Tìm kiếm

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

"Sức mạnh mềm văn hóa" - chủ động hay bị động?



Nguồn Báo Hà Nội mới, thứ Hai 24/08/2015
Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian, một thời kỳ mà là hằng ngày, hằng giờ và lâu dài...
Suy cho cùng, những gì còn lại là văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của dân tộc. Hàng nghìn năm phát triển cùng sự thăng trầm và những biến cố lịch sử, văn hóa Việt Nam đã thể hiện một sức sống mãnh liệt trước âm mưu đồng hóa của những nền văn hóa lớn. Văn hóa Việt Nam đã được tôi luyện và có sức đề kháng cao. Điều này cho chúng ta sự tự tin trên chặng đường hội nhập đầy gian nan phía trước, khi con thuyền Việt Nam ra biển lớn, đối mặt với không ít cạm bẫy và những thách thức của tiến trình toàn cầu hóa.
1. Trước hết, cần khẳng định, toàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng bất biến, mà là một quá trình mở, luôn vận động, luôn biến đổi, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực... Hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự chi phối của nhiều thế lực siêu quốc gia, xuyên quốc gia không phải là con đường trải hoa hồng với những đất nước có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam. Vì vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là tận dụng những thời cơ, cơ hội để phát triển kinh tế mà quan trọng không kém là giảm thiểu những bất lợi, những tác động tiêu cực mà quá trình hội nhập có thể gây ra đối với một dân tộc, một đất nước. Đặc biệt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa với vai trò là nền tảng làm nên cốt cách và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Các mạng internet, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin… đã tạo ra kết cấu hạ tầng của toàn cầu hóa. Nói cách khác, toàn cầu hóa là hệ quả tất yếu từ sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ cao. Như vậy, có thể thấy, toàn cầu hóa là thành quả của văn minh nhân loại, nó chứa đựng nhiều giá trị tích cực, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế và sự phát triển văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Nhưng ở khía cạnh khác, toàn cầu hóa chính là sản phẩm của kinh tế thị trường hiện đại, chứa đựng những mặt trái của "trò chơi" thị trường. Và trong quá trình toàn cầu hóa, không thể không nói tới sự chi phối của các siêu cường trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và cả trong lĩnh vực văn hóa.
Một nhà nghiên cứu người Mỹ cho rằng: Các tín hiệu văn hóa Mỹ thông qua Hollywood và McDonald mang đi khắp thế giới đang phá tan cơ sở của các xã hội khác. Theo một con số thống kê: 85% số phim được chiếu tại 22 nước phát triển nhất thế giới là phim Mỹ. Ở một điểm nhìn khác, không thể trói chặt hay đóng khung trong biên giới quốc gia, những giá trị truyền thống của một dân tộc sẽ thay đổi thế nào khi trở thành một yếu tố thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa? Những yếu tố của nền văn hóa này xâm nhập vào nền văn hóa kia, hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa khác là hết sức bình thường trong quá trình tiếp biến văn hóa, nhưng từ những vấn đề nêu trên cho thấy một thực tế: Với tiềm lực công nghệ và truyền thông hiện đại, các siêu cường đang đồng hóa những quốc gia, dân tộc khác bằng "sức mạnh mềm" văn hóa!
2. Chúng ta cần làm và phải làm gì để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống với vai trò là nền tảng, sức mạnh của dân tộc trước dồn dập những con sóng du nhập của văn hóa trong bối cảnh hội nhập với một "thế giới phẳng"? Đây là một câu hỏi luôn mang tính thời sự, nhưng không mới với dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt Nam đã có không ít cuộc "đụng độ" với nhiều nền văn hóa lớn như văn hóa Trung Hoa, văn hóa phương Tây. Những "vết thương" không thể tránh, nhưng bản lĩnh văn hóa Việt Nam đã được tôi luyện cùng cốt cách dân tộc Việt Nam: Chúng ta tiếp biến văn hóa ngoại lai và sáng tạo những giá trị mới chứ không chấp nhận sự đồng hóa.
Việc mô phỏng chữ Hán để tạo thành chữ Nôm của cha ông ta không chỉ thể hiện tính tự cường, tự chủ mà còn là một biểu hiện sinh động về việc tiếp thu có sáng tạo những thành tựu văn hóa ngoại lai của dân tộc Việt Nam. "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du không chỉ là những áng thơ tuyệt tác chứa đựng triết lý sâu xa, tâm hồn dân tộc mà còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ độc đáo của người Việt qua nghệ thuật đỉnh cao của ngôn từ. Đặc biệt, trong cuộc "đụng độ" văn hóa ở thời kỳ cận đại, với bản lĩnh trong việc tiếp biến các giá trị văn hóa ngoại lai, chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã tiếp thu từ văn tự, báo chí, tiểu thuyết, đến kiến trúc, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Các loại hình văn hóa nghệ thuật phương Tây du nhập vào Việt Nam đã được biểu đạt một cách tinh tế, sáng tạo với đạo lý, thẩm mỹ dân tộc và mang lại những giá trị mới cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
Thế nhưng, hội nhập với thế giới trong kỷ nguyên thông tin, văn hóa Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn rất nhiều và trên một bình diện khác. Chuyện học hành, quan niệm về sự học của người Việt là một ví dụ. Tinh thần hiếu học với ý nghĩa một giá trị văn hóa vẫn được bảo tồn trong đời sống tinh thần của người Việt, nhưng quan niệm về sự học đã có những thay đổi. Nếu trước đây, học vì ham muốn hiểu biết, học để làm người thì ngày nay với không ít người, nhất là với những người trẻ, sự học ấy không quan trọng bằng cái bằng để có việc làm, địa vị trong xã hội, có nhiều tiền cho những ham muốn vật chất…
Điều này không thể nói là không chính đáng bởi nó xuất phát từ những nhu cầu khác nhau trong mỗi con người. Nhưng đáng lo ngại ở chỗ tinh thần nhân văn, yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam đang có nguy cơ bị đặt bên ngoài tinh thần học tập. Nguy hiểm hơn, trong xã hội đã xuất hiện những tư duy phản văn hóa như "văn hay chữ tốt không bằng dốt lắm tiền" và sự gia tăng của chủ nghĩa thực dụng cực đoan, cũng như quan niệm lấy bằng cấp làm thước đo năng lực, trí tuệ... đã dẫn tới việc "học giả, bằng thật" cùng với vô vàn hệ lụy khi sự học chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân chứ không vì sự phát triển của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Những giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần nhân ái nhân văn, sự tôn trọng gia đình, huyết thống… cũng đang có biểu hiện rạn vỡ, để lại nhiều "vết thương" trong lòng xã hội. Và không thể nói điều này không liên quan đến việc du nhập, tiếp thu một cách thiếu chọn lọc những quan điểm, lối sống từ nhiều nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập. Tiếp thu văn hóa nhân loại trên cơ sở những giá trị nền tảng của con người, của truyền thống văn hiến và luôn có sự linh hoạt, sáng tạo nên văn hóa Việt Nam không bị hòa tan bởi những cuộc xâm lăng văn hóa trong quá khứ. Và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh thần nhân văn Việt Nam trước những cuộc "đụng độ" văn hóa ngày càng khốc liệt hiện nay.
3. Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy: Toàn cầu hóa là một quá trình phát triển tất yếu của nhân loại. Giao lưu, tiếp biến văn hóa là một quy luật và không đứng ngoài tiến trình phát triển tất yếu đó. Do vậy, sẽ là sai lầm với bất cứ quốc gia, dân tộc nào nếu có ý định bảo tồn bản sắc văn hóa bằng cách từ chối hội nhập, đóng cửa với thế giới. Vấn đề đặt ra với Việt Nam và các quốc gia có cùng trình độ phát triển là tận dụng tối đa cơ hội cũng như những giá trị tích cực mà toàn cầu hóa mang lại để không bị hòa tan trong tiến trình hội nhập, đồng thời rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Và phương thức hiệu quả nhất chính là chủ động hội nhập - chủ động để khai thác nhiều nhất những giá trị lợi ích cho đất nước, cho dân tộc và hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức, tiêu cực có thể nảy sinh.
Sự áp đặt sức mạnh của các siêu cường và sức lan truyền gần như không giới hạn của các phương tiện truyền thông hiện đại đã phá vỡ, làm xói mòn không ít giá trị truyền thống của các dân tộc. Thậm chí, điều này đã đẩy không ít quốc gia, dân tộc rơi vào trạng thái tiếp thu bị động, chấp nhận sự nô dịch về văn hóa. Nhưng mặt khác, dưới tác động của hội nhập quốc tế, có thể nhận biết rõ hơn trình độ của các dân tộc, các quốc gia, cũng như nhận thức rõ hơn vị thế của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên trường quốc tế. Từ đó, có thể chủ động đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống phù hợp với thời đại và đẩy lùi, loại bỏ những yếu tố truyền thống có nguy cơ cản trở sự phát triển.
Các giá trị truyền thống không có nghĩa là bất biến, trái lại, nó liên tục được bổ sung một cách phù hợp với thực tiễn thời đại. Cái mới ra đời dựa trên cái cũ và cái cũ chính là tiền đề để cái mới phát triển. Nói cách khác, không có truyền thống thì sẽ không có hiện tại và tương lai. Những bài học từ quá trình du nhập, tiếp biến văn hóa ngoại lai trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Trong "thế giới phẳng" hiện nay, chúng ta không thể xây dựng những "con đê" để ngăn cản sự ào ạt của những cơn sóng văn hóa ngoại lai, nhưng việc tạo dựng những "bộ lọc" là hết sức cần thiết để thẩm thấu tinh hoa văn hóa nhân loại và loại trừ những giá trị không còn phù hợp với thực tế đời sống. Tóm lại, nếu chủ động kết hợp hài hòa những giá trị truyền thống và hiện đại, văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ có thêm xung lực để đối mặt với âm mưu đồng hóa dựa trên "sức mạnh mềm" của các thế lực siêu cường, đồng thời tạo dựng những giá trị mới làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hợp tác và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu và cũng là thước đo khả năng thích nghi cũng như bản lĩnh của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Để văn hóa truyền thống luôn là mạch nguồn tạo nên những giá trị tinh thần và sức mạnh dân tộc, cùng với rất nhiều yếu tố khác, tầm nhìn, năng lực của các nhà hoạch định và quản lý văn hóa cần được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi nó tác động trực tiếp đến tiến trình hội nhập: Chủ động hay bị động, chịu ảnh hưởng hay bị hòa tan...
                                                                                                                          Cù Xuân Trường

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Cần loại bỏ “bệnh phong trào”!

Nguồn Báo Hà Nội mới - thứ Hai, ngày 17/08/2015
Trong cuộc sống, cùng với những phong trào mang tính tích cực, nhận được sự hưởng ứng của xã hội vì hướng tới những mục tiêu là lợi ích chung của cộng đồng, điển hình như các phong trào xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế, thanh niên tình nguyện, lại xuất hiện những "phong trào" dù tuổi thọ không dài, xuất hiện chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng để lại hệ lụy cho xã hội.
Xin bắt đầu từ chính cuộc sống của người nông dân, một bộ phận chiếm khoảng trên 70% dân số và hơn 60% lực lượng lao động xã hội. Còn nhớ, khoảng hơn hai mươi năm trước, đời sống của nhà nông rộ lên "phong trào" nuôi ốc bươu vàng trong vòng vài năm, nhưng đến giờ bà con vẫn khổ vì tác hại do "phong trào" này để lại. Rồi chuyện nuôi bò sữa, ba ba, cá sấu, tôm, cá da trơn… tràn lan. Đúng là có không ít nhà nông làm giàu từ những cách làm ăn mới, nhưng chạy theo… "phong trào" cũng đã khiến hàng loạt hộ gia đình trắng tay, sạt nghiệp, rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần. Đấy là chuyện nuôi đỉa, nuôi giun, nuôi dế… còn may chưa bị đẩy lên thành… phong trào". Tương tự, việc lựa chọn trồng cây gì ở nhiều vùng, miền trong cả nước cũng khổ vì "bệnh phong trào". Có thời gian, người dân đua nhau chặt phá rừng để đầu tư trồng cà phê, tiêu... mất vài ba năm, đến mùa thu hoạch thì cà phê, tiêu rớt giá, họ lại chặt bỏ, thậm chí chặt phá luôn cả những rừng cao su đang đến độ thu hoạch mủ để trồng cây sả vì nghe nói xuất khẩu tốt… Luẩn quẩn, mải miết chạy theo "phong trào" tự phát, tới khi tư duy được việc làm kinh tế thời nào cũng cần phải đưa ra những dự báo chính xác về nhu cầu thị trường sau khi điều tra nguồn lực, tiềm năng khai thác, điều kiện tự nhiên, xã hội... thì "học phí" phải trả là quá đắt.
Lối tư duy theo... phong trào không chỉ diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp, ở người nông dân mà cả với các lĩnh vực khác trong xã hội. Đặc biệt khi lối tư duy đó nhiễm vào những người làm công tác quản lý, lãnh đạo các cấp cũng mắc thì mọi chuyện trở nên nguy hiểm! 
Từ cái bệnh không có trong từ điển y học như đã nêu ở trên, thêm vào đó là tâm lý ganh đua theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", "kém miếng khó chịu" đã dẫn đến tình trạng địa phương của anh có sân golf, nhà máy xi măng, nhà máy đường, nhà máy luyện thép… thì tỉnh tôi cũng phải "xin" phê duyệt từng ấy quy hoạch, đầu tư. Thậm chí ở cấp cơ sở, huyện anh xây nhà văn hóa, chợ đầu mối hoành tráng, đầu tư xây khu - cụm công nghiệp, làng nghề… thì huyện tôi cũng không thể thua kém. Từ đó có những chuyện cười mà đầy nước mắt. Một thời, nhiều địa phương đua nhau xây dựng nhà máy bia, như tính toán của các chuyên gia, nếu các nhà máy bia này hoạt động hết công suất thì trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam bất kể già trẻ, trai gái phải tiêu thụ tới vài lít bia. Đúng là chuyện thật như đùa, vậy nên sau đó, sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là điều dễ hiểu. Hay như chuyện xây mới các chợ dân sinh, cải tạo, nâng cấp một số chợ hiện có. Hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối xuất hiện nhằm tạo nên bộ mặt mới về văn minh đô thị. Song tiếc rằng hiệu quả không như mong muốn khi nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu, người bán không vào, người mua không tới, còn số lượng chợ tạm, chợ "cóc" lại không giảm. Nguyên nhân là do công tác lập quy hoạch, lựa chọn vị trí, địa điểm xây dựng chợ chưa hợp lý; công tác điều tra xác định nhu cầu thị trường chưa chính xác; chưa dự báo được tình hình phát triển khi lập dự án; vị trí quy hoạch chợ chưa thuận lợi đối với nhu cầu mua bán của người dân; đường giao thông khó khăn, hạ tầng không đồng bộ… 
Ở cấp quản lý cao hơn, có thời gian nhiều địa phương đua nhau làm cảng biển. Những tính toán khoa học vốn là yếu tố quyết định sự khả thi và hiệu quả kinh tế của từng dự án không được coi trọng đúng mức, thậm chí còn bị chèn ép bởi tính sĩ diện cùng tư duy… địa phương chủ nghĩa và ý chí của những người lãnh đạo, quản lý dẫn đến hệ quả là cảng biển nơi thiếu, nơi thừa, một ngành kinh tế được coi là mũi nhọn không thể phát huy hiệu quả. Cụ thể, các cảng phía Bắc chỉ đạt 25-30% khối lượng hàng hóa nên công suất chưa được sử dụng hết; miền Trung chiếm 13% khối lượng hàng hóa, cảng biển lại nhiều nên đa phần là lỗ; trong khi đó, các cảng phía Nam chiếm 57%, riêng container đến 90%, hiện đang ở tình trạng quá tải… 
Tương tự như thế là chuyện đầu tư xây dựng khu công nghiệp, sân bay, cảng hàng không… và đặc biệt là xây dựng các sân golf, một loại hình được nhiều nhà đầu tư và chính quyền một số địa phương coi là "gà đẻ trứng vàng". Có lẽ năm 2009 là mốc thời gian "đỉnh điểm" của phong trào phát triển sân golf với khoảng 150-160 dự án được cấp phép, đang xin cấp phép, đã hoàn công hoặc còn đang là đất ruộng. Con số này gấp 4 lần số lượng sân golf hiện có của nước Pháp và chiếm khoảng 28% diện tích đất trồng lúa của nước ta. Trước tình trạng đó, Chính phủ đã phải tiến hành rà soát và phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, trong đó cắt giảm gần một nửa số dự án chưa thành hình, thành khối và kết quả là diện tích đất trồng lúa bị dự án sân golf chiếm dụng chỉ còn khoảng 2%. 
Đầu tư theo kiểu "bệnh phong trào" nêu trên, bên cạnh việc tiêu tốn tiền bạc không đem lại hiệu quả kinh tế, còn để lại cho xã hội những "dị tật" mà chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Những tác động tiêu cực không thể không đề cập tới trách nhiệm trong quản lý, điều hành của lãnh đạo, cán bộ một số địa phương cùng các bộ, ngành chức năng. Vậy mà, vừa rồi lại có địa phương nêu ý tưởng xây dựng dự án tổ hợp 10 sân golf, mua bản quyền, lấy thiết kế của các sân golf nổi tiếng thế giới và cho rằng đây là ý tưởng "đột phá" đối với một tỉnh nghèo. Cụ thể, dự án sẽ thu hút các golf thủ trên khắp thế giới đến với địa phương vì họ sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền của để rong ruổi tới các sân golf đẳng cấp?! Đúng là ý tưởng mới, lạ và… hấp dẫn. Tuy nhiên, tính khả thi đến đâu thì còn phải chờ phân tích, tính toán dựa trên cơ sở khoa học và những con số cụ thể. Song, có một điều mà các cán bộ lãnh đạo địa phương này nhắc đi nhắc lại, đó là nguồn vốn dành cho dự án tổ hợp sân golf này hoàn toàn do nhà đầu tư tự thu xếp, địa phương không phải bỏ tiền đối ứng. Cần phải thấy rằng, vốn để đầu tư, dù từ nguồn nào cũng đều là của cải của xã hội, cũng đều phải xem xét hiệu quả chứ không thể "ném tiền qua cửa sổ". Trách nhiệm của những người quản lý, lãnh đạo là làm sao để mọi nguồn lực được đầu tư đúng chỗ, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp đồng thời phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Kết hợp và hài hòa giữa các nhóm lợi ích là như vậy.
Một câu chuyện khác. Tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới chủ trương của một tỉnh về việc xây dựng tượng đài và quảng trường, trung tâm hành chính của địa phương trong vài năm tới với tổng mức đầu tư tới khoảng 1.400 tỷ đồng. Con số đó xấp xỉ 1/2 mức thu ngân sách của địa phương trong một năm. Đáng chú ý đây là một tỉnh nghèo, hằng năm phải nhận nguồn phân bổ từ ngân sách trung ương tới hơn 6.500 tỷ đồng (nguồn thu từ địa phương chỉ đạt chưa đến 30%)… Dù lãnh đạo địa phương cho biết, nguồn vốn thực hiện dự án xác định dùng ngân sách địa phương và huy động nguồn xã hội hóa, không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác… Song như đã nêu, dù kinh phí lấy từ nguồn nào thì xét cho cùng đều là của cải của xã hội. 
Vấn đề đặt ra là việc thực hiện dự án đó liệu đã phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương? 
Đầu tháng qua, ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản 1261 trả lời những nội dung chất vấn của một đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng quảng trường hoành tráng đang có dấu hiệu phát triển thành… phong trào. Theo đó, quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố với nguồn kinh phí chủ lực là ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: "Việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị văn minh hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu địa phương, cộng đồng dân cư; theo tiêu chuẩn, quy hoạch của các bộ quản lý, ngành có liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL...); thời điểm, lộ trình phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, khả năng huy động vốn…". Như vậy mọi việc đã rõ, không cần phân tích thêm. Song có lẽ, với văn bản này, hàng loạt địa phương trong thời gian qua đã lập đề án xây dựng quảng trường, trung tâm hành chính của địa phương với nguồn vốn dự tính lên tới một, hai nghìn tỷ đồng, cá biệt có cả đề án lên tới 5.500 tỷ đồng… buộc phải nhìn nhận lại, công việc đó có phù hợp trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, bội chi vẫn tăng, nợ công cao… Không thể chỉ vì tính ganh đua thành tích, chạy theo phong trào, thậm chí là tư duy… nhiệm kỳ nhằm thực hiện những công việc mang dấu ấn cá nhân mà bỏ qua hoặc vượt lên trên tất cả những hệ lụy cho địa phương và đất nước.
Vẫn biết, nhiệm vụ xây dựng kinh tế phải được thực hiện song song với phát triển văn hóa. Văn hóa chính là nền tảng, mục tiêu của phát triển kinh tế. Đích cuối cùng của phát triển kinh tế là để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người. Tuy nhiên, phát triển văn hóa không đồng nghĩa với chạy đua theo kiểu phong trào, ganh nhau để "chinh phục" các kỷ lục về thành tích hoành tráng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, phát triển văn hóa cần có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược dài hơi, cụ thể; tương hợp với điều kiện kinh tế, sự phát triển chung của cộng đồng và kỳ vọng hướng tới… xây dựng kinh tế cũng tương tự như vậy. 
Không thể chạy đua vì thói sĩ diện cá nhân, vì lợi ích cục bộ của địa phương hay một nhóm người để rồi "vung tay quá trán", sử dụng đồng tiền thiếu trách nhiệm (dù là bất cứ từ nguồn nào), ấy là chưa nói tới mưu lợi cho bản thân. Vì vậy, phải loại bỏ "bệnh phong trào" trong tư duy của những người lãnh đạo - dù ở cấp nào - thì đất nước mới phát triển!


Hoàng Thu Vân

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Ai không từ nông thôn mà ra ?



Nguồn: Báo Tuổi trẻ ngày 11/08/2015
 Ly cà phê buổi sáng bỗng mất ngon khi bắt gặp dòng tin “2kg khoai lang bằng ly trà đá, đừng xiết nợ nông dân” trên báo. 
 Và đâu chỉ khoai lang, ở khu vực miền Tây, mấy ngày nay nông dân lại chết điếng vì sự rớt giá thê thảm của trái chanh.
Thoáng qua cái tít của tin “40kg chanh không bằng ổ bánh mì” khiến ai cũng phải nao lòng trước nỗi lận đận của người nông dân.
Và trước đó không lâu là sự tuột giá của hành tím, cà chua, của thanh long, dưa hấu ở nhiều vùng miền, tất cả đều là nỗi đau thua lỗ của những con người “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”!
Đó là những câu chuyện cụ thể, nho nhỏ.
Còn ở tầm vĩ mô, thì đây: khảo sát về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi trong nông thôn Việt Nam mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa công bố thì GDP bình quân đầu người ở nông thôn Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực Đông Nam Á (Tuổi Trẻ Online ngày 7-8-2015).
Không buồn sao được khi nhập vào quỹ đạo phát triển, không tiến thêm lên là tụt hậu chứ không phải là còn đứng được ở chỗ cũ!
Tuy đã có nhiều chính sách nhằm giúp người nông dân bớt cơ cực và sớm thoát khó nghèo nhưng tựu trung hiệu quả vẫn còn thấp.
Đã đến lúc phải đặt lại cán cân đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn thích đáng, hợp lý và mạnh mẽ, quyết liệt hơn thay vì nhỏ lẻ, cầm chừng, chiếu lệ so với những ưu tiên quá mức cho thành thị, cho những dự án ở các khu vực khác tuy được có “luận chứng” tốt nhưng thực chất không mấy hiệu quả, thậm chí là lãng phí, vô bổ.
Phải xác nhận rõ rằng đầu tư cho khu vực “tam nông” là cách hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước có hiệu quả cao. Rõ ràng là bao lâu nay chính khu vực này đã góp phần tích cực vào tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Vẫn biết các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hoạch định chính sách vẫn làm việc để cho ra những giải pháp hỗ trợ cần thiết cho nông dân.
Nhưng đến nay thấy vẫn cần có phương cách trợ giá cho nông dân với một số sản phẩm chủ yếu mà họ bán ra và mua vào.
Sự hỗ trợ này tuy khó về kinh phí nhưng không quá lớn nếu không nói là khiêm tốn (so với các dự án trăm tỉ, nghìn tỉ nhưng chưa được coi là cần thiết, bức thiết) sẽ giúp người nông dân an tâm sản xuất, đưa năng suất lên, có hiệu ứng rất tốt, không chỉ giúp họ bớt cơ cực mà còn có cơ hội thoát nghèo, nhất là làm giàu khi gặp “chu kỳ” lên giá của những nông sản họ làm ra.
Rồi đến quỹ hỗ trợ phát triển khu vực “tam nông” từ đóng góp của khu vực công - thương. Được vậy đây sẽ là sự hỗ trợ công bằng, tình nghĩa bởi những gì mà khu vực “tam nông” đã góp phần cho giới công - thương.
Với các chủ nhà máy, khu công nghiệp, góp vào cho quỹ hỗ trợ này còn là sự bù trả cho khu vực “tam nông” từ những tác động bất lợi do việc kinh doanh, sản xuất của họ gây nên...
Còn nhiều việc cần làm cho khu vực “tam nông” nữa. Nhưng đó là việc của các cơ quan chuyên môn chuyên trách. Chỉ mong sao ngày càng ít đi, sớm không còn những thông tin buồn về người nông dân như “2kg khoai lang không bằng ly trà đá”, “40kg chanh không bằng ổ bánh mì”...
Bởi làm sao không day dứt trước cái nhìn buồn bã của người nông dân bên mớ nông sản được coi “bọt bèo” được làm ra từ mồ hôi và vốn liếng chắt chiu của họ, bởi trên đất nước ngày càng đô thị hóa này có mấy người không từ nông thôn mà ra?
HUỲNH VĂN MỸ
 Khoai lang tím chỉ còn 1.000 đồng/kg loại tốt, nhưng thương lái vẫn chê và không tới mua, trong khi khoai lang không trữ được lâu.
Ông Lê Văn Thuận - chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - cho biết nông dân trồng khoai lang tím trên địa bàn huyện bị thua lỗ hơn 25 tỉ đồng vì giá rớt thê thảm, chỉ còn 1.000 đồng/kg loại tốt, nhưng thương lái vẫn chê và không tới mua, trong khi khoai lang không trữ được lâu.
Theo ông Thuận, địa phương đã đề xuất với các ngân hàng không xiết nợ mà cho nông dân lưu nợ sang vụ sau, chỉ đóng lãi, tạo điều kiện cho họ yên tâm sản xuất, đồng thời khuyến cáo người dân không ào ạt trồng khoai lang tím, tìm hiểu kỹ đầu ra trước khi quyết định xuống giống.
 

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Đến thư mời cũng ghi là "Mật" thì còn gì để công khai

Trích nguồn: Báo Lao động, ngày 12/8/2015 của tác giả Xuân Hải
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói như vậy khi cho ý kiến vào dự án Luật tiếp cận thông tin lần đầu tiên được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 12.8.
Đến giấy mời đi họp cũng ghi chữ Mật
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đây là lần đầu tiên, dự án Luật tiếp cận thông tin được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự Luật Tiếp cận thông tin ra đời nhằm đảm bảo quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận.
Cho ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng đối với quy định đề cập quyền từ chối cung cấp thông tin (điều 20), dự luật rất mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin của người dân. “Vì mới chỉ nói đến “có thể” ảnh hưởng đến an ninh hay đời tư thôi thì anh đã từ chối cung cấp thông tin rồi, vậy cái gì cũng lạm dụng nói là "có thể" để từ chối cung cấp thông tin như vậy thì quản lý thế nào. Quy định về trả lời tôi cũng không hiểu cơ quan trả lời thì trả lời đến mức độ nào. Thực tế tài liệu ghi mật tràn lan, thậm chí có thư mời đi họp cũng ghi chữ Mật” – Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng chính việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây khó cho người được yêu cầu cung cấp thông tin vì chỉ cần từ chối với lý do không phù hợp cũng có thể bị khởi kiện.
“Thông tin nào mật và mật đến khi nào để người ta biết còn trả lời chứ. Luật muốn mở ra cho người ta tiếp cận nhưng quy định chưa rõ. Ví dụ tình hình sức khoẻ của đồng chí Nguyễn Bá Thanh như thế nào, khi nào về nước thì cứ cung cấp bình thường chứ có gì đâu mà bí mật. Chính bí mật của mình làm phức tạp thêm tình hình. Do đó cần rà soát hết lại, phải rõ cái nào được cung cấp và không cung cấp thì luật ra mới khả thi” – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Thực tế tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế. Luật này ra đời nhằm điều chỉnh được thực tế đó trên tinh thần Hiến pháp 2013. Do đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật.
“Luật này ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Đến thư mời đi họp cũng ghi Mật như anh Sơn nói thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”, ông Lý nói.
Thông tin nào thì được cung cấp?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng thông tin cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và đang nắm giữ chứ không bao gồm thông tin cơ quan đó đang có do nơi khác đưa đến, nghe có vẻ thuận nhưng thực tế không phải vậy.
Cơ quan nhà nước có thể không tạo ra thông tin nhưng lại có điều kiện nắm thông tin, đặc biệt là thông tin gốc thì người dân yêu cầu có cung cấp không? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cho rằng quy định Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội chỉ cung cấp thông tin hoạt động của đoàn là quá hẹp. Vì họ có cả thông tin chương trình kỳ họp, kết quả kỳ họp Quốc hội. Không để một người đến Văn phòng đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau hỏi lại bảo người ta về Văn phòng Quốc hội để có thông tin.
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH nhấn mạnh, luật cần làm rõ thông tin nào cần phải cung cấp và ai cung cấp vì nếu đặt vấn đề không chính xác sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngay trong luật.
“Dự thảo nói thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, nhưng mở rộng ra một chút là thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ mà không phải do mình tạo ra là mâu thuẫn ngay. Ví dụ thông tin của đơn vị nào đó nếu không cung cấp cho cơ quan Nhà nước thì bí mật của người ta, còn khi cung cấp lại công khai nên có thể họ đối phó bằng cách không cung cấp”, ông Thi đặt vấn đề.
Cũng theo ông Đào Trọng Thi, nếu không xác định cụ thể thì sẽ tạo sự bất bình đẳng: “Tại sao học phí của trường công lập thì phải công bố còn tư thục thì không cung cấp mặc dù bản chất như nhau? Viện phí và các khoản tài chính của doanh nghiệp cũng vậy”. Do đó ông Thi đề nghị phải xác định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của người dân, cộng đồng, nhà nước thì phải cung cấp cho dù tạo ra từ nguồn nào, kể cả thuộc Nhà nước và không thuộc Nhà nước.