Tìm kiếm

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

LOẠT BÀI VỀ KINH TẾ VĨ MÔ Ở VIỆT NAM


Bất ổn kinh tế vĩ mô: Thách thức lớn nhất
Nguyễn Hà - Nguồn (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam) http://vneconomy.vn 21/07/2011  
Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011.
Đây là nhận định được nêu bật tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 của Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa 13, khai mạc sáng nay (21/7).
Tại nghị quyết kỳ họp thứ chín cuối tháng 3 vừa qua, Quốc hội khóa 12 cũng đã yêu cầu Chính phủ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhắc lại ưu tiên này tại báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng thời chỉ ra những yếu tố được cho là “làm tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế” Việt Nam.
Đó là tình hình lạm phát, lãi suất, tỷ giá những tháng đầu năm 2011 tiếp tục có biến động mạnh và diễn biến phức tạp. Trong đó, lãi suất tiền gửi VND có thời điểm lên tới 16-17%/năm, lãi suất cho vay 18-20%/năm; tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do biến động mạnh và có thời điểm cao hơn tỷ giá giao dịch chính thức gần 10%...
Khẳng định những kết quả tích cực ban đầu trong phát triển kinh tế xã hội, song Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội những khó khăn rất lớn của nền kinh tế. Như, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng, nhập siêu cao…
“Khu vực sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, do phải tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, tiền tệ và kiềm chế lạm phát”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói.
Nhận định “nền kinh tế nước ta mới thu được kết quả bước đầu về ổn định kinh tế vĩ mô”, trong khi tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: cần thống nhất tư tưởng chỉ đạo là tiếp tục thực hiện nhất quán, lâu dài chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô được nhắc lại nhiều lần, Chính phủ cho rằng mức hợp lý cho tăng trưởng GDP năm nay khoảng 6%. Đây cũng là mức được coi để bảo đảm nguồn lực cần thiết thực hiện các mục tiêu về an sinh xã hội và giải quyết việc làm, đồng thời tạo điều kiện và tiền đề phấn đấu năm 2012 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 6,5% và các năm tiếp theo sẽ ở mức cao hơn, Phó thủ tướng nói.
Cũng nằm trong mục tiêu ưu tiên, dù đã nới mức lạm phát từ 7% theo yêu cầu của Quốc hội lên mức 15 - 17%, song Chính phủ cũng xác định điều hành theo hướng phấn đấu để năm sau và các năm tiếp theo sẽ giảm được con số này và trở về mức 1 con số và thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trước mắt, thời gian còn lại của năm 2011, Chính phủ xác định sẽ tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là vào các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao.
”Các công cụ của chính sách tiền tệ sẽ được sử dụng linh hoạt, hiệu quả để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất xuống mức phù hợp, nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo thanh khoản của hệ thống tín dụng, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế”, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến theo hướng tích cực, một số lĩnh vực có dấu hiệu trở lại quỹ đạo ổn định, nhưng tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2011 còn không ít khó khăn, thách thức.
Đồng tình với việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa, song cơ quan thẩm tra đề nghị trong điều hành cần bảo đảm đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng, nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh.
“Điều tiết tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đều trong năm, tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khóa 12 Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Nằm trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm, báo cáo thẩm tra cũng đặc biệt lưu ý vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bởi, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yếu có tính căn nguyên của những hạn chế của nền kinh tế hiện nay là xuất phát từ sự yếu kém nội tại.
Kinh tế vĩ mô bất ổn đến mức nào?
Nguyễn Hà - Nguồn (Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam) http://vneconomy.vn 23/09/2011
Nhiều nhận định không mấy lạc quan đã được đưa ra cho tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm và cả năm tiếp theo.
Với mục tiêu phân tích tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2011, triển vọng 2012 và đóng góp các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tại Tp.HCM vào sáng 23/9 đã nhận được tham luận của nhiều chuyên gia kinh tế với các phân tích đa chiều.
2011: Tiếp nối và tích hợp khó khăn
Tốc độ tăng trưởng giảm, lạm phát, bất ổn chưa giảm và rất khó chống là khái quát của Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên về tình hình kinh tế 2011.
Ông Thiên cho rằng, 2011 là năm tiếp nối và tích hợp khó khăn các năm trước, khi cả lạm phát và hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) đều “vô địch”. Và từ được vị viện trưởng này dành cho tình thế năm 2011 là “very hot”.
Còn theo phân tích của chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh thì tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát , bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam... đã khiến niềm tin của người dân và các nhà đầu tư trong nước cũng như quốc tế đều giảm sút.
"Không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông Doanh quả quyết.
Nhìn tổng quan nền kinh tế, nỗi lo của không ít chuyên gia kinh tế thêm một lần nữa lại tập trung vào hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước.
Theo số liệu tại tham luận của ông Trần Đình Thiên thì năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể lỗ 11.669 tỷ đồng (2010 lỗ 23.647 tỷ), Tổng công ty Xăng dầu (Petrolimex): 1.200 tỷ đồng;  Tập đoàn Công nghiệp và Tàu thủy (Vinashin): 3.092 tỷ; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines): 613 tỷ đồng...
Thiếu vốn đầu tư ngành chính nhưng đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ. Lĩnh vực được chuộng  nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ, vẫn theo số liệu của ông Thiên.
Phân tích các chỉ số vĩ mô, ông  Trần Kim Chung, thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh rằng tỷ lệ lạm phát có xu hướng bùng phát, giá vàng tăng mạnh và đồng Việt Nam giảm giá nhanh chóng trong thời gian vừa qua là các tín hiệu cho thấy cho những bất ổn tiềm ẩn trong nền kinh tế.
Vì thế các giải pháp đưa ra nhằm giải quyết các vấn đề trong các tháng cuối năm sẽ trở nên rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn so với 9 tháng đầu năm, ông Chung nhận định.
Một lưu ý khác cũng được ông Chung nhấn mạnh là thị trường vàng và thị trường ngoại hối sẽ có những biến động khó lường trong các tháng cuối năm. Do một thời gian bị kìm nén bởi các biện pháp hành chính, giá vàng và giá đồng USD (tỷ giá giữa đồng VND và đồng USD) sẽ vọt lên cao nếu các giải pháp chính sách không được triển khai kịp thời, đúng liều lượng và đúng đối tượng.
2012: Giảm lạm phát vẫn là ưu tiên số 1
Để giải quyết căn cơ những bất ổn của nền kinh tế, không chỉ có nhận định mà nhiều đề xuất về giải pháp ngay cho năm 2012 cũng đã được đặt ra tại các bản tham luận.
Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong năm 2012 về cơ bản vẫn phải duy trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội với sự điều chỉnh linh hoạt hơn 2 nhóm giải pháp về tiền tệ và tài khóa như đã xác định trong Nghị quyết 11 của Chính phủ (không thay đổi quan điểm chính của hai nhóm chính sách này).
Do đó, năm 2012 cũng như năm 2011 không nên đặt mục tiêu tăng GDP cao (khoảng 6- 6,5%), mà vẫn ưu tiên số một là kéo giảm CPI xuống dưới một con số (khoảng 9%) và quan trọng hơn là từng bước triển khai các chính sách và giải pháp để  giải quyết căn cơ những vấn đề kinh tế đang đặt ra trong bài toán phát triển.
Trong hàng loạt các giải pháp, ông Lịch cho rằng có bốn vấn đề cần được ưu tiên triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ khoá 13, bằng hệ thống pháp luật điều chỉnh, chứ không phải trên quan điểm định hướng.
Đó là phải cấu trúc lại đầu tư công, dựa trên hai nguyên tắc là phí tổn cơ hội và tính lan tỏa, tính đồng bộ; gắn liền với chính sách phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thứ hai, là tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính- tín dụng phi ngân hàng.
Thứ ba, cần sửa đổi các đạo luật có liên quan để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó ưu tiên tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và phải sớm ban hành cho được luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước. Và thứ tư là tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, tạo ra sức mua từ bên trong, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm chủ mạng phân phối nội địa.
Quan điểm phải có các giải pháp mạnh mẽ hơn để tái cấu trúc nền kinh tế cũng được đề cập tại khá nhiều tham luận khác.
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội không bình thường hiện nay cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012.
Theo ông Doanh, đặc trưng của nền kinh tế hiện nay là có nhiều bệnh mà nguồn gốc sâu xa gắn liền với thể chế kinh tế, chính sách của Nhà nước như chính sách đầu tư công, hoạt động yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước. Để khắc phục các căn bệnh đó, không thể không cải cách bộ máy quản lý của nhà nước, các chính sách kinh tế.
Nếu không có những cải cách mạnh mẽ, có hiệu lực thì khả năng nước ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” ngay trong những năm sắp tới, với mức thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp sau khi vừa vượt qua ngưỡng nước nghèo, ông Doanh lo ngại.
Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên viết trong tham luận "không thể chống được lạm phát, tái lập ổn định vĩ mô, khôi phục và xác lập cơ sở tăng trưởng hiện đại nếu không thay đổi hệ thống phân bổ nguồn lực".
Bất ổn vĩ mô: Nhìn hiện tại, lo lâu dài
Nguyễn Hà
Không đi sâu vào các chỉ tiêu cụ thể được dự báo đã vượt hay đã “phá sản” của năm nay, các ý kiến tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội chiều 24/9 tại Tp.HCM đặt sự quan tâm và lo lắng nhiều hơn vào những giải pháp dài hạn để “cứu” nền kinh tế được cho là đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
Bởi, theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế thì cái giá phải trả cho “thành tích” tăng trưởng 5 năm qua là quá lớn, những bất ổn vĩ mô đã trở nên cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động.
Thực tế không "hồng" như báo cáo
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại cuộc họp, năm 2011 có 14/22 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, hai chỉ tiêu đạt xấp xỉ và 6 chỉ tiêu không đạt, trong đó có tốc độ tăng trưởng (ước thực hiện 5,8 -6%/chỉ tiêu 7-7,%) và chỉ số giá tiêu dùng (khoảng 18%/ chỉ tiêu 7%).
Nhìn tổng quát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: “tình hình kinh tế, xã hội đã có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả”. Một số hạn chế, tồn tại được điểm mặt là lạm phát tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, nền kinh tế tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn...
Hầu hết các ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều cho rằng tình hình được nêu tại báo cáo “hồng” hơn thực tế khá nhiều.
Tổng giám đốc Sài gòn Co-op Nguyễn Ngọc Hòa nhận xét “chưa bao giờ tình hình kinh tế khăn như lúc này”. Người dân mất lòng tin còn doanh nghiệp thì có tâm lý co cụm, e dè trong sản xuất vì không tin ổn định kinh tế vĩ mô có thể được lập lại trong thời gian ngắn.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với nhiều đại biểu về nhận định tình hình hiện tại đang hết sức khó khăn. “Nhưng cũng không thể chỉ nói mặt khó, Nghị quyết 11 đã tạo ra những chuyển biến tốt”, bà Ngân nói.
Riêng về báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư,  Phó chủ tịch Ngân nói nhiều chuyên gia cả trong nước và nước ngoài đều đánh giá là  "hồng" hơn tình hình thực tế.
Vẫn như mọi phiên thẩm tra khác, nhiều ý kiến cho rằng phần đánh giá về hạn chế, yếu kém của cơ quan lập báo cáo chưa thực sự thuyết phục.
Nhắc lại tình hình khó khăn của năm 2008, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nhớ lại, khi đó câu hỏi tại sao lạm phát ở Việt Nam lại cao đến thế đã được đặt ra. Và câu trả lời được đưa ra  với “lý do bên ngoài là chính”.
Bây giờ lạm phát cao được xác định do “bên trong” là chính nhưng là chỗ nào, khâu nào ở bên trong? ông Phúc đặt câu hỏi. Đồng thời đưa ra bình luận: Báo cáo do Thủ tướng Chính phủ thì bên cạnh kết quả có  “hạn chế yếu kém”, còn báo cáo của Bộ chỉ là “tồn tại hạn chế”. Gốc rễ vấn đề, theo tôi vẫn nằm ở điều hành, ông Phúc nhấn mạnh.
“Gói” lại nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói, những yếu kém của nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ hết và đã đến lúc phải “chịu đau” để khắc phục khuyết tật.
Thấm thía tái cơ cấu
“Soi” báo cáo của  năm nay, năm sau và cả kế hoạch 5 năm tới, TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM chỉ ra điểm mới của các văn bản này là đã thấm thía sự cần thiết phải ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế, thay vì ưu tiên tăng trưởng.
Năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến hai kịch bản với tốc độ tăng trưởng 6 và 6,5%, song chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đều ở mức dưới 10%.
Theo quan điểm của đại biểu Lịch thì kịch bản nào cũng được, nhưng “sống chết” năm 2012 lạm phát phải về 1 con số.
“Mặt bằng lạm phát cuối năm nay cộng với 10% đã là ghê gớm lắm, vấn đề ở đây không chỉ là phải là kinh tế mà tác động vào xã hội rất lớn, vì lạm phát là thuế vô hình đánh vào toàn dân”, ông Lịch phân tích.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, 2012 phải là năm cơ bản để tái cấu trúc nền kinh tế trên cơ sở mô hình tăng trưởng hợp lý.
“Quan trọng nhất trong kế hoạch 5 năm không phải là GDP tăng bao nhiêu mà phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để tái cấu trúc kinh tế theo đúng lộ trình”, ông Kiên phát biểu.
Được cho là đã rõ ràng hơn, song các nội dung tái cơ cấu nền kinh tế được xác định tại báo cáo cũng chưa hoàn toàn thuyết phục được các thành viên Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo kinh tế, xã hội của Chính phủ tại mỗi kỳ họp Quốc hội.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, trong 5 năm tới, cần tập trung 3 lĩnh vực quan trọng nhất là: tái cơ cấu đầu tư công, đổi mới phân cấp đầu tư; tái cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác.
Theo một số chuyên gia kinh tế là thành viên ủy ban, tái cơ cấu đầu tư không chỉ được tiến hành ở khu vực công mà cần chú trọng cả khu vực tư nhân.
Tương tự như vậy, bên cạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước cũng cần làm việc này với khối doanh nghiệp tư nhân, vì  cả hai đều “có bệnh”, một số đang ở mức bệnh trọng.
Quan điểm này cũng đã nhận được sự thống nhất cao của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo về kinh tế vĩ mô diễn ra trước phiên họp ủy ban 1 ngày. Tại đây, với những phân tích có hệ thống, nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc phải nhìn rõ và nói rõ sự thật là tình hình đã vô cùng khó khăn và sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, muốn ổn định vĩ mô thì không còn cách nào khác là cần phải nhìn thẳng vào sự thật và "bốc thuốc đúng bệnh".

Cà phê cuối tuần: “Cần có đổi mới lần hai”
Hỏi ông có bi quan quá không khi khẳng định rằng, “không nghi ngờ gì nữa, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đang ở tình trạng xấu nhất từ năm 1991 đến nay”, ông liền hỏi lại, “thế bạn thấy có ai phản đối không?”.
Câu chuyện giữa VnEconomy với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, diễn ra khi không khí của cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM vẫn còn đang “nóng hổi”.
Là diễn giả đăng đàn thứ ba với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện.
Phải nói thẳng
Thưa ông, nhận định nền kinh tế đang ở tình trạng “xấu nhất từ năm 1991” đã được “kiểm nghiệm” ở diễn đàn nào chưa?
Chưa đâu, đây là lần đầu tiên tôi đưa ra nhận định này.
Các ý kiến tại hội thảo đều rất dễ dàng thống nhất là nền kinh tế đang rất khó khăn, song nếu khái quát như ông thì liệu có vội vàng quá không?
Thì bạn đã nghe cả tại hội thảo rồi đấy. Phải nói thẳng là tình hình đang rất xấu.
Xét về tất cả các tiêu chí kinh tế vĩ mô như lạm phát, bội chi ngân sách, thâm hụt thương mại, cán cân thanh toán quốc tế, nợ nước ngoài và nợ công, tỷ giá đồng tiền Việt Nam cũng như sự giảm sút niềm tin của người dân, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước… đều đang ở mức trầm trọng.
Đáng chú ý là sức khỏe của hệ thống ngân hàng bộc lộ nhiều vấn đề, tỷ lệ nợ xấu tăng lên. Mức tín nhiệm của Việt Nam bị các công ty nước ngoài hạ thấp đến mức B-, tức là mức thấp nhất trước mức C.
Xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam bị giảm 6 bậc trong năm 2011, xuống vị trí 65 trên 142 nền kinh tế. Tích lũy từ nội bộ kinh tế liên tục giảm sút, để duy trì mức đầu tư cao, nước ta đã tăng vay mượn nước ngoài, không chỉ qua nguồn ODA mà còn cả qua các kênh bán trái phiếu chính phủ trên thị trường tài chính quốc tế và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay mượn thương mại với lãi suất cao. Số nợ của khu vực doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bất động sản cũng tăng cao rồi.
Nợ nước ngoài lên đến 42% GDP, cao nhất từ 1998 đến nay. Nếu tính thêm nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ bảo lãnh và phải trả nợ thay khi doanh nghiệp chưa trả được, như trường hợp xi măng Đồng Bành vừa qua, thì tổng số nợ đã vượt quá 100% GDP.
Một vấn đề nữa rất đáng chú ý hiện nay là chênh lệch giàu-nghèo tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, bên cạnh những người nghèo gặp khó khăn rất lớn trong đời sống, chữa bệnh, cho con đi học..., đã xuất hiện những hiện tượng phô bày sự giàu có, xa hoa theo kiểu trọc phú, rất xa lạ với truyền thống dân tộc và định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Rồi, tội ác hình sự, các hành vi bạo lực và các tệ nạn xã hội tăng nhanh, tình hình trật tự xã hội có diễn biến phức tạp, người dân lương thiện cảm thấy kém an toàn khi đi ra đường hay đến nơi đông người.
Nhưng thưa ông, chúng ta vẫn thường nghe các đánh giá là kinh tế - xã hội đang có chuyển biến tích cực?
Tất nhiên hiện thực là bức tranh nhiều màu sắc. Bên cạnh những “khoảng tối” như tôi vừa nói thì cũng có điểm sáng, như sản xuất nông nghiệp đạt khá, xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu gạo… vẫn tăng.
Bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp phải ngừng sản xuất thì cũng có doanh nghiệp làm ăn được. Ví dụ doanh nghiệp Mỹ Lan ở Trà Vinh chế ra vật liệu nano xuất khẩu, hay gốm sứ Minh Long cũng có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có năng lực cạnh tranh…
Những điểm sáng như vậy có thể tìm thấy ở tất cả các lĩnh vực, các địa phương, nhưng chính những doanh nghiệp này cũng đang gặp khó khăn vì lãi suất cao, lạm phát làm chi phí đầu vào tăng nhanh.
Những điểm sáng đó mình phải thừa nhận, song một vài con én nhỏ không làm nên mùa xuân, không làm thay đổi được cục diện.
Vậy nên đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật, phải có sự chuyển hướng chiến lược để khôi phục lại niềm tin của dân và các nhà đầu tư.
“Đổi mới lần hai”
Xin mạn phép hỏi ông, ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, dù sao khi đã nghỉ hưu rồi thì cũng dễ “nói mạnh” hơn khi còn đương chức?
Với tôi thì không phải, tôi luôn luôn nói sự thật, vì thế nhiều phen sóng gió lắm rồi đấy, nhưng chắc bạn không biết rõ vì khi ấy bạn còn trẻ.
Còn ở tình thế hiện nay thì tôi thấy cả các anh đương chức cũng nói thẳng là chúng ta không nên ảo tưởng nữa, và nếu không điều chỉnh cho sát thực tế hơn thì kế hoạch 5 năm tới sẽ không thể thực hiện được.
Bởi thế nên ông mới kiến nghị “tình hình kinh tế-xã hội rất không bình thường này cần được phản ánh trung thực với Quốc hội để có quyết sách thích hợp cho 5 năm tới và năm 2012”?
Theo tôi thì đã đến lúc Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất cần có quyết định cải cách mạnh mẽ, mà tôi tạm gọi là đổi mới lần thứ hai, để tránh khủng hoảng.
Như đã nói, cần điều chỉnh kế hoạch 5 năm tới. Trước mắt, cần có kế hoạch ổn định kinh tế vĩ mô gắn liền với tái cơ cấu và cải cách toàn diện trong ít nhất là hai năm 2012-2013, trước khi tiếp tục thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015.
Mục tiêu của kế hoạch này là giảm lạm phát, bội chi ngân sách, nhập siêu, cải thiện rõ rệt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô bằng những cải cách mạnh mẽ trong thu-chi ngân sách, cắt giảm mạnh mẽ đầu tư công, thực hiện công khai minh bạch trong chi tiêu ngân sách, hoạt động đầu tư, thực hiện tinh giảm bộ máy nhà nước đã phình to lên nhanh chóng trong thời gian qua, cắt giảm biên chế hành chính.
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách, giảm hẳn các khoản chi tiêu còn để ngoài ngân sách, thực hiện sự giám sát đầy đủ, chặt chẽ của Quốc hội và các cơ quan dân cử về chi tiêu ngân sách. Cần sửa đổi, bổ sung Luật Mua sắm công, ban hành Luật Đầu tư công nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí, chia chác trong nhóm lợi ích.
Khâu trọng tâm là cải cách các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa, thực hiện mô hình quản lý‎ dựa trên kết quả, công khai minh bạch như những công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Khác với lần đổi mới thứ nhất - chủ yếu là cởi trói và giải phóng sức sản xuất, được sự ủng hộ của đông đảo nông dân và quảng đại quần chúng - đổi mới lần này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của bộ máy, chính sách, phải tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ những ung nhọt đang gây ra những căn bệnh kéo dài của nền kinh tế và xã hội.
Có thể, một số nhóm lợi ích đang được hưởng lợi lớn sẽ không ủng hộ một cuộc đổi mới như vậy. Đó là nhiệm vụ khó khăn cần phải vượt qua, và cũng là sứ mệnh vẻ vang của thế hệ lãnh đạo hiện nay.
Phản biện chính sách cần được làm chu đáo hơn
Trong số các giải pháp để “chữa bệnh” bất ổn, nhiều ý kiến đặc biệt nhấn mạnh đến việc giảm thu, giảm chi và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ông có chia sẻ?
Giảm thu, giảm chi thì rất đúng rồi. Tập trung ổn định vĩ mô và phải khoan sức dân, bớt thuế bớt chi tiêu đi.
Tôi cho rằng cần phải phát động phong trào toàn dân cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một vị giáo sư người Nhật nói với tôi trước đây ông ấy đến Việt Nam thì được mời rượu Johnnie Walker đỏ, còn bây giờ thì họ mời Chivas giá mười mấy triệu. Và ôtô người Việt đi cũng sang hơn trước đây nhiều. Ở Nhật, không bao giờ một quan chức nào có thể mời bạn uống rượu sang như vậy bằng tiền ngân sách.
Vì thế cần phải tiết kiệm, trong đó thì cơ quan nhà nước cần gương mẫu trước.
Còn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước thì tôi đã nói nhiều lần là cơ chế quản lý của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, nhưng không phải là không khắc phục được.
Đi Trung Quốc, tôi được Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp của Trung Quốc cho biết là đã áp dụng chế độ quản lý theo hiệu quả, nhưng doanh nghiệp nhà nước bên đó cũng còn rất nhiều vấn đề.
Hỏi thế làm thế nào để khắc phục thì ông ấy cho biết là yêu cầu một nhóm các nhà khoa học, các chuyên gia khảo sát và đề ra1 hệ tiêu chí, như phải tăng năng suất bao nhiêu, đổi mới công nghệ thế nào, lương thưởng bao nhiêu… sau đó công khai đăng lên. Ai có phương án thì gửi đến, rồi mời hội đồng nghe báo cáo, bỏ phiếu kín, người được phiếu cao nhất thì bổ nhiệm làm lãnh đạo 3 năm. Năm đầu làm không tốt thì không lên lương, năm thứ hai vẫn không làm được thì hủy hợp đồng không cho làm nữa và thay băng người khác.
Tại sao họ làm được mà Việt Nam mình chưa làm được?
Nhân nói đến vai trò của các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, có chuyên gia tự phê là ý kiến nào cũng nhấn mạnh phải tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng để góp ý cho Chính phủ tái cơ cấu bắt đầu từ đâu thì đội ngũ các nhà khoa học cũng chưa làm được nhiều. Ông có thấy “chạnh lòng” không ạ?
Lần gần đây nhất được mời đến hội nghị tham vấn cho Chính phủ thì tôi lại đang hội thảo ở nước ngoài nên không dự được, rất tiếc.
Đóng góp cá nhân thì có cũng có thể chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng tôi nghĩ chúng tôi luôn cố gắng đóng góp.
Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ.
Cho dù như vậy thì có còn hơn không, thưa ông?
Rõ ràng chứ, chỉ có điều cần mở rộng hơn nữa. Tôi tin là nếu có quyết tâm cải cách, chúng ta sẽ làm được, làm tốt.

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Danh sách 10 công ty Việt Nam lọt Top 200 châu Á.


Danh sach 10 cong ty viet nam lot top 200 chau a -Danh sách 200 công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á do Forbes vừa công bố có tới 10 đại diện từ Việt Nam, so với chỉ Vượt qua 15.000 công ty được khảo sát, 200 đại diện từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Forbes vinh danh là các công ty vừa và nhỏ tốt nhất châu Á. Nếu như năm ngoái, Việt Nam chỉ có một gương mặt lần đầu tiên lọt vào danh sách thì năm nay có tới 10 công ty.
Hai đại diện lớn nhất trong danh sach 10 cong ty viet nam lot top 200 chau a là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang và Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, với giá trị thị trường lần lượt là 454 và 108 triệu USD, theo tính toán của Forbes.
Hai công ty khác trong danh sach 10 cong ty viet nam lot top 200 chau a có cùng giá trị thị trường 72 triệu USD là Công ty cổ phần Container Việt Nam và Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (PGD).
Sáu cái tên còn lại trong danh sach 10 cong ty viet nam lot top 200 chau a lần lượt là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình vũ, Công ty cổ phần Cảng Đoạn Xá, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An, Tổng Công ty cổ phần Khoáng sản NA RÌ HAMICO, Công ty cổ phần đường Ninh Hòa, Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và Lắp máy Dầu khí.
Đây đều là 10 cái tên mới trong danh sách năm nay. Năm 2010, Việt Nam có đại diện đầu tiên được Forebs lựa chọn vào Top 200 là Vinamilk.
Forbes lựa chọn danh sách dựa trên cả hai tiêu chí doanh thu và tăng trưởng. Để được lọt vào Top 200, các công ty phải có doanh thu hàng năm từ 5 triệu đến một tỷ USD và niêm yết trên thị trường chứng khoán được ít nhất một năm.
Sau đó, Forbes tiếp tục sàng lọc dựa trên tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng doanh số và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các công ty này mỗi 12 tháng trong hơn 3 năm trở lại đây. Một tiêu chí khác cũng rất quan trọng là khả năng quản lý vượt qua thời điểm kinh tế khó khăn, hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu từ năm 2008. 200 cái tên được chọn ra sau khi sàng lọc từ một danh sách khoảng 15.000 công ty nhỏ và vừa từ khắp nơi trên châu Á.
Các công ty đến từ Trung Quốc đại lục và Hong Kong chiếm ưu thế với 65 đại diện. Tính trung bình, doanh số của các công ty này tăng trưởng 43% trong 3 năm qua, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng trưởng 50% trong cùng khoảng thời gian.
So với năm ngoái, nhiều công ty đã phát triển vượt bậc và vượt cả ra ngoài tiêu chí doanh thu dưới một tỷ USD. Ví dụ 3 đại diện từ Trung Quốc đã vượt khỏi danh sách là hãng thời trang thể thao Anta Sports Products, nhà cung cấp dịch vụ Internet Baidu and và công ty quần áo Shenzhou International Holdings. Tương tự, nhà sản xuất pin lớn nhất Ấn Độ là Exide Industries không còn nằm trong danh sách năm nay do doanh thu đã vượt xa một tỷ USD trong năm vừa rồi.

Tiến sĩ dỏm chủ trì hội nghị khoa học thật


Nguồn: Báo Nông thôn ngày nay
(Dân Việt) - Đã có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, với dạng học vị mập mờ kiểu như ông Cao Minh Quang, không biết có đủ tư cách và trình độ để chủ trì một hội nghị về khoa học hay không?
Bộ Y tế đã phát hành giấy mời tham dự Hội thảo "Tăng cường quản lý chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu tại các cơ sở khám chữa bệnh" tổ chức trong 2 ngày 28 và 29.9.2011, tại Lâm Đồng. Trong giấy mời có ghi "chủ trì: Tiến sĩ Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế".
Thế nhưng, cũng thông tin từ Bộ Y tế, hiện Bộ đang chờ ông Quang giải trình về các vấn đề mà báo chí đã nêu trong thời gian qua như: Gian lận bằng cấp, tuổi, vay nợ, trù dập cán bộ...
Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GDĐT, bằng mà ông Quang tự khai là tiến sĩ dược học chưa phải là bằng tiến sĩ. Vậy thì việc phát hành giấy mời hội thảo có ghi "chủ trì: Tiến sĩ Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế" có còn giá trị? Đã có nhiều ý kiến băn khoăn rằng, với dạng học vị mập mờ kiểu như ông Cao Minh Quang, không biết có đủ tư cách và trình độ để chủ trì một hội nghị về khoa học này không?
Có thể, ông Quang dựa vào quy trình xét khiếu nại, đợi Bộ Y tế xác minh trả lời thay; hoặc là ông tự tin rằng "vàng thiệt không sợ lửa", nhưng với dư luận thì "lửa thiệt cũng không sợ vàng". Hơn 80 triệu dân, mà sức khỏe và sinh mệnh của họ có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng "tri thức" của ông, rất cần ông trả lời trên báo chí.
Ông Quang đương kim là Thứ trưởng Bộ Y tế ở Việt Nam thì ông phải chứng minh với người Việt mình là "vàng thật", đừng để độc giả gõ vào Google mấy chữ "thứ trưởng Cao Minh Quang" là hiện ra hàng trăm tin ông có bằng tiến sĩ dỏm.
Thứ trưởng Cao Minh Quang cần phải tự làm sáng tỏ mình để dân chúng có niềm tin rằng, ông không sử dụng bằng dỏm và nhờ một trục quyền lợi nào trong ngành dược để đưa ông lên chức cao. Và từ đó, để chứng minh cho thiên hạ thấy rằng mình cũng đủ tư cách và vị thế để chủ trì một cuộc hội thảo khoa học về dược liệu và thuốc.
Mai Bá Kiếm
Bằng của ông Cao Minh Quang chưa phải tiến sĩ
Cục Khảo thí khẳng định: Văn bằng “Licentiatexemen” mà ông Quang nhận được từ Trường ĐH Uppsala, Thụy Điển là văn bằng trình độ trung gian, trình độ trên thạc sĩ hoặc trình độ tiền tiến sĩ, chưa phải là bằng tiến sĩ (Ph.D).
Ngày 26.9, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (gọi tắt Cục Khảo thí) Bộ GD&ĐT cho biết vừa tiến hành xác minh về vấn đề “tương đương học vị tiến sĩ” của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang.
Theo đó, qua tìm hiểu từ trung tâm lưu giữ dữ liệu sinh viên Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển), nơi ông Quang theo học, Cục Khảo thí khẳng định: Trong hệ thống văn bằng của Thụy Điển, văn bằng “Licentiatexemen” mà ông Quang nhận được từ Trường ĐH Uppsala là văn bằng trình độ trung gian (Intermediate Degree), trình độ trên thạc sĩ hoặc trình độ tiền tiến sĩ, chưa phải là bằng tiến sĩ (Ph.D).
Trước đó vào tháng 2.2000, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Phân viện Kiểm nghiệm TP.HCM cho biết: Bằng Licenciate of Pharmaceutical Sciencses (thuộc hệ thống văn bằng Licentiatexemen) của ông Cao Minh Quang do Trường ĐH Uppsala cấp tương đương với bằng tiến sĩ dược học theo hệ thống đào tạo sau ĐH của Việt Nam.
Theo Pháp luật TP.HCM
Thứ trưởng Cao Minh Quang khai man bằng cấp
Dân Việt - Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang khai trong hồ sơ lý lịch là tiến sĩ, đồng thời in danh thiếp là tiến sĩ dược khoa. Tuy nhiên, sự thật là ông Cao Minh Quang chưa bao giờ có học vị tiến sĩ.
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang chỉ theo học một khóa học từ năm 1993 -1994 tại Trường Đại học Uppsala (Thụy Điển) và đạt được chứng chỉ về nghiên cứu khoa học dược phẩm tự nhiên.
Thế nhưng, ông Cao Minh Quang tự khai trong phiếu Đảng viên là tiến sĩ (năm 2003). Lúc đó ông Cao Minh Quang vẫn còn đang là Phân viện trưởng Phân viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế. Tiếp đó, đến năm 2006, khi là Cục trưởng Cục Quản lý dược, ông Quang tiếp tục khai trong bản tự khai sơ yếu lý lịch là: Tiến sĩ dược.
Trong bản tự khai này, ông khai rõ rằng ông đạt chứng chỉ “Licentiate of Pharmaceutical Sciences (tương đương tiến sĩ dược khoa)”. Và để chứng minh cho mọi người biết học vị tiến sĩ của mình, ông Quang còn cho in danh thiếp ghi rõ: “Cao Minh Quang - Tiến sĩ Dược khoa - Cục trưởng”.
Vậy ông Cao Minh Quang có phải là tiến sĩ dược khoa như ông đã khai hay không? Ngày 8.9.2011, Cơ quan Lưu trữ Thông tin Sinh viên thuộc Trường ĐH Uppsala (Thụy Điển) đã có thư hồi đáp Bộ GDĐT Việt Nam về vấn đề này.