Tìm kiếm

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

Tổng bí thư: 'Dư luận băn khoăn tự phê bình như hòa cả làng'



"Dư luận vẫn còn không ít băn khoăn cho rằng bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua như 'hòa cả làng', chẳng biết bộ phận không nhỏ (tham nhũng, biến chất...) nằm ở đâu, thậm chí có tâm tư cho rằng 'không thành công' vì không kỷ luật được ai", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Xuân Quý Tỵ 2013.
- Tổng Bí thư đánh giá như thế nào về những kết quả toàn Đảng, toàn dân đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm qua?
- Năm 2012, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI - Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, quyết sách nhằm định hướng giải quyết nhiều vấn đề lớn và hệ trọng của Đảng, của đất nước. Với sự nỗ lực phấn đấu to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, đất nước đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiềm chế thành công ở mức một con số (6,8% so với 18% năm 2011); tăng trưởng GDP đạt trên 5%.
Tuy nhiên, phải nói rằng, 2012 là năm đầy khó khăn. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động bất lợi đến công cuộc xây dựng, phát triển của đất nước.
Nền kinh tế đất nước bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém; kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc; lãi suất tín dụng vẫn còn cao; nợ xấu, hàng tồn kho lớn; thị trường bất động sản đóng băng. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động... đã tác động tiêu cực đến công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là người nghèo, người lao động có thu nhập thấp rất khó khăn; chênh lệch giàu nghèo gia tăng. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông vẫn đáng lo ngại. Vấn đề biển Đông diễn ra phức tạp, các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm gây mất ổn định chính trị xã hội và đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia.
- Gần đây, trong phát biểu của Tổng Bí thư tại các diễn đàn hội nghị, cuộc làm việc, cụm từ "tái cơ cấu", "đổi mới mô hình tăng trưởng" thường được nhấn mạnh. Phải chăng đây là tư tưởng mới của Đảng trong đường lối phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa?
- Một nội dung tư tưởng mới có ý nghĩa xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội XI là đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết hài hòa hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ lớn và phức tạp, cần được triển khai thực hiện đồng bộ ở các ngành, các lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở. Trước mắt, tập trung ưu tiên tái cấu trúc ba lĩnh vực đặc biệt quan trọng là đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Qua làm việc, tiếp xúc, lắng nghe các ý kiến đóng góp, phản hồi, có thể thấy cán bộ, đảng viên và nhân dân đều đồng tình, đánh giá cao, cho rằng Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết rất "đúng", rất "trúng", vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện ra sao, kết quả đến đâu, có tạo được chuyển biến thực sự trên thực tế không. Đi làm việc các nơi, tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại nhiều lần, để nghị quyết đi vào cuộc sống, mỗi bộ, ngành, địa phương, đơn vị cần nắm chắc nội dung, tinh thần nghị quyết, vận dụng sáng tạo vào thực tế tại địa phương, đơn vị, xác định mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Càng đi xuống cơ sở càng thấy rõ, sự năng động, sáng tạo của cán bộ, nhất là người đứng đầu, có vai trò rất quan trọng. Như xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) -một xã thuộc diện khó khăn ở vùng sâu Đồng Tháp Mười, nhưng đã rất thành công với mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh nhờ biết vận dụng những tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
Hay xã Trạm Tấu, một trong 10 xã vùng cao của huyện Trạm Tấu - huyện đặc biệt khó khăn ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, có hơn 80% diện tích là đất rừng, đất lâm nghiệp, nhưng không để xảy ra cháy rừng; 97% dân số là đồng bào Mông nhưng bà con đã thực hiện định canh định cư. Đảng ủy, chính quyền xã đã thành công trong việc vận động người dân có đất, hiến đất cho người thiếu đất, nhờ vậy 100% số hộ trong xã đều có đủ đất sản xuất.
- Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Tổng Bí thư cho biết cần phải làm gì để Nghị quyết tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả?
- Trong lịch sử, đây không phải lần đầu tiên Đảng ban hành một nghị quyết về xây dựng Đảng. Nhưng ngay từ khi ra đời, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã thu hút sự quan tâm, đồng tình hưởng ứng của tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân, cho rằng Đảng đã bắt trúng bệnh và bốc đúng thuốc. Bản thân tiêu đề "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã nói lên tính thời sự, cấp bách của việc ban hành Nghị quyết này.
Bước vào kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề mới đang đặt ra, cả về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng đã chỉ rõ 3 vấn đề cấp bách, 4 nhóm giải pháp cần làm ngay để xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về tư tưởng, tổ chức và cán bộ.
Sau gần một năm triển khai, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã được tiến hành từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng đến từng đảng viên, trở thành đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, dư luận vẫn còn không ít băn khoăn cho rằng bước kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua như "hòa cả làng," chẳng biết bộ phận không nhỏ (tham nhũng, biến chất...) nằm ở đâu, thậm chí có tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, cho rằng "không thành công" vì không kỷ luật được ai.
Đằng sau sự quan tâm và nỗi băn khoăn đó, có thể cảm nhận nhân dân trông đợi và kỳ vọng nhiều lắm, yêu cầu, đòi hỏi cao lắm và trách nhiệm chính trị của Đảng lớn lắm. Cần nhận thức rõ rằng Nghị quyết này với yêu cầu trước mắt chủ yếu là để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn, nếu ai không chịu nhận khuyết điểm, không chịu sửa thì mới kỷ luật, xử lý.
Vả lại, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 không phải chỉ có kiểm điểm tự phê bình và phê bình mà còn một loạt biện pháp, giải pháp về cơ chế, chính sách, tổ chức, cán bộ, chế độ sinh hoạt, cơ chế giám sát , công tác giáo dục...
Có thể dễ dàng nhận thấy, các nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 đang được triển khai thực hiện rất khẩn trương và nghiêm túc. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã ban hành một loạt nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng về giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên; sự gương mẫu của người đứng đầu; về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp Trung ương..., đã lập lại Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; chấn chỉnh ngay một số khuyết điểm; đổi mới ngay một số lề lối, phong cách công tác; xử lý nghiêm một số cán bộ có sai phạm ở các cấp...
Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng, đáng chú ý là Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc rất khó khăn, phức tạp; đó là cuộc đấu tranh cam go ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người.
Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, bình tĩnh, tỉnh táo. Mỗi cá nhân tốt thì tổ chức sẽ tốt, mỗi tổ chức tốt thì Đảng ta sẽ mạnh, mà Đảng vững mạnh thì dân tộc ta sẽ mãi trường tồn.
- Nhân dịp Xuân mới Quý Tỵ 2013, Tổng Bí thư có điều gì nhắn gửi tới đồng bào, chiến sỹ cả nước và kiều bào ở nước ngoài?
- Năm 2013, bên cạnh những thuận lợi và thành tựu đã đạt được, dự báo tình hình thế giới cũng như ở trong nước sẽ còn tiếp tục khó khăn. Tôi mong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hãy vững một niềm tin, đồng lòng nhất trí, quyết tâm đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục những bước phát triển vững chắc. Mỗi gia đình, mỗi người dân Việt Nam có một năm mới nhiều niềm vui, hạnh phúc và thành công. Từ niềm vui nhỏ sẽ nhân nên niềm vui lớn, từ thành công nhỏ sẽ làm nên thành công lớn của đất nước, dân tộc.
Theo TTXVN

'Niềm tin với Đảng đang bị thách thức'



"Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ đang bị suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời báo chí.
- Năm 2012, tính cởi mở và dân chủ đã được thể hiện rất rõ trên các diễn đàn thảo luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về nhận định này?
- Tôi thấy rất rõ, hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước ngày càng được người dân quan tâm. Qua những cuộc tiếp xúc cử tri gần đây, tôi thấy người dân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội. Với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, Quốc hội đã ngày càng đáp ứng được nhiệm vụ và vai trò, nhất là việc thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
- Nghị quyết Trung ương 4 khẳng định, một bộ phận không nhỏ đảng viên suy thoái, nhưng kết quả thực hiện nghị quyết vừa qua chưa cao. Xin Chủ tịch nước đánh giá về vấn đề này?
- Chúng tôi được hỏi câu này nhiều lắm, có người khen, người chê. Vấn đề này, xin khẳng định là phải kiên trì tiến hành, không lùi bước, không thể không làm, nhưng không thể chỉ một lần, một sớm một chiều mà giải quyết ngay được.
Thực tế là vậy, không nên chán nản. Chúng ta phải nhận thức cho đúng, phải hết sức kiên trì, liên tục tiến hành công cuộc xây dựng Đảng. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm. Đó chính là dân chủ hóa. Điều quan trọng là phải làm thực chất, phải có cơ chế kiểm tra chống lại hiện tượng “vận động,” “mua phiếu.” Trung ương Đảng cũng có chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm tương tự và Mặt trận Tổ quốc cũng sẽ có cơ chế tham gia giám sát đội ngũ cán bộ.
- Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về sự tin tưởng của nhân dân đối với chế độ?
- Nhân dân Việt Nam đã tin tưởng, gắn bó với Đảng và chế độ hơn 80 năm qua, kể cả những lúc khó khăn nhất. Niềm tin đó đang bị thách thức và suy giảm do tệ tham nhũng, lãng phí, suy thoái đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Nhưng tôi tin, nhân dân bao dung vẫn tin và kỳ vọng vào Đảng nếu Đảng kịp thời chỉnh đốn, sửa chữa những yếu kém, khuyết điểm trong bộ máy của mình. Tuy vậy, không được lạm dụng lòng tin của nhân dân. Mỗi một cán bộ, chức càng cao, quyền càng to thì trách nhiệm trước sự suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng càng lớn.
Khắc phục những khuyết điểm hiện nay còn là để khẳng định vai trò, trách nhiệm của Đảng với tương lai của đất nước và sự trường tồn của dân tộc như Đảng ta đã làm trong suốt gần một thế kỷ đã qua.
- Chủ tịch nước có thường xuyên nhận được những thư từ của công dân?
- Thư thì hàng ngày tôi nhận được rất nhiều, trên tất cả các lĩnh vực, từ những chuyện rất cụ thể của cuộc sống hàng ngày đến những công việc lớn lao của đất nước, tôi chú ý đến những bức thư chân thực, tâm huyết, xây dựng. Nhiều bức thư rất cảm động, hữu ích, thậm chí có tác dụng trực tiếp đến chính sách của nhà nước, và tôi không thể nói điều gì khác ngoài lòng cảm ơn chân thành.
- Sau hơn một năm ở cương vị là người đứng đầu Nhà nước, đã có những vụ việc nào về bức xúc của nhân dân để lại cho Chủ tịch băn khoăn, trăn trở nhiều nhất?
- Tôi nghĩ rằng, bức xúc thì nhiều, nhưng tựu trung lại mấy vấn đề lớn là làm thế nào trong năm mới, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề về dân sinh và kinh tế cho tốt hơn. Đến doanh nghiệp thì được nghe kiến nghị thiếu vốn, bất cập vướng mắc nhiều quá; gặp người lao động thì được phản ánh về thiếu việc làm, thu nhập thấp, tình trạng tiêu cực, tham nhũng...
Sắp tới, phải làm sao vừa giải quyết tốt hơn vấn đề dân sinh kinh tế, vừa phải giải quyết tốt hơn vấn đề quốc phòng an ninh đất nước, giữ vững chủ quyền quốc gia và triển khai toàn diện công tác đối ngoại theo đường lối Đại hội XI của Đảng.
Mình mong dân tin Đảng, nhưng vẫn còn nhiều người mất việc, không có việc làm, nghèo đói; tham nhũng, lãng phí không kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả thì làm sao tin? Băn khoăn, trăn trở nhiều lắm!
Chủ tịch nước trả lời về vấn đề Biển Đông
- Thưa Chủ tịch nước, năm 2012, ngoại giao Việt Nam có hàng loạt sự kiện hợp tác song phương và đa phương sôi nổi. Kết quả của những hoạt động đó như thế nào?
- Năm 2012, Việt Nam nhấn mạnh chủ trương mới và quan trọng trong đối ngoại: Việt Nam không chỉ hội nhập kinh tế, mà còn hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và toàn diện, cả về chính trị.
Mặc dù tình hình kinh tế đất nước trong năm qua còn nhiều khó khăn, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng do chính sách đối ngoại đúng đắn, bạn bè quốc tế tiếp tục tin tưởng, ủng hộ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam. Vốn ODA cơ bản không giảm so với những năm trước, vốn FDI đăng ký mới thấp hơn nhưng phần vốn thực hiện vẫn xấp xỉ năm trước, góp phần duy trì phát triển trong điều kiện hết sức khó khăn, tiếp tục củng cố vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Lập trường của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo được bạn bè quốc tế chia sẻ, ủng hộ. Năm qua, đã có hơn 30 đoàn khách gồm nguyên thủ, người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan lập pháp của các quốc gia đã đến thăm, làm việc với Việt Nam và đều kỳ vọng về sự hợp tác trước mắt và lâu dài với nước ta. Đó là những quan hệ hợp tác có lợi cả trên bình diện song phương và đa phương...
- Các quốc gia Đông Nam Á giữ vị trí như thế nào trong chính sách đối ngoại của Việt Nam?
- Việt Nam luôn xác định là thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN. Đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN cũng như khi là thành viên bình thường, Việt Nam luôn có những việc làm, sáng kiến góp phần củng cố sự đoàn kết và thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN, được các thành viên ASEAN cùng các nước tán thành.
Những nước lớn trong quan hệ đối tác với ASEAN, cũng rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, quyết định nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và qua Việt Nam để khẳng định quan hệ với khu vực Đông Nam Á.
Chúng ta quan hệ đa phương, chú ý phát triển quan hệ với các nước lớn, nhưng luôn đặc biệt coi trọng quan hệ với ASEAN. Đây là chủ trương nhất quán trong quan hệ với các nước láng giềng. Tôi muốn hỏi lại, bạn có coi trọng quan hệ với hàng xóm của mình không?
- Chủ đề Biển Đông đang được chú ý tại các diễn đàn trong nước và quốc tế. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào?
- Biển Đông là chủ đề Việt Nam luôn quan tâm, ASEAN và nhiều nước trên thế giới có quan hệ lợi ích gắn với Biển Đông cũng rất chú trọng. Việt Nam đã tuyên bố và khẳng định rất rõ ràng lập trường của mình: tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
Giữa Trung Quốc và ASEAN đã ký thỏa thuận về DOC. Hai bên cũng đã thỏa thuận việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, nâng những nguyên tắc đó lên cao hơn, có tính pháp lý ràng buộc. Tuy nhiên, chúng ta chủ trương tất cả những vấn đề đó phải được giải quyết hòa bình, hữu nghị, không dùng vũ lực, để Biển Đông thực sự hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải.
Trung Quốc cũng tuyên bố như vậy với ASEAN. Trên thực tế, các vấn đề diễn ra về cơ bản là cũng theo các nguyên tắc và phương châm như trên. Tuy nhiên, vẫn có những va chạm nhất định trên Biển Đông mà chúng ta đã chứng kiến trong năm qua.
Tôi một lần nữa nhấn mạnh, giải quyết tháo gỡ vấn đề này phải tuân thủ nguyên tắc luật pháp quốc tế và thực hiện theo phương châm hòa bình, hữu nghị giữa các bên liên quan. Những nguyên tắc này, không chỉ Trung Quốc và ASEAN công nhận, mà cộng đồng quốc tế, nhất là những nước quan tâm và có lợi ích ở Biển Đông, cũng thừa nhận và ủng hộ. Việt Nam luôn khẳng định nguyên tắc này trên các diễn đàn, hội thảo...
- Cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, Philippines và Brunei có đồng tình với Việt Nam trong việc xử lý vấn đề Biển Đông?
- Không chỉ Philippines, Brunei mà cả Malaysia, Indonesia và nhiều nước khác trong ASEAN, tuy không có lợi ích trực tiếp ở Biển Đông, cũng ủng hộ những quan điểm đó. ASEAN lấy đồng thuận làm nguyên tắc hoạt động, nghĩa là tất cả các thành viên đều thống nhất trong vấn đề này. Đó là quan điểm, nguyên tắc chung của tất cả các thành viên ASEAN; là cơ sở quan trọng để Việt Nam cũng như cộng đồng ASEAN đi đến đàm phán với Trung Quốc hiện nay và tương lai.
- Chúng ta chủ trương giữ vững chủ quyền biển đảo bằng con đường ngoại giao hòa bình, nhưng tình hình biển đảo ở Biển Đông thời gian qua khiến người dân chưa an tâm. Chủ tịch nước có chia sẻ gì với người dân về vấn đề này?
- Người dân lo lắng, bức xúc về tình hình Biển Đông là đúng. Đó là lòng yêu nước và tinh thần độc lập đã được trao chuyền qua bao thế hệ. Đảng và Nhà nước ta chủ trương như thế nào cũng phải trên cơ sở lòng dân làm gốc. Lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông được luật pháp quốc tế thừa nhận và bảo vệ theo Công ước Luật Biển 1982.
Chúng ta sẽ dựa vào luật pháp quốc tế, lấy đó làm cơ sở và sức mạnh để bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia của mình. Chúng ta đấu tranh mềm dẻo nhưng cũng đồng thời phải thường xuyên chủ động củng cố mặt trận quốc phòng an ninh, nâng cao cảnh giác trước mọi diễn biến ở khu vực, kiên quyết bảo vệ bằng được chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mình.
- Bước sang năm mới, Chủ tịch có thông điệp gì gửi đến toàn thể nhân dân?
- Chúng ta đã bước sang năm thứ 3 thực hiện kế hoạch 5 năm của Đại hội Đảng XI. Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển ngày càng bền vững hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn. Từ đó đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Trong 2 năm qua, kể cả năm 2013, chúng ta vẫn phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu lại nền kinh tế, chấp nhận mức độ tăng trưởng thấp hơn giai đoạn trước; nhưng đồng thời phải thay đổi chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, chuẩn bị tiền đề cho những giai đoạn sau.
Vì thế, tôi mong rằng đồng chí, đồng bào cả nước hết sức nỗ lực phấn đấu trên mỗi cương vị khác nhau của mình để thực hiện tốt, thành công những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra. Tôi tha thiết mong nhân dân ta ấm no, hạnh phúc, đất nước ta hoà bình, thịnh vượng.
Theo TTXVN

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2013

Câu chuyện giáo dục



Cuối năm học 2010-2011, như thông lệ, Trường THPT Nhân Văn (Q.Tân Phú, TP.HCM) khuyến khích học sinh lớp 12 viết lên suy nghĩ của mình để tri ân những người các bạn kính mến. “Tôi bàng hoàng” - cô Hoàng Thị Minh Liên, hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại cảm xúc của mình khi đọc lá thư viết tay của cô học trò Lê Thị Như Ngọc.
“Ba có biết con đau lắm không?”
Hiện Ngọc đang là sinh viên năm 2 Trường ĐH FPT (TP.HCM). Hỏi lại chuyện cũ, cô sinh viên xinh xắn tâm sự trước đây sự nghiêm khắc, lạnh lùng của ba khiến bạn nghĩ ba không thương mình. Thêm vào đó, những áp lực học hành, thi cử, buồn bực... muốn kể cũng không dám dẫn đến ức chế nên hành động dại dột. “Khi người lớn không quá nghiêm khắc, lạnh lùng, thờ ơ... thì các ý nghĩ, hành động tiêu cực của lứa tuổi mới lớn cũng sẽ giảm đi” - Ngọc nói.
Trên trang giấy học trò, cô nữ sinh nắn nót: “...Với con, ngay từ nhỏ ba đã là người cha nghiêm khắc, một người luôn lạnh nhạt với mọi thành viên trong gia đình. Ba thường răn đe, la mắng nên trong tâm trí con, đối với ba, lúc nào cũng tồn tại một nỗi sợ hãi. Ngày con lên thành phố học, ba chỉ đưa ra xe mà không phải là người dẫn con vào trường. Ngôi trường mang tên Nhân Văn (THPT Nhân Văn, Q.Tân Phú - PV) đã gắn bó với con gần bốn năm nay. Ngày đầu tiên vào trường với bác mà lòng con đau thắt. Nhìn mọi người ai cũng có cha mẹ, ông bà hay cả anh chị đưa vào nhập học, con cũng như họ, sao con không được hưởng niềm hạnh phúc đó hở ba? Ba có thể trả lời cho con được không?
Những ngày đầu vào trường đêm nào con cũng khóc. Con trách: tại sao ba cho con vào một môi trường mà ở đó con xa lạ với tất cả mọi thứ, từ thầy cô, bạn bè đến nơi ăn chốn ở, sinh hoạt? Tại sao ba mẹ sinh con ra rồi lại bắt con xa gia đình, phải sống tự lập một mình? Những lần đầu về thăm nhà, nhìn nhà cửa bề bộn, bếp núc lạnh tanh chỉ toàn cơm nguội với mì xào, con thấy thương ba lắm. Nhưng ba vẫn lạnh nhạt, thờ ơ với con.
Nghĩ mà giận, nghĩ mà trách ba, con cố học giỏi như lời con nói. Ba năm liền, năm lớp 9, 10, 11 và cả học kỳ I lớp 12 con đều đạt học sinh giỏi và nhất khối cấp III. Nhưng rồi được gì hả ba? Nhiều lần mời họp phụ huynh, ba không xuống, con tủi thân lắm. Đã vậy, khi về nhà con khoe với ba những tờ giấy khen, những chiếc cúp thủy tinh mà con đã dồn bao công sức mới có được, chỉ mong nhận được ở ba một lời khen dù ngắn nhất, vậy mà con cũng không có được... Đã nhiều lần con viết thư nói lên tâm sự của mình cho ba nghe nhưng rồi lại thôi không gửi, con đem cất vào trong hộp. Nay cái hộp đó đã đầy rồi ba ạ. Vậy mà ba có bao giờ chịu hiểu con chưa hả ba?
Từ khi gia đình mình tan vỡ, chắc chưa lần nào con làm ba buồn phải không? Con nhớ có lần, vì quá áp lực nên con đã nghĩ dại mà đi tự tử. Con còn nhớ rất rõ lúc con nằm để súc ruột, con nắm rất chặt tay ba. Lúc đó, ba biết con đau lắm không? Sao phải đến lúc giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, con mới được ba nắm lấy bàn tay?...”.
Phải biết chia sẻ với học sinh
“Đọc xong thư của Ngọc, tôi mời ba của em đến trường liền” - cô Hoàng Thị Minh Liên nhớ lại. Cô Liên kể: “Lúc ba Ngọc đến, tôi đưa bài viết cho ông ấy coi và nói ông về đọc. Sau đó, trường tổ chức lễ tri ân cho học sinh lớp 12 sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tôi xin phép Ngọc đưa bài viết của em đọc tại buổi lễ. Đọc để duyệt chương trình, Ngọc khóc như mưa. Mỗi lần đọc là một lần khóc”.
Cô Liên cũng mời ba Ngọc, ông Lê Đức Trọng (45 tuổi) từ Bình Phước đến TP.HCM dự lễ tri ân của trường. “Ông Trọng hoàn toàn đồng ý khi tôi đề nghị đưa câu chuyện của Ngọc viết ra đọc tại lễ tri ân trước toàn thể học sinh, phụ huynh, giáo viên trong trường. Ông cũng xin một bó hoa để tặng con gái mình”. Trong clip ghi lại lễ tri ân, Ngọc đã đọc những lời tự đáy lòng mình trong nước mắt. Phía dưới, ông Trọng cầm bó hoa để tặng con, mắt ông đỏ hoe. Không đợi đến khi con đọc hết lá thư, ông Trọng bước lên sân khấu chỉ nói “Ba hiểu rồi” và ôm lấy con.
“Ngọc là học sinh giỏi của trường - cô Liên kể tiếp - Thường ngày tôi rất gần Ngọc. Gương mặt em rất buồn. Tôi hỏi em có chuyện gì cần trao đổi với thầy cô không, em nói không có gì hết. Nhưng khi đọc thư gửi ba của Ngọc, tôi nghĩ mình chưa thật sự gần gũi học trò để các em tâm sự với mình. Tôi cũng nhận thấy có lỗi của bản thân, của trường. Điều tôi trăn trở nhất là ngay cả giáo viên chủ nhiệm, bạn bè, ban giám hiệu không ai biết gì về hoàn cảnh của Ngọc. Em không tâm sự với ai hết”.
Qua câu chuyện của Ngọc, cô Liên cũng rút ra bài học cho bản thân là không nên nghiêm khắc quá với học sinh khi chưa hiểu rõ về các em. “Mỗi biểu hiện của học sinh là một cảnh đời đôi khi có những trầm uất, riêng tư mà mình chưa biết được. Tôi cũng nhắc giáo viên rằng đừng bao giờ dùng quyền của một người thầy mà phải biết chia sẻ với các em” - cô hiệu trưởng kết luận.
“Tôi đã quá nghiêm khắc với con”
Sáng 11-1, chúng tôi tìm đến nhà ông Trọng tại xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, Bình Phước để nghe tâm sự từ người cha. “Tôi dạy con lúc nào cũng nghiêm khắc từ khi con còn nhỏ - ông Trọng kể với chất giọng miền Trung - Tôi không bao giờ bộc lộ tình thương ra bên ngoài để con thấy mình yêu thương rồi chủ quan, không nghe lời. Khi cháu khoe giấy khen học sinh giỏi, tôi vui lắm. Nhưng tôi chỉ khoe với bạn bè, người thân rằng con mình ngoan, học giỏi chứ chưa bao giờ nói trước mặt cháu. Mình nghiêm khắc cũng chỉ muốn con đàng hoàng, nên người...”.
Sau hôm Ngọc hành động dại dột, ông Trọng “suy nghĩ rất nhiều và cần gần gũi con hơn”. “Đó là sai lầm lớn nhất đời tôi - ông nói tiếp - Tôi đã đi quá giới hạn của sự nghiêm khắc. Tôi bị áp lực vì đặt tất cả kỳ vọng vào con. Đời tôi khổ cực bao nhiêu tôi cũng đặt tâm nguyện, hi vọng con nên người, đỗ đạt”.
Người cha tâm sự thêm: “Bài văn của cháu, tôi giữ suốt đời vì đó cũng là một kinh nghiệm của mình. Lúc cô hiệu trưởng đưa bài viết để tôi về nhà đọc, thật sự tôi chưa đọc liền lúc đó. Tôi cũng giữ, nhưng chỉ nghĩ đó là một bài văn xuất sắc của cháu, cô giáo thấy hay đưa cho mình. Lên xe ra về, tôi mở ra đọc. Từng dòng chữ lướt qua, tôi rơi nước mắt. Khi trường mời dự lễ tri ân, bằng mọi giá tôi phải “vứt” hết công việc để xuống với con. Tôi thật sự xúc động khi nghe con đọc những lời gửi cho mình tại lễ tri ân. Đó là buổi xúc động nhất trong đời tôi”.
Suy xét lại cách giáo dục của mình, người cha thừa nhận “có mặt đúng và mặt sai”. “Tôi nghĩ dạy con tốt đừng nên chiều chuộng quá mức nhưng cũng đừng quá khắt khe. Nhiều lúc mình cần phải nói ra, tâm sự với con, động viên tinh thần để con thoải mái, cởi mở hơn...” - ông Trọng đúc kết.
                   Nguồn: Báo Tuổi trẻ HÀ BÌNH - BÙI LIÊM | 16/01/2013 07:25 (GMT + 7)