi để mai còn dậy sớm…”. Tôi nắm lấy bàn tay thô ráp của vợ xiết chặt: “Cám ơn em nhiều lắm nghen bà xã”. Vợ tôi chớp chớp mắt rồi mỉm cười vuốt nhè nhẹ cánh tay tôi: “Bữa nay còn bày đặt khách sáo…”.
Ừ, có lẽ vợ chồng đôi khi cũng phải khách sáo như vậy. Tôi không chỉ cám ơn bà xã đã chu toàn trong ngoài mà còn cám ơn cả cơn mưa đã làm vợ tôi ngã bệnh. Nếu không có trận ốm này thì không biết tôi còn sống trong ảo tưởng mình là… trụ cột đến bao giờ!
Trần Quang