Tìm kiếm

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Bệnh tùy tiện


Nguồn Báo Hà Nội mới, ngày 19/12/2011.
(HNM) - Tháng vừa rồi không biết thế nào mà rộ lên chuyện cháy. Cháy cao ốc, cháy xe giữa đường, cháy bình gas, mà nào phải chỉ cháy một điểm kinh doanh gas hay một chiếc xe cho cam.
Lắng nghe từ hướng khác cũng thấy có chuyện không vui. Giá vàng nhảy múa như điên giờ ra chiều đủng đỉnh hạ, dù giá vàng thế giới rớt mạnh. Tết đã ở trước mặt, đâu đó phía Nam vội rục rịch tăng giá vé vận chuyển hành khách, như thể đến hẹn là... phải tăng. Ra chợ về, các bà các mẹ bắt đầu phàn nàn "giá thực phẩm lên rồi". Cơ sự này, cái sự tùy tiện, thích tăng giá là tăng ắt hẳn gây khó cho chủ trương bình ổn giá của Nhà nước.
Nhìn sang lĩnh vực văn hóa, chưa kịp vui vì nghe đâu một vài phim "bom tấn" của nền điện ảnh thế giới ra mắt khán giả Việt Nam sớm hơn mấy ngày so với nhiều nước giàu có hơn mình, đã nghe người từ trong thành phố Tuy Hòa nói Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 đang đà sôi nổi, đông người xem lắm, chỉ có điều một số thầy, cô giáo thế nào lại dẫn trẻ đi xem "phim hơn tuổi". Con trẻ đỏ mặt trước cảnh "nóng", đứa yếu bóng vía rú lên vì sợ trong lúc nhà tổ chức có thể xoa tay vì "thành tích" lấp đầy rạp chiếu. 
Ngoài Hà Nội, ngóng mỏi cổ chưa thấy "kết luận cuối cùng" của cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật cấp cao nhất về văn bản giải trình của Cục Nghệ thuật biểu diễn vì đã cấp phép cho liveshow Chế Linh dù trước đó Sở VH,TT&DL Hà Nội đã từ chối tiếp nhận giấy phép tổ chức biểu diễn liveshow này. Nói "ngóng mỏi cổ" là vì người phát ngôn của Bộ VH,TT&DL từng cam đoan sẽ có nhời trước công luận về việc này. Vậy mà bao ngày đã trôi qua, người quan tâm chưa hết tò mò xem giữa hai cách hành xử trái ngược nhau đối với cùng một vụ việc của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH,TT&DL TP Hồ Chí Minh (nơi quyết liệt từ chối tiếp nhận liveshow Chế Linh và giám sát đến cùng để không cho biểu diễn), quyết định nào là đúng, phía nào là sai. Đến giờ, sự im ắng cũng cho thấy cái sự tùy tiện như cách ra quyết định của cơ quan chức năng...
Tai nạn, hỏa hoạn cũng có khi vì nguyên nhân khách quan, nhưng những điều đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua chủ yếu là do sự bất cẩn của người mình cả. Chuyện của ngành văn hóa, ngẫm ra cũng là do người chủ trì từng việc không nhất quán, không kiên quyết với định chế đã được ban hành, mỗi nơi "vận dụng" một kiểu nên mới ra sự tréo ngoe đến thế. Nhiều chuyện dở đã xảy ra, đằng sau đó ta vẫn thấy, vẫn được nghe kết luận nguyên nhân, thể nào cũng có ý tứ về sự chủ quan, coi thường nội quy, nguyên tắc, coi thường luật pháp. Luật Phòng cháy, chữa cháy có rồi, sao ban quản lý chung cư vì doanh thu vẫn cho ô tô đỗ dàn hàng trên đường nội bộ, xảy ra cháy, lấy đâu đường cho xe cứu hỏa vào? Luật về giao thông cũng đã có rồi, sao ra đường vẫn có nhiều người lấn đường, lấn tuyến, vượt ẩu để xảy ra thảm cảnh? Tại sao quanh ta vẫn còn quá nhiều câu hỏi lớn, như thể tại sao "quản lý rừng đặc dụng mỗi nơi một kiểu", tại sao "giám sát ô nhiễm nước thải, mỗi nơi mỗi cách"; rồi là sự khác về cách thức vận hành trong triển khai chủ trương cải cách hành chính ở một số địa phương, là cách thu phí đầu năm loạn xạ giữa các trường...
Lề lối ứng xử do con người định ra, theo một tiến trình từ đơn giản đến hoàn thiện, bao quát đời sống và hành vi. Xã hội Việt Nam từ lâu đã vận hành theo luật, nên chuyện nhỏ, chuyện to hầu như là hậu quả từ cách hành xử tùy tiện, vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, quy tắc. Tự thấy đã đến lúc không thể chỉ đổ cho mặt hạn chế của nền văn minh lúa nước được nữa. 
Vẫn thấy truyền thông viện dẫn "trình độ dân trí" khi tìm nguyên nhân của một việc nào đó, thành công hay thất bại, đặc biệt là khi nói về lối sống, nếp sống. Hiểu theo nghĩa rộng, dân trí là sự hiểu biết về mọi mặt tự nhiên, xã hội của người dân, dân trí cao thì xã hội được hưởng lợi, phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, giảm thiểu những hệ lụy do kém hiểu biết. Dân trí thấp dẫn đến sự tụt hậu. Ở Việt Nam, chưa thấy có nghiên cứu cơ bản về vấn đề dân trí ở tầm tổng quát, mới chỉ thấy những chỉ báo được đưa ra khá rời rạc mà khi liên kết lại, ta rất khó nhận chân vấn đề. Tuy thế, trong một xã hội hiện đại, yếu tố quan trọng bậc nhất để xác định dân trí cao hay thấp là ý thức tuân thủ, sống và làm việc theo luật pháp. J.Sieyès, chính khách Pháp cuối thế kỷ XVIII, định nghĩa rằng, "quốc gia là một tập thể người liên kết sống theo cùng một luật pháp và đạt được đại diện bởi cùng một cơ quan lập pháp". Như thế, những cá nhân rời rạc, không có mối liên kết chung và không tôn trọng mối liên kết ấy, tập hợp lại không thể tạo ra một quốc gia mạnh được. Xét trên tiêu chí này, dựa vào những hiện tượng chưa đầy đủ đã dẫn trên, dù dễ dàng nhận ra trình độ dân trí đã được nâng lên đáng kể trong thời gian qua thì có lẽ nhiều người trong số chúng ta vẫn cần phải khiêm tốn tự nhìn lại mình một cách nghiêm túc. 
Gần đây thấy nói nhiều hơn về "quan trí", tức trình độ hiểu biết mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước và những người quản lý hệ thống đó. Theo nguyên tắc của chế độ ta, cán bộ là công bộc của dân. Vì vậy nói về trình độ hiểu biết của cán bộ mà gọi là "quan trí" chưa hẳn đã đúng hoàn toàn, nhưng cứ tạm gọi như vậy. Dù nội hàm của hai khái niệm dân trí và "quan trí" là đồng nhất, nhưng với vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ, ở vị thế góp phần trực tiếp tạo ra các giá trị xã hội, mức độ ảnh hưởng từ "quan trí" thường là lớn hơn. Trong thực tế, ta vẫn nghe chuyện lĩnh vực này, địa phương kia có sự bất cập, ấy là do trình độ tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ ở đó chưa xứng với nhiệm vụ được giao, hoặc giả là đầy đủ trình độ nhưng cố ý làm sai chủ trương, định hướng, vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Không thiếu cán bộ, viên chức do hiểu biết hạn chế nên hiến kế sai. Nhưng cũng không hiếm cán bộ công quyền lạm dụng chức vụ, quyền hạn để mưu lợi riêng, làm thiệt hại cho xã hội. "Quan trí" thấp ở một bộ phận cán bộ dẫn đến hệ lụy khó lường, sự tùy tiện của cán bộ có thể gây ảnh hưởng xấu ở tầm rộng hơn dân thường, thậm chí kéo theo diễn biến phức tạp khác. Kẻ lừa đảo giỏi cũng chỉ được trăm tỷ đồng, có thể làm khổ vài chục gia đình. Nhưng cán bộ có chức, có quyền cấu kết lại có thể tham ô, làm thất thoát hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng, làm thất bại cả những dự án lớn và khiến hàng nghìn người điêu đứng. Một đại biểu Quốc hội giỏi, có trách nhiệm, thấm thía nguyện vọng của cử tri thì từng ý nói ra ở nghị trường đều có lợi cho cộng đồng, cho đất nước; ngược lại, người kém hiểu biết, không nắm vững vấn đề, "nổ" tùy tiện thì mọi sự tham mưu không có giá trị, thậm chí gây hại. Sự tùy tiện vượt khuôn khổ của cá nhân không thể là lối ứng xử văn minh. Nếu những quy định về an toàn cháy nổ được chấp hành nghiêm thì đâu có chuyện cả nhà lâm nạn vì nổ bình gas. Sự tùy hứng, không thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không hoàn thành trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của cán bộ chức năng khiến cho dân cư ở nhiều cao ốc lo ngay ngáy, khiến tiểu thương, các doanh nghiệp thích tăng giá là tăng... 
Dân trí cao, "quan trí" cao là mong ước, là mục tiêu của bất cứ quốc gia nào. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Công tác ấy đòi hỏi một quy trình đầy đủ, bao gồm nhiều giải pháp hỗ trợ nhau suốt quá trình đào tạo - bồi dưỡng - sử dụng. Trong quy trình ấy cần nhất là thưởng - phạt phân minh, định rõ ngay - gian, có phép trị căn bệnh tùy tiện và thói khinh nhờn kỷ cương trong cơ quan công sở cũng như ngoài xã hội.
Huy Anh

"Quan" ở Sóc Trăng đánh cờ tướng mỗi ván 5 tỉ đồng


Nguồn: Báo Người Lao động, Chủ Nhật, 25/12/2011
(NLĐO)- Sáng ngày 24-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng tống đạt lệnh tạm giữ hình sự đối với ông Trần Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe hạng 3 tỉnh Sóc Trăng để điều tra về hành vi đánh bạc. “Bạn cờ” của ông Tân là ông Nguyễn Thanh Lèo, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sóc Trăng cũng bị tạm giữ hình sự cùng hành vi trên.
Cơ ngơi của ông Lèo được cho là xây dựng trên phần đất chiếm đoạt của dân
 Trước đó 2 ngày, ông Lèo đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng cầu cứu. Theo lời trình bày của ông Lèo thì ông đã bị ông Tân thuê “xã hội đen” đến nhà xiết nợ và dọa giết cả nhà  do trước đó ông thua độ đánh cờ tướng với ông Tân số tiền lên tới 22 tỉ đồng.
 Ông Lèo khai nhận đã nhiều lần đánh cờ tướng ăn tiền với ông Tân, có nhiều ván ăn thua lên tới 5 tỉ đồng. Trong những lần sát phạt đó, ông Lèo luôn là người thua cuộc và chỉ mới một lần chung tiền cho ông Tân 5 tỉ đồng.
 Theo kế hoạch, chiều 22-12, ông Lèo hẹn ông Tân đến một câu lạc bộ bida trên đường Phú Lợi (TP Sóc Trăng) để đấu một trận cờ tướng, ăn thua 5 tỉ đồng. Ông Tân liền lái xe SH đến nơi để đấu cờ tướng ăn tiền với ông Lèo. Khi hai người đang căng mắt “đấu” nhau thì công an xuất hiện, khám xét rồi đưa về trụ sở cơ quan điều tra.
Ông Tân sở hữu nhiều hàng quán lớn ở Sóc Trăng
 Theo nhiều người dân ở TP Sóc Trăng thì  ông Tân vốn là một đại gia có tiếng, luôn đi ôtô xịn có giá nhiều tỉ đồng. Ông còn sở hữu hàng loạt quán cà phê, quán ăn, karaoke lớn ở TP Sóc Trăng. Còn ông Lèo cũng sở hữu nhiều nhà đất và biệt thự sang trọng ở TP Sóc Trăng.
 Những năm gần đây, ông Lèo bị người dân thưa kiện vì chiếm đất của dân xây biệt thự ở nhưng không trả, mặc dù đã có quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Sóc Trăng buộc ông Lèo phải trả lại đất cho dân.
                                                        Tin-ảnh: Duy Nhân

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

Trọng dụng nhân tài cho phát triển đất nước


Nguồn: Tuần Việt Nam, Tác giả: VŨ QUỐC TUẤN 19/11/2011
Trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc ta, nhân tài thời nào cũng có. Mỗi thời đại đều có nhân tài của thời ấy, đáp ứng đúng yêu cầu của thời đại đó; và nếu như thời đại sinh nhân tài, thì đến phần mình, nhân tài thúc đẩy đất nước sang một thời đại mới. Khi nhân tài được trọng dụng, thì đất nước giữ được bờ cõi, xã hội hưng thịnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay, việc trọng dụng nhân tài lại càng có ý nghĩa quyết định.
Phát hiện nhân tài
Hiện nay, nhiệm vụ phát triển đất nước bền vững đang đòi hỏi phát huy hơn nữa tài năng, trí tuệ của toàn dân, trước hết là của đội ngũ nhân tài. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho nhân tài phát huy tài năng, cống hiến cho đất nước, dân tộc.
Như kinh nghiệm của các nền kinh tế thị trường, có ba lĩnh vực rất cần nhân tài, đó là những lĩnh vực có ý nghĩa quyết định sự phát triển của một đất nước. Đó là: (i) Lĩnh vực hoạch định chính sách; (ii) Lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ; (iii) Lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong ba nhóm nhân tài trên đây, nhóm nhân tài trong lĩnh vực hoạch định chính sách giữ vị trí quan trọng nhất. Đó là vì những người trong nhóm này có nhiệm vụ quyết định đường lối, quan điểm, chiến lược phát triển đất nước; quyết định thể chế, chính sách, pháp luật, v.v... tức là họ có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự thịnh hưng hoặc tụt hậu của đất nước. Nhóm người này nhất thiết phải là những nhân tài.
Do đó, khi chúng ta nói "phát hiện và trọng dụng nhân tài" là nói đến trách nhiệm của bộ phận lãnh đạo, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có chức năng quản lý nhà nước đối với nhân tài. Đó là trách nhiệm trước lịch sử, trách nhiệm đối với sự phát triển của dân tộc. Về phía các nhân tài, đất nước ta không thiếu, vì nhân tài nảy sinh trong lòng dân tộc, do sự phát triển tất yếu của xã hội trong mỗi thời đại.
Nhân tài thường có ý thức tự trọng, không màng danh lợi, họ không đợi cơ quan có trách nhiệm "phát hiện" họ; họ cũng không cần hạ mình để được "sử dụng" hoặc để được "tôn vinh". Người tài thường bộc trực, thẳng thắn, nói thẳng ý kiến của mình, có khi cứng rắn, không uốn éo phỉnh nịnh, lấy lòng cấp trên. Nhân tài rất tự hào khi được tin dùng, sẵn sàng cống hiến với người lãnh đạo có tâm, biết tôn trọng họ; lại rất khổ tâm khi phải đặt dưới quyền của người kém tài kém đức. Họ không thích những gì phù phiếm, hình thức, không thực chất. Khi không được sử dụng, họ sẵn sàng ra đi vì có nhiều cơ hội tìm những việc phù hợp, nơi môi trường thuận lợi, họ có thể cống hiến.
Trong thời đại ngày nay, "đất dụng võ" của nhân tài đang rất thênh thang, nhân tài có thể phát huy tài năng trong nhiều lĩnh vực, nhiều địa bàn, không chỉ trong khu vực nhà nước, mà còn là khu vực tư nhân đang ngày càng phát triển và có nhiều triển vọng. Hiện tượng nhân tài rời cơ quan nhà nước là rất đáng quan ngại, vì có thể dẫn đến tình trạng bộ máy nhà nước yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng của các thể chế, chính sách.
Trách nhiệm phát hiện nhân tài trước hết là ở các vị lãnh đạo. Thực tế cho thấy việc này không thể chỉ dựa vào một số cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ, mà người phụ trách cơ quan, đơn vị phải đích thân thực hiện. Muốn phát hiện đúng nhân tài, người đứng đầu cơ quan, đơn vị (i) phải có tầm nhìn, có "con mắt tinh đời", biết ý kiến nào là đúng đắn, người nào đích thị là nhân tài; phải khuyến khích những ý kiến mới mẻ, có tính đột phá; (ii) cũng phải có cái Tâm vì dân, vì nước, vượt lên chính mình mới có thể khắc phục tư duy hẹp hòi, bè phái, địa phương, hoặc sợ mất ghế; (iii) người lãnh đạo phải là người tự nhận được rằng kiến thức của mình có hạn, cần luôn luôn lắng nghe, chịu học hỏi, vì sự nghiệp chung; đây chính là phẩm chất, đức độ của người lãnh đạo, bởi vì "người có tài mới phát hiện được nhân tài"; (iv) phải biết dựa vào dân, qua sự giám sát, đánh giá của dân mà phát hiện nhân tài.
Trọng dụng nhân tài
Để phát huy nhân tài vào công cuộc phát triển đất nước, nhất thiết phải trọng dụng nhân tài, coi lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất, nghiêm trọng hơn lãng phí tiền bạc, là có tội đối với đất nước. Từ thực tế, xin đề xuất một số giải pháp về việc trọng dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước như sau.
- Trước hết là về nhận thức. Cần có nhận thức sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò của tri thức trong công cuộc phát triển đất nước khi hội nhập ngày càng sâu, khi cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Trong thời đại mới này, phát triển nhất thiết phải dựa trên trí tuệ, dựa vào tri thức, và như vậy, phải dựa vào nhân tài. Điều quan trọng là cái Tâm của người lãnh đạo, lấy sự phát triển của đất nước làm trọng, giữ vững tinh thần đổi mới, khắc phục triệt để những tư duy giáo điều, cũ kỹ. Chỉ có chuyển biến thực sự về nhận thức, mới biết quý nhân tài, phát hiện được nhân tài, mới có thể có những đột phá về chính sách trọng dụng, tôn vinh nhân tài.
- Cần có niềm tin ở đội ngũ nhân tài nước ta. Họ là những người yêu nước, tâm huyết, tha thiết với sự nghiệp phát triển đất nước, những người có tài năng, trình độ đóng góp vào những vấn đề then chốt của quốc kế, dân sinh... Không nên có tư tưởng bè phái, phe nhóm, nghi kỵ họ, càng không nên quy chụp tràn lan. Với các nhân tài trong đồng bào định cư ở nước ngoài, cũng cần có thái độ cởi mở, tin tưởng, tinh thần hòa hợp dân tộc, biết khai thác thế mạnh của từng người, tránh thành kiến, hẹp hòi.
- Thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng và tôn vinh nhân tài. Không nên coi công tác tổ chức - cán bộ như một loại công tác bí mật, khép kín trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc khép kín trong một số người. Cách làm như vậy chắc chắn không thể thu hút được người tài. Phải đề ra những tiêu chí rõ ràng, thực hiện công khai các cuộc tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, kể cả có tranh cử, để đặt người vào đúng chỗ, nhất là để khắc phục tình trạng "mua quan, bán chức". Điều quan trọng là thu hút người dân, các tổ chức xã hội vào việc tuyển chọn, đánh giá hiệu quả công việc của nhân tài, nhất là của những người lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Việc tôn vinh nhân tài (qua các giải thưởng, danh hiệu) cũng cần được chấn chỉnh, sao cho đúng thực chất, tránh những hiện tượng tiêu cực, ban phát, xin-cho.
- Thể hiện trong thực tế tinh thần dân chủ, tự do tư tưởng. Quan trọng nhất là thái độ "lắng nghe" của người lãnh đạo, không "quy chụp"; đối với những vấn đề chưa nhất trí, thì cần thảo luận công khai, tranh luận thẳng thắn. Có như vậy, nhân tài mới "nói thật", phát biểu những gì mình suy nghĩ, hiến những kế sách luôn luôn đổi mới cho lãnh đạo. Đối với những vấn đề "nhạy cảm", càng cần phải phát huy tự do tư tưởng, khuyến khích thảo luận, tranh luận, không nên né tránh. Cơ quan nhà nước nên chủ động cung cấp thông tin cho giới trí thức, cho các nhân tài, giúp cho họ có những thông tin chính thống, tin cậy.
- Sử dụng nhiều hình thức để phát huy trí tuệ của nhân tài. Cần thực hiện rộng rãi việc cơ quan, đơn vị đặt hàng cho tổ chức hoặc cá nhân nhân tài về những chương trình, đề tài, dự án cần nghiên cứu, hoặc đề án cần có ý kiến phản biện. Cần phát huy tính tích cực của trí thức - nhân tài, động viên họ chủ động đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu và tổ chức nghiên cứu. Rất nên khuyến khích hình thành các tổ chức tư vấn độc lập - các "think tank", qua đó tập hợp, khuyến khích và phát huy trí tuệ của đội ngũ nhân tài vào sự nghiệp phát triển đất nước. Đức độ của người lãnh đạo tổ chức, đơn vị là một yếu tố quyết định việc thu hút, "thu phục" người tài; thái độ chân thành, cởi mở, đức "lắng nghe" của họ là sức cảm hóa rất tự nhiên đối với nhân tài.
- Phải có đột phá trong hệ thống cơ chế, chính sách sử dụng nhân tài trong bộ máy nhà nước. Các chính sách phải bảo đảm thu hút nhân tài, giữ chân họ trong bộ máy nhà nước, để họ tập trung sức lực và thời gian cho công việc được giao; trong đó, chính sách tài chính cần được sửa đổi trước hết, không thể duy trì chế độ tiền lương quá lạc hậu như hiện nay. Nên sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho việc khuyến khích, phát huy nhân tài, như Quy chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học, Luật về quyền thông tin, Luật về tư vấn, phản biện và giám sát xã hội, Luật về Hội.
Trên đây là một số ý kiến rất tóm tắt về những giải pháp quan trọng nhất cho sự trọng dụng, phát huy nhân tài vào công cuộc phát triển đất nước. Cần nâng cao hơn nữa tầm tư duy, đồng thời có đột phá về thể chế, chính sách; song điều quan trọng là người lãnh đạo, quản lý phải là người có tâm trong sáng, dám "vượt lên chính mình" để phát hiện và trọng dụng nhân tài.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

Tay, chân và...cái đầu


Tác giả: KỲ DUYÊN, Tuần Việt Nam
Cái gì là lịch sử khách quan, trả lại cho lịch sử khách quan. Đừng nâng cổ tích trầm trọng như chuyện lịch sử, phải "đánh giá lại", cũng đừng coi thường lịch sử, để viết lịch sử như ...cổ tích.
Tay chân và... miệng
Giữa bao chuyện bộn bề của người lớn, Phát ngôn Tuần Việt Nam tuần này xin chọn đề tài con trẻ. Một chuyện chữa bệnh thể chất, một chuyện "chữa" bệnh tâm hồn.
Khởi đầu là chuyện bệnh tay chân miệng. Căn bệnh đang hoành hành ở cả 63 tỉnh, t/p cả nước với gần 90.000 người mắc, gần 150 em bé dưới 5 tuổi đã tử vong ở 27 tỉnh, t/p, tính đến thời điểm này.
Mới đây (16/11/2011) ViệtNamNet có bài "Bệnh tay chân miệng và câu hỏi với Bộ Y tế"
Câu hỏi đó là vì sao bệnh TCM hoành hành dữ dội trên khắp nước, nhưng Bộ vẫn quyết định...làm thinh? Để ít ra, xã hội nhận thức rõ hơn về mức độ nguy hiểm cũng như dành sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch này của ngành.
Gõ Google, mới thấy TCM khá "thân" với con người. Thế giới đã từng công bố các đợt dịch (chỉ tính các dịch có số lượng lớn)
1997: 31 trẻ em đã chết trong một ổ dịch ở bang Sarawak ở Malaysia.
1998: Một ổ dịch ở Đài Loan, có 405 ca biến chứng nặng, và 78 em bé đã chết
2007: Ổ dịch lớn nhất của bệnh TCM tại Ấn Độ xảy ra  ở phía Đông của đất nước (Tây Bengal). Có 38 trường hợp mắc bệnh.
2008: Dịch bùng phát ở Trung Quốc, (tháng 3) tại Phụ Dương, An Huy, có 25.000 người mắc bệnh, và 42 người chết. Nhiều đợt dịch tương tự: Singapore (hơn 2.600 người-  tháng 4), Việt Nam (2.300 người, 11 người tử vong), Mông Cổ (1.600 người), và Brunei (1.053 người- tháng 6 đến tháng 8)
2009: 115.000 người ở Trung Quốc mắc bệnh (tháng 1 đến tháng 4), 773 người bị nặng và 50 người đã tử vong.
2010: Một ổ dịch xảy ra ở Khu tự trị tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hà Nam, Hà Bắc và Sơn Đông (Trung Quốc), 70.756 trẻ em  mắc bệnh và 40 người chết vì căn bệnh này.
Nếu so với số lượng người đã mắc, và tử vong vì bệnh TCM mà thế giới đã công bố, thì số trẻ mắc bệnh và tử vong vì bệnh TCM hiện nay ở Việt Nam không hề nhỏ. Thậm chí rất lớn.
Tìm hiểu nữa mới biết, TCM thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B. Do thẩm quyền Chủ tịch các UBND các địa phương công bố. Và chỉ khi có hai địa phương trở lên công bố có dịch, Bộ Y tế mới Bớ làng...bớ nước...
Ngày 4/11/2011, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước công bố có dịch TCM. Ngay lập tức, được báo chí gọi là hành động dũng cảm.
Thực ra, cũng phải khi không kiểm soát nổi, mức độ trẻ mắc bệnh tăng gấp 23,7 lần so với năm trước, Ninh Thuận mới chấp nhận công bố dịch. Nhưng vẫn cứ được tôn vinh là dũng cảm. Dũng cảm vì... không còn thể dấu và kiểm soát được nữa.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, số trẻ tử vong đã là 5 em, tỉ lệ mắc bệnh cao gấp 45 lần so với cùng kỳ năm trước. So với các điều kiện y tế, môi trường sống, Quảng Ngãi khó khăn bội phần, nhưng dứt khoát Chủ tịch tỉnh kiểm soát được... cái sự phát ngôn, lấy im lặng là...vàng.
Chỉ khổ cho ông già Ozone- TS vật lý Nguyễn Văn Khải. Lọ mọ xách dung dịch Anolyte vào Ninh Thuận chữa bệnh cho trẻ em. Và mặc dù được ghi nhận một số trẻ mắc bệnh TCM tại Ninh Thuận đã lui bệnh sau khi dùng nước Ozone, nhưng Bộ Y tế vẫn không đồng ý. Bệnh TCM ở Ninh Thuận chưa lui, thì ông già Ozone đã phải... lui, trước cái mà nhiều người gọi đích danh- sự tự ái của Bộ Y tế. Dù không ai khẳng định Anolyte chữa khỏi hoàn toàn bệnh TCM.
Cái nước mình nó thế! Cố GS Hoàng Ngọc Hiến không ngờ câu nói hóm của ông trở thành châm ngôn hiện đại, mang tính phổ quát!
Còn vì sao Quảng Ngãi mắc "bệnh" im lặng? Liệu đó có phải là triệu chứng bên ngoài của căn bệnh thành tích không? Chỉ Quảng Ngãi mới tự trả lời được
Người ta vẫn bảo, im lặng lại là cách nói rõ nhất đó!
Cổ tích và thước đo lịch sử
Còn "chữa bệnh" tâm hồn là câu chuyện sửa cái kết của cổ tích Tấm- Cám, một cổ tích tiêu biểu mà người Việt nào cũng nhớ, đã gây ra sự tranh luận náo nhiệt, hoặc ủng hộ hoặc phản đối.
Nếu trước đây, cô Tấm thảo hiền chặt Cám- cô em mình làm mắm, rồi gửi về cho dì ghẻ, mẹ đẻ của Cám ăn, thì nay, Tấm đào hố, lừa Cám xuống và dội nước sôi (!) Một cái kết, mà theo tác giả Hà Văn Thịnh trong bài "Viết lại truyện cổ tích, tại sao không?" là sự dã man chẳng kém gì nhau.
Đúng là dã man chẳng kém gì nhau. Thậm chí sự dã man sau, cách tính toán còn thâm độc hơn. Đó là độc ác đi kèm lừa dối.
Trước đó, ngày 14/11/2011, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Toàn, cũng trên Tuần Việt Nam lại cho rằng, nếu sửa cái kết của Tấm Cám, thì điều đó làm méo mó cái nhìn thời đại.
Người viết bài chợt nhớ cách đây ít lâu, nhà thơ Bùi Hoàng Tám có bài thơ khá hay: Về đi - Vọng phu!
Lòng chung thủy trở thành nhảm nhí
Trước thiêng liêng số phận một con người
Về đi - Vọng phu!
Mọi hi vọng đều qua rồi
Người đi không thể về được nữa
Về đi em
Trời quê mình vốn nhiều giông gió
Em và con mỏng manh chống trả thế nào!?
Về đi em
Người đời yêu nhau người ta chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con em trên tay em đang đói lả.
Em hóa đá vì chồng
Con hóa đá vì ai?
Em hóa đá vì chồng
Con
Hóa
Đá

Ai...!?
Bài thơ đã khiến bao người yêu thơ, yêu cổ tích Nàng Vọng phu đồng cảm. Bởi cho rằng, đó là cách nhìn mới về một sự hy sinh vô ích, thậm chí ở đây lòng chung thủy trở thành nhảm nhí.
Nhưng người viết bài, khi đó quan niệm rằng, cảm thương và khuyên nhủ nàng Vọng phu, nhà thơ quên mất một điều, sự tích dân gian bao giờ cũng là con đẻ của một nền triết luận, luân lý, thậm chí là khoa học kỹ thuật...của thời đại ấy, dù còn rất sơ khai.
Nàng Vọng phu là sản phẩm của giáo lý một thời xưa cũ, khi xã hội Việt Nam ảnh hưởng rất nặng tư tưởng Nho giáo, Khổng giáo. Người đàn bà phải tam tòng tứ đức- có chồng phải theo chồng. Chồng bỏ đi xa thì nàng bồng con chờ đợi.
Chờ mãi. Đợi mãi. Đến hóa đá. Nàng hóa đá và con tim của nàng có lẽ cũng hóa đá. Nhưng nàng vẫn chờ. Hóa đá là "lẽ phải của đạo lý" thông thường ở thời của nàng.
Và ở phương diện đó, tình yêu của nàng không có tội, không hề nhảm nhí. Còn đứa con dứt ruột, mẹ là tất cả của nó. Nó cũng hóa đá vì tình yêu bi thương của mẹ dành cho cha nó.
Chẳng riêng gì phương Đông, phương Tây cũng có K. Simonov đó thôi: Em ơi, đợi anh về. Đợi anh hoài em nhé. Mưa vẫn rơi dầm dề. Ngày có dài lê thê. Thì em ơi, em cứ đợi.... Nàng Vọng phu của nhà thơ nước Nga liệu có chịu hóa đá? Hay đó chỉ là chỗ gặp nhau trong thi ca, trong cổ tích phương Đông- phương Tây?
Khi khuyên nhủ Nàng Vọng phu trở về, chính là nhà thơ nhìn Nàng Vọng phu xưa cũ bằng con mắt của thời đại mới, của triết học mới, tư tưởng mới. Thời mà bản ngã cá nhân lẫn quyền con người, nhất là người đàn bà được tôn trọng, được giải phóng.
Thì sẽ chỉ thấy cái vô lý của sự hóa đá, cái hạn chế của nàng mà ko nhìn thấy đó là sự hạn chế của cả một thời đại.
Cho dù là nhân ái, nhà thơ đã đem cái thước đo của thời hiện đại, để đo quá khứ. Nhưng hai thời đại khác nhau một tầm lịch sử.
Cũng vậy thôi, nếu bây giờ người ta đo cái hành động trả thù của cô Tấm trong truyện cổ tích vốn đa tầng, đa nghĩa, bằng cái nhìn của tư duy và luật pháp hiện đại, sẽ không cảm nhận hết đó chính là thông điệp cao nhất của nhân gian trong xã hội tiểu nông.
Họ yếm thế, phẫn nộ nên gửi gắm vào cổ tích, mong muốn sự công bằng xã hội, theo triết lý nhân sinh phải rạch ròi, sòng phẳng "có ơn trả ơn, có oán trả oán". Và phải trả oán bằng sự trừng phạt cao nhất- làm mắm! Đó là sự giải tỏa cao nhất sự căm phẫn cái ác.
Cổ tích có thân phận của nó, có tưởng tượng, có hư cấu, nhưng luôn gắn với hoàn cảnh lịch sử khách quan. Trải qua bao biến thiến, đời này đời khác, Tấm Cám được bồi đắp, có nhiều dị bản, nhưng cái kết vẫn giống nhau- đó là sự trừng phạt cái ác một cách nghiêm khắc nhất.
Hành động của Tấm khi trả thù Cám, không còn là hành động của một cá nhân, một cô chị với một cô em. Nó là xử lý của luật pháp đương thời. Và dưới cái nhìn hiện đại ngày nay, nó có phần man rợ, mang tính lề thói, lệ làng. Khiến cho giữa thời hiện đại, con người ta vẫn không thôi tranh luận về quá khứ, về cổ tích. Nhưng mông muội và văn minh, là hai thước đo khác nhau của hai thời đại.
Đừng sợ con trẻ bị nhiễu loạn, không phân biệt nổi giá trị Thiện- Ác. Hãy sợ xã hội chúng ta đang bị nhiễu bởi những thang bậc giá trị trắng đen. Vì cổ tích chỉ là ký ức, là di sản phi vật thể, còn xã hội là hiện tại, và những cái xấu, cái ác- tiếc thay luôn là "di sản vật thể" nhãn tiền.
Cũng đừng sợ con trẻ không biết phản biện phải trái, đúng sai. Mà hãy sợ các em chỉ học và sống kiểu thụ động. Để khi lớn lên, trước bất công phi lý cũng chỉ biết hành xử như trong câu chuyện cổ tích hiện đại mới đây: Từ đó, đến người "hiền tài" cũng im lặng..... ("Ba câu chuyện hiền tài",Tuần Việt Nam, 13/11/2011).
Nếu cái kết cổ tích, về phương diện nào cũng gây tranh cãi, xin hãy coi như tài liệu tham khảo, đọc thêm, không phải SGK chính khóa. Sự thấu thị hay giải mã cổ tích Tấm- Cám chắc chắn không bao giờ có một cách hiểu duy nhất đúng. Vì thế khó có cái kết cuối cùng.
Còn nếu cứ sửa Tấm- Cám, với cái đầu của con người hiện đại và mang tính chủ quan, có  bao cổ tích sẽ phải sửa? Như Nàng Vọng phu sửa bằng cách ...nung vôi. Như cô Tấm, thay cho việc làm mắm em gái, lại lọc lừa, đẩy em gái xuống hố và đổ nước sôi? Hay sửa xong, mỗi truyện là một kết cục đầu Ngô, mình Sở?
Cái gì cổ tích hãy trả cho cổ tích. Cái gì là lịch sử khách quan, trả lại cho lịch sử khách quan. Đừng nâng cổ tích trầm trọng như chuyện lịch sử, phải "đánh giá lại", cũng đừng coi thường lịch sử, để viết lịch sử như ...cổ tích.
Nếu không, đến lượt hậu sinh, cũng sẽ "đánh giá lại" chính chúng ta.


Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Để phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu


SGTT.VN - Trước tình trạng bàn thảo sôi động về một loạt vấn đề của đất nước, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết tâm trạng của ông: “Tôi thấy buồn vì nói thì nhiều mà làm thì ít quá!”
Người tài, tiêu chuẩn cán bộ, trách nhiệm của người đứng đầu hay vai trò cá nhân… là những vấn đề theo ông “chủ trương đã có” song thực tế vẫn rất thiếu cơ chế, chính sách còn thực thi hầu như chẳng thấy gì.
Trong xã hội, hiện đang chí ít có hai chủ đề trở thành “mốt thời thượng” đang hình thành. Một là, khắp nơi đâu đâu cũng phát biểu, hội thảo, họp bàn về “tái cơ cấu”. Hai là, liên tục bàn về “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Riêng về đề tài thứ hai này, Đại hội Đảng VI, và tiếp đó là các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đều có những nội dung liên quan đến sử dụng người tài. Tính ra 30 năm liên tục chủ trương này đã được chính thức nêu, nhưng trên thực tế vẫn chưa thấy những động thái, chính sách thiết thực làm thay đổi tình hình. Ai cũng nói đại khái như nhau: để chọn lựa người tài thì phải công khai, nhưng đã thực công khai chưa? Vẫn chưa. Hoặc muốn có người tài, ai cũng biết là phải cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng giáo dục vẫn đầy rẫy những bất cập! Hoặc ai cũng nhấn mạnh phải đãi ngộ, tôn vinh người tài vì không thể áp dụng chính sách bình quân chủ nghĩa, nhưng thực tế mới chỉ dừng lại ở lời nói chứ chưa làm được mấy… Bản thân tôi, khi còn làm ở bộ Ngoại giao, đã đề xuất trợ cấp thêm cho người có hai, ba ngoại ngữ, nhưng rồi cũng không thực hiện được vì vướng cơ chế tiền lương… Tóm lại, có những chuyện nói để mà nói nhưng rồi lại đánh trống bỏ dùi! Lẽ ra một chủ trương ra đời thì phải chỉ định đầu mối chỉ đạo tổ chức thực hiện với lộ trình, đầu việc, trách nhiệm cụ thể để hiện thực hoá nó thành chính sách và nhất là tiến hành các biện pháp thiết thực. Đây chính là vấn đề cốt lõi nếu thực tâm muốn triển khai công việc hiệu quả.
Hiện nay, chưa có hệ thống tiêu chí rất cụ thể cho từng chức danh trong hệ thống cán bộ lãnh đạo, quản lý của ta từ cấp Trung ương, cấp bộ đến địa phương, bao gồm tỉnh, huyện, xã, phường. Theo tôi, có ba loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo; cán bộ khoa học – công nghệ – nghệ thuật – văn hoá; cán bộ sản xuất – kinh doanh. Không thể từ cấp Trung ương đến cấp xã đều chung một tiêu chuẩn na ná giống nhau là trung thành, đoàn kết... gần đây thêm những mỹ từ như trí tuệ, đổi mới... nhưng không rõ nội hàm là gì. Sao cứ hội thảo, hội họp mãi mà không định được tiêu chuẩn rất cụ thể cho từng chức danh? Nếu không làm, thì bao giờ thực hiện thành công được chiến lược về cán bộ mà Đảng đã đề ra?
Qua phát biểu của một số thành viên Chính phủ gần đây có những nét mới, cách hành xử cũng khá ấn tượng, vợ chồng tôi xem trên tivi thấy thế cũng mừng, nhưng để đánh giá chính xác có lẽ phải chờ thêm hành động cụ thể và hiệu quả công việc, có lẽ khoảng một năm sẽ thấy rõ. Dù sao đi nữa nhiều thành viên Chính phủ khoá mới có một số điểm chung: một là, lớp bộ trưởng mới ngày càng trẻ hơn; hai là, được đào tạo tốt hơn, có bằng cấp thật và kiến thức thật; ba là, đều đã trải qua những công việc, lĩnh vực công tác thực tế tương đối gần với trách nhiệm của họ hiện nay; và bốn là, họ được tiếp cận thế giới nhiều. Đó là những cảm nhận ban đầu của tôi. Các đồng chí đó có biến được những thế mạnh đó thành kết quả trong công việc hay không, rất cần có thời gian để chứng minh. Nhưng có một điều cần thông cảm với họ là hiện còn không ít sức cản như sức ì của bộ máy, sự rối rắm của cơ chế, thậm chí những lợi ích của các nhóm... Vì thế không phải mọi việc họ định ra đều có thể làm được một cách dễ dàng. Đó chính là cái đáng buồn cho họ và cơ chế. Các thế hệ trước không phải không có những hoài bão, nhiều việc có thể biết đấy nhưng chưa dễ gì làm được. Hy vọng rằng, lớp bộ trưởng mới vượt qua được mọi sức cản. Nếu động cơ là vì dân thì sẽ được dân ủng hộ!
Tôi đọc báo thấy mới đây một ông bộ trưởng ở Hàn Quốc từ chức vì cúp điện, một bộ trưởng khác có con gái vào làm trong bộ mình dù cô con gái rất giỏi, qua mọi cuộc khảo sát nhưng vẫn phải từ chức; rồi ở Nhật Bản cũng có vị bộ trưởng từ chức chỉ vì có một vài phát ngôn không cẩn thận… Phải nói thật rằng, do cơ chế và cả tinh thần trách nhiệm của ta chưa rõ ràng, nên mới có tình trạng các vấn đề bức xúc thuộc thẩm quyền ngành mình nhưng vẫn không dám quyết mà phải hỏi, chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên. Khi có chuyện gì xảy ra cũng lại không quy được trách nhiệm cho ai, và cũng không có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu cơ chế này không thay đổi, tôi e rằng sự trì trệ còn dài dài…
Quan điểm của tôi là bên cạnh việc khẳng định vai trò của quần chúng; nên nêu rõ cả vai trò của hiền tài, của lãnh đạo. Nếu nói mọi việc là do quần chúng quyết định thì rất đúng nhưng chưa đủ, có lẽ nên nói là: mọi việc do quần chúng được các vị hiền tài dẫn dắt quyết định. Nếu đổ trách nhiệm hết lên vai quần chúng thì quần chúng bầu anh lên làm gì? Vẫn là quần chúng đó, nhưng nếu người đứng đầu khác, sẽ khác. Và điều cực kỳ quan trọng là hạt nhân lãnh đạo luôn phải đồng tâm nhất trí và nêu cao tấm gương tài trí, đức độ, có như thế mới quy tụ được quần chúng làm nên sự nghiệp. Trong một vụ mà anh vụ trưởng và anh vụ phó găng nhau, và theo đó tập thể chia thành hai phe, thì làm sao tập thể đó mạnh được? làm sao hoàn thành nhiệm vụ được?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan - Nguồn Báo  Sài Gòn tiếp thị, Kim Hoa ghi

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Người tài hôm nay


Nước Việt Nam từ xưa:
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt không đời nào thiếu...
Nước Việt Nam phong kiến, trừ một số ngoại lệ, tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, già trẻ đều có cơ hội thăng tiến thông qua hệ thống thi cử. Thi cử có một điểm yếu chết người, để vươn lên chỉ có một đường duy nhất - thi đỗ làm quan. Hậu quả của hệ thống tuyển chọn đó vẫn tồn tại tới tận hôm nay. Người Việt Nam vốn tin đỗ đạt mới thành người nên giờ đây, khi có nhiều điều kiện, cơ hội hơn, họ đều sẵn sàng hy sinh tất cả cho con em ăn học, kiếm mảnh bằng. Quan niệm ấy đã quá nặng nề từ bao đời, lại càng phát triển mạnh vì những sai lầm trong chiến lược giáo dục - đào tạo; trong thực tế dùng người: Từ chế độ làm việc theo phân công hơn là theo kiến thức, khả năng thời bao cấp; và xin cho, bằng cấp hiện nay. Bằng của chúng ta, trong rất nhiều trường hợp, kể cả học vị sau đại học, chưa thể hiện đúng trình độ, kiến thức của người sở hữu nó. Ai cũng biết vậy mà ai cũng cố có được bằng cấp vì không có nó khó thăng tiến...
10 năm qua, số trường cao đẳng, đại học ở nước ta tăng 2,5 lần, tới 386 trường; sinh viên tăng 2,3 lần (hơn 2,2 triệu). Hầu như tỉnh nào cũng có đại học. Bộ GD-ĐT tuyên bố tiếp tục mở thêm các trường. Tuy nhiên, rất nhiều trường chỉ có tên, chỗ học phải đi thuê. Thiết bị giảng dạy, nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá... hoặc tạm bợ, hoặc không có. Trò đông, thầy thiếu. Trò tăng hơn 2 lần thầy tăng 30%. Thầy có ngày dạy tới 12 - 14 tiết; chương trình cả học kỳ thầy có đúng một tuần để hoàn thành... Bộ GD-ĐT có dự án tới năm 2020 sẽ có thêm 20 nghìn tiến sĩ. Liệu chỉ tiêu đó có hiện thực? Chúng ta vốn quen, ngay cả trong giáo dục, cứ khánh thành cho đúng tiến độ bất chấp chất lượng, rồi sau đó ngày rộng tháng dài lại làm tiếp. Thử tưởng tượng hàng nghìn tiến sĩ không đạt chất lượng vì phải ra cho đủ số lượng theo kế hoạch. Đó sẽ là một thành tích hay tai họa?
Chúng ta không có người đủ tài để đua tranh với thế giới hay bản chất vấn đề ở chỗ khác. Trong 8 năm Hà Nội tiến hành chủ trương ưu tiên tuyển chọn thủ khoa tốt nghiệp đại học, chỉ 57 trong số 1.000 thủ khoa được tiếp nhận. Có rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng, đội ngũ hùng hậu những nhà khoa học với đủ mọi học vị nhưng nhiều thiết bị, nông cụ tiện dụng, phù hợp với đồng lúa Việt Nam, lại do mấy Anh Hai chân đất làm ra: Máy bóc ngô, lạc, đậu; xử lý rác thải, máy liên hợp; dịch chuyển các công trình kiến trúc, thậm chí cả trực thăng... Họ không được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng; giúp đỡ kiến thức từ các nhà khoa học; nhiều người còn không được chính quyền ủng hộ.
Người tài của chúng ta mọi thời kỳ, nhất là hôm nay, không thiếu. Thiếu là một chiến lược, một chương trình hành động đào tạo, giúp đỡ, sử dụng tài năng.
Nguyễn Triều - Nguồn: Báo Hà Nội mới - 11/09/2011 

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

Doanh nhân Lê Kiên Thành:


Bộ trưởng có nhầm vai với người đứng đầu doanh nghiệp?
SGTT.VN - “Bộ trưởng phải nghĩ về tổng thể, phải có triết lý lãnh đạo bộ, và coi đó là xương sống cho một điều cụ thể khác, chứ không phải đi vào những giải pháp quá cụ thể, mà giải pháp đó lại trái luật”.
Doanh nhân Lê Kiên Thành: Cấm chơi golf - tiền đề cho sự tuỳ tiện.
Doanh nhân Lê Kiên Thành, phó chủ tịch thường trực hội Golf Việt Nam đã gửi tới bộ trưởng Đinh La Thăng những ý kiến, phản biện về quyết định cấm cán bộ bộ Giao thông vận tải chơi golf.
“Kính thưa bộ trưởng Đinh La Thăng, tôi là Lê Kiên Thành, một doanh nhân, hiện cũng là phó chủ tịch thường trực hội Golf Việt Nam. Những điều tôi nói dưới đây, không phải với tư cách phó chủ tịch thường trực hội Golf Việt Nam, vì không nhiều cán bộ bộ Giao thông vận tải chơi golf, dù họ không được chơi golf cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới golf cả. Có chăng, nó có đôi chút tác động tới phong trào golf nói chung. Đây chỉ là ý kiến của một người dân bình thường, đang bị chi phối bởi quyết định của các bộ ngành, mong ông sẵn sàng lắng nghe” - Ông Thành mở đầu.
Nên cách chức cán bộ yếu kém thay vì cấm chơi golf
Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, tôi ủng hộ những quyết định nhằm đẩy mạnh chất lượng lãnh đạo, chất lượng điều hành của bộ ngành, chất lượng làm việc của công chức. Chắc chắn, không chỉ riêng tôi, toàn dân đều mong chờ và ủng hộ những quyết định như vậy. Nhưng tôi e là cấm cán bộ lãnh đạo bộ Giao thông vận tải chơi golf không nằm trong số đó.
Vấn đề của giao thông Việt Nam hiện nay là gì? Là hạ tầng giao thông thấp kém lạc hậu, đầu tư vào giao thông như muối bỏ bể vì không giải quyết được thực chất của vấn đề, rằng một con đường vốn được quy hoạch cho thành phố 30.000 dân, giờ phải tải cả triệu người... Những vấn đề đó, tồn tại ngót nghét vài ba chục năm nay. Đó có phải tại chơi golf?
Hẳn ông bộ trưởng cũng biết, golf mới du nhập vào Việt Nam chừng 10 - 15 năm nay. Vậy trước golf, điều gì đã ảnh hưởng tới chất lượng lãnh đạo của cán bộ bộ Giao thông vận tải?
Ông bộ trưởng nói, trong lúc bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, đặc biệt các doanh nghiệp gặp khó khăn thế này thì phải tập trung trí tuệ, thời gian nhiều hơn cho công việc. Tôi cho rằng, với bản lĩnh và trách nhiệm của những người đang giữ những cương vị quan trọng, rất ít (nếu như không nói là không có) cán bộ lãnh đạo của bộ Giao thông vận tải dám đi chơi golf trong giờ làm việc (ông có thể cách chức nếu họ làm điều đó).
Và nếu có một Thủ trưởng dám cách chức cấp dưới vì hiệu quả công việc kém, tôi cũng tin rằng, không ai vì mê golf mà quên đi những công việc mình phải hoàn thành. Có lẽ, chất lượng làm việc của cán bộ phụ thuộc vào sự giám sát, đánh giá của cấp trên nhiều hơn là việc họ có chơi golf hay không.
Chưa kể, với lệnh cấm chơi golf ông vừa thông qua, sẽ có những người chuyên đi "giám sát" xem trong bộ mình có ai chơi golf không? Một ngày 24 giờ, một tuần 7 ngày và một năm 365 ngày, thời gian đó, tập trung cho công việc khác hẳn phải hiệu quả hơn.
Sao không cấm những thứ khác nguy hại hơn?
Có tờ báo ước tính, mỗi năm chơi golf mất chừng 500 triệu đồng. Ông bộ trưởng cũng từng nói, chi phí, dụng cụ chơi golf đắt tiền có thể làm phát sinh hình thức hối lộ. Nếu như vậy, có thể sẽ phải cấm cán bộ ở nhà mặt tiền đường, không mặc đồ hàng hiệu, không đi vào những trung tâm mua sắm đắt tiền... 
Ngoài ra, nhậu nhẹt tốn tiền hơn đánh golf rất nhiều, sao lại không cấm? Có một số tiệc nhậu một chai rượu có giá trị 10 triệu đồng, 20 triệu đồng, có khi còn hơn nữa. Một buổi đó, người ta uống 4 -5 chai là bình thường. Riêng tiền rượu đã mất dăm bảy chục triệu, còn tiền đồ ăn, phục vụ... chi phí có khi tới cả hơn trăm triệu một cuộc nhậu. Ông có dám chắc trong số những bữa rượu đó rất ít khi có sự tham gia của cán bộ bộ Giao thông vận tải, cỡ cấp vụ trở lên không?
Về mặt thời gian, một cuộc nhậu kéo dài ít nhất là 3 tiếng đồng hồ, tính trung bình là 9 tiếng/tuần. So với chơi golf, nhậu nhẹt tiêu tốn thời gian hơn. Nó còn hủy hoại sức khỏe, sự sáng suốt, là môi trường cho các tệ nạn, tham nhũng, chạy chọt... Bộ trưởng Đinh La Thăng có muốn thử sau giờ nghỉ, đi kiểm tra các nhà hàng xịn nhất, xem có bao nhiêu cán bộ chức vụ cao ở đó?
Dư luận ghét golf vì lâu nay vẫn nghe nhiều tới chuyện sân golf lấy đất nông nghiệp. Ai mới là người cấp phép cho những dự án sân golf đó. Tôi tin rằng, rất ít trong số đó là những người chơi golf. Mà dù có, họ cũng không làm thế để có chỗ chơi golf.
Dư luận cũng không mấy cảm tình với người chơi golf vì cho rằng người chơi golf hẳn phải là những người nhiều tiền. Trong hoàn cảnh chưa minh bạch thu nhập như hiện nay, họ có lý do để nghi ngờ, tiền chơi golf là tiền không chính đáng.
Nhưng bộ trưởng thì khác. Ông có thể yêu cầu cấp dưới của ông công khai tài sản. Ông có những hệ thống cảnh báo, phát hiện trong trường hợp cấp dưới của ông làm giàu nhờ hối lộ, tham nhũng. Ông có trách nhiệm và quyền lực để làm những điều đó mà nếu làm tốt, cần gì phải cấm chơi golf.
Tiền đề cho sự tùy tiện
Đã có những vị lãnh đạo không dám quyết đoán, việc gì cũng chờ tập thể. Tôi nghĩ, chúng ta đang cần lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm về mỗi hành động của mình. Về điểm này, bộ trưởng Đinh La Thăng đang tạo dấu ấn tốt.
Nhưng nếu sự dám nghĩ, dám làm đó không đồng hành với quyết sách đúng đắn thì nó lại là một biểu hiện của độc tài. Tại sao rất nhiều nơi xảy ra thất thoát sai lầm? Ở đó cũng có Đảng ủy, công đoàn, sao không ai nhận ra cái sai mà sửa. Tôi xin nhắc lại vụ Vinashin. Tại sao những người đứng đầu có thể làm sai trái lâu như thế.
Phải chăng, vì họ có những thời điểm rất độc đoán. Thực ra, tôi hi vọng là như thế. Vì nếu tất cả cùng sai, bức tranh còn bi quan hơn rất nhiều.
Cấm cán bộ chủ chốt không được chơi golf là một quyết định, đứng về phương diện pháp luật có vấn đề. Ông Đinh La Thăng cho rằng, đây là quy định riêng của ngành giao thông, giống như các ngành y tế, giáo dục... Khi làm lãnh đạo, ngoài quy định của pháp luật thì phải chấp nhận quy định của cơ quan, đơn vị. Nhưng dù có như vậy, không thể bắt cấp dưới sống khác pháp luật. Đó là tiền đề cho sự tùy tiện.
Lãnh đạo trước hết phải thượng tôn pháp luật. Yêu cầu cấp dưới làm điều mình cho là đúng-nghĩa là không tôn trọng pháp luật. Theo cách của bộ trưởng Thăng, tôi lo lắng, dần dần, người ta sẽ cho ý muốn của lãnh đạo cao hơn pháp luật.
Tôi băn khoăn, liệu có lúc nào bộ trưởng Đinh La Thăng nhầm vai giữa một ông bộ trưởng và một người đứng đầu doanh nghiệp. Bộ trưởng phải nghĩ về tổng thể, phải có triết lý lãnh đạo bộ, và coi đó là xương sống cho một điều cụ thể khác, chứ không phải đi vào những giải pháp quá cụ thể, mà giải pháp đó lại trái luật.
Hơn hai tháng làm việc có thể chưa giúp người ta quen với một cách lãnh đạo mới, vì vậy, tôi chờ mong ở bộ trưởng Đinh La Thăng những quyết định mới đúng đắn và hợp lý. Cũng chúc ông giữ được sự nhiệt huyết và đam mê với công việc dài lâu. Việc có những cán bộ lãnh đạo nghành nhiệt huyết và sáng suốt là cái phúc cho những người dân như chúng tôi!
LÊ KIÊN THÀNH ( BEE.NET.VN )

Bộ trưởng Đinh La Thăng:


Cán bộ thuộc bộ Giao thông vận tải không được chơi golf
SGTT.VN - Ngày 17.10.2011, bộ trưởng bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ về việc không tham gia chơi golf.
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cấm chơi golf là quy định riêng của ngành giao thông.
Theo văn bản 6630/BGTVT-TCCB, trong thời gian qua, có tình trạng một số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của Bộ chưa tích cực chỉ đạo, điều hành công việc, dẫn đến việc xử lý công việc còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình, dự án và hoạt động chung của đơn vị. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do cán bộ mất quá nhiều thời gian để chơi golf (kể cả trong các ngày nghỉ).
Để chấn chỉnh vấn đề này, bộ trưởng bộ GTVT yêu cầu: chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), chủ tịch công ty và tương đương tại các doanh nghiệp Nhà nước thuộc bộ GTVT (bao gồm cả tập đoàn, tổng công ty 91), các đồng chí lãnh đạo thuộc diện Bộ quản lý cấp Vụ và tương đương trở lên không chơi golf, không tổ chức hoặc tham gia các giải golf, để tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất kinh doanh và giải quyết công việc chuyên môn được giao, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện và giao Vụ Tổ chức cán bộ kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định này.
THEO TRANG WEB B.GTVT

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ kỳ vọng về Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bộ máy điều hành mới


Nguồn: www.nguyentandung.org, ngày 29/07/2011
Chuyên gia Phạm Chi Lan "Thập kỷ tới là thời gian vô cùng thách thức với Chính phủ và Quốc hội". Ảnh: T.T.

Nguồn: www.nguyentandung.org, ngày 29/07/2011
Bất ổn kinh tế vĩ mô, tham nhũng, nhóm lợi ích, chênh lệch giàu nghèo và chủ quyền là 5 thách thức cần Chính phủ giải quyết trong nhiệm kỳ mới để đưa đất nước vượt qua vùng “nguy hiểm”, theo chuyên gia Phạm Chi Lan.
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm kinh tế, gắn bó cùng doanh nghiệp và tư vấn chính sách cho Chính phủ, bà Phạm Chi Lan chia sẻ với VnExpress.net kỳ vọng của mình về Thủ tướng và bộ máy điều hành mới.
“Tôi cho rằng nhiệm kỳ 5 năm tới của Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vận mệnh của đất nước. Cũng vì thế mà nhiệm vụ và thách thức với Thủ tướng cũng như bộ máy điều hành mới vô cùng nặng nề.
Thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ mới chính là bất ổn kinh tế vĩ mô, thể hiện ở lạm phát, nhập siêu, nợ công, quản lý các tập đoàn nhà nước… Nếu không giải quyết được ngay trong 5 năm tới chúng ta khó lòng hoàn thành mục tiêu cho cả 10 năm. Một vị cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam sau khi thoát bẫy nghèo có thể tiến tới “vùng nguy hiểm” trong thập kỷ này. Vùng nguy hiểm được ông ấy phân tích chính là việc chúng ta vừa thoát khỏi nước nghèo và bắt đầu đặt chân vào mức thu nhập trung bình thấp, nếu không vượt qua được sẽ lại rơi vào điểm nghèo hoặc vướng ở mốc thu nhập trung bình thấp trong thời gian rất dài. Nếu như vậy, Việt Nam sẽ không thể hóa rồng mà chỉ ngấp nghé như Malaysia hay Thái Lan hiện nay mà thôi.
Suốt 4 năm qua, kinh tế của chúng ta luôn trong tình trạng bất ổn. Ngoại trừ năm 2007, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mọi thứ đều thuận lợi, nhưng những năm sau đó khó khăn chất chồng. 2008 thì bất ổn vĩ mô nặng nề, lạm phát phi mã, nhập siêu cũng cao đỉnh điểm. Bước sang 2009 thì kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khốn đốn, tăng trưởng không âm như các nước nhưng ở mức thấp kỷ lục. Đến năm 2010, tình hình cũng không tốt đẹp. Năm nay lạm phát lại cao, và những bất ổn vĩ mô thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả năm 2008.
Khi kinh tế khó khăn, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp tương đối cơ bản để ổn định vĩ mô, nhưng quá trình thực hiện chưa triệt để nên hiệu quả chưa cao. Chẳng hạn đầu 2008 chúng ta đưa ra 8 nhóm giải pháp quyết liệt chống lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng đến cuối năm xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu chúng ta lại bắt đầu thiên nhiều hơn về tăng trưởng, để rồi phải đưa ra các gói kích thích kinh tế hàng tỷ đôla. Cái giá để chống suy giảm như vậy quá đắt, hơn nữa nó lại thủ tiêu những nỗ lực thắt chặt, bình ổn trước đó.
Năm nay cũng vậy, Nghị quyết 11 là ví dụ điển hình của việc đưa ra giải pháp trúng nhưng chưa được thực hiện triệt để, hiện mới tập trung nhiều ở lĩnh vực tín dụng. Thực hiện thắt chặt tín dụng cũng còn méo mó. Lẽ ra cần kiểm soát những lĩnh vực nóng như bất động sản, chứng khoán. Nhưng chúng ta lại thắt đại trà ở mọi lĩnh vực, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi ngân hàng, cho dù Chính phủ đã có chủ trương ưu tiên vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho xuất khẩu, để rồi nhiều doanh nghiệp nguy cơ chết oan.
Tuyên bố trong kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cũ cho thấy Chính phủ đã nhận thấy những điểm chưa được trong quá trình triển khai 6 nhóm giải pháp vừa qua. Hy vọng, Chính phủ mới sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp này với tinh thần cương quyết hơn, đồng bộ hơn. Khi dùng các giải pháp mạnh để ổn định kinh tế vĩ mô ắt sẽ có nhiều lời kêu than. Nhưng tôi tin Chính phủ đủ công minh để xem xét đâu là than vãn đáng nghe, lời kêu đáng cứu. Tôi cũng tin Chính phủ có đủ năng lực quản lý, lắng nghe và sàng lọc những người có đủ năng lực điều hành kinh tế. Không thể để nền kinh tế của 86 triệu người bị ảnh hưởng bởi một vài người không đủ năng lực.
Thách thức thứ hai chính là tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng được ban hành trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa rồi, nhưng như một vị lãnh đạo cấp cao đã thừa nhận việc chống tham nhũng còn ít so với mong đợi và còn nhiều khó khăn trước mắt.
Tham nhũng hiện nay biến tướng phức tạp ở quy mô rộng hơn, tham lam hơn, làm thất thoát tài sản của dân nhiều hơn. Trong lịch sử chưa có vụ thất thoát nào lớn như Vinashin. Riêng chuyện nợ nần dây dưa giữa hai tập đoàn nhà nước là Petrovietnam và EVN đã lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó còn có tham nhũng đất đai, tài nguyên thiên nhiên gây khiếu kiện kéo dài.
Tham nhũng sẽ làm lãng phí tài nguyên, nguồn lực của đất nước và về lâu dài sẽ đe dọa tăng trưởng kinh tế. Tham nhũng cũng sẽ làm xói mòn lòng tin của dân trong nước cũng như cộng đồng nhà đầu tư quốc tế. Muốn có tăng trưởng phải có nguồn lực, nhưng nếu nguồn lực bị lợi dụng, bị tham nhũng thì người dân sẽ không còn nhiệt huyết tham gia đóng góp nữa. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều năm im lặng thì nay họ đã phải nói thẳng ra quan ngại của họ về vấn nạn tham nhũng.
Bất bình đẳng gia tăng cũng là một thách thức mà theo tôi Quốc hội và Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ phải “nhức đầu” nhiều, phải cố gắng lo sao cho giảm bớt bức xúc của người dân. Điều này thực sự rất đáng tiếc. Trong suốt 25 năm đổi mới, Việt Nam được đánh giá cao về việc vừa tăng trưởng, vừa xóa đói giảm nghèo. Xóa đói giảm nghèo xét ở một góc độ nào đó có ý nghĩa như việc thu hẹp bất bình đẳng trong xã hội.
Bất bình đẳng lớn nhất hiện nay chính là thu nhập. Điều tra mức sống trong dân của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tiến hành 2 năm một lần cho thấy rất rõ khoảng cách thu nhập và tiêu dùng giữa 25% giàu nhất và 25% nghèo nhất đang gia tăng rất nhanh. Nếu như 2006, khoảng cách tiêu dùng giữa hai nhóm này là 6 lần thì 2008 là 8 lần, và điều tra gần đây nhất đã là hơn 9 lần. Nếu nói về tài sản, khoảng cách này còn lớn hơn nhiều, thậm chí tới cả nghìn lần.
Bất bình đẳng trong xã hội biểu hiện qua việc tích tụ tài sản đang tăng ở một số ít người, trong khi một số lớn người mất dần tài sản, dẫn tới khiếu kiện gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Nếu những người dân mất đất được bồi thường thỏa đáng, hoặc họ không cảm thấy mất mát quá nhiều, thiệt thòi quá đáng thì không đến nỗi có những chuyện khiếu kiện như vậy.
Giải quyết bất bình đẳng xã hội đòi hỏi trách nhiệm trực tiếp của Chính phủ, phải rà soát lại cơ chế, quá trình tổ chức thực hiện. Nhưng vai trò của Quốc hội cũng rất lớn. Quốc hội rất cần quan tâm nhiều hơn và cùng với Chính phủ giải quyết, chứ không chỉ giám sát rồi chuyển sang Chính phủ xử lý. Những đại biểu, dù là doanh nhân tham gia vào Quốc hội cần phải nói lên tiếng nói của dân, những người bầu ra họ chứ không thể thờ ơ, vô cảm hoặc nói tiếng nói của những người đi ngược lại lợi ích của nhân dân.
Thách thức thứ tư với Thủ tướng và Chính phủ mới chính là nhóm lợi ích.
Nhiệm vụ của bộ máy điều hành mới là phải làm sao để lợi ích của sự phát triển được phân bổ đồng đều trong xã hội, cho đa số người dân. Đồng thời, phải kiềm chế những nhóm lợi ích ích kỷ, chỉ nghĩ cho cá nhân mình, gia đình mình, công ty và tập đoàn mình mà không nghĩ tới lợi ích chung của đất nước.
Thậm chí kể cả lợi ích cục bộ của địa phương, các ngành cũng cần phải xem xét, sắp đặt, điều chỉnh cho đi đúng guồng chung của đất nước. Khi đã phân định, giao cho các ngành, các địa phương thì các vị đứng đầu phải điều hành sao cho sự phát triển của các ngành, địa phương hài hòa với lợi ích chung của đất nước. Chứ không thể để xảy ra chuyện cả nước thắt chặt tín dụng mà Bộ Xây dựng lên tiếng muốn gỡ cho doanh nghiệp bất động sản. Hoặc doanh nghiệp bất động sản vừa có đại diện trong Quốc hội đã ngay lập tức phát biểu thắt tín dụng bất động sản là không đúng.
Sự phối hợp thiếu ăn ý giữa các bộ ngành cũng đang làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách. Tài khóa không đi đôi với tín dụng, trong khi vốn ngân hàng thắt chặt thì cắt giảm đầu tư công lại không như mong đợi, khiến lạm phát vẫn leo thang và nhiều khả năng không giữ được mức 17% vào cuối năm nay.
Biết bao nhiêu trường hợp người dân kêu ca nhưng các cơ quan chức năng đá bóng cho nhau. Mỗi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm một phần, Y tế, Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ cũng có phần trách nhiệm. Nhưng rốt cục là chẳng ai chịu trách nhiệm trước người dân. Điển hình là vụ bức tử sông Thị Vải ở Đồng Nai, giữa Bộ và địa phương đá bóng cho nhau hoài mà không thổi phạt được Vedan, để đến mức phải sử dụng lực lượng xã hội, tức là phản ứng của người tiêu dùng tẩy chay mì chính Vedan thì họ mới chịu đền bù.
Câu chuyện này thể hiện rõ sự kém cỏi trong phối hợp giữa các cơ quan, mà nguyên nhân có thể là thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh ở những người có trách nhiệm ở các bộ, các địa phương. Nếu không, xã hội sẽ quy cho anh chịu sức ép của nhóm lợi ích nào đó nên không dám nói, không dám làm.
Chính phủ nhiệm kỳ mới không dễ để xử lý những nhóm lợi ích đó. Nhưng tôi cho rằng, với bản lĩnh của mình, và khi đã rõ đường hướng, Chính phủ sẽ biết được đâu là những lợi ích cần được bảo hộ và không đáng để bảo hộ.
Muốn giải quyết vấn đề nhóm lợi ích, cách tốt nhất là dựa tối đa vào người dân, lợi ích của đông đảo người dân là lợi ích của toàn xã hội. Phải xử lý mạnh tay, chấm dứt những yêu sách, đòi hỏi đi ngược lợi ích số đông, có như thế họ mới chùn tay. Nếu vẫn du di cho nhau, xuê xoa cho nhau thì nhóm lợi ích vẫn tiếp tục hoành hành theo cái cách của họ, ngày càng khôn ngoan hơn, trắng trợn hơn theo kiểu bất chấp tất cả.
Vấn đề cuối cùng, nhưng không phải là vấn đề kém quan trọng nhất, đó là Biển Đông, hay mở rộng hơn chính là chủ quyền đất nước. Trong đáy lòng mình, tôi rất tin Quốc hội và Chính phủ vừa qua đã biết lo, nghĩ về vấn đề hệ trọng này nhưng có nhiều điều khó, không nói ra được với dân. Nhưng hy vọng Chính phủ mới bộc bạch nhiều hơn. Có những điều không tiện nói ra một cách đông đảo nhưng không thể giải quyết bằng cách im lặng trước bức xúc của người dân, nhất là liên quan tới vấn đề hệ trọng của tổ quốc.
Người dân mình, khi đất nước lâm nguy cũng là lúc đoàn kết với nhau nhất, chung sức chung lòng nhất. Đây là cơ hội để nhà nước tập hợp người dân, cùng nhau tập trung giải quyết những vấn đề vận mệnh của đất nước.
Chính phủ và Quốc hội cần dành thời gian nhiều hơn để bàn bạc về vấn đề này, đề ra các giải pháp tăng cường năng lực tự bảo vệ mình. Từng bộ, ngành cũng có trách nhiệm cụ thể. Bộ Quốc phòng, Nông nghiệp Nông thôn phải làm sao để ngư dân ra biển an toàn, yên tâm sinh sống nơi biển đảo. Bộ Giao thông Vận tải phải làm sao để Vinashin làm ra những con tàu tốt.
Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm của mình. Suốt thời gian qua Bộ Công Thương ở đâu mà để thương lái Trung Quốc vào mua hàng hóa ngay trên đất Việt Nam không cần tư cách pháp nhân, không giấy phép và không nộp một xu thuế cho Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có chịu trách nhiệm gì không, thương lái Trung Quốc vào mua suốt từ Bắc tới Nam thì tiền ở đâu ra mà họ làm được như vậy? Trong khi đó, chúng ta lại nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc. Vấn đề chủ quyền không chỉ dừng lại ở biển đảo, mà cần chú ý tới cả trong đất liền nữa.
Để giải quyết tất cả 5 thách thức đó, có lẽ cần quay lại những nguyên tắc rất cơ bản của một thể chế tốt. Chúng ta vẫn nói mong muốn xây dựng một nhà nước trong sạch, vững mạnh. Trong sạch thì phải minh bạch, thể hiện ở việc mọi quy định đưa ra phải rõ ràng, không để ai hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai, thực hiện sai. Ai cố tình hiểu sai, cố tình thực hiện sai thì phải trừng trị người đó, đấy mới là minh bạch.
Tôi mong Chính phủ mới sẽ tăng cường hơn nữa, yêu cầu cao hơn nữa về trách nhiệm của người đứng đầu trong tất cả các tầng lớp quản lý. Tôi hoan nghênh có những vị đã mạnh dạn đứng ra xin chịu trách nhiệm trước Quốc hội khi để xảy ra vấn đề trong lĩnh vực mình quản lý. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của dân chúng cũng như cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế.
Song Linh- Hoàng Lan ghi