Tìm kiếm

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Sách


Sau khi xê ri ảnh diện váy hiên ngang đứng dạng hai chân lên hai chồng sách được tung ra, ca sĩ Phương Thanh lên tiếng, nói đó là ảnh ghép, bởi lúc chụp dưới gót giày của cô không có…cuốn sách nào cả!
Ca sĩ lý giải, rằng có thể những người thực hiện muốn mượn hình ảnh ấy để tỏ thái độ với các loại sách đen, độc hại?!
Nhiều người cho rằng thực chất đây vẫn chỉ là chiêu tạo xì căng đan quen thuộc của giới sâu- bít(?). Rằng đây là cố gắng tạo sự ồn ào tranh cãi ngay trước thời điểm nhạy cảm là Ngày đọc sách và bản quyền thế giới sắp diễn ra. Rằng nỗ lực hâm nóng hình ảnh ca sĩ này trước khi thò chân vào sâu-gêm bước nhảy gì đó đang rộn ràng quảng bá.
Và biết đâu cũng nhân tiện tung chưởng vào cô ca sĩ - văn sĩ trẻ nọ vừa mới tiếp tục tung ra cuốn tiểu thuyết thứ hai bị chỉ trích là “dâm thư”, theo kiểu “Em viết sách được, thì chị cũng…đứng lên sách (của em) được”? Hiệu quả thì thấy ngay rồi, khi google cho ra trên 3 triệu kết quả với từ khóa “sách” + “Phương Thanh”.
Câu chuyện trên như là một ví dụ cho việc sách vẫn có thể bị lôi vào làm đạo cụ cho những thị phi nhố nhăng của đời sống. Cho dù sách luôn được coi là biểu tượng đỉnh cao của tri thức và đem đến sự thăng hoa trong sáng của tâm hồn.
Thực ra, sách - cũng như sự xô bồ của chính cuộc sống, thánh thiện hoặc dung tục tùy theo tính mục đích của người làm ra nó. Quyết định cuối cùng thuộc về người đọc trong sự chọn lựa tiếp nhận.
Hanna - một nữ giám thị thời Đức Quốc xã, dù không biết chữ, nhưng chính bởi mặc cảm về điều đó, trước tòa vẫn nhận tội đã viết bản báo cáo dẫn đến cái chết của 300 phụ nữ Do Thái bị trúng bom trong một lần chuyển trại.
Những tháng năm dài thụ án chung thân sau đó giữa bốn bức tường lạnh lẽo trong một tâm thế héo hắt hoang tàn, Hanna đều đặn nhận được những cuốn băng cát - sét ghi giọng của một người đàn ông đọc những cuốn sách văn chương nổi tiếng.
Những cuốn sách mà nhiều năm trước bà từng được người tình nhỏ thua 21 tuổi đọc cho nghe. Dù không ai nói ra, nhưng Hanna biết người đàn ông đọc sách bây giờ và chàng trai ngày trước chỉ là một.
Bộ phim “The Reader” (Người Đọc) của Mỹ được giải Oscar năm 2009 ấy kết thúc bằng cái chết tự vẫn của Hanna lúc này đã là bà lão ngót 70 tuổi, khi biết rằng sáng mai mình sẽ được ra tù. Không hẳn chỉ bởi sự mặc cảm (lại mặc cảm) về tuổi tác với người tình trẻ đang sẵn sàng hàn gắn với mình bên ngoài.
Mà có lẽ bởi những trang sách mà bà được nghe đọc ấy, đã giúp bà vượt lên mọi sai lầm, mặc cảm dằng dặc của đời người.
Người phụ nữ không biết chữ ấy hiểu rằng, cuốn sách đời mình bà đã đọc xong, đã đến lúc cần phải được gấp lại, ở trang cuối cùng trong niềm thanh thản, tự do …
Trí Quân - Báo Tiền phong

Thịt thối - hành trình từ chợ tới bàn ăn


Nguồn VnExpress.net – Thứ ba, ngày 17 tháng tư năm 2012
Miếng thịt sống đã thiu, chảy nước và bốc mùi hôi thối, chỉ cần ngâm 20 phút trong nước pha "bột tẩy" là mất mùi hoàn toàn, màu sắc cũng tươi hồng trở lại. Theo người bán, loại bột này được các quán ăn bình dân, người bán đồ ăn chín, măng tươi... ưa dùng.
Từ cuối năm ngoái tới nay, cơ quan chức năng đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ các vụ vận chuyển thịt thối.
Tại nhiều chợ đầu mối ở Hà Nội, các loại thịt ôi, thịt thối này cũng được bày bán và khách hàng thường xuyên chính là chủ các quán cơm bình dân.
Trong vai người tìm nguồn hàng cung cấp thịt rẻ cho một quán cơm bình dân sắp mở, phóng viên VnExpress.net tìm tới chợ đầu mối Dịch Vọng hậu (Xuân Thủy, Hà Nội).
Biết khách có ý định lấy hàng nhiều về mở quán, một chủ cửa hàng ở góc chợ hồ hởi giới thiệu "Muốn lấy bao nhiêu cũng được, hàng tạ, tấn, loại nào cũng có", rồi lôi dưới sập hàng ra một tảng thịt bầy nhầy có màu thâm sì: "Đây là thịt lợn sề, nhưng vẫn ngon, nếu em lấy nhiều, chị để giá 60 (60.000 đồng một kg). Cái này về thêm cần tỏi tây là có món bò xào ngon lành rồi". Chỉ vào mấy tảng thịt thăn, mông... có màu nhợt nhạt, chảy nước bên cạnh, chị này tiếp: "loại này thì phải 70".
Trên sạp hàng bày cả gà công nghiệp, tim gà, tim lợn còn đóng đá, chảy nước. Trong lúc giới thiệu các sản phẩm với khách mới, chủ cửa hàng liên tục đưa các gói hàng đã được đóng sẵn cho những người tới lấy, và không ai trong số họ mặc cả. "Đều là khách quen, toàn chủ hàng cơm cả. Chỉ cần buổi tối gọi trước, thích hàng kiểu gì cũng có, sáng ra chỉ việc tới lấy", người bán giải thích.
Tại chợ đầu mối Phùng Khoang, khi hỏi thăm tới nơi có thể giao buôn thịt lợn với số lượng lớn "không cần chất lượng cao, chỉ cần giá rẻ", khách được một người bán thịt mách nước: "Dù mua nhiều tới đâu, nhưng muốn thịt xịn thì giá thấp nhất là 75.000/kg, còn muốn rẻ hơn, phải đến thật sớm, có thể mua được 50.000 đồng/kg".
Theo lời người bán hàng, loại thịt có giá thấp nhất này thường là thịt lợn ốm, chết, thậm chí đã chôn rồi lại đào lên mổ và để đông lạnh nhiều ngày, khi mang ra bán, thịt chảy nước, màu trắng bệch, có mùi. "Nhưng chỉ cần ngâm qua 'bột tẩy' là lại chế biến thành món ăn được ngay", người này nói thêm.
Chị cũng cho biết loại thịt này thường được bán rất chóng vánh, lúc đầu giờ sáng, từ 5h đến 7h, cho các chủ hàng ăn từ khắp nơi tới, sau giờ này, nếu còn 'hàng', người bán cũng không dám bày ra vì sợ bên kiểm dịch tới tịch thu.
Để kiểm chứng việc thịt ôi, thối có thể được "hô biến" thành thịt tươi và đưa lên bàn ăn, Vnexpress.net đã lần theo một công nghệ vô cùng đơn giản, rẻ tiền: dùng bột săm pết.
Theo giới thiệu của một người có kinh nghiệm mua mặt hàng này, kèm lời chỉ dẫn "họ cũng cảnh giác nên khi mua phải nói luôn là cần bột săm pết, và xòe tiền ra ngay", phóng viên tìm tới khu hàng chuyên bán đồ khô tại chợ Đồng Xuân và làm theo đúng hướng dẫn.
Y như rằng, khi được hỏi, bà bán hàng tầm hơn 50 tuổi ngay gần lối vào cổng số 9 đon đả: "Lấy bao nhiêu, 1 kg à, 50 nghìn thôi", rồi vào bên trong quầy lấy ra một túi nilong đựng một chất bột màu trắng, trông giống như muối tinh.
Miếng thịt sống sau 2 ngày để ngoài trời đã nhớt nhẽo, bốc mùi thối và đầy bọ, nhặng bâu vào.
Sau khi ngâm nước pha bột săm pét trong 20 phút, thịt không còn mùi, phần mỡ trắng lại, phần nạc hồng hơn.
 Người bán hàng cho biết, loại bột này vốn được đựng trong các bao tải 25 kg, nhưng thường người mua lẻ cần ít, nên bà chia ra các túi 1kg. "Lời lãi chả bao nhiêu, nên nếu lấy ít hơn thì chúng tôi chẳng bán, còn lấy cả bao thì bớt cho mỗi kg 5 nghìn", bà nói.
Khi được hỏi về cách dùng loại bột này, bà hướng dẫn: "Cứ đồ ôi thiu, dù sống hay chín, pha nước ngâm vào là lại dùng tốt, 1 kg thực phẩm thì chỉ cần pha một thìa nhỏ (thìa cho trẻ ăn bột) vào nước rồi ngâm. Chỗ này dùng lâu mới hết".
Theo lời người bán hàng, đây là mặt hàng ưa chuộng của những quán cơm bình dân, cửa hàng bán đồ ăn sẵn. "Nem tai, lòng lợn... làm ra rồi, không bán hết thì chẳng ngâm cái này cho hết mùi, trắng trẻo để bán lại, thì đổ đi à. Hàng măng cũng hay dùng, thế thì mới có măng ngon cả vài tháng chứ", bà nói thêm.
Để thử nghiệm tác dụng thực sự của loại bột này, phóng viên đã dùng 2 lạng thịt mông lợn và phần lòng lợn đã luộc sẵn, để ngoài trời 2 ngày, 2 đêm, cho tới khi miếng thịt, lòng bốc mùi khó chịu, rỉ nước, nhặng bu quanh rồi ngâm vào nồi nước có pha một thìa bột săm pết trong 20 phút. Kết quả, cả miếng thịt sống và lòng chín khi vớt ra đều không còn mùi thối, màu sắc cũng hồng lại chứ không thâm, vàng, dù có vẻ hơi nhợt nhạt hơn đồ tươi.
Loại bột pha nước ngâm để xử lý thực phẩm ôi thiu không nhãn mác, chỉ ghi bên ngoài chữ Săm bét. Ảnh: Minh Thùy.
 Kết quả kiểm nghiệm với một mẫu bột này của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy, nó chứa 99% hóa chất natri sunphat (Na2SO4).
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thông thường, trong công nghệ thực phẩm, hóa chất Na2S03 thường được sử dụng hơn, để tẩy trắng, tẩy mùi, được phép sử dụng, nhưng với liều lượng thấp vì quá đà sẽ gây nguy hiểm. Còn Na2S04 là một loại hóa chất tẩy trắng dùng trong công nghiệp, không nằm trong danh mục phụ gia được sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định.
Đây là những chất oxy hóa mạnh, có khả năng tẩy màu, sát khuẩn nhưng trong quá trình chế biến phải được loại khỏi thực phẩm.
Ông cho biết, thực chất, trong hóa học, săm bét - thực chất là săm pết lại chỉ một hỗn hợp khác, gồm hai chất là KNO2 và KNO3. Đó là một phụ gia được phép dùng nhưng trong một giới hạn nhất định nhằm giữ cho thịt không bị chuyển vi sinh vật sinh ra độc thịt. Thịt được ướp chất này sẽ có màu tươi, đẹp mắt. Một lượng nhỏ kali nitrat vào cơ thể không gây độc hại. Tuy nhiên, trong cơ thể nitrat kết hợp với axit amin thành nitrosamin - một chất có khả năng gây ung thư, nên rất nguy hiểm.
Theo ông, thực tế, miếng thịt đã qua tẩy mùi, màu, dù bằng hóa chất nào, nếu nhìn qua bằng mắt thường sẽ khó nhận biết, nhưng chỉ cần để ý kỹ, sờ vào sẽ thấy ngay sự khác biệt. Khi đã ôi, thớ thịt bên trong mềm, màu sắc thịt được tẩy dù không không còn thâm đen do thịt hoại tử nhưng cũng cũng nhợt nhạt, trông "dại" hơn thịt tươi thực sự.
"Thực chất, sẽ rất ít khi người ta đem thịt này ra bán cho người mua lẻ, chủ yếu là các cửa hàng ăn uống bình dân hoặc chế biến đồ ăn sẵn mua sẽ thịt ôi về cho rẻ rồi tự 'xử lý' qua hóa chất để mất màu, mùi rồi chế biến thành các món ăn khác nhau", ông Thịnh nói.
Theo thạc sĩ Trần Trọng Vũ, Khoa Công nghệ thực phẩm Đại học công nghệ Sài Gòn thì hóa chất Na2SO4 không ảnh hưởng nhiều lắm đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu chất này dùng để "hóa phép" thịt ôi thành thịt tươi thì lại rất nguy hại.
"Vấn đề nằm ở chỗ, nếu thực phẩm được xử lý bằng hóa chất này, thì chỉ có tác động bề ngoài, thay đổi màu sắc, mùi, chứ không biến đổi được chất lượng, tức là người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm hỏng, cộng thêm một lượng hóa chất bảo quản không được phép", ông Vũ nói.
Ông cho biết, trong vòng 24 giờ, nếu để ngoài nhiệt độ thường, thịt đã hỏng và không nên sử dụng. Thịt hay các thực phẩm sống khác khi bị ôi thiu sẽ là môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật có hại sinh sôi nảy nở. Không những thế, khi hoại tử, bản thân thực phẩm động vật cũng phân hủy ra các độc tính. Người tiêu dùng khi bị đánh lừa, ăn thịt này vào sẽ rất nguy hiểm, nhẹ bị rối loạn tiêu hóa, nhiễm khuẩn, nặng thì có thể ảnh hưởng tới tính mạng...
Minh Thùy

"Công nghệ" giò chả
Ta thường hay ăn giò lụa với bánh mì, bánh ướt, ăn chả quế, chả thanh với bún bò huế, bún riêu... Không ít nhà hàng cũng đưa thực đơn có giò chả vào món ăn khai vị. Nếu như chúng được sản xuất trong các cơ sở có nhãn mác, thương hiệu hẳn hoi thì chẳng nói làm gì. Đằng này, không ít "hãng" sản xuất ở kế... lò heo vẫn cho ra lò những đòn giò chả ăn vô thấy cũng ngon, nhưng cách chế biến thì hỡi ôi, khiếp quá!
Một lần tình cờ, tôi được anh bạn là lái heo dẫn vô chơi lò sản xuất giò chả ở đường Tân Sơn (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM). Lò là một căn nhà nằm sâu trong hẻm, trong phòng chỉ có mấy cái thau đựng thịt, chiếc cối xay thịt và cái nồi hấp bự xự ở góc phòng. Ấn tượng nhất đập vào mắt tôi là mấy cái thau đựng thịt và mỡ. Phía trên lớp thịt là một tỉ con ruồi bu đen, mới nhìn thoáng qua tưởng như… hạt đậu.
Mỗi lần có người bước qua, chúng đồng loạt bay lên cái "vù" như… có bão. Như thường lệ, anh bạn tôi giao ba chục ký thịt, vài ba ký mỡ cho chủ lò. Nếu theo đúng công thức của dân làm giò chả, một ký chả có 900g thịt, 100g mỡ, còn lại là gia vị hành, tiêu, tỏi, ớt, bột ngọt… cho thơm. Thế nhưng lò ở đây không làm như vậy. Sau khi nhận hàng của bạn tôi, chủ lò lôi ra từ cái tủ đá bao nhiêu là thịt vụn bán ế từ bữa trước. Sau đó lại có cả thau mỡ lềnh bềnh trắng dã trông như… bột hồ.
Một người có lẽ là thợ xay thịt bước tới lấy mỡ và thịt vụn cho vào cối xay theo tỉ lệ 3 thịt, 10 mỡ. Trước khi xay, cả đống thịt mỡ là một khối bầy nhầy, có cả lông lá dính vô mà tay thợ chẳng thèm bóc ra. "Vô cối xay thì lông lá, da móng gì cũng thành… chả hết" - tay thợ xay lẩm bẩm một mình như vậy.
Thỉnh thoảng, tay thợ mới đưa vài miếng thịt tươi của bạn tôi trộn vào cho có "tụ". "Tám cũ hai mới" - bạn tôi rủ rỉ như vậy để giải thích tỉ lệ trộn giữa thịt tươi và thịt "thiu" của công nghệ giò chả có một không hai trên thế giới này. "Chưa hết, họ còn lấy cả thịt heo… chết trộn vô, nhằm lúc heo chết quá nhiều mà không biết xử lý bằng cách nào. Đường nào cũng tới… giò chả mà" - Bạn tôi kết luận.
Khi xay xong, số thịt mỡ hòa làm một khối màu ngà ngà, tay thợ đem cả thau bột có chừng cả chục ký lô trút vào. Sau đó, một thợ khác rắc lên một thứ bột trắng rồi trộn đều một lần nữa. Thau thịt đang có màu ngà bỗng trở nên trắng tươi. "Có thuốc tẩy vô là đen cũng biến thành trắng" - tay thợ nghêu ngao nói.
Sau đó, thịt được xay chuyển qua khâu "bao bì đóng gói". Một vài em gái lấy thịt gói vào bao nilông, theo qui cách 500g - 1kg tùy loại. Tới đây, trước khi cho vào nồi hấp, em gái không quên lấy cái que chấm vô chén nước long lỏng kế bên rồi nhỏ một giọt vào gói chả. "Hương thịt anh à - cô gái giải thích - Phải có cái này mới có mùi thịt thơm, nếu không thì mùi mỡ và thịt thiu hôi chịu sao nổi".
Hương này mua ở đâu, tôi hỏi. Cô thật thà: "Ở chợ Kim Biên chớ đâu. Anh ra đó mua nước "hương" thứ gì cũng có, rẻ rề. Một xị có ba trăm ngàn, xài cho cả trăm ký mỡ chưa hết".
Đó là nói về cách làm món giò lụa. Cách đó chừng hai trăm mét, ở đường Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) có một lò làm chả thanh - dùng để ăn kẹp với món bún bò huế hoặc bán rong ruổi theo các tuyến xe đò - cũng "ngon" không kém. Ngon đến nỗi có lần chính tôi đã phải xuống xe giữa chừng để lủi đại vô bụi cây vì… đau bụng, sau khi lỡ dại nhai hết một thanh chả thơm lừng của một tay bán dạo.
"Công nghệ" làm chả thanh này cũng là lấy thịt, mỡ trộn vào rồi xay. Nhưng tỉ lệ thịt ít hơn, chỉ có 1 thịt mà tới 10 mỡ. Chưa hết, khi xay, lò còn cho thêm 10 bột nữa. Ngoài ra để thơm ngon, thợ được chủ nhắc cho gia vị thật nhiều, có cả tiêu thật cay làm người ăn luôn tấm tắc. Có điều, nếu pha nhiều quá, miếng chả sẽ bở thì làm sao? Tôi hỏi.
Anh thợ cười khẩy: "Dễ ợt. Muốn cho chả dai thì trộn nhiều… hàn the vô". Nói rồi anh lấy một miếng chả thanh đã hấp chín đưa tôi coi. Quả thật, sau khi bóc hết lớp lá bên ngoài, bên trong là một miếng chả bóng ngời, bẻ ra dai nhách, mùi thơm nức mũi, nghe phát thèm. Nhưng mà tôi không dám ăn. Vì sợ "Tào Tháo rượt" chạy mất dép như bữa hổm.
THÚNG HỀ

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Bằng cấp và văn hóa!


           Nguồn Báo Hà Nội mới ngày 09/04/2012
        (HNM) - Mùa tuyển sinh đang đến gần. Dạo qua những lò luyện nổi tiếng quanh mấy trường nổi tiếng, không tối nào các lớp học ấy vắng người.
          Rồi, nghe cha mẹ các cháu trao đổi với nhau về chuyện cho con em mình thi vào trường đại học này, đại học kia, mới thấy cái khát khao, mong mỏi của các bậc phụ huynh về chuyện kiếm bằng được cho con em họ một tấm bằng đại học thật lớn nhưng cũng thật nặng nề. Còn đến công sở mà tìm hiểu chuyện "nỗ lực" học hành thấy sự phấn đấu cho có đủ các loại bằng cấp cần thiết của không ít người, thì mới cảm nhận được độ "nóng" của một xã hội học tập.
         Độ nóng đó được minh chứng rõ ở tình trạng hầu như tỉnh, thành phố, bộ, ngành nào xoàng cũng có vài trường trung cấp, cao đẳng, còn đỉnh hơn là dứt khoát phải có trường đại học. Chả thế mà, danh sách các trường thuộc hai đại học quốc gia, đại học dân lập và tư thục, đại học địa phương, đại học chuyên ngành dân sự, đại học vùng, các học viện, các trường dự bị đại học... tính sơ sơ đã lên tới con số gần 440 rồi. 
         Số trường đại học thì tăng với tốc độ chóng mặt mà đội ngũ cán bộ giảng dạy lại chạy không kịp, thành ra nghĩ cũng thương các thầy, cô cứ là quay như chong chóng, sáng vừa dạy ở Hà Nội, chiều đã lao xuống Hải Dương, Hải Phòng... 
         Nêu những điều ấy để thấy rằng, đúng là nước mình bây giờ đại học lắm thế thì chuyện phải sinh ra nhiều thầy là đương nhiên. Nhiều trường đại học tất sẽ nhiều bằng cấp trong xã hội.

           Bàn về chuyện bằng cấp, đáng ra phải vui nhưng thực tế nghĩ mà buồn.
          Con cái chúng ta đi học 12 năm, thì cũng đủ cả 12 lớp ấy có lớp nào chúng không lên lớp? Thế mà, xem ra đến lúc thi tốt nghiệp thôi, nếu cứ bị siết chặt một chút nhé, y như rằng đã rụng như sung cả.
          Qua được cửa tốt nghiệp, bố mẹ thở phào thì lại tiếp tục nín thở chờ con lao vào đại học. Cháu nào vào được những trường có tiếng do năng lực học tập thật sự của chúng nên vào thi là đạt yêu cầu. Còn phần đông cha mẹ lại cố mày mò tìm nơi cho con thi đỗ đại học (mà bây giờ vào đại học dân lập chỉ cần vài điểm!?), tìm dần chỗ quen biết, để hy vọng 4, 5 năm sau chúng nhận được cái bằng, làm sao chúng có chỗ mà làm việc. Nhiều cơ quan tổ chức thi tuyển đấy, nhưng chuyện tế nhị lắm, đâu phải ai cũng trúng tuyển. 
            Có bằng chính quy rồi, chạy được vào cơ quan này, nọ rồi, nhưng có vào mới lại thấy bi bí vì quanh mình xem ra nhiều anh chị học tại chức mở rộng cả? Cái độ vênh về đầu vào, về điểm xuất phát cũng khiến cho văn hóa ứng xử trở nên vênh nhau thật. Người ta "gọi bụt bằng anh", mình dám mà theo à?
            Không ai chê trách ý chí vươn lên trong học tập của mỗi người. Bởi, mỗi chúng ta ở từng vị trí công tác nhất định, nếu không thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thì chuyện hoàn thành công việc một cách bình thường đã là quá khó. Chỉ có điều, chính những quy định về nâng lương, nâng bậc, về cất nhắc, bổ nhiệm... lại luôn gắn vào với đủ loại bằng cấp này nọ, đôi khi đã khiến cuộc chạy đua bằng cấp trở thành câu chuyện bi hài. Có một thực tế là để hoàn chỉnh hàng loạt các loại bằng cấp, chứng chỉ ấy, chắc chắn ta phải tốn khá nhiều thời gian cho các khóa học đủ loại, mặc dù chất lượng cứ làng nhàng, để rồi chính phần việc chuyên môn mà ta đang đảm nhiệm lại được dành thời gian học và hành ít nhất.
           Đến ngay tại chính các trường đại học và cao đẳng, các thầy cô đã bơi ra mà dạy rồi, nhưng để "hợp chuẩn" hầu như ai cũng phải cố mà kiếm lấy cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ có điều, nếu xem các luận án ấy có mấy cái có giá trị thật sự, còn lại nó cứ na ná nhau rồi thì bằng bằng, bàng bạc như ta được đọc ở đâu rồi. 
          Ngẫm về các thầy các thế hệ trước, có người nào mang danh "tiến sĩ" đâu, nhưng sử dụng vài ba ngoại ngữ thành thạo, lại không chỉ uyên bác với hàng loạt công trình nghiên cứu để đời, mà nhân cách thì cao vời vợi.
          Cuộc chạy đua bằng cấp đủ loại ấy đã đẻ ra một lớp công chức, viên chức mà theo khảo sát mới nhất của Bộ Nội vụ, chỉ có 30% là làm được việc, 30% nữa thì cầm tay chỉ việc cũng chỉ đạt mức trung bình, còn lại chắc ai cũng tự hiểu sẽ là gì? 
           Nhiều người hôm nay để kiếm cho đủ loại bằng cấp hợp chuẩn, phải học từ xa, học mở rộng, tại chức, chuyên tu... Thế nên, kiến thức thì lỗ mỗ, hổng chỗ nọ, hụt chỗ kia. Nhưng, làm việc mà cái gì cũng lỗ mỗ kiến thức, chạy bằng cấp nên có mấy ai trong số họ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo? Với họ, đó chỉ là lời nói cho "thuận nhĩ" mà thôi.
          Khi bằng cấp trở nên quá nhiều để tiến thân mà chất lượng kém thì chuyện văn hóa ngày một vơi đi là điều khó tránh.
           Lại bàn về chuyện văn hóa.
          Mỗi người sinh ra đã được tiếp thu sự giáo dục ngay trong mỗi gia đình. Nếu cha mẹ, dòng tộc coi trọng gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống, tôn vinh việc học hành, tu thân, đấy chính là tấm gương sáng nhất cho con em mình noi theo.
           Là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, văn hóa trong mỗi con người hình thành nhờ cả một quá trình được dạy dỗ, học tập và rèn luyện từ mỗi gia đình, dòng tộc, tổ chức và chính thể. Không thể tách rời mỗi con người khỏi môi trường sống cụ thể, bởi chính từ môi trường ấy nếu ở gia đình hay nhà trường, tổ chức, sự lệch lạc về cách ứng xử, về trách nhiệm và nghĩa vụ, hay nói cao hơn là về bổn phận làm người, sẽ dễ dàng dẫn đến sự băng hoại về văn hóa. Bởi, nói đến văn hóa là nói đến chuyện làm người, chữ "Người" theo đúng nghĩa của nó.
            Khi "văn hóa phong bì" trở thành lẽ thường thì xem ra sự nghiệp giáo dục khó có thể làm nảy lên những mầm xanh của tùng, của bách luôn biết vươn thẳng trong phong ba, bão táp.
          Nhưng "văn hóa là gợi, là mở, là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời" (Phạm Văn Đồng), nên cũng đôi khi cái gợi, cái mở ấy, thậm chí cả cái đi tìm chân trời ấy đã bị nhìn nhận một cách sai lạc, đẩy ta đi chệch quỹ đạo của sự vận động; khi mà chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, con cái chúng ta luôn được đem ra thử nghiệm qua đủ các loại sách giáo khoa cải tiến kiểu này lại đến đổi mới kiểu khác. Để rồi, không ít học sinh ra trường, trở thành cán bộ, công chức nhà nước hẳn hoi nhưng chuyện nhầm lẫn khái niệm, viết câu không thành câu, sai chính tả là chuyện không hề hiếm.
            Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa, nhưng khi bằng cấp trở thành "một phần tất yếu" cho sự tiến thân, chuyện lệch lạc về tư tưởng sống là điều khó tránh. Bằng cấp cũng khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức muốn đạt các loại chuẩn cần thiết, đã chọn cho mình cách tạo dựng các mối quan hệ để liên tục được chọn theo học các loại lớp, loại trường. Tiếc rằng, những người ấy đã không nhận thức được chính việc làm của họ không phải là tiêu chí đạo đức của những người trung thực, biết vươn lên từ ý chí, nghị lực và tài năng thật sự của mình.
        Trong tập thể như vậy, sẽ hình thành một lối sống chỉ biết vì mình lấn át dần trách nhiệm và nghĩa vụ.
         Tất nhiên, không thể đổ lỗi tất cả cho những người đó. Trách nhiệm của người đứng đầu hay văn hóa lãnh đạo, cũng là điều khiến chúng ta không thể không suy ngẫm.
           Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển xã hội. Vậy thì có một câu hỏi khiến không ít người thật sự day dứt: khi bằng cấp làng nhàng của mỗi người đang ngày một nhiều hơn, có phải văn hóa cũng đang có nhiều hơn những chuyện đáng buồn?
           Nguyễn Hòa Bình

Tăng giá xăng, sức mua yếu càng thêm yếu


          Nguồn Báo SGTT.VN - Không chỉ làm tăng chi phí đầu vào, việc giá xăng dầu tăng thêm từ 400 – 900 đồng/lít vào ngày 20.4 được nhiều doanh nghiệp xem như cú đánh mạnh vào sức mua vốn đã yếu, làm bít đầu ra của sản xuất.
         Ngày 22.4, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm khẳng định họ đã nhận được thông báo tăng giá cước từ các đơn vị vận tải. Mức ít thì 1 – 2%, nhiều thì 5 – 10%.
        Chi phí đầu vào lại tăng
Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai (D&F) cho biết đợt tăng giá xăng dầu ngày 7.3, doanh nghiệp vận tải chưa tăng cước, nhưng đến đợt này (ngày 20.4) liền thông báo tăng gộp hai đợt thêm 10%. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agifish An Giang cho biết, kể từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào các mặt hàng thuỷ sản đông lạnh bán nội địa đã tăng 20%. “Quý 1 năm nay chúng tôi tính toán mức tăng chi trung bình trên mỗi sản phẩm là 7.000 đồng so với cùng kỳ”, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Sài Gòn Food cũng nói.
          Đối với những người đi biển, dầu tăng 500 đồng/lít, đồng nghĩa với việc chi phí một chuyến đi biển tăng thêm ít nhất 15 triệu đồng. Ông Trần Văn Hoa, ngư dân xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đợt tăng giá dầu cách nay hơn một tháng đã có rất nhiều ngư dân không dám đi biển, vì tiền bán cá không đủ chi phí. Lần này tăng tiếp xem như cuộc sống của ngư dân khó dựa vào biển khi giá hải sản giảm vì sức mua thấp. “Cuối năm ngoái ngư dân bán cá phèn, cá đổng cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 12.000 – 16.000 đồng”, ông Hoa kể. Cá bò, sản phẩm đang khai thác chính trong mùa này từ mức giá năm ngoái 10.000 đồng/kg, nay chỉ có 3.000 – 4.000 đồng.
       Bế tắc vì sức mua thấp
Sức mua quá thấp, đã thể hiện khá rõ qua giá tiêu dùng TP.HCM trong tháng 4.2012 này chỉ tăng 0,08%, đây là mức tăng thấp nhất trong 19 tháng qua.
      Xăng tăng giá, các tiểu thương đã dự đoán chi phí vận chuyển hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ sẽ tăng thêm khoảng 5.000 – 15.000 đồng/chuyến tuỳ địa điểm. Thế nhưng bà Nguyễn Thị Hà, bán rau củ quả chợ Hoàng Hoa Thám, Tân Bình nói: “Làm sao dám tăng giá khi chợ đầy hàng, sạp này đang phải nhìn sạp kia mà kéo giá xuống rủ khách vào mua?”
      Ở công ty Sài Gòn Food, bà Lâm ghi nhận lượng khách mua các sản phẩm đông lạnh cho nhu cầu tiệc, hải sản cao cấp giảm 20%.
      Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt, cũng nói: “Nếu tăng giá thì doanh số còn sụt nữa nên chúng tôi phải ráng cầm cự giữ nguyên giá cũ”.
      “Lúc này chúng tôi không dám nghĩ tới chuyện tăng giá”, ông Nguyễn Tuấn Phương cho biết.
       Ráng... gồng
      Nhiều doanh nghiệp cho hay, gần như các biện pháp nhằm giảm chi phí, tối ưu hoá sản xuất đều đã được áp dụng như ở những công ty Sài Gòn Food, Agifish An Giang, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… Thế nhưng việc giá đầu vào tăng liên tục, giá bán không thể tăng theo, lợi nhuận trở thành thứ “quá xa xỉ” như lời ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agifish An Giang.
       Bà Lâm khẳng định: “Lúc này dù hoà hay lỗ vốn doanh nghiệp vẫn phải cầm cự, bởi nếu không tiếp tục sản xuất sẽ mất công nhân, mất khách hàng…”
      Doanh thu ba tháng đầu năm nay của Vĩnh Thành Đạt ngang mức cùng kỳ, và để giữ được mức này công ty phải đầu tư mở thêm kênh phân phối, tuyển thêm người, thêm chi phí bán hàng để kéo khách. Chỉ tính riêng tiền xăng dầu tăng thêm lần này, mỗi tháng công ty Vĩnh Thành Đạt phải bỏ thêm 20 triệu đồng chi phí. “Chi phí tăng nhưng doanh thu không tăng”, dù vậy theo ông Thiện thì, “Phải làm chứ không ngưng được bởi tiền đầu tư đã bỏ ra, nếu ngưng sẽ mất tất cả”.
         Hoàng Bảy – Bích Nga

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Ném tiền qua công trình, dự án


           Thứ Ba, 10/04/2012 tg: HỒNG - THY – NHẬT
       Xây đường 6-8 làn xe để dân phơi nông sản, lội bộ lên nương rẫy; đầu tư cả trăm tỉ đồng làm cảng cá nhưng tàu không thể ra vào… Hàng loạt công trình hoang phí như vậy đã mọc lên ở nhiều địa phương nghèo khó
          Chuyện đầu tư dàn trải, lãng phí vốn là vấn nạn gây nhức nhối dư luận lâu nay. Điều đáng nói là nhiều địa phương tuy còn rất khó khăn nhưng vẫn “xài sang” với những công trình hoang phí tiền tỉ, thậm chí cả ngàn tỉ đồng.
         “Siêu lộ” đìu hiu
         Kon Tum là một trong các địa phương thuộc diện nghèo nhất nước nhưng lại có hàng loạt công trình, dự án đầu tư lãng phí. Cuối năm 2009, con đường được xem là đẹp nhất Tây Nguyên, nối từ cửa khẩu Bờ Y đến Quốc lộ 14 ở phía Bắc thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi – Kon Tum được đưa vào sử dụng với tổng kinh phí đầu tư hơn 900 tỉ đồng. 

Đường N5 ở Kon Tum đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng hơn 2 năm nay, xe cộ không qua lại,người dân tận dụng phơi nông sản, tập lái xe…Ảnh: NHẤT ĐIỂM HỒNG
         Công trình này gồm đường NT18 dài 12,6 km, tổng vốn đầu tư 460,9 tỉ đồng và đường N5 dài 6,291 km, tổng kinh phí xây dựng 478,9 tỉ đồng.
Theo ngành GTVT tỉnh Kon Tum, đây là con đường cần thiết để phá thế độc đạo và làm giảm áp lực lưu thông trên Quốc lộ 40 từ thị trấn Plei Kần lên cửa khẩu Bờ Y, góp phần phát triển Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.
          Tuy nhiên, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, “siêu lộ” có 6-8 làn xe, rộng 40-50 m này hầu như không có phương tiện qua lại. Người dân địa phương đã tận dụng con đường thênh thang này làm bãi phơi nông sản, lội bộ lên nương rẫy, tập lái ô tô, xe máy...!

Đường N5 ở Kon Tum đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng hơn 2 năm nay xe cộ không qua lại, người dân tận dụng phơi nông sản, tập lái xe, lội bộ đi thăm nương rẫy Ảnh: NHẤT ĐIỂM HỒNG
         Hiện nay, xe cộ từ các nơi lên cửa khẩu Bờ Y đều đi theo Quốc lộ 40 bởi thuận đường và tiện lợi. “Trong khi Quốc lộ 40 chật hẹp, nhiều đoạn chỉ rộng chừng 4 m lại xuống cấp nhưng người ta vẫn đi, còn con đường này được đầu tư xây dựng gần 1.000 tỉ đồng mà vẫn đìu hiu 2 năm nay thì quả thật rất lãng phí” - ông Đinh Bắc, ngụ thị trấn Plei Kần, ngao ngán.
          Nói về các dự án đầu tư gắn với Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum, thừa nhận: Nhiều công trình hàng trăm tỉ, hàng ngàn tỉ đồng khi thuyết minh để đầu tư đều nêu những lợi ích lớn nhưng lúc hoàn thành thì hiệu quả sử dụng không cao.
        Hiện Kon Tum đang triển khai dự án đường nối từ Quốc lộ 40 lên cột mốc ngã ba biên giới Lào - Campuchia - Việt Nam với tổng mức đầu tư 250 tỉ đồng. Đây là con đường ngoằn ngoèo, nằm trên sườn đồi trọc, không có dân cư. Đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng khi hoàn thành, con đường này cũng sẽ chủ yếu phục vụ việc lên nương rẫy của dân địa phương mà thôi.
           Xót xa công trình tiền tỉ
         Tại Quảng Ngãi, cuối năm 2011, công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ với mức đầu tư hơn 90 tỉ đồng đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động. Thế nhưng, đến giữa tháng 2-2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập đoàn thanh tra để làm rõ trách nhiệm những tập thể, cá nhân liên quan vì dự án này không hiệu quả.
           Hằng năm, cứ sau Tết là cửa biển Mỹ Á lại bị bồi lấp, ngư dân địa phương phải quần quật nạo vét thủ công để tàu thuyền có thể ra vào. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt của ngư dân, năm 2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư trên 90 tỉ đồng để xây dựng công trình cảng neo trú tàu thuyền và cửa biển Mỹ Á. Theo thiết kế, khi đưa vào sử dụng, công trình sẽ bảo đảm cho 400 tàu cá ra vào cửa biển và neo trú an toàn.
Tuy nhiên, khi công trình hoàn thành, cửa biển Mỹ Á vẫn bị bồi lấp nên tàu thuyền chưa thể ra vào. Thay vì vào cảng để bán hải sản và tiếp nhiên liệu, hàng trăm tàu cá của ngư dân phải neo đậu chen chúc ngay cửa biển.
Lão ngư Nguyễn Xếch, vạn trưởng vạn chài thôn Hải Tân, xã Phổ Quang, không thể nhớ nổi bao nhiêu tàu cá mắc cạn và bị chìm vì phải neo đậu bên ngoài. “Hiện chỉ còn khoảng 150 tàu quay về cửa biển, hơn 250 tàu khác phải vào neo trú ở những nơi khác” – ông Xếch cho biết.
          Gần đây, ngư dân lại gọi nhau đóng góp tiền thuê máy múc, xe ủi và xe tải để nạo vét cửa biển Mỹ Á. “Ngư dân tụi tôi đành phải bấm bụng góp 500.000 – 1,5 triệu đồng mỗi tàu nhưng vẫn không thấm vào đâu. Không biết chừng nào mới thông được cửa biển này” - ông Xếch rầu rĩ.
          Khu xử lý rác triệu đô “trùm mền”
        Đầu năm 2011, Khu Xử lý rác Lộc Thủy ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được xây dựng hoàn thành nhưng đến nay vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Công trình này có mức đầu tư 3,42 triệu USD, thuộc dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung, có thể xử lý 150 tấn rác/ngày, hiện đã bàn giao cho Công ty TNHH Môi trường - Công trình đô thị Huế quản lý.
         Theo ông Lê Chí Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Phú Lộc, để sớm đưa nhà máy này vào hoạt động, Công ty Môi trường - Công trình đô thị Huế đang phối hợp với huyện Phú Lộc thực hiện đề án thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt đến đây. Theo đề án, mỗi hộ dân phải chịu phí vận chuyển rác từ nhà đến điểm tập trung với mức 7.000-11.000 đồng/tháng; chính quyền địa phương sẽ chịu phí vận chuyển từ điểm tập trung về Nhà máy Xử lý rác Lộc Thủy.
          “Tuy nhiên, người dân địa phương từ lâu đã quen với việc tự xử lý rác nên chuyện thu phí là rất khó” - ông Dũng lo ngại. Ước tính mỗi ngày, huyện Phú Lộc có 22 tấn rác thải các loại, trong khi Khu Xử lý rác Lộc Thủy vẫn “trùm mền” nên dẫn đến việc quá tải ở các bãi rác tạm.
            Nguồn: Báo Người Lao động