Tìm kiếm

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Công sở: Mùa du lịch, mùa... tòm tem


Người thì xa vợ, kẻ xa chồng, đã lợi dụng những chuyến đi du lịch cùng công ty để tranh thủ "mèo mả gà đồng".
Hè đến là dịp các công ty, cơ quan tổ chức những chuyến du lịch cho toàn thể nhân viên. Thường thì những chuyến đi như thế này vừa là dịp để mọi người nghỉ dưỡng, xả hơi, vừa tạo cơ hội mọi người tìm hiểu và cảm thấy gắn bó hơn với cơ quan, đồng nghiệp. 
Tuy nhiên, bên cạnh những mục đích rất chính đáng này, nhiều chuyến du lịch của các công ty lại bị méo mó bởi trò "mèo mả gà đồng". Và không ít trường hợp, nhân viên đi du lịch về chẳng thấy được nghỉ ngơi thư thái, mà còn nơm nớp lo lắng gia đình tan đàn sẻ nghé, công việc trượt dốc không phanh chỉ vì trót nghỉ ngơi "quá đà".
Quý ông tranh thủ “ăn vụng"
Chuyến du lịch "định mệnh" cùng cơ quan tới Nha Trang hè năm ngoái vẫn chưa hết ám ảnh Nguyễn Hoàng (Cầu Giấy, Hà Nội). "Bão tố" mà Hoàng mang về từ Nha Trang suýt nhấn chìm tổ ấm gia đình anh.
Hoàng kể: “Hồi đó vợ bầu bí, sợ bụng to đi lại có vấn đề gì nên mình không dám mạo hiểm để vợ đi cùng. Mà mình lại là trường phòng, không đi không ổn. Được vợ động viên, mình hào hứng tham gia lắm, nghĩ cũng là thời gian tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn cùng anh em trong phòng”.
Điều Hoàng không lường được là sau chuyến du lịch, gia đình anh lại chao đảo bởi cuộc tình một đêm với cô nhân viên trẻ mới về phòng, có cái tên trùng hợp ngẫu nhiên: Nha Trang. Tăm tia anh trưởng phòng đẹp trai, tài cán nhưng Trang chưa có dịp nào tiếp cận. Nay thấy trường phòng “đơn thân” đi nghỉ, Trang lập tức chộp cơ hội ra tay.
Hoàng thở dài: “Mình tự nhận là người khá chuẩn mực, yêu vợ và có trách nhiệm với gia đình. Nhưng phàm đã là đàn ông thì đôi khi không vượt được ham muốn bản năng mà mắc lỗi tày đình”. Ngôi trên bãi biển lâng lâng với sóng, với gió biển Nha Trang, ngà ngà men rượu, rồi lại được cô gái “ngực to, eo nhỏ” thỏ thẻ những lời mật ngọt, Hoàng không cầm được lòng. Bao nhiêu tháng ngày “thiếu thốn” vì vợ mang bầu phải kiêng kỵ lại càng làm cho Hoàng mất kiểm soát, như có “ma xui quỷ khiến”, bãi đáp của anh và cô nhân viên trẻ là một khách sạn ven biển.
Trở về sau chuyến du lịch, Hoàng dằn vặt nhưng vẫn ngỡ mọi chuyện sẽ ngủ yên trong bóng tối. Ai ngờ cô nhân tình “thời vụ” không để anh yên thân. Cô nàng thường bóng gió dọa trưởng phòng là có clip "yêu đương mặn nồng, bao giờ anh quên em, em lại gửi cho anh xem".
Hoàng bị ép thăng chức chóng vánh cho Trang làm trưởng nhóm, rồi làm trợ lý thư ký. Chưa hết, thời gian chăm lo cho vợ bầu của anh giờ cũng phải san đôi, sẻ nửa cho Trang. “Hơi tí là cô ấy lại dọa em đang buồn nôn lắm, hình như nghén rồi. Chỉ vì một lần ăn vụng mà mình sống dở chết dở”, Hoàng thở dài ngao ngán.
Chị em tranh thủ “nổi loạn”
Những dịp một mình đi nghỉ cùng cơ quan là khoảng thời gian hiếm hoi chị em được gạt bỏ gánh nặng gia đình. Thế nhưng khi xa chồng con, nhiều chị em lại không cưỡng nổi cám dỗ và chấp nhận nổi loạn.
Những dịp một mình đi nghỉ cùng cơ quan là khoảng thời gian hiếm hoi chị em được gạt bỏ gánh nặng gia đình. Thế nhưng khi xa chồng con, nhiều chị em lại không cưỡng nổi cám dỗ và chấp nhận nổi loạn.
Chuyến du lịch cùng cơ quan sang Singapore năm kia, mặc dù "nương tay" không cướp mất của chị Thu Hà (Hàng Da, Hà Nội) một gia đình êm ấp, những cũng đã lấy đi cơ hội thăng chức chủ nhiệm dịch vụ kiểm toán những tưởng đã nằm trong tay chị. Sự thể cũng chỉ vì một phút không kiểm soát được bản thân, chị Hà đã ngã vào lòng Sơn, một đồng nghiệp nam khác phòng mà chị thường xuyên cộng tác.
"Mình và anh chàng đồng nghiệp đó làm việc khá ăn ý ở cơ quan. Quý mến nhau là chính chứ chưa bao giờ có tình ý mập mờ. Đợt đó đi du lịch với cơ quan, chồng mình bận không đi cùng được. Trong khi anh ấy cũng đi một mình. Bỗng dưng trở thành những người du lịch cô đơn, hai anh em rủ nhau đi dạo đến khuya. Anh ấy rủ mình thử đi bar trải nghiệm đẳng cấp ăn chơi của dân Singapore. Mình đồng ý. Rồi chếnh choáng men rượu, rồi... chuyện ấy xảy ra", chị Hà tâm sự.
Chị Hà bấm bụng thưởng thức những phút “thăng hoa” nơi xứ người, và quyết tâm sẽ xóa sạch sẽ tất cả khi trở về với gia đình. Nhưng mối tình vụng trộm ấy lại kéo dài dai dẳng ngoài ý muốn của chị.
“Anh viện cớ gia đình anh không hạnh phúc để gọi điện chia sẻ, email thăm hỏi hàng ngày với mình. Những ký ức lần vụng trộm đó đeo bám mình. Vừa sợ, vừa háo hức mình đã cố dứt ra mà càng ngày lại càng lấn sâu vào".
Những buổi công tác, họp hành, tiếp khách càng ngày càng trở nên nhiều hơn. Đó là những lý do người phụ nữ này đưa ra để che mắt chồng dành thời gian đi với nhân tình. Nhưng rồi, cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng lòi ra. Vợ của Sơn đã "tóm dính" khi hai người đang thậm thụt gửi xe vào khách sạn.
Cả cơ quan nhốn nháo bàn tán "phẩm hạnh" của chị Hà. Còn hậu quả thì chị lãnh đủ, chưa kể gần như quên hẳn giấc mơ thăng chức chủ nhiệm. Đến giờ, khi nhắc đến câu chuyện của chị Hà, nhiều người vẫn chép miệng "đổ tội" cho chuyến du lịch "định mệnh" năm nào.
Theo TTVN

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Khi niềm tin bị đánh cắp


Ảnh minh họa: Nguyên Khoa.
Đi đến ngã tư Thái Hà - Tây Sơn - Chùa Bộc, đang đứng chờ đèn đỏ thì một cậu trai tầm 18 - 20 ăn mặc nhàu nhò, khoác cái ba lô đen xộc xệch, đội mũ le đen, tiến ra phía trước hàng xe dừng đèn đỏ, xin tiền.
“Các anh các chị các bác ơi, cho em xin mấy chục với, em cần về Thái Bình bây giờ mà em lại không còn đồng tiền nào. Em bị móc túi hết rồi! Các anh các chị giúp em với! Em cần về Thái Bình gấp lắm! Thật mà! Xin tiền thế này em cũng xấu hổ lắm, nhưng em thực sự không còn cách nào. Làm ơn giúp em với các anh các chị ơi”.
Chơi bời bạn bè về... Đêm giữa hạ. Gió mát. Trời trong. Chuyện vui. Làm mình phóng xe về mà lòng phơi phới... Tiếng cậu chàng nhì nhèo, run run và ngắt quãng bên tai. Cậu tiến từ người nọ sang người kia. Đôi bàn tay không chìa ra như những người ăn mày khác, mà vằn vò nơi gấu áo. Cái mặt gầy khắc khổ, trắng bệch, nhăn nhó trông cũng tội... Nhưng không ai cho cậu ta đồng nào cả.
Đèn đỏ còn 30s. Tiếng cậu chàng vẫn đang nì nèo, nhưng vẫn không ai cho cậu ta đồng nào.
Đèn đỏ còn 15s. Cậu chàng tiến về phía mình, vẫn không chìa đôi bàn tay ra, chỉ có ánh mắt là hướng về người mà cậu ta đang muốn xin.
Mình nhìn lướt qua cậu ta. "Ồi, vẫn cái trò giả dạng ăn mày xin tiền thiên hạ đầy rẫy thành phố này ấy mà!" - ý nghĩ ấy lướt qua đầu mình, và mình lắc đầu. Vừa lúc đó, đèn đỏ chỉ còn 2, 3s. Mọi người rồ ga chuẩn bị phóng lên. Cậu trai kia lùi lại. Mình cũng phóng vút lên theo đám đông, để lại cậu chàng đứng run rẩy, chơ vơ bên lề đường.
Đêm giữa hạ. Gió vẫn mát. Trời vẫn trong...
Nhưng tự nhiên hình ảnh cậu trai kia đứng lại chơ vơ bên lề đường, hình ảnh khuôn mặt gầy guộc khắc khổ, hình ảnh đôi bàn tay vân vê nơi vạt áo của cậu ta... lại bám lấy tâm trí mình. Mình không cười được nữa.
Uh, chắc cậu ta cũng chỉ là một kẻ lười lao động, chỉ thích ăn bám vào sự giúp đỡ của người khác (như bao kẻ ăn mày khác ở cái thành phố này vẫn làm). Uh, chắc cái vẻ khắc khổ, tội nghiệp đó cũng chỉ là một ngón nghề diễn rất đạt của cậu ta hòng móc túi những người hay mủi lòng mà thôi. Mình tự an ủi mình như thế...
Nhưng, nếu không phải như vậy thì sao? Nếu câu chuyện cậu ta nói trong hơi thở gấp gáp ấy là thật, nếu cái vẻ khắc khổ của cậu ta là thật, và nếu bàn tay của cậu ta vừa chìa ra vì cậu ta cần sự giúp đỡ thật sự của mọi người, nhưng đã không ai nắm lấy bàn tay ấy thì sao?
Hàng ngày hàng giờ, ở cái thành phố này, đi ăn hay đi uống nước, hàng quán hay bờ hồ, bạn đều dễ dàng bắt gặp những kẻ ăn mày. Từ trẻ em, người lớn cho tới các cụ già. Từ trai tới gái, từ lành lặn tới thương tật. Cả những người trông như sắp chết, tới những người rõ ràng trông rất khỏe khoắn cường tráng...
Rồi bạn đọc được những câu chuyện rất phổ biến về những kẻ ăn mày mà có khi còn giàu có hơn cả mình; những câu chuyện về những cái làng dân lười lao động, coi ăn xin là một nghề kiếm sống... Thế là bạn bị mất lòng tin vào những người ăn mày. Bạn không còn phân biệt được đâu là những người thực sự cần sự giúp đỡ của bạn (dù chỉ là mấy nghìn đồng nhỏ bé), với những kẻ chỉ hòng lợi dụng lòng tốt của bạn, và của những người khác để ăn trắng mặc trơn...
Và rồi, vì đã bị mất lòng tin, vì không phân biệt được thật giả như thế, nên đến lúc có người cần những đồng tiền, cần sự giúp đỡ thực sự của bạn, bạn đã không còn đủ tự tin để chìa tay ra giúp họ nữa. Thế là họ đành phải quằn quại trong khó khăn của chính mình.
Mình và các bạn có lỗi không trong những trường hợp ấy? Hay tất cả chỉ tại vì chúng ta đang sống trong một thế giới mà lòng tin đã bị đánh cắp - phải thế chăng?
Thế nên khi nhìn thấy cậu trai kia chìa tay ra xin tiền về quê, không ai còn đủ lòng tin để tin đó là câu chuyện có thật, và chìa tay ra giúp đỡ cậu ta? Không. Không ai cả còn đủ lòng tin và chìa tay ra giúp đỡ cả - ít nhất là trong cái khoảnh khắc mình đứng ở đó.
Thế là vì không còn lòng tin nữa, nên có thể chúng ta đã trở thành những kẻ thờ ơ trước nỗi đau khổ có khi rất thật của đồng loại của mình.
Iris - Báo Tin nhanh Việt Nam.