Tìm kiếm

Bài tham khảo về Gia đình



Những cái nắm tay đêm đông Hà Nội
Trong cuộc đời mỗi con người, có lẽ có những cái nắm tay sẽ không bao giờ có thể quên được. Với tôi, đó là những cái nắm tay của những người phụ nữ xa lạ, mà ấm áp tôi nhận được trên mảnh đất Bắc.
Tôi là một cô bé tỉnh lẻ từ mảnh đất miền Trung tới Hà Nội trọ học. Cuộc sống sinh viên xa nhà, chốn phồn hoa tấp nập, xen lẫn cả những hối hả vội vàng, những cách cư xử lạnh lùng ơ thờ của lối sống thành thị khiến tôi có phần bị hẫng… Nhưng rồi quen và hình như cách sống ấy cũng lặng lẽ ngấm vào tôi từng chút. Tôi mặc nhiên trở thành kẻ vô tâm ơ hờ và có lẽ cũng sẽ nghĩ rằng cuộc sống nơi đây sẽ mặc nhiên là thế cho tới khi một cái nắm tay của một người đàn bà xa lạ khiến tôi thay đổi.
Học về, đi làm thêm… tôi về nhà muộn. Xuống xe bus, tôi đi bộ vào ngõ, không quên dừng lại trước cửa quầy tạp hóa nhỏ xíu của một bà cụ mua đồ ăn tối. Tôi chỉ nhờ bà lấy cho một chiếc bánh mỳ và một hộp sữa, nhiêu đây có lẽ đủ rồi. Toan quay đi… chợt thấy bà chạy vội ra, đưa cho tôi thêm một hộp sữa và một cái bánh nữa, rồi bà nhìn tôi... Tôi bất ngờ… im lặng... bà nắm lấy tay tôi, cái nắm tay ấm áp đến lạ, sưởi ấm bàn tay tôi giá buốt, và xua đi cả khí lạnh đêm mùa đông đất Bắc. Tôi cảm giác tay bà mềm và ấm lắm, bà nhè nhẹ nắn bàn tay xương xẩu của tôi, nhìn cái cổ tay bé tý, bà lắc đầu, giọng bà nghèn nghẹn trong những lời hỏi thăm ân cần... khiến tôi xúc động quá đỗi.
- Phải cố mà ăn con nhé, đi học mà còn phải đi làm, ăn uống như thế, người thì bé tí thế này, làm sao có sức…
Sự quan tâm và cái nắm tay rất chặt của bà khiến tôi nhớ mãi. Đâu phải người thành phố nào cũng thờ ơ, lạnh lùng như tôi vẫn ác cảm? Đâu phải sự vội vã, mải miết của dòng đời, những vòng xoáy của cuộc sống khiến họ chỉ còn là những cái bóng vô tâm? Chỉ một cái nắm tay nhỏ thôi, nhưng giữa đêm đông Hà Nội, trong cái lạnh se sắt, trong nỗi niềm xúc cảm của đứa con xa nhà hơn 300 km, thiếu thốn tình yêu thương, vắng xa bóng mẹ… và trước giờ chỉ nhận được những đối xử ơ thờ, những lạnh lùng băng giá, và cả những lời cay nghiệt nhiếc móc… Chợt thấy ấm áp, chợt thấy lòng nén lại những quạnh quẽ, những nỗi niềm vắng xa lâu nay gọi về, tự dưng hàng nước mắt trào ra trong sự quan tâm ấy. Cảm giác ấm áp và bình yên, lòng tôi thổn thức vỡ òa sau những ngày chất chứa, cảm giác như lại được về bên mẹ… tiếng mẹ dìu dịu yêu thương, chỉ nghĩ tới thôi cũng đủ sưởi lòng mình ấm áp… cảm giác được săn sóc đã mất đi từ lâu… nay trỗi dậy.
Cái nắm tay, cử chỉ trìu mến yêu thương, sự săn sóc nhỏ bé của bà, khi bà quàng lại chiếc khăn cho tôi, nỗi xót xa thương cảm khi bà nhìn tôi, một ánh mắt đẹp trên gương mặt của người phụ nữ đất Hà thành… mãi mãi tôi không quên. Để rồi giờ đây, khi nghĩ về Hà Nội, trong tôi luôn là những hình ảnh đẹp, thiết tha. Không chỉ là Hà Nội mơ màng trong hồn thu của giai điệu Phú Quang cùng tình người nghệ sĩ… mà một Hà Nội rất thực, rất đời, một Hà Nội ấm áp sẻ chia, một Hà Nội với tình người yêu thương, một Hà Nội với tấm lòng trắc ẩn… của những người bà, người mẹ, đó đây, trong cuộc sống vẫn là tình yêu thương và quan tâm… chỉ có điều nó nằm len lỏi ở những góc khuất… Tôi luôn tin là thế, và mạnh mẽ hơn để sống, và cũng yêu Hà Nội nhiều hơn… Năm tháng qua, tôi vẫn muốn gửi lời cảm ơn bàn tay bà đã truyền cho tôi niềm tin yêu hơn vào cuộc sống, vào tình đời, tình người… đang dần phôi pha, cảm ơn sự kỳ diệu, phép nhiệm màu mà cái nắm tay ấy mang đến cho tôi.
Vẫn góc phố Chùa Bộc nườm nượp người lại qua, vẫn là những đêm mùa đông, ám ảnh tôi là hình ảnh người đàn bà ngồi bán khăn ấm ở vệ đường... Đêm nào bà cụ cũng ngồi đó, bà đã già lắm rồi, lưng còng, tóc bạc… Tuổi bà đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, vậy mà đêm đông, gió lạnh, sương mù, bà vẫn ngồi bán khăn, bán mũ, trao gửi chút tình ấm cho người đời... tấm thân gầy run lên theo từng cơn gió se sắt… Chẳng biết con cháu bà đâu, chỉ biết hằng đêm, bà vẫn ngồi đó, người qua đường, ai không khỏi xót xa khi nghe giọng bà rên rên nài nỉ:
- Cháu ơi mua khăn cho cụ.
- Cô ơi mua lấy chiếc khăn quàng này…
Nhưng rồi họ lặng lẽ bước nhanh… Những chiếc khăn bà bán, hoặc kiểu dáng lỗi thời xưa cũ, hoặc là những tấm khăn do bà tự đan… không được mọi người ưa thích. Tôi nghẹn ngào tự hỏi mỗi tối bà bán được bao nhiêu… Muốn giúp bà, nhưng cũng là một đứa sinh viên nghèo, tôi chỉ bất lực… Một hôm, nhận lương làm thêm, điều đầu tiên mà tôi nghĩ là trên đường về sẽ qua mua khăn cho bà. Chọn vội một chiếc, trả tiền cho bà, tôi quay đi không lấy tiền thối lại.
- Ơ này cháu ơi!
Bà trả lại tôi chút tiền thừa
Tôi nhẹ nhàng đặt nó vào tay bà:
- Cũng chả có nhiều, cháu biếu cụ ăn trầu.
Nói tới đó, giọng tôi nghèn nghẹn. Bà nắm lấy tay tôi, ánh mắt cảm ơn… Một bàn tay xương xẩu thô ráp bởi cả đời gió sương, những đường gân xanh nổi chằng chịt dưới lớp da mỏng mảnh nhăn nheo… bao nỗi vất vả lặn vào trong… Cái nắm tay ngầm chứa nỗi hàm ơn của bà cụ, khiến tôi xúc động, và sợ mình sẽ khóc… tôi vội vã chào bà và chạy đi. Đôi bàn tay vất vả cả đời của cụ, tới giờ vẫn chưa được nghỉ ngơi…
Chiếc khăn xù xì những sợi len to, thô ráp, tôi ít khi quàng, và lần nào cũng bị bọn bạn chọc: mượn khăn của bà đấy ah, hay định làm bà cố tám mươi hả… Nhưng mỗi lần khoác nó lên cổ, tôi lại tự mỉm cười, cầu mong bà được bình an…Mỗi lần như thế, tôi đều cảm giác hạnh phúc, ấm áp rất lạ, chiếc khăn được đan bởi bàn tay bà cụ già ngồi nơi góc phố, đôi bàn tay đã nắm lấy tay tôi… chứ không phải là được dệt bởi những cỗ máy vô tri… bất giác thấy được săn sóc, nghẹn ngào.
Nghỉ hè, rồi cũng tới ngày trở lại trường, tôi thấp thỏm, điều khiến tôi lo sợ là ngày tôi trở lại… sẽ không còn như xưa. Cảnh cũ, vẫn con phố Chùa Bộc nhộn nhịp, vẫn mái trường tôi học tọa lạc trên con phố ấy... tất cả như xưa, bất giác tôi tự hỏi bà đâu… Vẫn chỗ bà ngồi hằng đêm, giờ vắng lặng. Bà chẳng còn ngồi đó nữa, không có bóng dáng nhỏ bé với tấm lưng còng... Tôi nghẹn ngào cố xua đuổi những ý nghĩ không hay, uh, biết đâu bà chỉ bị ốm, vài hôm nghỉ bà sẽ lại đi… Không, biết đâu con cháu bà đón bà về phụng dưỡng nghỉ ngơi tuổi già… Chỉ biết rằng mỗi lần qua phố, tôi vẫn nhìn vào khoảng trống mà bà thường ngồi, một nỗi hoang vắng mênh mông…
Những cái nắm tay… đôi bàn tay của những người phụ nữ mà tôi chưa cả biết tên sẽ khiến tôi nhớ mãi, yêu hơn, cảm phục hơn các bà, các mẹ… ở đâu cũng thế, lòng họ cũng ngập tràn tình thương yêu, cũng những hy sinh cam chịu, những lam lũ vất vả cả đời… Những cái nắm tay ấy đã sưởi ấm lòng tôi, giữa những ngày tháng xa nhà, và truyền thêm sức mạnh, niềm tin cho tôi bước tiếp chặng đường dài phía trước, mãi không thể quên.
Phan Thị Hiền Lương
Đôi găng tay của 'cậu ấy'
Tôi chỉ biết ngồi bên cậu và lặng lẽ cầm lấy đôi găng tay cũ ngày xưa. Đôi găng tay này sẽ thay cậu sưởi ấm phần đời còn lại của tôi trong những ngày cậu đã đi xa.
Hồi nhỏ cậu khó nuôi nhất nhà, quấy khóc suốt ngày đêm. Ba cậu đi làm ăn xa, má cậu rất yếu sau khi sinh cậu vậy nên ba má tôi thay phiên nhau ẵm bồng và dỗ dành cậu ngủ. Cậu rất thích ngủ trên tay ba má tôi hoặc cậu đã quen hơi ấm từ những đôi bàn tay chai sạm vì ruộng đồng. Cậu không phải em ruột tôi, ba của cậu là em của ba tôi và chúng tôi sống chung với nhau dưới một mái nhà. Một đại gia đình thực thụ.
Vượt qua những năm tháng tuổi thơ khó nhọc, cậu lớn một cách phổng phao. Giờ cậu đã là một chàng thanh niên thanh lịch. Gia đình cậu đã ra ở riêng nên cậu không còn ở chung với nhà tôi nữa. Tôi vào học trong TP HCM và làm luôn trong này sau khi ra trường, tôi chỉ về nhà trong mấy ngày Tết. Còn cậu cũng đã là sinh viên năm cuối của một trường cao đẳng ngoài Đà Nẵng. Cậu ở gần nhà hơn tôi nên cuối tuần cậu lại về nhà, cậu không chỉ về nhà ba má cậu mà cậu còn về nhà tôi. Cậu chuyện trò với ba má tôi, giúp ba tôi tưới mấy luống rau luống hoa ngoài vườn, phụ má tôi gánh mớ rau vô nhà, rồi ngồi ăn với ba má tôi bữa cơm. Cậu đang thay tôi làm con của ba má tôi những khi tôi vắng nhà.
Tết năm nào cậu với tôi cũng phụ má tôi bán hoa Tết ngoài chợ. Cậu luôn dành với tôi bó hoa hồng cho khách, không phải cậu thích làm việc đó mà vì cậu sợ gai hoa hồng làm xước tay tôi. Mỗi lần bị gai cắm vào tay chảy máu cậu lại cười xòa “Nhằm nhò gì, em nhiều máu lắm!”. Tết ngoài miền Trung trời hay mưa và lạnh tê tái. Cậu vừa “đón khách” vừa che dù cho tôi khỏi ướt. Nhìn cậu rất ra dáng một người đàn ông, luôn thích che chở và bảo vệ cho phụ nữ.
Tết năm rồi trời lạnh kinh khủng. Tôi bị cảm lạnh ngay ngày đầu tiên về nhà. Như thường lệ cậu ra nhà tôi chở tôi đi café trước giờ giao thừa. Cậu quàng thêm cho tôi chiếc khăn quàng cổ to như cái mền và nhất quyết bắt tôi mang đôi găng tay quá khổ của cậu vào. Trông cái vẻ ngoài rộng thùng thình đến “xấu xí” nhưng những ngón tay tôi đang ấm dần lên trong đôi găng tay len của cậu. Đêm đó hai chị em ngồi với nhau đến gần giờ giao thừa mới về. Cậu không nói chuyện nhiều mà chỉ ngồi lặng im, lâu lâu lại nhắc tôi không nên ăn nhiều hạt dưa sẽ bị khản giọng. Khuya cậu đưa tôi về, tôi trả lại cho cậu đôi găng tay, cậu mang vào và cười như nắc nẻ “Tay chị ấm quá!… Mai em ra nhận tiền lì xì của chị nhén!”, rồi cậu lẫn khuất trong màn sương đêm dày đặc và lạnh buốt.
Có nằm mơ tôi cũng không ngờ được rằng đó là lần cuối cùng tôi được nắm lấy bàn tay cậu, được nghe được nhìn thấy nụ cười và gương mặt của cậu em trai. Bởi sau đêm ấy tôi phát ban và tránh gặp tất thảy mọi người kể cả cậu, xong Tết tôi lại vào Nam. Tháng 3 cậu tròn 21 tuổi, cậu bắt tôi phải tặng nguyên giấc ngủ trưa ngày chủ nhật hôm đó để làm quà sinh nhật cho cậu. Tôi hứa với cậu là tháng 7 tôi nghỉ phép và sẽ về nhà chơi. Tháng 5 tôi nhận tin cậu ốm nặng. Ba cậu điện vào cho tôi trong cơn tuyệt vọng: “Con đừng về... nó mà thấy con rồi… là nó… đi mất…”.
Đất trời vỡ nát dưới chân, tôi chết lặng trong cơn đau cực độ. Tôi chẳng biết phải làm gì, nói gì để đối diện với sự thật nghiệt ngã này. Cậu còn quá trẻ để đi chuyến đi của đời người. Tôi uất nghẹn trong cuộc nói chuyện qua điện thoại với cậu. Cậu cố nén cơn đau nài nỉ tôi “Về đi chị… tháng 7 xa quá!”. Tôi cắn răng nhất quyết không về, tôi không về để cậu có thêm một lý do nữa để chờ đợi, để tiếp tục sống.
Sáng thứ 7 những ngày cuối cùng của tháng 5, nhận điện của ba chỉ vẻn vẹn một câu ngắn gọn “Về liền đi con!”. Thế là hết, thế là cậu đã bỏ tôi đi thật rồi, cậu không đợi tôi nữa. Tôi đáp chuyến bay cuối cùng trong ngày để về với cậu nhưng vẫn không kịp. Cậu đã đi rồi, cậu đã vĩnh viễn rời xa tôi.
Nhìn chiếc quan tài đỏ quạch nằm lạc lỏng giữa phòng khách treo đầy ảnh của mấy chị em từ nhỏ đến giờ, tôi bất chợt giận cậu run người. Tôi cố nói với cậu qua vách gỗ nơi cậu yên nghĩ “Chị về rồi đây…!”. Ba nói rằng cậu đã rất cố gắng, cơn đau dữ dội của căn bệnh ung thư quái ác hành hạ cậu đến đứt ruột đứt gan. Ba nói cậu chỉ cắn răng chịu đựng mà không kêu than một tiếng nhỏ, ngày cậu buông xuôi cuộc sống mọi người mới hay đôi bàn tay của cậu đã nát tươm bởi những lần cố chịu đựng cơn đau quằn quại.
Tôi không thể dù một lần duy nhất nữa được nắm lấy đôi bàn tay dù đã tắt hơi ấm. Tôi chỉ biết ngồi bên cậu và lặng lẽ cầm lấy đôi găng tay cũ ngày xưa. Đôi găng tay này sẽ thay cậu sưởi ấm phần đời còn lại của tôi trong những ngày cậu đã đi xa. Tạm biệt cậu em trai… tạm biệt đôi bàn tay luôn chăm sóc tôi những ngày xưa cũ…
Phạm Thị Trang
Một trận đòn
Ngoại đánh không đau… Ngoại có còn sức đâu… Tay ngoại yếu lắm… Hu hu... Bây giờ thì ngoại không còn nữa.
Lần trở về này của tôi và nguời em trai như một điều tất yếu. Như cún con đói lòng lần đến bầu vú mọng căng hay như én nhỏ tìm về với nắng xuân ấm áp. Bao nhiêu năm rồi, bụi bặm Hà Nội nhuộm sạm da tôi, và đôi mắt trong veo giờ đã hoen nâu màu khói.
Căn nhà lá ba gian vẫn còn đó, cánh cửa tre cọt kẹt chỉ chờ tay nguời chạm vào là siêu vẹo. Không khí đã mốc. Kỷ niệm cũng lên rêu.
Tôi nghe điều gì đó vô hình đang dâng lên cuồn cuộn trong lòng, nghẹn ứ nơi cổ họng. Có những kiếp người cả một đời chưa bao giờ đuợc ra khỏi luỹ tre làng. Có những kiếp người chưa một lần đuợc biết đến nhịp sống hối hả rộn ràng nơi thị thành tấp nập ngoài kia. Ngoại ơi...
Cho đến bây giờ, tôi không thể nào quên được đôi bàn tay ngoại. Đôi bàn tay gầy guộc, khẳng khiu như cành bàng trước ngõ mỗi độ đông về. Tôi vẫn hình dung rõ như in đôi bàn tay run run bất lực truớc cây bút ngày ấy, khi ngoại cố nắn nót viết chữ mẫu cho anh em tôi. Viết làm sao đuợc, ngoại ơi, khi chưa một lần ngoại được biết đến trường lớp, cô thầy, khi đôi bàn tay từ khi sinh ra vốn đã quen cày xới, tưới bẵm, băm bèo, nhặt cỏ… Tôi nhớ như in đôi bàn tay thô ráp xoa trên lưng tôi và đứa em trai những đêm hè oi ả. Tôi biết, bây giờ, dù có đi đến cùng trời cuối đất, cũng không thể nào tìm lại đuợc cái cảm giác lạo xạo trên lưng ấy, vào trước mỗi lần chìm vào giấc ngủ, để tìm đến những cơn mơ. Bây giờ đôi bàn tay mịn mềm của vợ tôi tẩm quất, sao nó nguợng nghịu quá, tôi chẳng thể nào quen…
Trời tạnh, cả vùng quê nghèo lại sáng bừng lên trong nắng. Nhưng dưới mặt đất, đám nước mà cơn mưa rào đầu hạ vừa trút xuống vẫn chưa rút hết, róc rách chảy khắp nơi. Nắng xuống làm nước bốc hơi hầm hập. Cái không khí ngột ngạt ấy khiến tôi về học chỉ muốn đổ vật xuống giường như khúc gỗ. Nhưng cửa nhà vẫn khóa. Vừa lúc ấy ngoại tôi làm đồng về, đang đưa cánh tay sũng nước mưa và mồ hôi nhấc cánh cổng tre ra một cách khó nhọc.
- Ngoại ơi, không biết em Quang đi đâu mà giờ này chưa về nấu cơm bà ạ!
Nghe tôi nói, ngoại quăng vội đôi quang gánh vào sân, hớt hải chạy đi.
- Thôi chết, mưa xuống nắng lên thế này mà còn chơi bời thì cảm mất!
Lát sau, tiếng khóc của thằng Quang vang lên nơi đầu ngõ. Mình mẩy nó lấm lem bùn đất với túi cá trên tay. Đúng rồi, nó đi bắt cá rô róc lên bờ đây mà, nắng thế này mà đầu nó không một chiếc mũ…
Ngoại bắt nó úp mặt vào tường rồi quật. Thằng Quang khóc toáng lên, vừa khóc nó vừa mếu máo:
- Cháu không đau… Cháu không đau…
Cho đến lúc ngoại đã thôi đánh một hồi lâu, nó vẫn mếu máo khóc trên hiên nhà, đôi tay búp măng xinh xinh ngập ngụa bùn tanh. Không chịu được, tôi gắt:
- Không đau sao em còn khóc?
Nước mắt nó lại càng dàn dụa.
- Ngoại đánh không đau… Ngoại có còn sức đâu… Tay ngoại yếu lắm… Hu hu...
Bất giác tôi thấy cay cay nơi sống mũi. Trong tiếng eng éc đòi ăn của con lợn trong chuồng, ngoại tôi vừa quấy cám cho nguội, vừa khẽ ngoảnh mặt đi lau vội hàng nước mắt…
Hà Mạnh Luân
Mong bố tha lỗi cho con
Khi tôi viết lên những dòng tâm sự này cũng là lúc bố đã rời thế gian 34 ngày. Tôi viết lên những dòng tâm sự này mong rằng ở nơi phương xa bố hãy tha thứ cho đứa con nhiều lỗi lầm này.
Khi biết nhận thức thế giới cũng là lúc không có bố bên cạnh. Mẹ nói bố chạy theo một người phụ nữ khác từ lúc tôi 3 tháng tuổi. Từ đó, tôi sống dựa vào tình thương yêu của mẹ, bà ngoại và những người thân. Lên 9 tuổi, một tối, bà ngoại tôi dẫn một người đàn ông đến và nói đó là bố. Mẹ tôi chỉ im lặng nghe lời xin lỗi từ bố. Khi đó, tâm hồn tôi chưa hề tồn tại một người gọi là bố. Tôi đã đuổi người đàn ông đó đi. Tuy nhiên, mẹ tôi lại tha thứ cho ông ta. Vậy là, cuộc sống của một gia đình thật sự đã bắt đầu.
Gần một năm đầu, tôi không gọi người đó là bố, không nói chuyện, không cho chạm vào người. Nhưng dần tôi cũng thay đổi, có lẽ là do tôi thấy được tình yêu thương của ông, và tôi đã cất tiếng gọi: "Bố". Khi đó tôi đã thấy đôi bàn tay ông run run xoa đầu tôi do quá hạnh phúc. Hàng ngày, ông nấu sẵn bữa sáng, giặt quần áo cho tôi. Sau đó, ông lại đưa tôi đi học đến trưa đón về. Khi học lớp 5, có lần bị các bạn nam trong lớp bắt nạt, tôi chạy về mách bố. Ông đã đến tận trường để nói chuyện với mấy bạn, cuối cùng là cái bắt tay giảng hòa. Tôi nghĩ chính cái bắt tay đó mà tôi không bị bắt nạt thêm nữa.
Đôi bàn tay của bố đã vót những que chuyền cho tôi chơi. Đến bây giờ tôi cũng không thể nhớ là bao nhiêu bộ nữa, chỉ biết là rất nhiều. Đôi bàn tay của bố đã cố gắng làm thật nhiều dù đông hay hè, có lẽ là vì ông muốn bù đắp cho tôi. Tôi nhớ nhà ngày đó vẫn nghèo lắm. Mùa đông, trời rét thấu xương mà bố tôi chỉ có một cái ái len để mặc. Đôi tay bố run lên theo cái lạnh nhưng ông vẫn làm hết mọi thứ cho tôi. Bố không cho tôi động vào việc gì cả, chỉ học thôi.
Mẹ tôi đi chợ suốt nên cuộc sống tôi ở với bố có lẽ nhiều hơn. Khi tôi ốm đôi bàn tay của bố chăm sóc, đi mua thuốc, nấu cháo và dặn dò không được chạy nhảy nhiều sẽ không tốt. Đôi bàn tay của bố dắt tôi qua những khó khăn, những khi tôi buồn, những khi vui. Mẹ còn trêu tôi bây giờ yêu bố hơn yêu mẹ. Khi đó hai bố con chỉ nhìn nhau cười trừ. Nhiều lúc bị bố đánh, sao tôi ghét bố quá, nhưng trẻ con nhanh quên, hai bố con lại hòa và chơi với nhau như những người bạn. Cuộc sống cứ thế trôi đi, tôi trưởng thành và đi học xa nhà. Đôi bàn tay của bố chuẩn bị mọi thứ cho tôi. Tôi còn nhớ nhà không có đủ tiền cho tôi nhập học, bố đã phải đi mượn thêm. Khi lên xe, tôi thấy bố mẹ đứng đó nước mắt rưng rưng vẫy tay chào.
Cuộc sống bỗng có sự thay đổi khi mẹ nói bụng bố tôi cứ to dần lên. Tôi đã phải nhờ những người xóm trọ đưa về nhà ngay trong đêm với đoạn đường 100 km. Tôi đã khóc rất nhiều khi gặp bố. Đưa bố đi khám, cả nhà mới biết bố bị ung thư gan giai đoạn cuối, không sống được lâu. Tôi và mẹ suy sụp. Bác sĩ bảo nếu có 50 triệu đồng, bố sống được thêm 2 năm nữa. Tuy nhiên, bố tôi không chữa, nằng nặc đòi về vì biết hoàn cảnh nhà. Từ đó, bố tôi sinh ra cáu gắt, hay mắng chửi tôi. Khi đó tôi rất bực mình vì vô cớ bị bố chửi. Lần nào về thăm bố, khi trở lại trường, tôi cũng lên xe trong nước mắt. Bây giờ tôi mới biết bố chửi để tôi ghét, không lo lắng cho ông nữa. Bố bệnh vậy mà vẫn cố gắng đi làm nuôi tôi. Đôi bàn tay của bố run run khi đưa cho tôi những đồng tiền ông làm ra. Tôi thấy bố khóc, những giọt nước mắt đó cứ ám ảnh tôi.
Nghỉ hè năm nay, tôi định đi làm thêm để giúp đỡ gia đình nhưng mẹ nói bố yếu quá, tôi phải về chăm sóc. Tôi sống với ông thêm được đúng một tháng thì ông mất. Thời gian chăm sóc bố, tôi thấy mình chẳng làm được gì ngoài giặt quần áo, nấu cơm. Những lúc bố lên cơn đau tôi cũng chỉ biết đứng nhìn. Tôi cầm tay bố thật lâu, nhìn xót xa, chỉ biết khóc. Bố dặn tôi phải cố gắng sống tốt để ông có thể nhắm mắt nơi suối vàng.
Tôi hối hận vô cùng khi nghĩ đến lúc mình cãi, không chăm sóc bố nhiều. Bây giờ, tôi không còn những cái xoa đầu, không ai cầm tay bước qua những gian nan. Đôi tay chai sạn đó đã không còn theo tôi trên con đường tiếp theo. Bây giờ tôi mới nhận ra rằng bố quan trọng biết nhường nào. Tận sâu thẳm lòng mình tôi muốn nói: “Bố ơi, con nhớ bố lắm. Con cảm ơn đôi bàn tay bố đã mang đến cho con tất cả. Con yêu bố!”.
Hoàng Thủy Nguyên
Hạnh phúc giản dị
Em gái gọi điện thoại, sụt sùi bảo tôi: em bị bệnh rồi, anh qua chở em đi khám… Xin nghỉ việc buổi sáng, tôi vội chạy qua nhà trọ của em, chở em đi khám bệnh, mua thuốc… Em đau răng, cái hàm sưng tấy, không ăn uống gì được. Bình thường, em bị bệnh, thì tôi chở em đi ăn, nhưng trưa nay, chắc là em sẽ không ăn được cơm…
Tôi chợt nảy ra một ý định… Chở em về lại nhà trọ, tôi chạy ra chợ mua vài lạng thịt nạc, hành ngò… Mấy bà bán thịt ngoài chợ cứ nhìn tôi tủm tỉm hỏi: vợ ốm sao mà phải đi chợ! Tôi chỉ biết cười… Về nhà tôi bắc nồi nấu cháo thịt bằm cho em gái.
Buổi trưa, tôi múc cháo vào càmen, lại chạy qua nhà trọ của em… Cái hàm của em gái vẫn còn sưng, chỉ nói được câu cảm ơn lí nhí! Tôi ra về mà lòng thấy vui vui… Buổi chiều, em gái nhắn tin bảo: anh ơi, trưa nay em vừa ăn cháo, vừa khóc! Xúc động quá, đây là lần đầu tiên anh nấu cháo cho em sau 10 năm anh em mình xa nhà!
Hơn mười năm qua, hai anh em tôi sống ở Sài Gòn, mỗi đứa một nhà trọ, ồn ào với công việc, với cuộc mưu sinh… Có khi cả tháng tôi không qua chở em gái đi dạo, đi ăn một lần. Những phút giây dành cho em gái chỉ thoáng qua, chốc lát. Quanh đi quẩn lại chỉ là những lần đi ăn, đi thăm họ hàng xa một chút vào dịp lễ tết. Đôi lúc, nhận được tin nhắn của em gái rằng: “Em buồn quá, em nhớ nhà, nhớ bố mẹ”, tôi đọc xong rồi bỏ đó như điều tất yếu phải có.
Công việc cuốn tôi đi, những mối tình phù du khiến tôi mất dần ý thức về sự hiện diện của em gái.
Buổi chiều, mợ tôi ngoài quê gọi điện bảo: Thanh ơi, hôm nay biết nấu cháo rồi à? Thảo nào ngoài này trời mưa dữ quá! Tôi hơi quê quê… nhưng cũng thấy vui, vì mợ bảo rằng: mợ kể chuyện tôi nấu cháo cho ông ngoại, các dì các cậu nghe, ai cũng vui… Sau đó, mẹ tôi lại gọi điện bảo: Bố con đang ngạc nhiên kia kìa! Rồi mẹ sụt sùi: 30 năm con mới nấu cháo một lần cho em gái phải không? Anh em con yêu thương nhau như thế bố mẹ cũng an tâm rồi! Chăm sóc em gái út cho mẹ nhé!
Chẳng lẽ chỉ một lần nấu cháo, một tô cháo thịt bằm có thể làm mọi người vui đến thế sao?
Đứa bạn của em gái ở Hong Kong chat với tôi hỏi: “Em nghe The nói anh nấu cháo cho The à? Nó vừa nói chuyện với em vừa khóc vì cảm động! Đấy, con gái chúng em đôi khi chỉ cần những điều giản dị thế thôi!”.
Chân Luận (TP.HCM)



Nỗi đau da cam và nghi lực phi thường
Năm 2010, khi tham dự đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Tây Ninh, người khiến tôi không thể nào quên là anh Phan Thành Thương, con người vượt qua tật nguyền, nghịch cảnh để vươn lên.
Trước giờ hội nghị, tôi được gặp gỡ, trò chuyện với anh thanh niên với hai cánh tay ngắn chỉ bằng một phần ba người bình thường và chỉ có một ngón - anh là đại diện cho những người con ưu tú tỉnh Tây Ninh. Tôi gặp gỡ anh, tự giới thiệu về mình và rất muốn được tìm hiểu hoàn cảnh của anh. Anh cười buồn chậm rãi kể về cuộc đời của mình. Khi mới sinh, hai cánh tay của anh chỉ là hai mẩu cụt lủn với một ngón chìa ra mỗi bên, hậu quả của thứ thuốc khai quang mà máy bay Mỹ ngày nào rải mù trời khu vực rừng Tà Băng - Tây Ninh. Thấy vậy, ba đặt tên anh là Phan Thành Thương. Cái tên có ý nghĩa từ tình thương của ba mẹ và sự gởi gắm mong mỏi anh nhận được tình thương mến của người đời.
Hồi nhỏ khi đi học, anh hay bị bạn bè trêu chọc, thậm chí bị tránh xa vì hình dáng kỳ dị. Lúc đầu, anh Thương tập viết bằng chân rồi chuyển sang viết bằng tay cho đỡ mỏi. Anh kẹp cây bút vào giữa bắp tay và cánh tay để viết, tập đi tập lại đến kỳ được mới thôi. Tuy nhiên, dường như anh là người không may mắn, cố gắng đi học nhưng đến khi thi tốt nghiệp THCS do viết bài chậm, cây viết không chịu nằm trong bắp và cánh tay nên lại rớt tốt nghiệp. Chán nản, buông xuôi nhưng nhờ một người thầy cũ khuyên bảo, anh xin ba cho đi học nghề. Anh học tận TP HCM do tỉnh không có trường dạy nghề cho trẻ khuyết tật. Tại đây, lần đầu, anh thấy được máy vi tính... vậy là đam mê. Sau đó, anh đăng ký học luôn một khóa kỹ thuật viên.
Năm 2002, cầm tấm bằng kỹ thuật viên tin học về nhưng nhà lại không có máy vi tính. Thương con, ba anh bán luôn miếng ruộng mua cho chiếc máy vi tính xịn. Một người trong xóm biết được anh học vi tính nên đem con tới gửi học. Từ đó, anh Thương trở thành thầy giáo dạy tin học. Nhân lúc Ủy ban nhân dân xã Phước Vĩnh vừa xây xong Trung tâm Học tập Cộng đồng, anh mượn một phòng để dạy cho mọi người.
Với giúp đỡ của địa phương, anh vay được 30 triệu đồng, mua 10 cái máy vi tính cũ để dạy các em học sinh. Đến nay, anh đã dạy được cho gần 300 học sinh, trong đó có 60 em không phải nộp học phí vì có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật. Ngoài ra, nhờ địa phương và các nhà hảo tâm nên anh cũng đã có tiền để mua sắm thêm trang thiết bị máy móc, nâng cấp phòng làm việc. Anh cũng làm thêm các việc khác như ôn thi cho học sinh lấy chứng chỉ A, sửa chữa máy vi tính, chụp hình thẻ… thu nhập khoảng 2.000.000 đồng một tháng, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
Tôi cứ như cuốn hút vào câu chuyện cuộc đời của anh Thương nếu như không có tiếng chuông báo hiệu giờ vào đại hội. Tuy nhiên, tôi cũng kịp hỏi anh thêm về cuộc sống gia đình riêng. Anh trải lòng: “Có lẽ, người ta cảm mến mình nên năm 2007 tôi đã lập gia đình cùng với một cô thôn nữ cùng địa phương tên là Cúc". Một năm sau, vợ anh mang thai. Lúc đó, anh rất sợ con bị giống mình.
6 lần siêu âm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh và Bệnh viện tư nhân đều cho kết quả bình thường vậy mà đến khi sinh, con cũng không có hai bàn tay giống anh. "Cứ tưởng có đứa con sau này làm chỗ dựa cho mình, khi nào cần cái gì trên cao nó với lấy dùm ba. Vậy mà, bây giờ mình phải tự làm mọi thứ cho nó”, anh trầm ngâm. Đến giờ vào đại hội, tôi tạm biệt anh, quay vội để giấu những giọt nước mắt. Tôi thầm chúc cho anh sẽ đạt được những ước mơ, hoài bão của mình, chúc cho gia đình anh luôn luôn được hạnh phúc, vượt qua những khó khăn và nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống.
“Đôi bàn tay kỳ diệu” đó đã giúp cho chủ nhân của nó làm được bao nhiêu việc có ích cho gia đình, cho xã hội. Anh Thương đã sống bằng niềm tin, bằng nghị lực của chính bản thân vào câu nói của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Mỹ rải chất độc đầu tiên xuống miền Nam Việt Nam. 50 năm trôi qua nhưng nạn nhân chất độc da cam vẫn còn đó những nỗi đau. Cả nước chúng ta cũng đang từng ngày, từng giờ “chung tay góp sức” đóng góp, ủng hộ cho các nạn nhân chất độc da cam nhằm xoa dịu nỗi đau da cam, nỗi đau của nhiều thế hệ.
Huỳnh Đăng