Tìm kiếm

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

Nâng cao tính tiên phong gương mẫu của người đảng viên

Nguồn: Báo Nhân dân, Thứ hai, 30/01/2012  
ND - Trong lịch sử đấu tranh của Ðảng ta qua mỗi chặng đường cách mạng và trong mọi hoạt động của cuộc sống hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích vẻ vang.
Tiếp nối truyền thống cách mạng ấy, từ khi bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, nói chung đội ngũ cán bộ, đảng viên đã phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, bảo đảm được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới hơn hai thập niên qua, chứng tỏ chúng ta có một đội ngũ cán bộ, đảng viên tốt, có bản lĩnh, trưởng thành và phát triển nhanh, vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình; thông minh, năng động, sáng tạo, bước đầu đáp ứng được những đòi hỏi của giai đoạn cách mạng mới. Từ đất liền tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, từ các viện nghiên cứu âm thầm đến những nơi phải trải qua những trận cuồng phong, bão lũ; từ Ban Chấp hành Trung ương đến mỗi địa phương, cơ sở, ở trong nước hay công tác nước ngoài..., ở đâu, trong lĩnh vực nào cũng đều xuất hiện những người đảng viên gương mẫu. Ðó có thể là những chủ trương, quyết sách ở đường hướng vĩ mô, có thể là những việc làm ở tầm vi mô mà sức lan tỏa lại không hề nhỏ. Chẳng hạn, những đảng viên sẵn sàng dỡ nhà ở và hiến đất thổ cư cho Nhà nước làm đường, làm trường học; sẵn sàng di chuyển từ đường thờ tự và mồ mả tổ tiên để xây dựng khu công nghiệp. Việc làm của những đảng viên cao tuổi đã tác động mạnh mẽ đến đông đảo quần chúng, dấy lên phong trào hiến của riêng cho sự nghiệp chung; tiêu biểu như ở: Thái Nguyên (1), Quảng Nam, Ðà Nẵng; những đảng viên đi đầu "cắm" bản ở Lai Châu, Yên Bái, Thái Nguyên (2)..., thường xuyên gần dân, nói và làm để dân hiểu, dân nghe, dân tin và làm theo, từng bước xóa nghèo, nâng cao dần đời sống cho nhân dân. Qua đó, có thể thấy trong điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn và còn nhiều tác động tiêu cực của xã hội, số đông vẫn giữ được lối sống lành mạnh, chăm lo đến sự nghiệp chung.
Tuy nhiên, cùng những ưu điểm, đội ngũ cán bộ, đảng viên của ta cũng còn không ít những nhược điểm, khuyết điểm. Nổi bật nhất là: tình trạng sa sút về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bên cạnh những biểu hiện dao động, phân tâm, mất niềm tin vào chủ nghĩa xã hội và sự lãnh đạo của Ðảng. Hiện tượng chạy theo đồng tiền, lợi dụng chức quyền và những sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, làm giàu bất chính là có thật. Một số vụ tham nhũng, buôn lậu, hình thành những đường dây có tổ chức, số người giàu nhanh bất bình thường gia tăng đang bị dư luận nghi vấn; ở không ít nơi lợi ích cá nhân đang lấn dần lợi ích tập thể, cộng đồng; lợi ích cục bộ lấn át lợi ích toàn bộ. Một số người bộc lộ rất rõ tham vọng cá nhân, kèn cựa, địa vị, gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền; ý thức tổ chức kỷ luật kém, phát ngôn tùy tiện, gây mất đoàn kết, bất chấp các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và lợi ích của nhân dân v.v.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân; trong đó, có ba nguyên nhân rất quan trọng: một là, cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đoàn thể, buông lỏng công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, quá thiên về lợi ích vật chất và xem nhẹ việc giáo dục lý tưởng, tinh thần trách nhiệm. Hai là, cơ chế, chính sách, pháp luật còn thiếu đồng bộ và có nhiều sơ hở. Ba là, bản thân người cán bộ, đảng viên không chú ý tự rèn luyện thường xuyên, chạy theo lợi ích cá nhân, không giữ gìn phẩm chất đạo đức, tư cách; thiếu ý thức gương mẫu đi đầu của người đảng viên cộng sản.
Cùng với học tập đạo đức theo tấm gương sáng Bác Hồ, thực hiện Ðiều lệ Ðảng, gương mẫu chấp hành nghiêm Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, Pháp lệnh Cán bộ, công chức; đã đến lúc chúng ta cần có những giải pháp khả thi, phù hợp đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức, nỗ lực vươn lên xứng tầm là những người tiên phong trong đội ngũ tiên phong của giai cấp và dân tộc.  
Ðảng lãnh đạo cách mạng không chỉ bằng chủ trương, đường lối, bằng chính sách... mà còn bằng "nêu gương"; tức là "từ sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ, đảng viên trong bộ máy Ðảng, Nhà nước và các đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo". Hồ Chí Minh viết: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến... Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...". Có thể nói, đây là một vấn đề vừa rộng lớn, cao xa, vừa thường nhật, gần gũi; vừa hăng hái, xung phong, vừa kiên trì, bền bỉ, tinh tế; vừa liên quan đến lý tưởng sống - lẽ sống, vừa hiển hiện trong lối sống, hành vi sống thường ngày...
Trước hết, đề cao hơn nữa ý tưởng sống, lẽ sống của người đảng viên cộng sản.
Suốt 80 năm qua, trong cuộc đấu tranh mất còn với kẻ thù, chúng ta đã trải qua vô vàn khó khăn phức tạp như: Khủng bố trắng thời kỳ 1930-1931 và Xô-viết Nghệ-Tĩnh, đối phó với thù trong và giặc ngoài khi chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ, giữ gìn lực lượng trước thủ đoạn "Tố Cộng, diệt Cộng" của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Ðình Diệm; và ngay cả sau chiến thắng 30-4-1975, chúng ta đã trải qua những tình huống khó khăn phức tạp như khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục, quản lý kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, chống chiến tranh ở biên giới phía Tây Nam và phía Bắc... Trong phong ba bão táp, Ðảng ta đã kiên định vững vàng, không từ bỏ mục tiêu, lý tưởng, không run sợ trước áp lực của kẻ thù, không nhụt chí trước khó khăn chồng chất, không hạ thấp vị trí tiền phong chiến đấu và trách nhiệm là người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng, một lòng tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hàng chục vạn đảng viên, cán bộ ta trước kia cũng như hiện nay đã mãi mãi để lại những tấm gương quên mình, âm thầm và oanh liệt. Bởi thế, nhân dân gọi Ðảng là "Ðảng ta" và đã đặt trọn niềm tin vào Ðảng, thừa nhận Ðảng là đội tiên phong chính trị, người lãnh đạo chân chính, duy nhất của cả dân tộc.
Ðược như vậy cũng còn bởi "Ðảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động" như Bác Hồ đã nói. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, như "vàng đã thử lửa", trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, trong môi trường thế giới thuận lợi cũng như khi có những bất đồng, biến động, trong thắng lợi cũng như khi vấp váp sai lầm, khuyết điểm, Ðảng ta vẫn đứng vững trên nền móng của một đứa "con nòi", đó là bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng và khoa học, giữ vững niềm tin cộng sản, dù trong lao tù, máu lửa, trong xây dựng kinh tế hay trong đời sống hằng ngày... Còn nhớ, nhân dịp 50 năm thành lập Ðảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm Quảng Ninh, nói chuyện với cán bộ, đảng viên công nhân mỏ (từ ngày 24 đến ngày 25-1-1960), đồng chí nhấn mạnh: Một người công nhân có giác ngộ lý tưởng không phải chỉ làm để lấy tiền lương, không phải chỉ làm cho mình mà làm cho cả dân tộc, cho cả mai sau(3). Từng đảng bộ, mỗi người cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu. Chính gương mẫu đi đầu là cội nguồn của thắng lợi. Hãy thắp sáng mãi lý tưởng và niềm tin cộng sản như mỗi người từng đặt tay nơi trái tim mình tuyên thệ dưới Ðảng kỳ, âm vang mãi trong tâm hồn ta bài Quốc tế ca bất hủ.
Sẽ còn một số người suy nghĩ đắn đo về lý tưởng, lẽ sống là cái gì trừu tượng, xa xăm; tuy tốt đẹp và cao thượng đấy, nhưng có tính đếm được đâu trong cơ chế thị trường? Suy cho cùng, đã là con người thì ai chẳng phải một lần vấn vương vì cái chết. Ai cũng qua ải đó, có ai mang được tiền của đi theo? Người cộng sản xưa vượt qua cái đói, vượt qua làn gió thoảng mùi thơm quyến rũ của "con cá chột nưa", rồi thà chết đấu tranh, giành lại một mùa thu Cách mạng Tháng Tám đổi đời cho mọi kiếp người và hồi sinh cho cả dân tộc. Cái chết ấy đã gieo mầm cho sự sống vĩnh hằng. Cán bộ, đảng viên, những người cộng sản ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này "đã dấn thân vô" cho sự nghiệp giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thì phải đề cao lý tưởng sống, lẽ sống. Sống đẹp như những hình tượng truyền đời, vượt mọi rào ngăn biên giới. Phu-xích (Séc - Xlôvakia), Chêghêvara (Cuba), Paven Coocxaghin (Nga), Lôi Phong (Trung Hoa) đều cùng một lý tưởng: "Ðời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, vì những năm tháng đã sống hoài sống phí; để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức mạnh ta đã đấu tranh cho sự nghiệp cao đẹp nhất tren đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng con người!"; và chung một lẽ sống, một phương châm hành xử: "Với đồng chí ấm áp như mùa Xuân, với việc chung cháy nồng như nắng hạ, với chủ nghĩa cá nhân như gió mùa thu quét lá, với quân thù như băng giá đêm đông"...
Thứ hai, người đảng viên cộng sản phải thật sự tôn trọng danh dự, tư cách, trách nhiệm của mình.
Nhớ vào khoảng thời gian những năm 90 thế kỷ XX, ở một thành phố lớn phía Nam, để được tuyển dụng vào làm việc trong một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có những đảng viên phải "giấu" thẻ Ðảng của mình đi để dễ bề xin việc. Ngược lại, cũng có luồng suy nghĩ không thành văn bản nhưng được người ta thừa nhận trong thực tế rằng, vào Ðảng là đặt chân vào nấc thang thăng tiến. Không bình luận về những câu chuyện đại loại kiểu này, song, rõ ràng là có vấn đề trong câu chuyện danh hiệu của người đảng viên cộng sản và những hệ lụy phát sinh vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó. Nếu thực sự động cơ vào Ðảng, trở thành người đảng viên cộng sản là một quá trình phấn đấu vì lý tưởng, tự nguyện, xả thân cống hiến; là trải qua khó khăn và vượt qua được những thử thách cam go ví như "vàng qua lửa đỏ", thì mỗi người đảng viên hẳn phải ý thức được, tự kiểm chứng "ái giá trị thật", phẩm chất thật của mình: tôi luyện ra sao, trưởng thành như thế nào? Chí ít là vượt hơn chính bản thân mình khi chưa được đứng trong hàng ngũ Ðảng. Vượt hơn về bản lĩnh, trí tuệ, văn hóa, về đạo đức, lương tâm, danh dự. Và hơn hết là trách nhiệm với tổ chức, trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với mọi người. Không phải tất cả đều trở thành những vĩ nhân nhưng xã hội luôn cần những đảng viên có trách nhiệm. Họ phải biết suy nghĩ lại những việc làm của mình khi quần chúng phàn nàn rằng: Ông (bà) ấy là đảng viên mà lại thế! Quần chúng, nhân dân nhìn thấu những điều này. Ai là người đi đầu, đâu là kẻ đã theo đuôi những phần tử cực đoan, quá khích trong các vụ tranh chấp đất đai, gây thiệt hại lớn về người, về của và làm rối loạn trật tự an ninh xã hội? Theo đuôi quần chúng tức là đã đánh mất vai trò tiền phong lãnh đạo của Ðảng. Người đảng viên phải tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao nhận thức của nhân dân lên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng hiện nay.
Hơn thế nữa, không chỉ tích cực trong tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhân dân mà người đảng viên và gia đình ở cơ sở cần phải gương mẫu trong hành động thực tế, thật sự trở thành tấm gương sáng về lao động, làm giàu chính đáng, học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa... để nhân dân noi theo, tin theo trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước. "Ðảng viên đi trước, làng nước theo sau". Ðây là một phương pháp công tác tốt của người đảng viên - thống nhất giữa nhận thức và hoạt động thực tiễn; đồng thời đây cũng chính là một nguyên tắc của đạo đức Hồ Chí Minh: Lời nói đi đôi với việc làm mẫu mực, năng động, sáng tạo, xông xáo của người cán bộ, đảng viên là những "mệnh lệnh không lời" đầy sức thuyết phục, cảm hóa và lôi cuốn nhân dân. Thông qua lời nói và việc làm gương mẫu của người đảng viên, nhân dân tin Ðảng, theo Ðảng. Và cũng cần nói thêm rằng, quần chúng, nhân dân ở cơ sở cần những đảng viên, người lãnh đạo có trí tuệ sáng suốt, biết trọng chữ "Tín", nói đúng, làm giỏi, có năng lực vận dụng tri thức khoa học và tổ chức thực tiễn; biết tập hợp, giác ngộ và dẫn dắt quần chúng vào các phong trào hành động cách mạng sôi nổi, liên tục, có hiệu quả.
Ðể xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu: "Ðặt lợi ích của Ðảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Ðảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc"(4).
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên; đồng thời phải dựa vào dân để xây dựng Ðảng.
Mỗi cán bộ, đảng viên đều sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở đảng, khi rời nơi làm việc thường cư trú trên một địa bàn nhất định. Bên cạnh việc đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng, cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ cần phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Ðảng. Công tác này cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và định kỳ  giữa cấp ủy cơ quan, đơn vị công tác và cấp ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú. Như vậy cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc vận động quần chúng, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên thông qua việc phản ánh trực tiếp hoặc lấy phiếu góp ý. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm; về những điều đảng viên không được làm. Cấp ủy cơ sở phải là những người gương mẫu trong mọi công việc, đồng thời cần giám sát đảng viên về các mặt; hằng năm phải tổ chức cho cơ sở đảng đăng ký phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ với cấp ủy cấp trên. Trong đó, có nội dung cam kết không có cán bộ, đảng viên tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðó là căn cứ để cấp ủy cấp trên đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào cuối năm.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Ðánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự vững mạnh của các tổ chức trong hệ thống chính trị và đặc biệt là chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đồng thời cần thông báo để quần chúng, nhân dân tham gia ý kiến. Cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng phải kiểm tra, thẩm định chặt chẽ và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên trong phạm vi quản lý của cấp mình. Cần xây dựng quy trình chặt chẽ, khách quan, khoa học để nâng cao chất lượng của việc đánh giá tổ chức cơ sở đảng và đảng viên...
Ðặc biệt, chú trọng hơn việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng những tổ chức đảng, những đảng viên có thành tích xuất sắc và có các biện pháp tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các tấm gương điển hình đó.
(*)Theo cuốn: Ðảng Cộng sản Việt Nam 80 năm xây dựng và phát triển. Nxb Chính trị - Hành chính, H.2010.
(1) Xem Tạp chí Xây dựng Ðảng, số 9-2009, tr.51.
(2) Xem Tạp chí Xây dựng Ðảng, số 5-2009, tr.30-32.
(3) Xem Lịch sử Ðảng bộ tỉnh Quảng Ninh (1975-2005), t.4, tr.30.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.285
TS HOÀNG VĂN TUỆ

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Dụng nhân, dụng mộc


           Con người là vốn quý của xã hội, đó là chân lý. Đã có nhiều câu châm ngôn kinh điển suy tôn vị trí bất khả thay thế về con người ở các lĩnh vực: Văn học là nhân học; con người là trung tâm nghiên cứu của triết học; con người là trung tâm của vũ trụ; con người sáng tạo ra vạn vật... 
           Ở mọi chế độ xã hội từ thời kỳ nguyên thủy sơ khai đến thời đại văn minh đều luôn chú ý đến nhân tố gìn giữ, phát triển xã hội, đó là nguồn nhân lực - những người là chủ thể sáng tạo, động lực phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; góp phần cải tạo tự nhiên và hoàn thiện chính mình. Lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng của Việt Nam đã có nhiều minh chứng hùng hồn về vai trò quần chúng và thủ lĩnh đã làm nên lịch sử, dạng danh non sông.
           Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta rất cần đội ngũ những người giỏi về quản lý, có nghề, thạo việc, chuyên sâu. Việc mở trường lớp dạy học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn, thợ giỏi là việc làm bắt buộc, thường xuyên và là nhân tố đầu tiên để có lớp thầy giỏi, thợ giỏi. Các nước tiên tiến có trình độ khoa học kỹ thuật cao đi trước chúng ta vài chục năm kinh nghiệm cũng đào tạo theo quy chuẩn trường lớp: Thầy dạy, trò học. Vấn đề là dạy như thế nào? Học như thế nào? Nhưng ta còn khác họ ở chỗ đó.
           Hiện nay, chúng ta còn đang yếu và thiếu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, các cấp từ cơ sở đến tỉnh, thành phố và bộ, ngành trung ương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Cơ chế sử dụng, đãi ngộ còn chưa phù hợp với thay đổi linh hoạt của đời sống xã hội. Chúng ta còn lúng túng trong quản lý, phối hợp khai thác các công trình nghiên cứu khoa học (có nhiều công trình khoa học tốn tiền của, trí tuệ nhưng rồi chỉ xếp trong tủ), tận dụng chất xám của các cán bộ khoa học đầu ngành; chậm có cơ chế thu hút người có tay nghề cao, giỏi chuyên môn, chuyên gia làm việc và tạo thuận lợi để họ có cơ hội cống hiến. Lỗi cuối cùng đều đổ tại cơ chế. Thật lạ, địa phương nào cũng kêu ca bị trói buộc, ngày trước có anh "quan liêu bao cấp" mà đổ tội cho, vậy giờ đổ vào đầu ai đây?
           Nói về nhân lực, là bàn chuyện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng con người. Đây là các khâu khép kín trong quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm việc, cống hiến của mỗi người lao động trong xã hội. Vì thế mối quan hệ tương tác giữa chủ thể, khách thể ở mỗi khâu (như nhà trường, ngành giáo dục - đào tạo; cơ quan, đơn vị, địa phương và người quản lý sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp; hệ thống tổ chức cán bộ, cơ quan chủ quản...) có tác động rất lớn đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động.
Trong hệ thống giáo dục - đào tạo, các cấp học, ngành học phải thực hiện thật tốt 3 nhiệm vụ: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, mang tính chiến lược phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà sứ mạng này giao cho toàn hệ thống chính trị và cả xã hội cùng làm, chứ không thể là công việc riêng của ngành giáo dục - đào tạo. Vì vậy, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Cả nước, cả dân tộc chung tay, chung sức nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ qua các hệ thống đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng xã hội học tập.
           Đào tạo gắn với bồi dưỡng; đào tạo rồi phải có chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo lại để luôn làm mới kiến thức cho nhân lực. Học tập cũng vậy. Học trường lớp, học xã hội, học gắn với hành, học trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để không ngừng làm mới cho kiến thức cá nhân. Đâu phải ai cũng có điều kiện được học tập chính quy từ ghế nhà trường; các loại hình đào tạo, bồi dưỡng rất phong phú là cơ hội, là môi trường rộng mở để học tập, trau dồi kiến thức nghề nghiệp; học thầy, học bạn rất quan trọng, kể cả tự học. Xã hội hóa học tập, xây dựng xã hội học tập chính là tạo môi trường, là mảnh đất màu mỡ để phát triển sự nghiệp giáo dục toàn dân. Vì thế, chúng ta rất cần phải xác định thật chuẩn phương hướng, nhiệm vụ, quy mô đào tạo các loại hình lao động để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức phục vụ sự nghiệp cách mạng thời kỳ mới.
          Thủ đô Hà Nội mở rộng, dân số đông là nguồn cung cấp lao động dồi dào. Hằng năm, Hà Nội có số nhân lực bước vào độ tuổi lao động tăng nhanh, cộng với lao động ở tỉnh khác vào thành phố (khoảng 100 ngàn người/năm) đang là thách thức với việc đào tạo lao động có tay nghề. Đồng thời, dự báo số nông dân không còn ruộng đất do đô thị hóa nhanh, số lao động chưa qua đào tạo cũng chiếm khoảng hơn 200 ngàn người/năm sẽ có nguy cơ mất việc hoặc thiếu việc làm. Thực tế cho thấy, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra khá nhanh, có địa phương khó kiểm soát đã kéo theo tình trạng nông dân thất nghiệp, bán thất nghiệp là điều khó tránh. Hà Nội và các tỉnh khác cũng trong bối cảnh này.
           Việc sử dụng lao động cũng là vấn đề bức xúc xã hội. Lớp trẻ không khỏi toan tính học gì? Học ngành nghề gì? Nhưng khó khăn vất vả bội phần là học xong sẽ được làm gì? Làm ở đâu? Cũng không thể trách cứ thanh niên thời nay là thực dụng, bởi "cơm áo không đùa với khách thơ", "Có thực mới vực được đạo". Mỗi người phải biết tự nuôi sống mình và gia đình thì mới tồn tại và phục vụ xã hội! Câu nói "Dụng nhân như dụng mộc" chính là ở chỗ này. Chất lượng nguồn nhân lực có được khai thức đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng để "gỗ nào vào việc ấy", mọi người mới phát huy hết sở trường, sở đoản phục vụ xã hội. Những năm qua, câu nói cửa miệng của người đi xin việc làm là "phải chạy"! Mà chạy ai, ai chạy, chắc không phải khó khăn gì không đoán biết mà nói ra thì thật khó, "Chuyện này như mây trên trời, nhìn thấy mà không cầm nắm được". Lỡ miệng nói ra là mất việc như bỡn! Nếu còn tình trạng xin - cho, tuyển lao động như ban ơn thì còn có người chạy chọt, dễ dàng nảy sinh tiêu cực, tham ô, tham nhũng!
          Chuyện xưa kể, quan Thái sư Trần Thủ Độ nổi tiếng anh minh khi chọn tướng, kẻ sỹ, gây dựng cơ nghiệp nhà Trần. Một lần, vợ ông là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung xin cho một người cháu họ làm chức quan "câu đương" (chức dịch thu thuế xã). Ông gọi người có ý định đút lót tiền bạc, chạy chức đó đến chỉ giáo: "Ngươi bất tài, muốn làm quan tắt, phải chặt đi một ngón chân để phân biệt với các quan khác". Người nọ lạy lục van xin để tránh cái nhục chạy chức quan trường. Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam như Đinh, Lê, Lý, Trần... có nhiều tấm gương sáng về chọn tướng sỹ, hiền tài phò vua, giúp nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trọng kẻ sỹ, mến người tài giỏi để kháng chiến, kiến quốc, là bài học luôn mang tính thời sự về công tác cán bộ.
           "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Hiền tài chiếm số đông thì quốc gia hưng thịnh". Từ xa xưa, cha ông ta đã trọng dụng người quân tử tài năng như vật báu quốc gia, trọng người có học rộng, có đức độ. Trong xã hội, người tài giỏi thì có thể nhiều, nhưng đạt đến trình độ nhân tài (hiền tài) hẳn không phải nhiều. Việc sử dụng, đãi ngộ thầy giỏi, thợ giỏi, đặc biệt là nhân tài cũng cần có cơ chế phù hợp để có nhiều luồng "nguyên khí quốc gia", tạo ra vượng khí cho nước nhà hưng thịnh.
           Hà Nội chúng ta làm tốt công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng người giỏi, phù hợp với công việc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn mới cũng chính là góp phần thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - hòa bình.
            Nguồn: Báo Hà Nội mới - Kiều Ngọc Kim

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Ván cờ, chiếc váy và nhân cách


           Vừa rồi, báo chí xôn xao quanh việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng bắt hai quan chức của ngành giao thông vận tải tỉnh này về tội "đánh bạc". Hai vị quan này đã nhiều lần đánh cờ tướng ăn tiền, mỗi ván từ 1 đến 5 tỷ đồng. Số tiền cờ bạc họ đã nợ nhau tổng cộng 22 tỷ đồng.
            Trước đó không lâu, dư luận cũng bàn nhiều về... chiếc váy giá 840 triệu đồng của Đại sứ Du lịch Việt Nam. Người ta xì xào bàn tán xem nó là hàng "xịn" hay hàng "phếch" (fake), tức là thật hay giả. Tất cả các bài viết "nhảy" vào câu chuyện này đều quan tâm xem "xịn" hay "phếch" để khẳng định "đẳng cấp" của người đẹp, "xịn" thì giá bốn mươi ngàn đô la, còn "phếch" thì chỉ độ mươi ngàn. Y phục xứng kỳ đức mà, đã là "sao" ai lại dùng hàng "phếch".
            Cũng có nhiều người nghĩ các câu chuyện trên chỉ là ở chốn quan trường hay thuộc giới người của công chúng, là phù phiếm, tào lao. Nhưng không phải vậy. Dân gian có câu: "Kiếm tiền đã khó nhưng tiêu tiền còn khó hơn". Sự khác biệt ở chỗ kiếm tiền thuộc tài năng kinh tế, còn tiêu tiền lại thuộc phạm trù văn hóa. Người ta cũng nói, muốn biết một người thế nào, xem cách người ta kiếm tiền lúc túng khó và tiêu tiền lúc giàu sang sẽ hiểu. Ở nước ta, mấy năm gần đây, cơ chế đổi mới đã tạo cơ hội cho nhiều người vươn lên làm giàu, thậm chí rất giàu. Dĩ nhiên, làm giàu là quyền chính đáng, là điều rất đáng trân trọng. Và không phải ai giàu rồi cũng hợm hĩnh. Cách đây không lâu, khi ông Đoàn Nguyên Đức, được coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua máy bay riêng và thêm ra mỗi tháng vài trăm triệu đồng để "nuôi" chiếc máy bay ấy, đã có ý kiến cho rằng ông chơi trội để khoe tiền. Nhưng sự thật không hẳn vậy. Vì theo cách tính toán của ông Đức thì việc ông mua máy bay riêng là có lợi cho công việc làm ăn của ông. Hay nói cách khác, chiếc máy bay ấy là công cụ để đồng tiền của ông thêm sinh sôi nhiều hơn.
           Thế nhưng trong đời sống vẫn có những điều chẳng dễ lý giải. Nhà viết kịch Molière (Pháp) đã giễu cợt thói "trưởng giả học làm sang" trong vở kịch cùng tên của ông. Học để sang thì tốt nhưng học giả để sang giả thì đích thị là cái sang vô học. Tất cả mọi người, mọi tầng lớp đều có quyền học làm sang. Nhưng học thế nào cho sang lại là điều không dễ, có tiền và tiêu tiền búa xua không thể gọi là sang. Trong cuộc sống có rất nhiều người đã trở thành tấm gương sáng, những điển hình được xã hội tôn vinh về tài năng kiếm tiền (chân chính). Nhưng cũng thật trớ trêu là khi trở nên giàu có thì một số người lại trở thành những kẻ lố bịch và hợm hĩnh bởi cách tiêu tiền. Thế nên thực tế mới xảy ra chuyện rất đáng xấu hổ là nhiều "đại gia" lớn tiếng đấu giá làm từ thiện hàng tỷ đồng nhưng họ chỉ huênh hoang trước công luận để rồi sau đó "im thin thít, lặn mất tăm".
           So với mấy chục năm trước, cuộc sống của người Việt Nam bây giờ đã khác, đã đầy đủ hơn nhưng hỏi đã giàu chưa thì xin thưa: Chưa. Dù hằng ngày vẫn có nghe nói đến những món đồ xa xỉ này nọ, những chiếc xe bạc tỷ vẫn được nhập về, những bát phở tiền triệu, những nhà hàng, khách sạn xa hoa vẫn mọc lên, nhưng đó chỉ là cái váng mỏng ở thành thị. Còn số đông bà con lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn cực nhọc lắm. Mới đây, nhà báo Trần Đăng Tuấn có dịp ngược về vùng cao Hà Giang và ông đã có được những trải nghiệm đầy xúc động, chứng kiến bữa ăn của hàng trăm đứa trẻ ở một ngôi trường, tất cả chúng chỉ ước mơ mỗi bữa ăn có một miếng thịt thôi còn chưa được, nói chi đến manh áo lành lặn. Trở về Hà Nội, ông Tuấn đã khởi động một việc tạm gọi là "dự án" mang cái tên cũng rất mộc mạc: Dự án "Cơm có thịt". Ông viết trên blog của mình: Chúng ta hãy đừng nghĩ nhiều về việc chúng ta có thể làm được bao nhiêu. Chúng ta hãy hình dung các bé, các em học sinh nội trú đang cùng ăn cơm với chúng ta và chúng ta gắp vào bát chúng một miếng thịt, miếng cá. Như hằng ngày chúng ta vẫn gắp vào bát cho em, con, cháu... của chúng ta quanh mâm cơm ấm áp của gia đình...
             Đó có phải là cách tiêu tiền ý nghĩa hay không, mỗi người đều có thể tự trả lời.
            Trở lại với hai câu chuyện trên. Quả thực nếu đem kể với những người nông dân đang hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì chắc hẳn chẳng ai tin lại có chiếc váy giá 840 triệu đồng, và càng không thể tin người ta có thể mang 5 tỷ đồng ra chỉ để mua vui bằng một ván cờ. Với ngần ấy tiền thậm chí có thể tạo một bước ngoặt cho cả một xã nghèo (nếu là 840 triệu đồng) hoặc một huyện nghèo (nếu là 5 tỷ đồng), chứ không thể so nó với những hộ nghèo nơi vùng sâu, vùng xa thu nhập trung bình có khi chỉ vài triệu đồng mỗi năm.
          Có thể so sánh như thế là khập khiễng, là cái nhìn hẹp hòi của sự nghèo khổ. Người ta có tiền thì có quyền tiêu theo cách của mình chứ. Nhưng vấn đề ở chỗ thế giới chúng ta đang phải chứng kiến việc nhiều người đang tiêu những đồng tiền một cách phung phí. Vung tay quá trán đang trở thành một khái niệm quen thuộc trong xã hội. Cuối năm 2011, truyền hình đưa tin về việc ra mắt một tổng cục nọ, có lẽ ít ai để ý trong tin là những hình ảnh bữa tiệc linh đình dễ đến hàng trăm khách được tổ chức ở khán phòng một khách sạn sang trọng. Đáng nói là cũng thời điểm ấy, dư luận đang nóng với những thông tin các doanh nghiệp lớn thuộc mảng quản lý của tổng cục này đang kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Tại sao, thay vì một lễ công bố đình đám họ không tổ chức một buổi họp báo công bố quyết định thành lập, vừa hợp thông lệ, vừa đúng pháp luật, vẫn trang trọng và đặc biệt là tiết kiệm được một khoản tiền chắc chắn không nhỏ để chi tiêu cho những việc có ích khác.
           Thực tế hiện nay, tư duy "tiêu tiền Nhà nước không cần phải nghĩ" vẫn đang có nhiều cơ hội sống. Không khó để nhận ra những hành vi phung phí tiền công quỹ như mua sắm, sử dụng xe hơi đắt tiền; chi phí quá lớn cho hội nghị, tiếp khách, tặng quà, ăn uống; xây dựng trụ sở cơ quan quá mức cần thiết. Chỉ riêng cái bệnh thích phô trương ở nhiều cơ quan, ban, ngành thôi cũng đã là một sự phung phí không nhỏ. Có lẽ do thời buổi hội nhập nên cái gì người ta cũng thích to, thích hoành tráng, các địa phương từ cấp xã cho đến cấp tỉnh, hễ cứ có dịp là phải "kỷ niệm". Mà đã lễ thì phải làm cho mát mày mát mặt. Cấp xã, huyện thì đưa rước hội hè, cấp tỉnh cứ là phải đại lễ, phải truyền hình trực tiếp mới oách. Rồi cứ có cơ hội là người ta làm kỷ lục này, kỷ lục nọ, nhưng đằng sau kỷ lục là cái gì thì chẳng ai quan tâm. Từ chiếc bánh chưng lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam bị ôi thiu không ai dám ăn, hàng tấn gạo, đỗ, thịt đành phải bỏ đi, đến những dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng đắp chiếu không hoạt động. Hay chuyện vị phó giám đốc sở nọ bị bắt quả tang đánh cờ ăn thua lên tới 5 tỷ đồng mỗi ván cũng đã khiến dư luận choáng váng. Rõ ràng, những cách tiêu tiền như thế là vô nghĩa và vô lối.
            Khi đọc những tranh cãi về chiếc váy, tôi cứ thắc mắc: Liệu có bao nhiêu người trăn trở về giá trị của nó cũng như cách ứng xử của chủ nhân? Đem câu chuyện ra kể với vợ chồng chị hàng nước ở đầu ngõ, chính câu trả lời có phần bàng quan của chị vợ lại khiến tôi thêm bối rối. Chị rằng: "Bác quan tâm đến chuyện ấy làm gì cho mệt. Người ta có tiền thì muốn thế nào chẳng được, ảnh hưởng gì đến mình đâu. Chứ cứ như em thì chiếc quần rách không mặc được cũng vẫn còn giá trị sử dụng".
            Vâng, chị hàng nước đã đặt mình ra ngoài cuộc nhưng câu nói của chị cũng ít nhiều đặt ra những suy nghĩ. Chuyện chiếc váy hay ván cờ của hai vị "quan liều" kia chỉ là cái cớ để ngẫm về văn hóa tiêu tiền của con người. Dù đó là tiền công hay của riêng thì cách chi tiêu nó cũng hàm chứa yếu tố văn hóa - đó là nhân cách!
                  Nguồn: Báo Hà Nội mới,  Đinh Tuấn Anh 

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Năm mới với trách nhiệm người đứng đầu


Có lẽ, chưa bao giờ, cụm từ “trách nhiệm người đứng đầu” được nhắc đến nhiều như hiện nay.
Mới đây nhất, ngày 26.12.2011, tại buổi khai mạc hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Bộ Chính trị đã kiến nghị Trung ương cần làm ngay một trong ba việc “cấp bách” là xác định rõ “trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền” nhằm “tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Thực ra, nước ta không thiếu quy định để xác định trách nhiệm người đứng đầu. Trên mặt trận quan trọng như chống tham nhũng, từ năm 2006, đã có riêng nghị định 107 quy định về việc xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Tổng quan hơn, từ năm 2007, có nghị định 157 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Sau đó, bộ Nội vụ còn ra thông tư 08 hướng dẫn thực hiện. Luật Cán bộ, công chức ra đời sau này, năm 2008, cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu, là một bước nâng tầm pháp lý nữa.
Thế nhưng, câu hỏi mang tính chất vấn về trách nhiệm người đứng đầu lại thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, nhất là sau mỗi thông tin về sai phạm trong khu vực công. Chuyện quốc gia đại sự như tham nhũng thì “Không thể núp bóng tập thể để trốn trách nhiệm”, “Quên xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, “Chống tham nhũng: người đứng đầu đang đứng ở đâu?”... Chuyện thường ngày bức xúc dân sinh thì “Giảng viên bị tẩy chay và trách nhiệm người đứng đầu” hay “Tai nạn giao thông và trách nhiệm người đứng đầu”…
Không chất vấn sao được, khi mà, tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng do Chính phủ cùng các nhà tài trợ tổ chức mới đây, trong khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông tin năm năm qua (2007 – 2011), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ về các tội tham nhũng thì văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết trong năm 2011, mới có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách. Đó mới chỉ là so sánh giữa số vụ án khởi tố (được cho là ít ỏi so với thực tế tội phạm này) với số người đứng đầu bị kỷ luật. Theo quy định, để xảy ra tham nhũng trong cơ quan mình quản lý, dù chưa đến mức xử lý hình sự, người đứng đầu đã phải bị kỷ luật với những mức độ khác nhau.
Không chỉ là chuyện nói và làm, chính sách và thực thi như trong chuyện chống tham nhũng, dưới mắt các nhà tài trợ, nguy hiểm hơn, thực tế này dẫn đến hệ quả “chấp nhận tham nhũng” từ cả phía người dân, vì “có tố cáo cũng không có tác dụng gì”. Cho nên, kiến nghị và việc thực hiện kiến nghị nói trên của Bộ Chính trị sẽ thực sự có ý nghĩa nếu tạo ra được những kết quả “cụ thể”, “rõ rệt”... hơn so với hiện nay, nếu không, khó đạt được mục tiêu củng cố “niềm tin”.
Chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu rộng chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi chịu trách nhiệm nếu cấp dưới có sai phạm, bị phát hiện, như tham nhũng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Nếu hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước vẫn không công khai, minh bạch, với thực tế bao che, nể nang, né tránh… như bấy lâu nay, chuyện người đứng đầu bị xử lý kỷ luật theo quy trình hành chính công vụ không dễ. Và người dân biết mà “bắt giò” trách nhiệm người đứng đầu hay trách nhiệm của người phải xử lý người đứng đầu càng khó hơn.
Gần đây, đã có một số nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc công khai, minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh của ngành điện lực, xăng dầu hay tập đoàn Vinashin. Một số địa phương, đơn vị thí điểm để người dân đánh giá chất lượng hoạt động của mình hay một số tổ chức cho điểm cơ quan nhà nước trong một số lĩnh vực. Nhưng công khai minh bạch rồi, bày tỏ quan điểm rồi thì sao? Có biết bao sai phạm, sự không hoàn thành, thái độ không hài lòng, mấy ai chịu trách nhiệm về chuyện đó. Luật không tắt, có tắt cũng dễ mở, chỉ lòng người thực thi pháp luật, nếu tắt thì bế tắc. Cũng vì vậy, lời hứa cụ thể của người đứng đầu các bộ, sở, ban ngành trên các diễn đàn dân cử công khai không chỉ thể hiện tinh thần thái độ cần có của họ với công việc mà còn là chiếc neo người dân nương vào đó để theo dõi, giám sát.
Quý thay những lời hứa, nhưng cũng buồn thay vì những lời hứa!
Còn nhớ, người làm thầy, làm cô đã hy vọng thế nào khi cuối năm 2006, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo hứa “Năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương”. Không chỉ giáo viên, từ năm 2008, cán bộ công chức cả nước đã khấp khởi chờ đợi, khi thứ trưởng bộ Nội vụ Thang Văn Phúc hứa “Năm 2012 lương sẽ đảm bảo cho công chức có tích luỹ”. Rồi tân bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhậm chức, lời hứa của ông vào thời điểm năm 2011 có một độ lùi về “chất” so với thời tiền nhiệm, rằng: “Năm 2012 công chức sẽ “sống được” bằng lương tối thiểu”. Tích luỹ đâu không thấy, theo một khảo sát của chính bộ Nội vụ trong năm 2011 này, 98% cán bộ công chức không sống được bằng lương. Giờ thì đã sang năm 2012.
Tân bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhận bàn giao thì nói mình không hứa gì. Không biết có phải bà rút kinh nghiệm từ những rắc rối của người tiền nhiệm? Khi báo chí nói ông Nguyễn Quốc Triệu hứa và không thực hiện được lời hứa về thời điểm chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, ông phủi tay “Chấm dứt nằm ghép? Chuyện tầm phào! Tôi không hứa!”, rồi “nhẹ nhõm”, như “anh nông dân cày xong thửa ruộng” khi bàn giao di sản quá tải bệnh viện. Vấn đề là dù không hứa thì người đứng đầu cũng không thể thoái thác trách nhiệm đối với nhiệm vụ. Có vẻ như có gì chưa thuận lắm, khi bà Kim Tiến lúc cho rằng: “Quá tải bệnh viện thuộc trách nhiệm bộ”, lúc thì “Quá tải bệnh viện không chỉ trách nhiệm của ngành y tế”. Dù “không chỉ” thì cũng là có, như một phần tất yếu gắn liền với công việc. Nếu không, sự gọi là trần tình “Mới phải nằm hành lang, chưa nằm... gầm giường” của một phó giám đốc sở Y tế Hà Nội nghe như ngoài cuộc, vô cảm lắm.
Cho tới nay, không mấy người đứng đầu dám hứa những điều gì cụ thể. Một nghị quyết của Quốc hội về chuyện giám sát những lời hứa hiếm hoi ấy cũng chưa có. Những chế định đã có về việc bày tỏ thái độ tín nhiệm hay bất tín nhiệm thì chưa được vận hành hoặc chưa vận hành được. Con đường tìm kiếm trách nhiệm chính trị đối với họ, xem ra còn chông gai. Như một tiền lệ xấu, đến hẹn lại lên, lại những câu hỏi về lời hứa và quả bóng trách nhiệm, về người đứng đầu đang ở đâu.
Lời hứa về trách nhiệm, trách nhiệm với lời hứa hay đơn giản một cách… kỷ luật hành chính là trách nhiệm chịu trách nhiệm, gì thì gì, nếu không vận hành sẽ không thể củng cố niềm tin. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng tình trạng hiện nay đã là “nhà dột từ nóc”. Cái nóc – người đứng đầu – đừng để cơn lốc thiếu vắng trách nhiệm cuốn phăng.
                                                       Nguồn: SGTT.VN - NGUYÊN LÊ

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

Sự thiếu thống nhất đôi khi lại có ưu điểm

Tác giả: ĐÌNH NGÂN DỊCH TỪ FOREIGN AFFAIRS
Nguồn: Tuần Vietnamnet, ngày 29/12/2011
Ngày nay, các công ty tư nhân song hành tồn tại với các doanh nghiệp nhà nước và các kế hoạch năm năm tồn tại đồng thời với kiểu tự do cho tất cả của chủ nghĩa Tư bản. Theo phong cách tương tự, Trung Quốc đang cho phép thị trường vốn NDT tự do phát triển tại Hồng Kông bên cạnh thị trường vốn hạn chế, ít cải tổ ở đại lục. Sự kết hợp chính sách này có thể không thống nhất, nhưng cuối cùng nó lại hóa ra thành công.
>> Kỳ 1: Chủ nợ của thế giới và các nhóm lợi ích trong cải cách
Cỗ xe và con ngựa
Một hậu quả của những mâu thuẫn nội bộ này là trình tự cải cách chẳng giống ai. Như nhà kinh tế học Takatoshi giải thích, cách tốt nhất để mở cửa một hệ thống tài chính bị kiềm chế, tự lực là bắt đầu với cải cách tài chính trong nước. Trước khi một khối lượng vốn nước ngoài lớn được phép đưa vào hoặc ra khỏi hệ thống của một nước, các ngân hàng cần được vốn hóa tốt và quản lý một cách hiệu quả. Thị trường trái phiếu phải sâu và thanh khoản tốt, để có thể hấp thụ tiền nước ngoài mà không gây ra những chấn động giá cả mạnh.
Chính quyền phải mời chào đa dạng nhà đầu tư, với thời hạn đầu tư, đối tượng đầu tư và thế giới quan khác nhau - một kiểu đa dạng hóa làm giảm hành vi bầy đàn gây bất lợi. Chỉ khi hệ thống tài chính trong nước được củng cố theo hướng này, việc mở cửa nền kinh tế cho dòng vốn nước ngoài vào, để tỷ giá thả nổi, và cho phép nội tệ của một nước lưu thông ở bên ngoài, mới đảm bảo an toàn. Quốc tế hóa đồng tiền nên là điểm cuối cùng của quá trình cải cách, chứ không phải là điểm khởi đầu.
Nhưng Trung Quốc đang không đi theo theo trình tự này. Quan điểm chính trị chủ đạo ở Trung Quốc vẫn phản đối cải cách nhanh chóng tài chính trong nước và linh hoạt hóa tỷ giá, vì thế các nhà cải cách đã đặt ra vấn đề quốc tế hóa tiền tệ trước khi các điều kiện tiêu chuẩn cần thiết được đáp ứng.Từ sau bài diễn văn năm 2008 của Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã ký các hiệp định trao đổi tiền tệ ngân hàng trung ương mang nhiều ý nghĩa tượng trưng với 13 quốc gia, trong đó bao gồm Argentina, Belarus, Indonesia, Malaysia, và Hàn Quốc.
Tháng 9/2011, ngân hàng trung ương Nigeria tuyên bố sẽ chuyển đổi từ 5-10% lượng dự trữ ngoại tệ sang đồng NDT. Nhưng cuộc cải cách quan trọng nhất bắt đầu vào tháng 4/2009, khi chính phủ Trung Quốc cho phép năm khu vực thí điểm - Đông Quan, Quảng Châu, Thượng Hải, Thâm Quyến, Chu Hải - bắt đầu tiến hành giao dịch với Hồng Kông bằng NDT trên cơ sở thử nghiệm. Tháng 6/2010, chương trình thí điểm mở rộng ra 20 tỉnh thành và khu vực tự trị và đến năm ngoái được mở rộng ra toàn quốc. Kết quả bùng nổ giao dịch bằng đồng NDT được một số người đánh giá là thành công. Nhưng như Peter Garber của ngân hàng Deutsche giải thích, tăng trưởng của Trung Quốc đang thể hiện rõ sự thiếu cân bằng, và sẽ dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng ngoài mong muốn.
Do người nước ngoài kỳ vọng đồng tiền của Trung Quốc sẽ tăng giá so với đồng USD, họ háo hức mua bất cứ đồng NDT nào đến được Hồng Kông, nơi tiền tệ này được gọi là CNH, để phân biệt với tiền đại lục đôi khi vẫn được gọi là CNY. Kết quả là, CNH có xu hướng tăng giá so với đồng USD, mở ra khoảng chênh lệch giữa tỷ giá NDT/USD tại đại lục (do chính phủ Trung Quốc quản lý), và tỷ giá CNH/USD ở Hồng Kông (không do chính phủ Trung Quốc quản lý). Sự chên lệch này khuyến khích các nhà nhập khẩu Trung Quốc thanh toán với các nhà cung cấp nước ngoài bằng đồng CNH hơn là bằng đồng USD mua từ ngân hàng trung ương tại mức tỷ giá chính thức thấp hơn.
Khi các nhà nhập khẩu Trung Quốc tận dụng tỷ giá có lợi tại Hồng Kông, họ chuyển tiền từ đại lục vào các tài khoản CNH tại Hồng Kông và sau đó sử dụng số tiền CNH đó để mua hàng hóa từ các nhà xuất khẩu nước ngoài. Người nước ngoài sau đó hoặc giữ đồng CNH với kỳ vọng nó sẽ tăng giá, hoặc, nếu họ không quan tâm đầu cơ tiền tệ, sẽ bán CNH cho người nước ngoài khác muốn đặt cược vào đây. Cứ như thế, đồng tiền của Trung Quốc tích lũy ngày một nhiều tại Hồng Kông. Một số nhà phân tích thị trường dự báo, sau khi đã tăng 10 lần kể từ sau bài diễn văn năm 2008 của Hồ Cẩm Đào, đến cuối năm 2012, tiền gửi bằng đồng NDT tại Hồng Kông sẽ tăng gấp bốn lần so với mức hiện nay, lên tương đương khoảng 340 tỷ USD.
Đây không phải là điều các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc toan tính. Về mặt kĩ thuật, việc giải phóng các quy định thanh toán thương mại bằng NDT sẽ ảnh hưởng đến cả các xuất khẩu cũng như nhập khẩu Trung Quốc. Nếu nhà xuất khẩu cố gắng khai thác sự tự do mới này, số CNH tăng lên tại Hồng Kông sẽ tiêu hao đi nhanh chẳng kém lúc tích lũy. Nhưng động lực với các nhà xuất khẩu thì trái ngược với các nhà nhập khẩu. Thay vì đi từ Hồng Kông, các nhà xuất khẩu muốn nhận thanh toán bằng đồng USD hơn và sau đó bán USD cho ngân hàng trung ương tại mức tỷ giá quản lý, điều này mang đến giá trị giả tạo cho đồng USD.
Kết quả cuối cùng đã được chứng minh trong kinh điển. Trước khi thị trường CNH Hồng Kông mở cửa, các nhà nhập khẩu Trung Quốc thường mua ngoại tệ từ ngân hàng trung ương Trung Quốc, làm vơi dần kho dự trữ tài sản USD của ngân hàng. Hiện nay, các nhà nhập khẩu có thể mua ngoại tệ gián tiếp từ các nhà đầu cơ nước ngoài ở Hồng Kông, khiến số USD cứ đầy thêm trong bảng cân đối của ngân hàng trung ương. Nói cách khác, khả năng thanh toán cho người nước ngoài bằng đồng CNH của các nhà nhập khẩu Trung Quốc có tác động xóa bỏ một nguồn mua USD lớn từ thị trường tiền tệ thế giới. Giả sử ngân hàng trung ương Trung Quốc muốn duy trì tỷ giá NDT/USD hiện tại, nó phải bù đắp ảnh hưởng này bằng cách tăng lượng USD nắm giữ. Nỗ lực quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc, bắt nguồn một phần từ tham vọng hạn chế rủi ro tổn thất của chính phủ đối với đồng USD, thực tế đã mang lại ảnh hưởng trái ngược, gây tăng lượng dự trữ USD vốn đã khổng lồ của ngân hàng trung ương.
Chưa hết trớ trêu, chính sách này còn đang chứng tỏ ngày càng tốn kém. Giả sử Trung Quốc một ngày nào đó sẽ ngừng duy trì giá trị thấp của đồng nội tệ, ngân hàng trung ương Trung Quốc cuối cùng sẽ phải chịu một tổn thất danh mục đầu tư khi đồng USD giảm về mức tỷ giá tự nhiên so với đồng NDT. Ngân hàng này càng tích lũy nhiều đồng USD, tổn thất cuối cùng sẽ càng lớn. Hơn nữa, khi ngân hàng trung ương mua thêm USD, họ sẽ phải thanh toán bằng NDT. Để tránh lạm phát, việc mở rộng tiền tệ trên phải được bảo đảm bằng phát hành trái phiếu hay chấp nhận khoản dự trữ ngân hàng bắt buộc mà chính phủ chịu thanh toán lãi suất bằng, làm tăng chi phí đối với chính phủ Trung Quốc.
Thách thức từ quá trình bảo đảm này càng lớn hơn khi tiền trong các tài khoản bằng CNH tại các ngân hàng được sử dụng để mua trái phiếu CNH và sau đó nhà phát hành những trái phiếu này đưa số vốn đó trở về đại lục. Chừng nào thị trường Hồng Kông còn tương đối nhỏ, Trung Quốc còn có thể hấp thụ hết các chi phí này một cách dễ dàng. Nhưng nếu chính quyền nghiêm túc với việc quốc tế hóa đồng NDT theo một cách bền vững, cái giá phải trả sẽ nhanh chóng tăng lên và những hậu quả ngoài mong đợi sẽ có thể trở nên khó kiểm soát hơn, đặc biệt khi thiếu các cải cách trong nước.
Rủi ro hay phần thưởng?
Căng thẳng trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc xuất hiện nổi bật trong rất nhiều các tuyên bố chính thức nhằm giải thích cho chính sách đó. Một số nhà lãnh đạo công khai khẳng định ưu tiên đa dạng hóa và tách khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD nhưng cần cẩn trọng và không đòi hỏi vị trí số một cho đồng NDT, thậm chí trong vài thập niên tới. Thay vào đó, họ dự đoán một quá trình thay đổi kéo dài và phức tạp trong hệ thống tiền tệ quốc tế, với nhu cầu tăng lên của đồng NDT sẽ chỉ giới hạn trong các thị trường Đông Á. Các nhà hoạch định chính sách khác của Bắc Kinh ủng hộ đưa NDT vào các đồng tiền SDR và tin rằng SDR nên loại bỏ hoàn toàn vị trí tài sản dự trữ chính trên thế giới của đồng USD.
Nhưng ngay cả khi họ thúc đẩy triển vọng về một trật tự tiền tệ thay đổi hoàn toàn, các quan chức này cũng tránh thừa nhận chính sách quốc tế hóa đồng nội tệ, thay vào đó nói về một chương trình thương mại và xúc tiến đầu tư hạn chế hơn. Họ nói rằng chính sách của họ là một sự phản ứng trước nhu cầu thị trường; bằng cách cho phép đồng NDT được sử dụng trong các giao dịch thương mại, những quan chức này xác nhận, Trung Quốc chỉ đơn thần đang đáp ứng các yêu cầu từ nhà nhập khẩu và xuất khẩu. Trung Quốc đã hoàn thành hiệp định trao đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương nước ngoài chỉ vì người nước ngoài yêu cầu họ như vậy - mặc dù thực tế người nước ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ trong các giao dịch trao đổi đồng NDT mà Bắc Kinh cung cấp.
Tuy nhiên, mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc cố gắng hợp lý hóa một chính sách mâu thuẫn, sẽ không đúng khi kết luận quốc tế hóa NDT là điều ắt phải đến. Trung Quốc đã quản lý tốt những mâu thuẫn như thế trước đây, thường theo đuổi cải cách không thông qua giải quyết tình trạng mâu thuẫn, mà bằng cách cho phép một lựa chọn khác phát triển quanh nó.
Đơn cử, những năm 1980, trong giai đoạn chuyển đổi đầu tiên từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, nông dân vẫn bị yêu cầu phải đáp ứng hạn ngạch từ thời Mao Trạch Đông và được trả bằng các mức giá do các nhà hoạch định trung ương quy định, nhưng nông dân cũng được phép bán bất cứ thứ gì họ sản xuất vượt quá định mức trên thị trường tự do mới này. Ngày nay, các công ty tư nhân song hành tồn tại với các doanh nghiệp nhà nước và các kế hoạch năm năm tồn tại đồng thời với kiểu tự do cho tất cả của chủ nghĩa Tư bản. Theo phong cách tương tự, Trung Quốc đang cho phép thị trường vốn NDT tự do phát triển tại Hồng Kông bên cạnh thị trường vốn hạn chế, ít cải tổ ở đại lục. Sự kết hợp chính sách này có thể không thống nhất, nhưng cuối cùng nó lại hóa ra thành công.
Thực tế, sự thiếu thống nhất đôi khi lại có ưu điểm. Nó cho phép Trung Quốc thử nghiệm thay đổi trong khi vẫn có trong tay lựa chọn rút lại nếu hiệu ứng phụ vượt quá khả năng chịu đựng. Nó có thể cho phép các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy phát triển thị trường Hồng Kông, qua đó các thể chế cần thiết cho việc đảm bảo thị trường tiền tệ hoạt động có thể dần hình thành ở đây.
Nếu các công ty Trung Quốc và nước ngoài sử dùng nhiều trái phiếu CNH hơn trong ngắn hạn và dài hạn, đường cong lợi tức do thị trường quyết định sẽ xuất hiện, các nhà kinh doanh Trung Quốc sẽ học được nghệ thuật kinh doanh chênh lệch lãi suất, và các công ty Trung Quốc sử dụng thị trường này sẽ học được cách quản lý tài chính. Hệ thống này có thể được điều chỉnh và thử nghiệm trước khi đưa vào đại lục, và thế nữa, nó có thể tạo ra những tín hiệu giá cả hữu ích cho chính phủ Trung Quốc. Nếu CNH tăng giá đột ngột so với đồng USD, điều này sẽ cảnh báo chính phủ về áp lực gia tăng xuất phát từ hoạt động đầu cơ. Lãi suất trong ngắn hạn tăng tương đối so với lãi suất dài hạn, điều này có thể báo hiệu các nhà đầu tư đã trở nên bi quan về triển vọng kinh tế. Theo thời gian, thị trường đại lục và trên đảo có thể đồng nhất khi quản lý vốn được nới lỏng.
Đương nhiên, có một rủi ro lớn mà cách tiếp cận từng bước - và hệ quả sức ép giữa thị trường tự do trên đảo và thị trường kiểm soát trên đại lục - có thể gây khó quản lý cho chính phủ. Giá đồng USD chính phủ mua để bù lại số NDT của người nước ngoài ở Hồng Kông nắm giữ tăng cao có thể khuyến khích các nhà đầu cơ nước ngoài đặt cược vào khả năng ngân hàng trung ương sẽ tìm cách hạ thấp chi phí đó bằng cách cho phép đồng NDT lên giá nhanh hơn; kết quả thậm chí dẫn đến hoạt động mua bán đầu cơ đồng CNH mạnh mẽ hơn, làm xuất hiện một vòng tròn luẩn quẩn.
Tương tự, rò rỉ vốn từ Hồng Kông vào đại lục có thể thổi bùng lạm phát; như nhà kinh tế học Robert McCauley đã giải thích, số phận này từng xảy đến tại Mỹ khi nước này kiên định kiểm soát vốn để chống lại sự mở rộng thị trường USD bên ngoài trong những năm 1970. Nhưng cũng có thể, lợi ích từ phương thức thử nghiệm của Trung Quốc có thể bù đắp các chi phí và mâu thuẫn hiển nhiên đó. Trung Quốc đã đạt được thành tích kinh tế tuyệt vời trong khi bỏ qua nhiều kinh nghiệm phát triển thuộc lòng của phương Tây. Nhưng ngay cả khi chính sách từ từ của Trung Quốc trong quan hệ tới tiền tệ tiếp tục được duy trì, đồng NDT sẽ không thể thay thế đồng USD trong thời gian sớm. USD đã được hưởng lợi thế mà đồng tiền trước đó, đồng bảng Anh, không có:  thị trường vốn cực sâu ở cả trong và ngoài nước Mỹ, hoạt động chủ yếu bằng đồng USD.
Mục đích hàng đầu của một tiền tệ dự trữ trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay vượt xa hơn các mục đích truyền thống. Ngân hàng trung ương nắm giữ "quỹ" ngoại hối không chỉ để đảm bảo khả năng nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu và thanh toán nợ; mà còn như một sự bảo hiểm chống lại cuộc khủng hoảng nguy hiểm mà tài chính hiện đại dễ mắc phải. Khi thị trường vốn mở rộng ra toàn cầu, các ngân hàng trên toàn thế giới đã vay mượn trên thị trường USD hiệu quả. Kết quả, khi thị trường đột ngột cạn vốn, người vay chỉ còn biết khóc rức vì USD. Chừng nào vốn bằng đồng USD còn hấp dẫn với các công ty tư nhân, các ngân hàng trung ương còn nắm giữ một lượng lớn dự trữ của mình bằng đồng USD. Ngay cả khi đồng USD mất giá liên tục, các ngân hàng trung ương có thể sẽ sẵn sàng chấp nhận chi phí đó, coi như một khoản phí bảo hiểm.
Xét về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và khả năng tăng giá đồng NDT trong tương lai, NDT có thể cuối cùng sẽ trở thành đồng tiền dự trữ thứ cấp. Nếu thị trường trái phiếu NDT đáng tin cậy phát triển, đầu tiên ở Hồng Kông và sau đó ở đại lục, người nước ngoài sẽ ngày càng đưa tài sản bằng NDT vào danh mục đầu tư của mình, cùng với đồng bảng Anh, euro, franc Thụy Sĩ, và yen Nhật. Các quốc gia châu Á, với các liên kết kinh tế sâu sắc với Trung Quốc, sẽ đặc biệt có khả năng làm như vậy; NDT vốn đã là đồng tiền neo giá không chính thức đối với một số đồng tiền của các nước này. Nhưng NDT còn lâu mới có thể thay thế đồng USD. Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp Mỹ về quy mô tổng thể nền kinh tế, và có thể về nhiều khía cạnh khác nữa. Nhưng đồng tiền của Trung Quốc sẽ không thể chiếm vị trí thống trị. Hoặc nếu điều đó có xảy đến, cũng phải rất lâu nữa.