Tìm kiếm

Chuyện quan tâm

Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn!
TT - Cánh tài xế đường dài ai cũng ngán ngại khi nhắc đến một số chốt CSGT ở miền Trung. Ngoài việc “ăn dày” hơn những nơi khác, những chốt CSGT này luôn bị giới tài xế than thở về cách hành xử thiếu thiện cảm với người vi phạm.
Viên CSGT đi xe tuần tra 73B-1627 chốt chặn tại km630 Bố Trạch, Quảng Bình chặn xe 79D11... vi phạm tốc độ, lấn tuyến rồi ra giá 400.000 đồng sẽ bỏ qua lỗi vi phạm (ảnh chụp lúc 15g40 ngày 25-7) - Ảnh: H.K.


Một CSGT thuộc chốt đầu ngoài đường tránh TP Huế (Thừa Thiên - Huế) nhận 300.000 đồng của tài xế xe 47P12... để bỏ qua lỗi vi phạm chở quá tải, sai lốp vào lúc 4g20 ngày 31-7 - Ảnh: Hoàng Khương chụp từ camera
20g ngày 31-7, chúng tôi lên chiếc xe chở gỗ đi từ Đắk Lắk ra Hà Nội. Đến km507 quốc lộ 1A, xã Tùng Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa gặp xe tuần tra 36B-1237 đang đậu cạnh cây xăng Tùng Lâm. Hai CSGT thay nhau chặn xe hai chiều để “thu phí”. Bên trong mái hiên có một chiếc bàn, ấm trà, một CSGT còn khá trẻ ngồi cạnh cái cặp căng phồng.
Không có 5 “củ”, cầm lại giấy tờ
Vừa giáp mặt tài xế, một CSGT cầm gậy chỉ lên thùng xe hỏi ngay “chở gì?”. Nghe tài xế nói “gỗ mít”, viên CSGT soi đèn pin kiểm tra. Tiếp đó, một người đàn ông luống tuổi  (sau này chúng tôi mới biết tên Nguyễn Văn Đôi) cầm đèn pin leo lên soi rọi kỹ từng hộp gỗ.
Thấy khó “qua ải”, tài xế tên Tình (48 tuổi) kẹp hai “xị” (200.000 đồng) vào sổ đưa cho CSGT tên Hải đang ngồi trong nhà. Anh này mở sổ xem rồi quát: “Mày làm 200 á?”. Đúng lúc đó ông Đôi vào nói: “Gõ chứ mít gì” rồi quay qua tài xế: “Trong tụi mày gọi đây là mít á?”. CSGT Hải lạnh lùng: “Năm củ”. Anh Tình điếng người: “Năm củ là bao nhiêu?”. Giọng Hải rành rọt: “5 triệu ấy, nghe không rõ à?”. Anh Tình than thở: “5 triệu làm gì bọn em có”. Hải hù dọa: “Bây giờ muốn hô 5 hay muốn hô hơn nữa”? Tài xế phân bua: “Ý em muốn sếp bớt tí”. Hải vẫn không tha: “Năm củ là vừa nhất”. Tình mếu máo: “Năm củ thì còn gì tụi em sống, hóa đơn kiểm lâm phạt 20 triệu đồng đây nè”. Hải gằn giọng: “Mày mới chỉ bị hạt kiểm lâm phạt thôi. Mày đã được chi cục phạt chưa? Nếu thích tao đưa mày sang chi cục làm vụ điển hình luôn nhá”.
Tài xế móc hết các túi còn đúng 1,1 triệu đồng. Hải nói: “Thôi được, còn một cách nữa. Đợi tao ăn cơm rồi đưa xe về giao kiểm lâm, coi như hoàn thành nhiệm vụ”.
Anh Tình trở ra xe gom giấy đăng ký xe, bằng lái quay lại chốt CSGT xin “cắm”. Chưa kịp mở miệng, Hải nạt: “Hoàn cảnh cũng đã trình bày rồi, không nói thêm”. Tình nhỏ nhẹ: “Năm chai em chịu, anh cho em gửi lại giấy đăng ký, bằng lái, sáng mai vào sớm chuộc lại đầy đủ”. Hải nói: “Lấy năm chai là quá nhẹ rồi” và hướng dẫn vào gặp ông Đôi. Đôi quay sang Tình: “Cắm là lấy lãi 500.000 đồng/ngày, nhưng ngày mai có chưa?”.
Nói rồi ông Đôi chìa ra một tờ giấy và đọc nội dung vay tiền cho Tình viết. Để tạo lòng tin, Hải cho anh Tình số điện thoại để mỗi lần qua chốt “dễ nói chuyện”. Hải nói: “Ở đây chỉ có mình tao biết thôi, lần sau ra thì cứ làm (luật) bình thường”. Hỏi nếu ca khác thì sao, Hải hạ giọng: “Làm một thôi” (làm 1 triệu thôi). Hỏi trong đội có mấy Hải, anh này nói: “Ba, tao là trẻ nhất”.
21g30, xe chúng tôi tiếp tục đụng chốt CSGT thứ hai của Thanh Hóa đang chặn xe hai chiều tại Hà Trung, Thanh Hóa (còn gọi chốt ngoài). Một viên CSGT không đeo bảng tên đứng cạnh xe tuần tra 36B-1256 giở sổ kiểm tra thấy tờ 100.000 đồng càu nhàu: “Cả xe gỗ làm trăm bạc là cái gì?”. Bực mình vì vừa bị “xắt” quá đau, Tình xổ một tràng: “Anh Hải nhỏ ở đầu trong dặn ra ngoài này làm nhẹ thôi, anh Hải đã lấy năm “củ” rồi”. Tay CSGT trố mắt: “Năm trăm hay năm triệu?”. Tình đáp: “5 triệu, không thiếu một cắc”.
Thấy tay CSGT bán tín bán nghi, Tình nói: “Không tin anh gọi cho Hải đi, số điện thoại tứ quý tám đó”. Tay CSGT móc điện thoại gọi: “Mi hốt hết trong đó, để anh em tao kiếm tí chứ mi. Xe gỗ này mày mới làm 5 triệu chứ gì. M... mi, hắn làm bao nhiêu thì hắn làm chứ mi nói hắn ra đây không phải làm, cái loại mi... Bố tiên sư”. Chửi xong, CSGT miễn cưỡng lấy tờ 100.000 rồi cho đi.
“Hãy đợi đấy!”
Sau khi bỏ hàng xuống làng mộc Đông Anh (Hà Nội), chiều 1-8 tài xế Tình gọi điện cho Hải báo “hôm qua nợ tiền “làm luật”, phải cắm lại giấy tờ, hôm nay vào chuộc lại”. Hải nói: “Hôm nay nghỉ ca rồi, cứ gặp cái ông hôm qua ấy”. Tài xế cù nhầy: “Anh có bớt cho em chút xíu không?”, Hải nói: “Sao hôm qua không nói luôn đi để hôm nay lằng nhà lằng nhằng, cả tổ hôm qua đó, để hôm sau gặp nói chuyện sau”.
21g ngày 1-8, chúng tôi cùng Tình trở lại địa điểm hôm trước. Vẫn chiếc xe tuần tra 36B 1237 đậu sát hông nhà, ngoài đường hai CSGT đang chặn xe, bên trong một CSGT ngồi ở bàn. Thấy tài xế Tình và lơ xe xăm xăm bước vào nhà, một CSGT chặn lại: “Vào đây làm gì?”. Tình nói sự tình, một viên CSGT ra vẻ thông cảm: “Gì mà 5 triệu dữ vậy, xe gỗ qua đây làm 4-5 lít (400.000-500.000 đồng) chứ mấy”.
10 phút sau ông Đôi đội mũ cối đi ra. Anh Tình nhăn nhó: “Anh gọi điện cho Hải bớt chút đỉnh chứ lấy 5,5 triệu nhiều quá”. Đôi lầm bầm: “Tôi biết gì mà bớt”. Tình vặn: “Anh có quyền gì mà hôm qua anh leo lên xe tôi kiểm tra?”. Ông Đôi không vừa: “Tụi mày đừng giở trò nha. Tao soi (gỗ trên xe) mày làm gì được tao. Mày thích giở trò không? Tao đập mày ngay bây giờ. Hôm qua mày đồng ý chung cho thằng nào mà bây giờ trách tao?”. Thấy yếu thế, anh Tình móc túi đếm đủ 5,5 triệu đồng đưa cho ông Đôi và đòi lại giấy chế chấp.
Ông Đôi lầm bầm: “Xong rồi thì xé”. Tình quyết tâm: “Không có giấy là không đi”. Lúc này ông Đôi không còn giữ được bình tĩnh: “Mày thích không, tao đánh chết mẹ mày nhá”. Tình nhảy loi choi ra đường, miệng la lớn: “Trời ơi, làm gì mà một ngày lấy lãi tới 500.000 đồng”. Ông Đôi hung tợn: “ĐM, tao đập một cái nát mặt mày bây giờ, cái loại chó nhà mày”. Vừa dứt câu, ông Đôi nhào đến đánh vào lưng, đầu, giật rách áo anh Tình. Nhóm CSGT bình thản đứng nhìn chẳng có động thái gì.
Lên xe, Tình gọi điện méc Hải: “Ông Đôi vừa lấy tiền vừa đánh tụi tui nè”. Hải nói: “Tao đã nói mày rồi, mày còn đi, còn làm ăn, mày tự giác chứ nói gì”. Tình nói: “Tự giác cái gì, ông đòi tôi 5 triệu, tôi hết tiền phải cầm lại giấy tờ, thêm 500.000 đồng lãi nữa”. Hải cự lại: “Mẹ mày. Mày tự nguyện mà còn nói”. Tình nổi nóng: “Ông đòi tôi năm củ, bắt tôi phải thế chấp giấy tờ 5 triệu thành 5,5 triệu mà tự nguyện cái gì”. Hải gằn giọng: “Mày hãy đợi đấy!” rồi tắt máy.
“Không làm một chai ba là chết mi”
Sau chuyến đi “để đời” trên, chúng tôi nhiều lần trở lại Thanh Hóa trên nhiều chuyến xe khác nhau. Đúng như phản ảnh của tài xế, hầu hết các chốt CSGT ở Thanh Hóa đều “ăn dày” hơn các nơi khác. Đặc biệt, cung cách hành xử của CSGT với tài xế cũng không giống ai.
0g ngày 3-8, chúng tôi lên chiếc xe chở sắt cồng kềnh, quá tải từ Hà Nội vào TP.HCM. Đến km305 Hà Trung, Thanh Hóa, xe chúng tôi gặp lại chốt CSGT đi xe tuần tra 36B-1256. Mở sổ thấy tờ 50.000 đồng tài xế đưa, tay CSGT (không đeo bảng tên) lạnh lùng: “Không nói nhiều, làm đủ rồi đi, còn không thì đứng đó”.
Tiếp đó, 16g ngày 11-8, chúng tôi theo xe chở gỗ từ Tây nguyên đến Bình Định, ra Hà Nội. Tại km380, quốc lộ 1A, Trường Lâm, Tĩnh Gia, xe chúng tôi bị chốt CSGT thổi vào. CSGT tên Nguyễn Như Sáng đứng cạnh xe tuần tra 36B-1237 hỏi: “Chở gì đây?”. Tài xế đáp: “Gỗ chiêu liêu”. Ông Sáng ra giá: “1,2 triệu”. Tài xế xin bớt mấy đồng ăn cơm, ông Sáng: “Tao tát cho cái bây giờ, đúng 1,2 triệu chứ không bớt được đâu”. Kỳ kèo mãi, ông Sáng mới chịu “cho 100 ăn sáng”. Xong tài xế hỏi: “Chuyến sau có lô gõ làm luật bao nhiêu?’’. Ông Sáng: “Đúng 1,2 triệu, như chiêu liêu”.
Do bị kiểm lâm Thanh Hóa giữ xe gần một ngày, đến 17g20 ngày 12-8 xe chúng tôi đến địa phận Đại Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa (chốt đầu ngoài). Đến km305, xe chúng tôi bị chốt CSGT đi xe tuần tra 36B-1256 chặn lại. Nghe tài xế nói “gỗ chiêu liêu”, CSGT tên Trần Nhật Quỳnh mở sổ thấy 200.000 đồng nói: “Chiêu liêu mà làm như thế này?”. Tài xế than đầu trong đã chung 1,3 triệu đồng rồi, ra đây 200 là được. Ông Quỳnh tức giận: “Đừng có phét. Lần sau gặp tao ở đầu trong mi không làm 1 chai 3 là chết mi”.
Trước đó lúc 22g45 ngày 29-7, chúng tôi theo xe chở trái cây từ miền Trung ra Hà Nội. Đến chốt CSGT tại Tùng Lâm (xe tuần tra 36B-1237), xe chúng tôi bị thổi vào cùng bốn chiếc xe tải khác. Đón tờ giấy từ tay tài xế đưa có kẹp tờ 50.000 đồng, CSGT không đeo bảng tên vặn: “Chưa chở trái cây bao giờ hả?”. Tài xế lí nhí: “Làm bao nhiêu vậy sếp?”. CSGT ngắn gọn: “Một lô”. Tài xế hỏi lại: “Một lô là bao nhiêu vậy sếp?”, CSGT quát: “Làm một trăm”. Những chiếc xe khác bị thổi vào cũng cùng chung số phận...
HOÀNG KHƯƠNG (Báo Tuổi trẻ ngày 05/9/2011)


Sống như thế nào?
Gần đây nhiều vấn đề nhức nhối của xã hội đáng làm chúng ta phiền lòng quá. Giết người không gớm tay, mãi lộ, cảnh sát đánh nhau, tiêu cực trong bóng đá…
Mở trang báo ra là chúng ta thấy những thông tin tiêu cực và tiếp cận với chúng hàng ngày chúng ta thấy cuộc sống này sao nó nhạt nhẽo, bất an quá, ứng xử với cuộc đời này sao đây? Như thế nào là phù hợp, như thế nào giúp ta bình an, hạnh phúc?
1. Có một số người lúc đầu thì vẫn có chính kiến của mình lắm, vẫn công bằng lắm, vẫn thấy bất công, ra tay nghĩa hiệp, vẫn muốn chính trực sống trong trời đất này lắm, kẹt xe vẫn không leo lề, đèn đỏ vẫn đứng mặc dù cả nhiều người vượt qua,mặc kệ, vẫn đứng, như khẳng định lập trường không bị lung lay.
Họ vẫn giúp người nghèo, mặc dù bị lừa hoài, vẫn giúp. Họ nếu lỡ vi phạm giao thông thì kiên quyết phải chịu phạt (nhiều khi có xin xỏ, năn nỉ mà không được) họ dứt khoát không bị “mãi lộ”… làm gì cũng đường đường chính chính không bôi trơn gì hết. Dứt khoát không là không!
Thời gian trôi, họ thấy bị phiền quá, người ta (cả người nhà nữa) nói họ ngu nhiều lần quá, rồi hàng ngày đọc báo thấy nhiều người tốt như mình bị thiệt thòi quá…nên một ngày đẹp trời nói thôi! chấp nhận thôi, tặc lưỡi, xã hội này nó thế, cư xử thế… bắt thế - phải thế…
Gần đây chúng ta thấy kẹt xe ầm ầm, nhiều hơn? Đó là do sự tham gia của nhưng người này đây! Họ còn phóng lên lề nhanh hơn những người khác để cho người ta thấy họ thích ứng với hoàn cảnh (nhiều khi chỉ để trả thù lại những người đã nói họ ngu trước đây). Họ như củ cà rốt, cứng trước khi đem nấu, nhưng khi gặp môi trường khắc nghiệt (nước sôi) họ mềm nhũn. Và rồi cuộc đời của họ dần nhạt đi, lẫn lộn, họ không còn là họ, những thói quen xấu mới hình thành và rồi một số phận con người hình thành, nó dẫn theo những số phận con người khác hình thành khi họ làm cha làm mẹ!
2. Có một nhóm người khác ban đầu cũng không có ý kiến gì về những bất công trong xã hội, vẫn sống bình thường, hòa nhập được nhưng khi đi học, đi làm ở các nước văn minh khác về, hoặc tự thân trau dồi những đức tính tốt, công bằng, chính trực, văn minh… họ nhìn thấy những không công bằng, bất công, thiếu văn minh. Họ bức xúc, họ chỉ trích, oán trách, than phiền… nóng tính, khó chịu, không hòa nhập được. Tôi có một anh bạn người Việt Nam, đi Singapore, Thái Lan làm việc được 10 năm thì về VN sống lại, sống được 3 năm rồi vẫn chưa hòa nhập được, vừa rồi có biết ứng xử với “mãi lộ” của CSGT khi phạm lỗi, chỉ được thế thôi cũng thấy là tiến bộ lắm rồi.
Nhóm người này cô độc trong cuộc sống vốn nhộp nhịp, cuồn cuộn chảy… Họ rất khó nói chuyện đi, đứng, hít thở không khí của cái môi trường họ đang sống. Họ như quả trứng gà ban đầu thì lỏng lẻo cần vỏ bọc không thì tan chảy, nhưng khi gặp môi trường khác (nước sôi) thì họ cứng lại, đông cứng, cô lập, cô đơn.
3. Và cũng có nhóm người khác biết cuộc đời là thế, xã hội vẫn thế, họ cần làm chủ chính họ, họ biết chắc được rằng họ không thể thay đổi được nhiều người khác cùng một lúc nên họ không chỉ trích, oán trách hay than phiền. Họ nhận diện vấn đề một cách khách quan, sáng suốt và hành xử khéo léo thông minh. Họ vẫn sẵn lòng cho đi, họ sẵn lòng san sẻ ý kiến, kiến thức của mình cho người khác vì với họ, hạnh phúc là được cho đi, họ vui vẻ, tràn đầy năng lượng đem đến cho những người xung quanh những cảm giác thú vị, học hỏi và biết ơn. Họ làm như thể không cần tiền, họ nhảy như thể không có ai nhìn và yêu vô điều kiện. Họ sống cuộc sống, phong phú, thú vị, vị tha và nhân ái. Họ như hạt cà phê cứng đấy, nhưng khi vào môi trường khắc nghiệt (nước sôi) thì hòa nhập biến nước thành một mùi cà phê thơm ngậy đặc trưng, họ thay đổi được môi trường để họ sống trong đó, tích cực và đầy ý nghĩa… rất nhiều gương như thế qua báo chí!
Cuộc sống này vốn thế… chúng ta hãy là những hạt cà phê thơm nhé! Để làm được hạt café thơm, cần gì? – Cần nhiều thứ lắm, nhưng trước tiên chúng ta cần biết cảm nhận, và nên có cảm xúc về nhiều việc xung quanh mình.
Minh Nho
Bài phát biểu chi tiết của “bầu” Kiên
Bầu Kiên của HN.ACB đã nói như chưa bao giờ được nói những suy nghĩ của mình về thực trạng bóng đá VN hiện nay.
“Cho phép tôi nói dài vì nhiều năm nay tôi không dự các cuộc họp và cũng không được nói nhiều. Tôi nghĩ đây là lúc cần thiết phải nói thẳng các cái tồn tại, thực trạng của bóng đá VN”, ông chủ của đội bóng HN.ACB nói.
BÁO CÁO CỦA VFF. “Nếu tôi là lãnh đạo VFF, tôi sẽ không thông qua dự thảo của BTC giải và HĐTT vì đã không nêu được thực chất những vấn đề của bóng đá VN thời gian qua. Báo cáo ngày hôm nay, báo cáo 10 năm trước, có thiếu hay thừa cái gì không? 10 năm nay gần như không có sửa đổi để phù hợp với sự phát triển với thực tế, những thay đổi của FIFA. Sự thụt lùi khiến chúng ta không thể quản lý các giải chuyên nghiệp cũng như quản lý các CLB. Tôi sẽ không tham gia đóng góp vào dự thảo bởi chỉ trong vòng vài chục phút, rồi biểu quyết thông qua, đó không phải là một công việc nghiêm túc.”
BẢN QUYỀN TRUYỀN HÌNH. “Phí bản quyền truyền hình chia 50% cho VFF và 50% cho các CLB. Nhưng, VFF lại ký hợp đồng trước 20 năm mà không thông qua các CLB. VFF cho rằng đó là những điều khoản bí mật, không được phép công bố nhưng chúng tôi cũng là một phần của cuộc chơi, lại không được biết gì cả. Chúng tôi có liên hệ với ông Hỷ, với Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ để phản đối nhưng đã được thông báo vấn đề này được thông qua. Thực chất tất cả những vấn đề chúng tôi không được biết một tí gì cả”.
“20 năm độc quyền là một thời gian vô cùng dài. Tôi không tin trên thế giới có liên đoàn nào có độc quyền tới 20 năm. Nhiệm kỳ các anh chỉ kéo dài 3, 4 năm 1 nhiệm kỳ mà các anh ký tới 20 năm. Tôi không tranh luận tính hợp pháp, đúng thẩm quyền hay không, nhưng tôi cho rằng về kinh tế, VFF đã tự đưa vào một sự ràng buộc, có ảnh hưởng lâu dài cho bóng đá VN những năm về sau”.
“VFF nói không có ai quan tâm đến truyền hình, có đối tác thế rồi là quý lắm rồi, đòi hỏi gì nữa? Nhưng có công khai không? Tôi cho rằng hợp đồng này cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc”.
TRỌNG TÀI. “Tôi nói thẳng thắn anh em trọng tài đừng buồn. Trọng tài giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn mùa giải 2005 rất nhiều. Tôi được biết, trước trận đấu với ĐTLA, có những người đến tiếp xúc với Hòa phát, nếu cho trọng tài 500 triệu, bảo đảm trận này Hòa Phát sẽ thắng. Không ít người tiếp xúc với tôi bảo rằng cần phải lo trọng tài nhưng tôi luôn nói với anh em: một đồng cũng không bao giờ cho”.
“Tôi xin hỏi các anh, nếu không có bàn tay của các trọng tài, bóng đá Hải Phòng liệu có trụ hạng nổi không?” (trường hợp trọng tài Trần Công Trọng đã xử ép Hòa Phát, giúp Hải Phòng thắng vòng 23 V.League, trọng tài Nguyễn Văn Quyết bỏ qua quả 11m cho Bình Dương, gián tiếp giúp Hải Phòng thắng Bình Dương ở vòng 24 V.League).
“Với số tiền tài trợ như hiện nay, VFF phải có những chi trả thỏa đáng cho trọng tài, để anh em có cuộc sống đàng hoàng, yên tâm làm nhiệm vụ. Tôi cho rằng VFF đối xử với trọng tài, không công bằng, đầu tiên là đãi ngộ”.
VFF BAO CHE. “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết, biết rõ ràng, biết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt. Chỉ có người trách nhiệm có mở mắt ra để nhìn thấy hay không, hay cố tình cho qua. Bao nhiêu năm rồi, suốt ngày các anh hỏi câu “bằng chứng đâu?” thì nghe sao nổi”. Anh Mùi nói có 22 trọng tài, điều hành 14 đội bóng. Vì sao một trọng tài lại bắt cho một đội 5 trận ở một mùa giải? Cứ đội ý lại trọng tài đó bắt. Anh Khôi nói không dùng trọng tài địa phương để bắt, các anh tạo ra vòng kim cô và bắt người khác phải theo mình. VFF hiện nay bao cấp hơn mọi thời kỳ bao cấp khác. bộ máy phình to, chức năng, nhiệm vụ nói là rõ ràng lắm nhưng chẳng ai làm đúng và đủ chức năng của mình”.
“Anh Long là một người yêu bóng đá, và muốn làm bóng đá một cách tử tế. Nhưng cách điều hành của BTC giải, của VFF khiến anh ấy chán chường đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Chính vì vậy gia đình anh ấy không muốn anh ấy tiếp tục làm bóng đá nữa và Hòa Phát đã giải tán cũng bởi vì thế. Chúng tôi cũng đã xem xét đến việc bỏ giải, nếu như không có những thay đổi”.
SUPER LIGA. “Tôi xin truyền tải một thông điệp và nỗi bức xúc của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tài trợ cho bóng đá. Tôi xin thưa với các anh rằng, trước đại hội này, tôi nhận được yêu cầu của 6 CLB đề nghị rời bỏ cuộc chơi, rời bỏ V.League. Sẵn sàng tổ chức một giải Vô địch mới mang tên Super Liga. Tôi cho rằng đó là những ý kiến khá tiêu cực, bản thân tôi khuyên họ bình tĩnh để có thể thẳng thắn góp ý kiến với VFF, chứ không phải mâu thuẫn hay phá đám gì. Nhưng thực sự, sự bức xúc của các doanh nghiệp với VFF là quá lớn, nhưng lãnh đạp VFF thờ ơ, BTC giải thờ ơ”.
THAY ĐỔI. “Nếu tôi là Chủ tịch VFF thì tôi không cho phép những gì đang diễn ra ở VFF. Có xử lý được trọng tài không, tôi đảm bảo được. Có xử lý được BTC giải không? Việc đó quá dễ. Bóng đá bây giờ rất khác, rất rõ ràng, nếu không có thay đổi, sẽ không ai còn chơi với chúng ta. Tôi nhận Hòa Phát chính là trách nhiệm với cầu thủ. Trách nhiệm với bóng đá HN. Nếu cần một đội lên hạng, với tôi quá dễ, tôi có thể cùng một lúc có 5-10 đội bóng, nhưng đấy không phải là tôi”.
“VFF cần có một sự thay đổi cơ bản, căn cơ từ việc giao dục cầu thủ, quy định ngặt nghèo hơn về lương thưởng. Ngoài tôi và Thanh Hóa, gần như không có lãnh đạo cao nhất ở các CLB tới dự Hội nghị này. Họ không còn quan tâm tới VFF nữa. Một cuộc chơi mà chủ tịch các CLB không quan tâm thì có còn cuộc chơi không? Tôi sẵn sàng hợp tác, để cùng VFF giải phẫu căn bệnh của bóng đá VN. Tôi tin rằng cần có những thay đổi, từ quy chế, đến tổ chức vận hành CLB và cả những điều nhỏ nhất”.
Minh Hoàng

 VFF phản bác lời 'bầu' Kiên
Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung đánh giá, những phát biểu của "bầu" Kiên chỉ mang tính cá nhân nhưng Liên đoàn sẽ làm rõ những biểu hiện tiêu cực mà ông Kiên đưa ra. 
Ở cuộc họp tổng kết mùa giải 2011, ông Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch CLB Hà Nội ACB đã công kích trực diện trọng tài. Ông Kiên tiết lộ, trước trận Hoà Phát làm khách ở sân Long An của Đồng Tâm, ông có nghe thông tin rằng, Hoà Phát nếu muốn thắng trận cầu sinh tử ấy, chỉ cần chi cho trọng tàì 500 triệu đồng là "êm". Tổ trọng tài bắt chính trận đó gồm trọng tài chính Vũ Bảo Linh; hai trợ lý là Nguyễn Phong Vũ, Nguyễn Ngọc Hà, trọng tài bàn là ông Võ Minh Trí. Ông Linh mới được bầu là Còi bạc Việt Nam 2011 trong khi ông Hà lần thứ ba liên tiếp giành Cây cờ vàng.
Ban chấp hành VFF khẳng định: "Phát biểu của anh Kiên là ý kiến của riêng anh ấy. VFF và Ban chấp hành khoá VI trân trọng ý kiến đóng góp của anh Kiên nhưng không ít Uỷ viên BCH không thống nhất với những điều mà chủ tịch đội Hà Nội ACB nêu ra". Ông Nguyễn Lân Trung - Phó chủ tịch VFF nêu quan điểm về những phát biểu của "bầu" Kiên.
"Cần phải sòng phẳng. Mùa giải 2011 có điều gì chưa được thì phải nêu rõ để rút kinh nghiệm. Còn nếu nói chung chung theo kiểu "tung bom" thì rất khó. Ví như chuyện anh Kiên nói Hoà Phát muốn thắng phải chi cho trọng tài 500 triệu đồng. Tôi chưa từng nghe thấy chuyện này. Nhưng VFF sẽ làm việc thật nghiêm túc về vấn đề này. Nếu chuyện này có thật thì rất nghiêm trọng. VFF sẽ mời cơ quan an ninh vào cuộc, và nếu có "chuyện 500 triệu đồng" phải xác định cho rõ ai đã làm việc này". Ông Trung nêu quan điểm của VFF về "nghi án tiêu cực" mà bầu Kiên đưa ra.
"Chúng tôi đã bỏ nhiều tiền của vào bóng đá, rất tâm huyết nhưng VFF và BTC giải lại thờ ơ. Tôi đã xem xét nghiêm túc việc bỏ bóng đá. Mà chẳng riêng tôi, đã có Hoà Phát và có 7 CLB sẵn sàng làm điều này". Bầu Kiên tuyên bố vì bức xúc và thất vọng về công tác trọng tài, cách điều hành của VFF.
Ông Nguyễn Lân Trung cho rằng, việc đổi chủ CLB hay bỏ bóng đá như Hoà Phát là chuyện bình thường. "Mỗi doanh nghiệp có tính toán riêng của mình. Bên cạnh việc tính toán làm sao để cải thiện tốt hơn các giải đấu thì cũng nên tôn trọng quyết định đầu tư của mỗi doanh nghiệp. Chuyện chuyển nhượng đội bóng là chuyện bình thường của bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không quan tâm đến chuyện xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các CLB", ông Trung nói.
Về thông tin "có ít nhất 6 CLB sẵn sàng ly khai VFF, tổ chức Super Liga" mà bầu Kiên tuyên bố, ông Trung cho biết, đã lấy ý kiến của các đội bóng và các đại diện đều cho rằng, ông Kiên không thể đại diện cho tất cả. Vì thế, VFF "không biết có mấy đội bóng muốn ly khai".
Bản quyền truyền hình V-League đã được VFF khoá VI bán cho AVG trong thời gian 20 năm. Bầu Kiên cho rằng, đây là quãng thời gian quá dài, có thể ảnh hưởng một cách sâu rộng đến tương lai bóng đá Việt Nam. Và theo ông Kiên, các CLB đã không được tôn trọng trong bản hợp đồng này.
"Thông tin anh Kiên nói các CLB không biết về bản hợp đồng này là không chính xác. Bởi ngày 1/7/2010 tại Nha Trang có cuộc họp về vấn đề này với sự tham vấn của các CLB. Các đội bóng đều nhất trí về vấn đề bản quyền truyền hình. Hà Nội ACB không có đại diện tham dự nên có lẽ anh Kiên không nắm được vấn đề. VFF có đầy đủ pháp lý bằng văn bản bảo đảm rằng, hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG là hợp pháp, công khai và minh bạch", ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch tài chính VFF giải đáp thắc mắc của "bầu" Kiên.
Khoa Nguyễn




VFF tiếp tục né tránh
TT - 17g ngày 9-9, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đã họp báo để thông tin về hội nghị lần 5 nhiệm kỳ 6 của ban chấp hành VFF. Nhiều câu hỏi do nhà báo nêu ra không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
* Tuổi Trẻ: Xin được hỏi ông Trần Quốc Tuấn (tổng thư ký VFF) và ông Dương Nghiệp Khôi (trưởng ban tổ chức giải) về suy nghĩ của hai ông sau khi ông Lê Hùng Dũng lên tiếng về sự thiếu trách nhiệm của ban tổ chức giải và cả VFF trong những tiêu cực của V-League 2011?
(Không có câu trả lời)
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ trong lễ tổng kết mùa giải 2011 tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá VN
* Thanh Niên: Ban chấp hành có mổ xẻ những nổi cộm nhất và nói rõ về vai trò của trưởng ban tổ chức giải trong mùa giải 2011 không?
- Ông Nguyễn Lân Trung (phó chủ tịch VFF): Trong kiểm điểm hoạt động của ban chấp hành, chúng tôi có phân tích sâu về một số thành viên trong thường trực, ban chấp hành, trong các đơn vị như ban tổ chức giải... Và nêu những cái được và chưa được khi thực hiện những nhiệm vụ VFF đã giao.
* VTV: Xin hỏi ông Dương Nghiệp Khôi, sau ý kiến phát biểu của bầu Kiên hôm qua, ông có ý kiến phản hồi gì với ông Kiên?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Ban chấp hành họp hôm nay đã mổ xẻ nhiều ý kiến, không chỉ của anh Kiên mà tất cả ý kiến sau giải đấu. Anh Kiên phát biểu với tư cách cá nhân về nhiều vấn đề, trong đó có một số vấn đề thuộc phạm vi của giải. Chúng tôi rất lắng nghe và nếu sai phải sửa. Và ngay trong mùa giải chúng tôi đã sửa ngay một số việc.
Nếu các vị đặt câu hỏi cụ thể vấn đề gì tôi sẽ trả lời. Còn cái gì làm được trong mùa giải tôi đã thể hiện trong bản báo cáo tổng kết mùa giải 2011 và được ban chấp hành thông qua. Những gì đã làm cho thấy sự nỗ lực của ban tổ chức giải, ban tổ chức địa phương, CLB nỗ lực đưa mùa giải về đích.
- Ông Nguyễn Lân Trung: Tôi xin nói thêm VFF sẽ làm việc nghiêm túc về vấn đề 500 triệu đồng đưa cho trọng tài thì được thắng trận như anh Kiên nói. Nếu có chuyện này thì không đơn giản vì suốt mùa giải mỗi trận đấu đều có nhân viên an ninh đi theo. Nếu có chuyện đó phải đi đến cùng xem là ai. Còn chuyện có sáu CLB muốn rút khỏi V-League, hôm nay nhiều CLB có mặt ở cuộc họp ban chấp hành lên tiếng nói rằng anh Kiên không thể đại diện cho họ được.
* Lao Động: Hôm 8-9 ông Lê Hùng Dũng đã góp ý rất nhiều vấn đề: ban tổ chức yếu kém, thường trực không sâu sát, hội đồng trọng tài không tốt để xảy ra nhiều sai sót... và nếu bộ phận điều hành không làm tốt nhiệm vụ thì không được giữ chức vụ đó nữa. Hôm nay ban chấp hành có mổ xẻ về vấn đề đó không?
- Ông Nguyễn Lân Trung: Vấn đề trọng tài sai sót dù thế nào cũng phải hết sức rút kinh nghiệm, ban chấp hành có thảo luận về vấn đề này. Còn đi đến mức nói mafia như trên báo chí thì nên thận trọng. Chúng tôi đã đề nghị với bên an ninh vào cuộc vì những thông tin có được sau cuộc họp tổng kết ngày 8-9. Cách điều hành chung của giải có cái được cái chưa thì phải nói rõ. Sai sót của bộ phận nào thì rút kinh nghiệm. Ban tổ chức giải có trường hợp còn không nhanh nhạy. Mùa giải tới làm tối đa để báo chí và VFF chia sẻ cái gì đúng thì đúng, cái gì sai là sai.
* Tuổi Trẻ: Hai trọng tài Quyết, Trọng có bị loại khỏi giải như phát biểu của ông Lê Hùng Dũng ngày 8-9?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Ngay sau khi sự việc diễn ra, với tư cách trưởng ban tổ chức giải tôi đã nhìn nhận và đánh giá đây là những sai sót nghiêm trọng. Tôi đã đề xuất với chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đề nghị không triệu tập hai trọng tài này từ mùa giải 2012.
- Ông Nguyễn Lân Trung: Thường trực VFF đã thông qua việc không mời hai trọng tài này trong những mùa giải từ nay trở về sau.
* Tuổi Trẻ: Có sự thay đổi nào trên chiếc ghế của trưởng ban tổ chức giải trong mùa giải 2012 sau khi ông Lê Hùng Dũng đưa ra quan điểm cá nhân: anh Khôi sẽ thôi chức trưởng giải vào mùa giải 2012 vì không hoàn thành tốt nhiệm vụ?
- Ông Nguyễn Lân Trung: Hôm nay họp ban chấp hành, chúng tôi không bàn về vấn đề nhân sự. Đấy là ý kiến cá nhân của anh Lê Hùng Dũng.
Người hâm mộ thất vọng sau cuộc họp của ban chấp hành VFF Ảnh  N Nhật
* Thanh Niên: Sự rút lui của Hòa Phát Hà Nội có phải là sự thất bại lớn của mùa giải 2011?
- Ông Trần Quốc Tuấn: Việc CLB Hòa Phát rút lui là rất đáng tiếc. Cá nhân tôi thấy anh Tuấn, anh Long (ông bầu của CLB Hòa Phát Hà Nội) là những người rất yêu bóng đá, chúng tôi trân trọng và chia sẻ điều đó. Bản thân tôi rất buồn vì điều đó. Nhưng nếu nhìn về mặt kinh tế thị trường thì việc đó cũng bình thường, bóng đá chuyên nghiệp không thể tách rời nền kinh tế thị trường.
* Đài Tiếng nói VN (VOV): Ông Tuấn, ông Trung nói báo chí là một phần của bóng đá VN, báo chí như một tiền đạo. Vậy nhưng vài năm gần đây báo chí không được dự tổng kết giải, và phải đến khi một ông bầu đứng lên yêu cầu cho báo chí vào cuộc thì báo chí mới được vào. Như vậy có phải khi chưa ra sân chúng ta đã cụt tiền đạo? VFF không hài lòng với bài báo nào, tờ báo nào?
- Ông Nguyễn Lân Trung: VFF sẽ có ý kiến bằng văn bản với các cơ quan chức năng về một số bài báo. Tôi sẽ rút kinh nghiệm về việc tổng kết không cho báo chí vào vì đó là trách nhiệm của tôi. Còn VFF chỉ gửi văn bản về bài báo của một tờ báo nói “thực tế thối nát của bóng đá VN” đến cơ quan chức năng thôi.
* VTV: V-League ngày càng ít khán giả, mùa sau sẽ như thế nào để kéo khán giả?
- Ông Dương Nghiệp Khôi: Tôi là trưởng ban tổ chức giải mùa này thôi, còn mùa sau thì chưa biết. Mùa này khán giả giảm xuống do chuyển lịch thi đấu liên tục. Một trong những điểm yếu của mùa giải là CLB không thi đấu nhiệt tình khi đã đạt mục tiêu, báo chí nói vậy nhưng rất khó để làm. Vị trí trưởng ban tổ chức giải do lãnh đạo VFF bổ nhiệm theo từng mùa. Năm 2011 tôi là trưởng ban tổ chức, mùa giải tới có thể VFF sẽ lựa chọn người khác làm tốt hơn tôi. Tôi sẵn sàng làm nhiệm vụ khác VFF giao cho.
* Tuổi Trẻ: Ông Tuấn có thấy bình thường khi có sáu CLB có ý muốn rời khỏi V-League?
- Ông Trần Quốc Tuấn: Chuyện trong bóng đá chuyên nghiệp ở các nước trên thế giới thương hiệu được xây dựng lâu đời, có liên quan đến nhiều yếu tố về kinh tế. Việc một doanh nghiệp sau một thời gian đầu tư vì lý do gì đó rút lui cũng là quy luật của bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá không tách khỏi quy luật thị trường. Đó là chuyện của bóng đá chuyên nghiệp.
KHƯƠNG XUÂN ghi
Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng
Ông Dương Nghiệp Khôi nên thôi giữ chức trưởng giải
TT - Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hùng Dũng nhấn mạnh: “Theo quan điểm cá nhân tôi, anh Khôi không làm tốt nhiệm vụ thì nên thôi. Còn anh Khôi có thôi giữ chức từ mùa giải 2012 hay không phải do thường trực VFF và chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quyết định. Ngay cả tôi khi không làm tốt cũng vậy”.
Ông Dũng cho biết thêm: “Chừng nào còn ngồi ở đây, tôi đảm bảo VFF sẽ làm theo nguyên tắc công khai, dân chủ và không có gì phải giấu. Về ý kiến của anh Kiên (chủ tịch CLB Hà Nội ACB), cơ bản những đề nghị của anh Kiên đã được giải quyết hết. Trước những bức xúc của dư luận về việc khi có sự cố, ban tổ chức giải lại cúp máy để “trốn”. Hôm qua họp thường trực tôi đề nghị thường trực sửa việc này. Sáng thứ hai hằng tuần anh Hỷ, anh Viễn tổ chức họp với ban tổ chức, trọng tài, kỷ luật... xử lý mọi vấn đề diễn ra trong vòng đấu, ai sai xử lý luôn. Anh Lân Trung sẽ dự cuộc họp đó và công bố ngay cho báo chí. Về chuyện trọng tài, sau khi hai trọng tài sẽ bị loại ra khỏi đời sống bóng đá, nếu chúng ta làm căng từng vụ một, tiêu cực trong trọng tài sẽ hết”.
Riêng với trường hợp ông Nguyễn Văn Mùi - chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia, ông Dũng cho biết: “Theo quan điểm của tôi, anh Mùi nên thôi tham gia ban trọng tài vào mùa giải tới. Còn về chuyện tôi nói anh Mùi có hai con: một con rể là Cây còi vàng, một con đẻ là Cây còi đồng dù được bầu chọn công khai, khách quan nhưng như vậy cũng là hại anh ấy. Tôi nói vậy cũng chỉ muốn tốt cho anh Mùi thôi”.
K.X.




Kiểm lâm “làm luật” - Làm sai lệch hồ sơ
TT - Sau khi đóng phạt, ông Xuân vào gặp ông Phước nói chưa “bồi dưỡng” cho anh em kiểm lâm được vì hết tiền và hứa trước khi lấy xe sẽ làm tròn “bổn phận”.Ông Phước dặn: “Nộp phạt rồi còn phải gửi thêm”.
Quốc lộ 29 (tỉnh lộ 645 vừa nâng cấp) được xem là một trong những cửa ngõ lâm sản từ các tỉnh Tây nguyên đến các tỉnh miền Trung sau đó xuôi về phía Nam hoặc ra Bắc. Lợi dụng vị trí “đắc địa” này, một số cá nhân mặc sắc phục kiểm lâm đã chặn bắt các xe chở gỗ và kiếm chác bằng cách làm sai lệch hồ sơ.
Rạng sáng 19-7, một chiếc xe tải chở trên 270 hộp (khoảng 13,6m3) gỗ gõ (nhóm IIa) từ Cư Jút (Đắk Nông) theo quốc lộ 29 qua Sông Hinh xuống Tây Hòa (Phú Yên). Theo tài liệu, số gỗ chở trên xe được ông Xuân (Hà Nội) mua tại xưởng và thuê tài xế Tài chở ra Đông Anh (Hà Nội).
Lập biên bản sai sự thật
Sáng sớm 19-7, xe gỗ đến địa phận Mỹ Lệ Đông (Hòa Bình 2, Tây Hòa, Phú Yên) và bị tổ công tác cơ động của Hạt kiểm lâm Tây Hòa chặn bắt. Theo thông báo của kiểm lâm, xe này bị người dân tố giác chở gỗ lậu nên phải đưa về hạt kiểm tra, xử lý. Liên tiếp từ ngày 20 đến 27-7, tài xế, chủ hàng phải “ăn nằm” gần Hạt kiểm lâm Tây Hòa để chờ giải quyết vụ việc nhưng chưa ngã ngũ vì kiểm lâm và chủ hàng chưa có “tiếng nói chung”.
Sáng 28-7, ông Xuân, ông Tài vào gặp ông Võ Văn Phước - phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tây Hòa - yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc. Ông Phước cho biết có một số gỗ không khớp hồ sơ, lý lịch gỗ. Ông Xuân cãi: “Gỗ mua có hồ sơ làm sao sai được”. Ông Phước nói phải xác minh toàn bộ số gỗ trên xe, khi đó sẽ lòi ra nhiều cái sai khác. Biết khó qua “ải”, ông Xuân xuống giọng: “Nhờ các anh tạo điều kiện”.
Ông Phước nói: “Muốn giải quyết nhanh phải chấp nhận bị giữ 1,3 khối (m3) nhưng chỉ lập biên bản 1 khối, thuộc khung phạt của hạt nhẹ hơn”. Ông Xuân hỏi: “Phạt bao nhiêu?”. Ông Phước: “Hạt chỉ phạt 10 triệu đồng trở xuống, trên 10 triệu đồng huyện xử lý. Bây giờ lập biên bản dưới 1 khối, phạt chủ gỗ, tài xế ở khung 10 triệu đồng, số gỗ vi phạm phải bỏ lại, không giữ xe và giấy phép lái xe”. Ông Phước hứa nếu chịu giải quyết theo hướng này thì không cần xác minh số gỗ còn lại để tránh liên quan nhiều người, lại bị mức phạt cao hơn.
Thấy ông Xuân im lặng, ông Phước chỉ đạo Mai Xuân Luôn (cán bộ pháp chế): “Làm lại toàn bộ hồ sơ, lời khai ban đầu”. Xem qua hồ sơ, ông Luôn thông báo phạt 20 triệu đồng về hành vi mua, vận chuyển lâm sản trái phép. Để hợp thức hóa hồ sơ, trong biên bản vi phạm, ông Luôn ghi thời gian phát hiện vụ việc ngày 28-7 (thực tế ngày 19-7), trên xe chỉ chở bốn hộp gỗ, tương đương 0,622m3.
Chiều 29-7, ông Luôn đọc cho ông Tài, ông Xuân viết tường trình với nội dung do ông Luôn “sáng tác”. Theo đó, thời gian ông Xuân mua và thuê xe vận chuyển số gỗ trên là ngày 27-7. Ông Xuân cự: “Tôi mua trước ngày 19-7 và trên xe chở gần 300 cục”. Ông Luôn nói: “Chỉ làm bốn cục thôi, phạt nhanh, khỏi xác minh”. Ông Luôn nói nếu làm đúng quy định, có lập hồ sơ thì buộc phải đưa lên trên rất phức tạp. Ông Xuân rên rỉ: “Làm hồ sơ kiểu này chết em...”.
Tiếp đó, ông Luôn đưa biên bản hỏi - đáp đã được ông Luôn làm sẵn để ông này ký vào. Đến phần xử lý số gỗ vi phạm, ông Xuân cho biết mặc dù trong biên bản ghi số gỗ vi phạm là bốn hộp nhưng thực tế phải bỏ xuống 19 hộp, gồm tám hộp lớn và 11 hộp nhỏ.
Ngay trong buổi chiều cùng ngày, ông Trần Ngọc Miên, hạt trưởng Hạt kiểm lâm Tây Hòa, ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phạt ông Xuân và ông Tài mỗi người 10 triệu đồng. Ông Phước kể công: “Tụi tui đã cố gắng xử lý nhanh gọn, từ 50-60 triệu đồng còn 20 triệu đồng là nhẹ rồi”.
“Làm luật”
Sau khi đóng phạt, ông Xuân vào gặp ông Phước nói chưa “bồi dưỡng” cho anh em kiểm lâm được vì hết tiền và hứa trước khi lấy xe sẽ làm tròn “bổn phận”. Ông Phước nói: “Sáng mai anh em nghỉ hết rồi”. Ông Xuân năn nỉ: “Tối nay có người cầm tiền xuống”. Ông Phước hỏi: “Hồi nãy nộp phạt bao nhiêu?”, ông Xuân trả lời: “20 triệu đồng”. Ông Phước dặn: “Nộp phạt rồi còn phải gửi thêm”. Ông Xuân hỏi: “Bao nhiêu?”, ông Phước: “Tài xế không nói lại sao?”. Ông Xuân nói chưa. Ông Phước: “Cứ gửi cho Luôn”. Ngay lúc đó ông Luôn bước vào phòng. Ông Phước liền nói: “Bây giờ nó nói không đủ tiền, cứ gửi xe lại đó, khi nào đủ tiền thì đi”.
Vừa ra khỏi Hạt kiểm lâm Tây Hòa, ông Phước gọi điện cho tài xế Tài hỏi: “Chủ gỗ đưa tiền chưa?”. Tài nói đang đi rút tiền và hỏi: “Đưa cỡ bao nhiêu?”. Ông Phước đáp: “Gửi cho Luôn 10 triệu đồng, còn riêng tư gì nữa tùy ý”. Tài hỏi: “Còn anh thì như thế nào?”, ông Phước: “Chỗ anh em, gửi Luôn cho tui 1 triệu đồng cũng được”.
Lát sau ông Phước gọi lại cho Tài nhắc “gửi cho tập thể 10 chai” và dặn mọi chuyện chỉ giao dịch với Tài chứ không qua chủ hàng. Tài hỏi mai giao tiền cho ai, ông Phước nói: “Làm việc với Luôn”. Tài hỏi bồi dưỡng cho ông Miên bao nhiêu, ông Phước: “Tùy, tình nghĩa là chính”.
Người trong cuộc nói gì?
Chiều 26-8, chúng tôi có cuộc làm việc với các ông Trần Ngọc Miên, Võ Văn Phước và Mai Xuân Luôn. Chúng tôi hỏi ngày 29-7 hạt có xử lý vụ vận chuyển gỗ trái phép nào không, ông Miên khẳng định: “Không có”. Chúng tôi đặt nghi vấn: “Có khi nào bỏ ngoài sổ sách?”, ông Miên đáp: “Không thể”. Chúng tôi cung cấp thông tin vụ xe 47P-13... vận chuyển bốn hộp gỗ trái phép, phạt 20 triệu đồng vào ngày 29-7. Ông Miên khẳng định trong tháng 7-2011 không có vụ nào như vậy và đưa ra tình huống: “Có thể nằm trong số liệu của tháng 8”. Hỏi vì sao phát hiện ngày 19-7 mà đến 27-7 mới lập biên bản vi phạm, ông Miên nói: “Chỉ sau 3-4 ngày chứ không lâu như vậy”.
“Tại sao trên xe chở gần 300 hộp gỗ nhưng cán bộ kiểm lâm lại hướng dẫn tài xế, chủ hàng khai chở bốn hộp?” - chúng tôi đặt vấn đề. Ông Miên bực bội: “Ai mà hướng dẫn tào lao vậy?”. Về việc có hay không tịch thu 19 hộp (1,3 khối) nhưng lại ra quyết định xử phạt bốn hộp (theo hướng dẫn của ông Phước), ông Miên trả lời: “Không có chuyện đó, bắt bao nhiêu lập biên bản bấy nhiêu, không có cái nào để ngoài”. Lúc này, ông Luôn bước ra khỏi phòng làm việc.
Khoảng 20 phút sau ông Luôn quay lại đưa ra bộ hồ sơ và thừa nhận ngày 28-7 có lập biên bản vụ việc như trên. Chúng tôi hỏi tại sao ghi lùi ngày, ông Luôn khẳng định: “Bắt ngày 27-7”. Hỏi: “Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn chủ hàng, tài xế viết tường trình và lập hồ sơ không đúng thực tế để nhằm mục đích gì?”, ông Luôn cãi: “Đâu có ai hướng dẫn vậy đâu”. Hỏi lý do tịch thu bốn hộp gỗ, ông Luôn: “Không có giấy tờ”. Hỏi: “Có xác minh số gỗ trên xe không?”, ông Miên nói: “Đối chiếu hồ sơ không đúng thì xác minh làm gì”. Hỏi: “Có đưa toàn bộ số gỗ trên xe xuống để kiểm tra không?”, ông Miên khẳng định có (thực tế chỉ kiểm tra một số ít).
Liên quan đến số tiền “bồi dưỡng”, chúng tôi hỏi: “Ngoài tiền xử phạt theo quy định, cán bộ kiểm lâm có được nhận tiền từ tài xế, chủ hàng không?”, ông Miên: “Ông hỏi tào lao, ai quy định chuyện đấy ông. Cán bộ công chức không được làm chuyện đấy. Ai vi phạm thì chịu trách nhiệm”. Chúng tôi cho biết: “Cán bộ cấp dưới của ông đã làm điều đó”, ông Miên nói: “Nếu có dấu hiệu vi phạm, dù anh to anh nhỏ gì cũng phải sẽ xử lý”. Trong khi đó ông Phước khẳng định “đã phạt thì làm gì bồi dưỡng”.
Chúng tôi cung cấp thông tin về việc một cán bộ của trạm đề nghị “bồi dưỡng” cho tập thể 10 triệu đồng và một số cá nhân, ông Miên nói: “Nếu chủ hàng, tài xế có đơn thưa, cơ quan pháp luật sẽ xác minh, xử lý” và hứa “sẽ kiểm tra lại”. Chúng tôi hỏi ông Phước: “Có nhớ trường hợp nào ông trao đổi với tài xế không?”, ông Phước nói “không”. Hỏi đến lần thứ năm, ông Phước im lặng.
NHÓM PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA





SEXY,  SEXY VÀ SEXY

Nguyễn Thị Hồng Ngát (hongngatfilm).


- (HNO) - Mình đã định ( và đã viết lời khai mở blog này) rằng chỉ viết cho mình thôi không đụng chạm đến chuyện xã hội bởi ...rất mệt. Nhưng hôm nay đọc được bài viết của nhà văn Thùy Linh (TL) " Sexy tất cả trừ lòng yêu nước" trên blog của Thùy Linh( do trannhuong.com đưa lại) mình thấy rất xúc động và thấy TL nói rất thẳng, rất đúng và rất dũng cảm.Mình đọc và xem Thùy Linh viết nhiều, bạn hiện lại là Phó GĐ TTSX phim TH thuộc VTV, có quyền hành đưa nhiều tập KB vào SX nhưng từ trước đến giờ hầu như mình và TL rất rất ít chào hỏi trò chuyện dù cả hai đôi khi đều có mặt trong một cuộc họp nào đó.Ngày trước biết nhau cùng học ở Nga, mình bên VGIK, bạn bên Goorki nhưng cũng chẳng có quan hệ gì...Nói vậy để thấy sự cảm phục bạn, đồng tình với những ý kiến của bạn trong bài viết là rất khách quan. Là xúc động và cảm phục từ đáy lòng mình.
Tất cả những điều bạn nói thực sự đang tràn ngập trên mạng.Cứ vào mục xã hội sẽ thấy thật kinh khủng. Nào vợ đốt chồng, cắt của quí của chồng, rồi mẹ ném con xuống giếng, rồi CA đánh cháu 11t toét cả đít, cháu phát sốt lên phải nhập viện, nào cảnh phạm tội tuổi teen bị phạt tù 12 năm, 20 năm...Cảnh trót nhỡ sinh con rồi ném bỏ con ở cửa chùa, bỏ con vào thúng vẫn còn nguyên dây rốn đem đi rao...Nhỡn tiền cảnh bé Thiện Nhân đấy, chỉ vì sự nông nổi dẫn đến vô lương tâm của người mẹ trẻ vứt con sơ sinh ở ngoài vườn để súc vật ăn mất 1 chân và mất cả bộ phận sinh dục của bé dẫn đến cảnh mấy năm nay mẹ nuôi của bé- chị Trần Kim Anh- một phụ nữ từ bi và dũng cảm đã cùng cả xã hội gồng mình xúm vào chạy chữa cho Thiện Nhân mà cũng chỉ khôi phục cho cháu được phần nào...Những cụ già không nơi nương tựa vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh...Mới đây thôi trên Cảnh sát toàn cầu có bài viết cũng rất xúc động và thương tâm về 3 bố con người dân tộc Mông sống nghèo khổ,cơ cực trên núi cao, cháu bé không quần áo, thằng anh 7 tuổi đã phải còng lưng cõng củi xuống núi bán lấy 10,000d mua được 2 gói mì tôm mang về nuôi cả nhà. Người đọc đặt câu hỏi: Chính quyền nơi đây không có ư? Sao không một chút quan tâm nào đến gia đình khốn khổ đó? Ủy ban bảo vệ thiếu niên và nhi đồng ở đâu ? Họ biến đi đâu hết cả rồi? Hay thành lập ra các ủy ban này cốt để họ kiếm tí chức " vinh thân phì gia" để lấy cớ leo cao hơn vào những vị trí khác có bổng lộc hơn? Cũng bao nhiêu cảnh các cô gái trẻ của chúng ta bỏ quê hương đi lấy chồng xứ người. Gặp người tốt thì ít mà đa phần toàn ông già, tâm thần , nghèo kiết ế vợ bên nước họ...Đã vậy còn bị đánh đập, giết chết...Chao ôi, các Hội phụ nữ từ xã, huyện, tỉnh đến T.Ư họ có biết? Họ đã làm được những gì để hạn chế những vấn nạn đó? Những cảnh đời lầm than ấy nhìn và gặp nhiều lắm ở ngoài xã hội.Sao vậy? Khoảng cách giàu nghèo ngày một nhiều. Thật chua xót. Nhưng chua xót hơn là sự VÔ CẢM của con người. Giết người- vô cảm ( giết người đã kinh, còn có gan ngồi xẻ thịt, chặt từng khúc...thì sự vô cảm , nhẫn tâm còn phaỉ gọi bằng cụ!!). Lấy nhau - vô cảm ( lấy là lấy, nhắm mắt nhắm mũi vào lấy, đui què mẻ sứt cũng được, chẳng quen biết gì cũng không sao!). Trước một hiện tượng tham nhũng, làm thất thoát vài chục tỷ đồng của Nhà nước- vô cảm. Không ai được nói đến, đụng đến để giữ sự yên bình giả vờ cho các vị có chức sắc không bị ảnh hưởng đến " uy tín" và " cái ghế".Vô cảm đến mức "sợ" cả những kẻ xấu, kẻ có tội vì sợ bị trả thù. Hèn đến mức đã không dám lên tiếng lên án  kẻ ăn cắp, mà hèn hơn , còn dám quay lại trách người đã nhìn thấy kẻ ăn cắp và kêu toáng lên" nó ăn cắp kìa!"? Sao lại kêu? Kêu để làm gì? Người Việt với nhau cả, xấu chàng hổ ai? Nó ăn cắp của Nhà nước chứ có ăn cắp của anh đâu? Những đảo lộn về đạo đức như thế có được loại vào dạng " sexy" 100% không hở Thùy Linh? Sexy  này còn kinh sợ hơn các em trẻ đẹp " lộ hàng" một tí để câu móc độc giả ở trên mạng nhiều. Sexy một cách trần trụi  về nhân cách, về sự thoái hóa xuống dốc cần báo động  cấp số nhân!!!
Mấy ngày liền mình thấy mọi người đi biểu tình biểu thị lòng yêu nước chống TQ xâm phạm chủ quyền ở biển đông. Thấy các anh chị ấy thật dũng cảm. Các bloger đưa tin rất cập nhật. Mình nhìn thấy hình ảnh anh CA mặc thường phục " cắp nách" bạn trai trẻ vì đi biểu tình đưa về đồn.Trông vừa giận vừa buồn cười. Nói điều này với anh bạn bên ngành CA, anh ấy bảo" các anh ấy " buộc lòng" phải" diễn" như thế vì còn" ngoại giao" với bạn!!! Chứ lòng vả có khác gì lòng sung!! Nói thì biết vậy. ! Ôi, mong sao CA không nên làm như thế với đồng bào mình thì vẫn tốt hơn.
Mình, như đã nói, nhiều lúc cũng muốn yên thân, co mình lại để chỉ làm thơ tình thôi, những bài thơ nặng về thất vọng, trách móc anh anh em em một tí cho đỡ buồn.Nhưng phải nói là bài viết của bạn đã làm mình bừng tỉnh đấy. Các bạn văn xuôi có khác, sắc bén hơn đám làm thơ nhiều. À quên, bác Nguyễn Trọng Tạo tuy làm thơ viết nhạc nhưng cũng hay " có ý kiến"sắc bén đấy chứ! Âu cũng là do tùy từng tạng người. Mong TL đưa những ý kiến đó vào các bộ phim TH nhiều tập nhé.Mình cũng đang "tập viết" KB đây. He he...
24.6.2011



Sexy tất cả, trừ lòng yêu nước
Bài viết của Nhà Văn Thùy Linh, nguồn: nguyentrongtao.org
Bây giờ bạn có thể biết đến tận giường ngủ của những người nổi tiếng, hơi nổi tiếng, nổi tiếng chút chút, tự mình làm nổi tiếng…với căn nhà cỡ triệu đô, hơn triệu đô và nhiều triệu đô. Bởi tất cả được phơi bày trên các trang mạng.
Bạn có thể tưởng tượng hình bóng người đẹp ngâm mình trong các bồn tắm sang trọng của một phần giá trị trong những căn nhà đắt tiền đó. Bởi rất cả được phơi bày trên các trang mạng.
Bạn có thể mất ngủ nhiều ngày về sự giàu sang phô trương của các sao và tự hỏi họ kiếm đâu ra ngần ấy tiền giữa lúc một người trí thức (chưa kể dân đen) kiếm được đồng tiền nuôi gia đình hết sức chật vật?
Bạn có thể khó chịu vì hàng ngày mở tờ báo và các trang mạng chỉ thấy chuyện tốc váy, yêu đương, ly hôn, cặp bồ…của những người nổi tiếng và được coi là nổi tiếng. Thậm chí đám cưới của sao nào đó cũng chiếm mất khá nhiều giao diện trên trang mạng với không có thông tin gì cả ngoài các chân dài tới dự lễ thành hôn. Giữa lúc xã hội nơi tôi đang sống có quá nhiều việc cần phải lên tiếng.
Bạn có thể cười nhạt vì một party sinh nhật phù phiếm và hết sức sành điệu của ai đó cũng là người nổi tiếng được tổ chức linh đình và lôi kéo sự chú ý của các phóng viên và nhiều độc giả. Giữa lúc nhiều người dân nước tôi đang thiếu dù chỉ một bữa cơm no bụng.
Bạn có thể kinh ngạc về tội ác diễn ra hàng ngày được “trình diễn” trên các báo và mạng internet như là phần không thể thiếu của cuộc sống trên mảnh đất này. Những vụ án đốt con, đốt chồng, những thây người bị giết cắt rời từng mảnh, những vụ bắn nhau chỉ vì va chạm trên đường, những vụ hiếp dâm trẻ nhỏ và chính con cái mình…Tội ác dường như là chuỵên bình thường khi mọi giá trị nhân văn mang tính người đã bị đẩy ra khỏi cuộc sống.
Bạn có thể bị kinh động bởi những vụ tham ô, thất thoát số tiền lên đến nhiều tỷ tỷ đồng mà người bình thường không biết đó là bao nhiêu chữ số, nhưng vẫn chỉ “rút kinh nghiệm”. Thử hình dung nếu có một Đường Quí Phi thay vì thích xé lụa mà xé tiền thì mất bao nhiêu năm mới xé hết số tiền ấy với mệnh giá 500.000 VND? Nhưng đất nước tôi vẫn bao dung, nhẫn nhịn…cho qua. Trong khi vẫn rất nhiều đứa trẻ phải bỏ học vì không có tiền. Ngày ngày trẻ con vẫn đu dây vượt sông lũ đến trường. Vô vàn đứa trẻ vùng cao phải ở lán dựng tạm trống hoác nơi núi cao rét buốt để nhọc nhằn bám theo con chữ. Vẫn nhiều người phát bệnh tâm thần do nghèo đói, bệnh tật…Chuyện đó ai cũng biết vì tất cả phơi bày trên báo chí.
Bạn có thể thất vọng đau đớn khi thấy thiểu số lãnh đạo cả dân tộc bằng tư duy không thể nói là lạc hậu, mà phải nói là lẩm cẩm, điên khùng. Vậy mà dân tộc tôi vẫn cúi đầu cam chịu, nhẫn nhục cắn răng…Tất cả cũng hiển hiện trên các trang báo và mạng không hề dấu diếm, hàng ngày…Sự thô bỉ, vô liêm sỉ, vô minh, trắng trợn, giả dối, độc ác diễu hành từ mấy chục năm nay và vẫn đang tiếp tục. Sự nhẫn nhục, vụ lợi, bàng quan, lạnh nhạt của triệu triệu người dân cũng chẳng hề dấu diếm…
Có thể phơi bày tất cả, trừ sự thật.
Có thể phơi bày tất cả trừ sự liêm sỉ, tử tế.
Có thể phơi bày tất cả trừ công bằng.
Và đau đớn hơn, có thể phơi bày tất cả trừ lòng yêu nước.
Tôi đã thấy điều đó qua cuộc biểu tình vì Trường Sa – Hoàng Sa – Vịêt Nam vào ngày 12/ 6 / 2011 vừa qua. Nhưng chủng tử của lòng yêu nước trong thời đại mới sẽ gieo mầm vào lòng người từ bây giờ, giây phút này…
Và tôi tin, chỉ một dúm người bày tỏ lòng yêu nước so với gần 90 trịêu dân nước Việt thì cũng đã bắt đầu thổi làn gió dân chủ, tự do vào cuộc sống ngột ngạt hôm nay.
Tôi tin tuổi trẻ, dù là số không nhiều, sẽ truyền năng lượng, nhiệt huyết của họ đến tư duy ù lỳ của rất đông người khác đang bị mắc căn bệnh thời đại “pakinson thể xơ cứng”. Sự thay đổi của cái mới chưa bao giờ bắt đầu từ số đông, thậm chí từ vài con người…Chỉ cần họ tìm ra một điểm tựa là có thể bẩy cả trái đất này.
Nếu có cô gái đẹp nào đã dám khỏa thân vì môi trường (hay vì gì gì đó) thì xin hãy một lần sexy lòng yêu nước để người dân được một lần ngưỡng mộ?
Xin tất cả mọi người hãy sexy lòng yêu nước và sự tử tế, còn những gì thuộc về riêng tư xin hãy kín đáo, lựa lời…
Đừng để các bạn trẻ chỉ thấy sự phồn hoa, phù phiếm mà quên đi hơi thở nặng nhọc của người dân và đời sống nghèo nàn, cực khổ của bao kiếp người đang vật lộn mưu sinh, trong đó có thể là cha mẹ họ.
Đừng để họ bị lóa mắt về tiền bạc, vật chất, đánh mất tính người mà gây tội ác.
Đừng để họ nhiễm sự ích kỉ, vụ lợi, cơ hội để tiếp bước lối sống mặc định trong xã hội: tranh đua học hành; dành giật, mua bán chức quyền; kiếm tiền bằng mọi giá; giàu sang chẳng kém ai; đừng để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”…
Đừng để sự giả dối thoải mái sexy và lên ngôi, thống trị đất nước này.