Tìm kiếm

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

HỌC BÁC ĐỂ SỐNG ĐẸP CỦA CHỊ CHI HỘI TRƯỞNG PHỤ NỮ



Chị Tạ Thị Hiệp (1973) - Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn Thuận An, Ủy viên BCH Hội LHPN xã Duy Nghĩa là một trong những điển hình về thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác ở huyện Duy Xuyên, được các cấp ủy Đảng, các đoàn thể biểu dương, khen thưởng nhiều năm.
           Với đặc điểm của một vùng đất cát nghèo như Duy Nghĩa, đời sống kinh tế của đại đa số nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn, chị Tạ Thị Hiệp cũng không phải là một trường hợp ngoại lệ. Sau khi lập gia đình với anh Đặng Văn Thành (cùng ở xã Duy Nghĩa), cuộc sống gia đình ban đầu rất vất vả. Anh Thành ngày ngày đi khai thác củi dương liểu thuê ở địa phương, chị tần tảo với nghề buôn bán nhỏ tại chợ Nồi Rang cũng như các chợ lân cận để mưu sinh và phát triển kinh tế gia đình. Cuộc sống khốn khó cứ trôi dần qua năm tháng trong sự thiếu vốn, thiếu thông tin để làm giàu nhưng chị luôn nêu cao quyết tâm cùng chồng vượt qua. Lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” mà chị cảm nhận được từ thời còn trẻ như nhắc nhở và thôi thúc chị vươn lên trong cuộc sống. Mỗi ngày, chị thức dậy từ sáng sớm để chở hàng tạp hoá mua được đến các chợ cho kịp phiên để bán kiếm lời. Chiều về, chị lặn lội đến các nơi để mua hàng cho ngày mai. Số tiền thu được hằng tháng tằn tiện lắm cũng vừa đủ chi tiêu cho cái ăn, cái mặc trong nhà. Tuy cuộc sống vất vả, nhưng chị luôn biết dành những khoảng thời gian ít ỏi còn lại ngoài công việc để chăm sóc gia đình, động viên chồng nổ lực phấn đấu để có nguồn kinh phí tích lũy, dành thời gian nhắc nhở con học hành chăm chỉ để vững vàng bước vào đời.
              Là hội viên, cán bộ của tổ chức Hội Phụ nữ, chị Tạ Thị Hiệp luôn tham gia sinh hoạt đầy đủ các buổi hội họp, sinh hoạt, học tập chủ trương của Đảng, Nhà nước và của Hội, nắm được quyền và nghĩa vụ của người hội viên đối với tổ chức mà mình tham gia. Với chị, muốn xây dựng gia đình hạnh phúc thì phải là một công dân tốt, nắm bắt đầy đủ, chính xác các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào thực tế cuộc sống. Đây là điều kiện tốt để nâng cao kiến thức cuộc sống của cá nhân, từ đó, xây dựng cho mình hướng đi thích hợp để xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội. Trong các buổi sinh hoạt, hội họp của Hội Phụ nữ, chị luôn luôn quan tâm đến các phong trào thi đua của Hội các cấp phát động, nhất là các gương điển hình về vượt khó vươn lên của các cá nhân tại địa phương cũng như trong huyện, trong tỉnh để học tập.
            Khi chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi ngành nghề, đa dạng hoá các loại hình sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế tại xã Duy Nghĩa, chị đã bàn bạc cùng chồng và đi đến quyết định chuyển đổi ngành nghề, khai thác tốt thế mạnh của địa phương ven biển vốn có nguồn thủy, hải sản dồi dào và nghề khai thác, chế biến vốn nổi tiếng từ lâu đời. Chị Hiệp từ công việc buôn bán nhỏ lâu nay chuyển sang đầu tư mở cơ sở chế biến hải sản ở địa phương. Tuy có thuận lợi là nguồn sản phẩm đầu vào có sẵn tại chỗ, ít vận chuyển, thu gom nhưng công việc mới, thông tin về thị trường, kỹ thuật chế biến, chất lượng sản phẩm làm ra luôn là những đòi hỏi mang tính sống còn đối với gia đình chị. Quyết tâm “đào núi và lấp biển” một lần nữa lại trỗi dậy, chị tiếp tục lặn lội tìm kiếm đến các mô hình chế biến hải sản ở khắp nơi, vừa để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, vừa làm quen để tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cùng với chồng, chị vào đến tận Quảng Ngãi, Nha Trang, Bình Thuận, ... là những nơi có ngành nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh và là nơi vợ chồng chị có một số người thân, quen để tìm hiểu, học hỏi. Với sự cố gắng không biết mệt mỏi, sau một thời gian, vợ chồng chị học được kỹ thuật chế biến, đồng thời đã đặt mối quan hệ làm ăn lâu dài với Công ty thuỷ sản Nha Trang về việc tiêu thụ sản phẩm.
            Công việc ban đầu của cơ sở chế biến cũng hết sức khó khăn do nguồn vốn đầu tư khá lớn. Nhiều năm lao động vất vả của vợ chồng chị cũng chẳng dành dụm được bao nhiêu. Chị lại tất tả đi vay mượn của bà con xung quanh, thấy anh chị chí thú làm ăn, lại quan hệ tốt với chòm xóm nên mọi người cho chị mượn được nguồn vốn ban đầu hơn 100 triệu đồng. Hội LHPN, địa phương xã Duy Nghĩa cũng đã hướng dẫn chị lập thủ tục, vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện từ nguồn vốn giải quyết việc làm được 150 triệu đồng. Có được nguồn vốn ban đầu, chị đã mua sắm trang thiết bị và mua nguyên liệu để thực hiện khát vọng chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh của mình. Lúc đầu mới sản xuất thí điểm, chị Hiệp thường thức dậy từ 03 giờ sáng hằng ngày để ra bến sông chờ đón các ghe, tàu đánh bắt cá vào bến để mua thuỷ, hải sản làm nguyên liệu sản xuất. Có hôm tàu thuyền về muộn, đến tối mịt  mới mua được hàng đem về, chị cùng gia đình, người thân thức trắng đêm để chế biến cho đúng theo qui trình kỹ thuật.
            Thấu hiểu và chia sẻ với điều kiện nghèo khó của chị em phụ nữ trong xã qua chính nổi gian truân, vất vả của mình nên ngay khi cơ sở đi vào hoạt động, chị đã mời gọi được 15 lao động nữ tại địa phương, chủ yếu là các chị em không có việc làm, gia đình nằm trong diện nghèo khó để giúp cho chị em có việc làm và thu nhập. Khi cơ sở ngày càng ăn nên làm ra, chị đã đầu tư nguồn vốn mở rộng qui mô sản xuất, thu hút trên 70 lao động là những chị em phụ nữ nghèo khó, chưa có việc làm tại địa phương nhằm chia sẻ khó khăn của các chị em phụ nữ nghèo trong cuộc sống. Hiện nay, mức thu nhập bình quân hằng tháng của mỗi chị từ 3 đến 4 triệu đồng. Bà Đỗ Thị Xí sống tại thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa đã 60 tuổi, gia đình còn khó khăn được chị Hiệp nhận vào làm tại cơ sở chế bến thuỷ sản Thành Hiệp với mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này cũng góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình bà.  
Khi các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, chị Tạ Thị Hiệp càng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người hội viên phụ nữ trong mọi hoạt động của Hội, của địa phương. Chị dành nhiều thời gian để tham gia vào công tác xã hội, đặc biệt là việc nêu gương về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Chị tích cực làm việc từ thiện để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống tại cộng đồng. Từ năm 2005 đến nay, hàng năm chị đi quyên góp từ các nơi và dành phần tiền tiết kiệm của mình để tặng từ 100 đến 150 xuất quà/ năm cho phụ nữ nghèo, phụ nữ ốm đau, hoạn nạn, ... với trị giá mỗi xuất quà là 150.000 đồng vào dịp 8/3, 20/10 và tết Nguyên Đán. Nhìn những cảnh sống bất hạnh, khó khăn của một số chị em trong địa phương, chị luôn tự nhủ với chính mình phải làm gì để góp phần cùng với xã hội giúp đỡ những mảnh đời này vượt qua những khó khăn, bất trắc như những việc làm của Bác Hồ mà mình đã được học và nghe kể lại. Năm 2007, chị đến bệnh viện Hội An để khám bệnh, nhìn thấy chị Truyện - người cùng địa phương đang vật vả trên giường bệnh nhưng không có tiền để điều trị theo yêu cầu của bác sĩ (gia đình chị Truyện thuộc diện nghèo khó, con đông nên kinh tế rất khó khăn, không có tiền để mua máu để điều trị bệnh). Chị Hiệp đã đi quyên góp và hỗ trợ kinh phí để chị Truyện mua 02 đơn vị máu theo yêu cầu chữa bệnh của bác sĩ. Chị Truyện đã qua được cơn bệnh hiểm nghèo. Chị Hiệp cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì việc làm của mình đã góp phần cứu sống một mạng người. Từ đó, mọi hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, từ thiện ở địa phương, chị đều tham gia rất tích cực, đã giúp đỡ được nhiều trường hợp vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Năm 2009, biết được nhiều chị em hội viên phụ nữ trong chi hội còn sống trong những căn nhà tạm, dột nát, chị bỏ công đi các nơi ở Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, ... để quyên góp nguồn kinh phí, hỗ trợ chị em xây dựng lại nhà ở cho chị em phụ nữ nghèo trong chi hội với số tiền là 10 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Ái Linh sống ở thôn Thuận An, người được chị Hiệp giúp kinh phí xây dựng nhà và nhận vào làm việc tại cơ sở Thành Hiệp bày tỏ lòng biết ơn của mình: “Chị Hiệp là ân nhân của gia đình em, cưu mang giúp đỡ gia đình em để có được nơi ăn, chốn ở và việc làm, nhờ vậy mà cuộc sống ngày càng được cải thiện tốt hơn”. Vừa qua, chị vận động các cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã và bỏ phần kinh phí tiết kiệm của mình để tặng 02 sổ tiết kiệm cho 02 cháu mồ côi ở địa phương.
             Thời gian cho công việc phát triển kinh tế gia đình và công tác nhân đạo khiến chị rất bận rộn, nhưng với sự tin yêu của hội viên phụ nữ trong chi hội, chị được bầu vào các chức danh Chi hội phó, rồi Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thuận An. Thời gian của chị Hiệp càng thêm bận rộn hơn. Với chị, khi đã được sự tín nhiệm, tin tưởng của chị em thì phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho xuất sắc. Trên cương vị người đứng đầu của chi hội, chị luôn lo toan, trăn trở làm thế nào để chi hội đạt và giữ vững danh hiệu thi đua chi hội xuất sắc. Từ suy nghĩ đó, chị đã bàn bạc với các chị tổ trưởng đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình làm kinh tế, giúp đỡ phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Trong 2 năm qua, chi hội phụ nữ thôn Thuận An đã nhận đỡ đầu 01 cháu có bố bị bệnh AIDS qua đời với mức trợ cấp mỗi tháng 100.000 đồng. Hằng năm còn tặng được 05 sổ tiết kiệm cho các chị phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với tấm lòng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đối với những mảnh đời bất hạnh, chị Hiệp luôn nêu gương sáng trong công tác xã hội, nhân đạo từ thiện, được UBND xã, Hội LHPN xã Duy Nghĩa, Hội LHPN huyện Duy Xuyên tặng giấy khen cho những đóng góp đầy tính nhân văn trong các hoạt động. Trong Hội nghị tuyên dương các điển hình học tập và làm theo Bác của huyện, chị được  UBND huyện tặng giấy khen. Đặc biệt, chị được chọn là gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2013 tham dự Hội nghị biểu dương do Trung ương Hội LHPN tổ chức vào ngày 02/10/2013 tại Hà Nội và được tặng bằng khen. Ngoài ra, chị còn được Hội phụ nữ huyện công nhận danh hiệu Cán bộ Hội giỏi 5 năm liền.
             Từ một người phụ nữ nghèo khó, vào đời với đôi bàn tay trắng để lập nghiệp rồi vươn lên làm giàu, góp phần giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó trong cuộc sống, chị Tạ Thị Hiệp xứng đáng là một điển hình trong việc học Bác để sống đẹp, xứng đáng là tấm gương sáng để cán bộ, hội viên phụ nữ nói riêng, nhân dân nói chung học tập, tôn vinh.

                                                    Trần Thị Minh Yến - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện 

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG TẬN TỤY



Người dân thị trấn Nam Phước nói riêng, du khách có dịp đến ngã ba Nam Phước nói chung đã từng chứng kiến và khá quen thuộc với hình ảnh anh thợ sửa khoá Lê Văn Thịnh tay cầm tấm biển đỏ, dẫn dắt các cụ già, trẻ em qua đường khiến nhiều người hết sức cảm phục. Gặp anh Thịnh vào một ngày oi bức, tôi ấn tượng với một người đàn ông ít nói nhưng ánh mắt luôn chứa đựng nhiều nhiệt tâm. Đôi bàn tay thô ráp vì hằng ngày phải liên tục mài, dũa, cắt chìa, sửa khóa cho khách hàng để kiếm cái sinh nhai. Nhưng cũng chính đôi tay này đã dìu dắt không biết bao nhiêu cụ già, học sinh, trẻ em ở ngã ba Nam Phước sang đường an toàn. Nhiều người đã nhận xét: “Trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống, ai nấy đều dồn thời gian cho công việc, sinh hoạt của mình thì hình ảnh anh thợ sửa khoá Lê Văn Thịnh là một hình ảnh đẹp, cần được tôn vinh, biểu dương và khen ngợi”!
Ngã ba Nam Phước, huyện Duy Xuyên là một trong những vị trí trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Đây là nơi giao nhau giữa tỉnh lộ 610 và Quốc lộ 1A nên mật độ xe cộ, người tham gia giao thông rất đông đúc khiến tình hình giao thông diễn biến rất phức tạp. Tiệm cắt chìa, sửa khóa của anh Thịnh nằm bên lề đường, gần với ngã ba Nam Phước nên anh đã chứng kiến nhiều vụ va quẹt, tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày ở đây. Nhiều cụ già tuổi cao, chân yếu, mắt mờ đi qua đường đã rất khó khăn nhưng vô cùng nguy hiểm; trẻ em, nhất là học sinh của trường Tiểu học số 3 Nam Phước lúc bãi trường mà người nhà chưa đón kịp, các em tự đi qua đường không kịp quan sát kỹ rồi bị xe tông, ... Những cái chết thương tâm, những thương tật không đáng có để lại trên thân thể các cụ, các cháu đã gieo vào lòng anh Thịnh nổi xót xa, ray rức. Anh thường xuyên trăn trở: Mình phải làm gì để góp phần giảm bớt tai nạn giao thông ở đây, nhất là tai nạn với các cụ già, trẻ em? Nổi niềm ấy đã thôi thúc anh thực hiện ý tưởng làm người dẫn đường cho các cụ, các cháu. Công việc này đã được anh thực hiện hơn 15 năm nay một cách âm thầm và tự nguyện. Điều quan trọng nhất với anh là góp phần làm giảm bớt nổi bất hạnh trong từng gia đình, chung tay xây dựng cuộc sống xã hội ngày một an toàn, tươi đẹp hơn!
Nghề sửa khoá, làm chìa là nguồn sống chính của bản thân anh cùng gia đình. Trong công việc, anh luôn luôn cần mẫn, chi li từng chi tiết nhỏ nên khách hàng rất vừa lòng. Tuy vậy, thu nhập hằng ngày của vợ chồng anh Thịnh cũng chỉ đủ cho chi tiêu tằng tiện trong gia đình. Anh yêu nghề và yêu luôn công việc làm người dẫn đường của mình. Tay thoăn thoắt cắt chìa, sửa khoá nhưng mắt anh thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn xem có ai đang cần mình giúp đỡ không. Thấy một cụ già hay một em bé đang lúng túng nhìn dòng xe chạy là ngay lập tức anh bỏ dở công việc đang làm để giúp. Đã hơn mười lăm năm “hành nghề” dắt người già và trẻ em sang đường, anh Thịnh đã rất thân thiết với những em học sinh trường Tiểu học số ba Nam Phước. Có những em nhỏ được anh dắt sang đường đi học những ngày đầu tiên giờ đã vào đại học. Mỗi buổi tan trường về, người đi đường thường nghe giọng trẻ con ơi ới gọi: “Chú Thịnh”, “Chú Thịnh”! thì người thợ sửa khoá lại tức tốc sang dẫn các cháu qua đường. Các em cười đùa vui vẻ vì an tâm đã có chú Thịnh quan sát xe cộ trên đường. Bàn tay nhỏ nhắn của các em nằm gọn trong đôi bàn tay thô ráp của chú thợ sửa khóa với niềm tin tưởng và yêu mến. Anh Thịnh ân cần như một người cha mà cũng gần gũi như một người bạn của trẻ nhỏ. Tâm sự về công việc của mình, anh bảo đó là chuyện đơn giản trong cuộc sống, nhưng là một phần không thể thiếu trong ngày. Làm riết rồi quen nên đi đâu cũng nhìn xem có ai cần sang đường hay không. Nhiều người không biết, cười anh làm việc không đâu, bảo anh khi không lo việc thiên hạ, các em đã có phụ huynh đưa đón rồi nhưng anh chỉ cười trừ, có những điều nhìn từ bên ngoài làm sao mà hiểu hết.
Dắt người già, trẻ em sang đường - công việc mới nghe tưởng chừng như dễ dàng, đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có một sự kiên nhẫn, lòng yêu thương, tâm huyết mới có thể làm được. Nhiều lúc công việc nhiều, khách hàng đứng chờ và hối thúc liên tục, nhiều người cằn nhằn vì đợi quá lâu nhưng anh ôn tồn bảo: “Không dắt tụi nhỏ qua, lỡ có chuyện gì mình hối cũng không kịp”. Những người này dần cũng hiểu và thông cảm với anh. Không kể một người hay nhiều người cần sang đường, anh Thịnh đều nhiệt tâm và ân cần giúp đỡ, không chờ đợi, nề hà vì phải bỏ dở công việc của mình. Anh Thịnh cho đi tình yêu thương của mình và cũng nhận lại được sự kính trọng của các cha mẹ học sinh. Có anh họ yên tâm mỗi khi con mình tan học mà chưa đến đón kịp; có anh các cháu sẽ biết đi đúng luật giao thông, biết cùng nhau đoàn kết khi sang đường. Anh Phạm Quang Năm - bạn thân nhiều năm của anh Thịnh cho biết: thỉnh thoảng lại thấy anh Thịnh có những quả ổi, quả xoài, hỏi ra mới biết đó là do các em học sinh được anh dắt sang đường biếu để bày tỏ lòng biết ơn! Anh Thịnh không bao giờ nhận quà biếu của phụ huynh học sinh, bởi theo anh đây là công việc chung mà bản thân anh phải có trách nhiệm góp công sức vào thực hiện. Anh Năm còn cho biết thêm: “Nó ít nói về bản thân lắm, cái tính lâu nay là vậy! nó giờ chỉ ước ao phía bên kia ngã ba cũng có một người dẫn đường như nó”.
Mặt trời đã lên cao nhưng anh Thịnh vẫn nán lại cho hết giờ học để dẫn học sinh sang đường rồi mới về ăn trưa. Dù một ngày dẫn hàng chục cháu qua đường nhưng anh bảo vẫn chưa hết run bởi anh cần tập trung cao độ, tuyến đường này giao thông rất phức tạp. Hiểu được tấm lòng thiện nguyện của anh, công an thị trấn Nam Phước đã làm một tấm biển “Nhường đường cho người già và trẻ em” để anh thuận tiện hơn trong công việc của mình.
Cứ như thế, giữa ngược xuôi dòng người, anh Thịnh - Người dẫn đường vẫn âm thầm làm công việc của mình. Người dẫn đường ấy đã đưa các em đến bờ của sự an bình và cũng là bến bờ của tình người. Việc làm hôm nay của anh Thịnh sẽ mang nhiều ý nghĩa trong tương lai khi những mầm non ấy bước vào đời. Để rồi hằng ngày ở ngã ba Nam Phước này, người ta vẫn thấy nụ cười hồn nhiên của các em đi ngang qua bao nổi lo toan, vất vả của cuộc sống xã hội ngoài kia./.
                                                                                  Hà Dung-BTG Huyện ủyDuy Xuyên