Tìm kiếm

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

NGƯỜI DẪN ĐƯỜNG TẬN TỤY



Người dân thị trấn Nam Phước nói riêng, du khách có dịp đến ngã ba Nam Phước nói chung đã từng chứng kiến và khá quen thuộc với hình ảnh anh thợ sửa khoá Lê Văn Thịnh tay cầm tấm biển đỏ, dẫn dắt các cụ già, trẻ em qua đường khiến nhiều người hết sức cảm phục. Gặp anh Thịnh vào một ngày oi bức, tôi ấn tượng với một người đàn ông ít nói nhưng ánh mắt luôn chứa đựng nhiều nhiệt tâm. Đôi bàn tay thô ráp vì hằng ngày phải liên tục mài, dũa, cắt chìa, sửa khóa cho khách hàng để kiếm cái sinh nhai. Nhưng cũng chính đôi tay này đã dìu dắt không biết bao nhiêu cụ già, học sinh, trẻ em ở ngã ba Nam Phước sang đường an toàn. Nhiều người đã nhận xét: “Trong nhịp điệu hối hả của cuộc sống, ai nấy đều dồn thời gian cho công việc, sinh hoạt của mình thì hình ảnh anh thợ sửa khoá Lê Văn Thịnh là một hình ảnh đẹp, cần được tôn vinh, biểu dương và khen ngợi”!
Ngã ba Nam Phước, huyện Duy Xuyên là một trong những vị trí trọng điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Đây là nơi giao nhau giữa tỉnh lộ 610 và Quốc lộ 1A nên mật độ xe cộ, người tham gia giao thông rất đông đúc khiến tình hình giao thông diễn biến rất phức tạp. Tiệm cắt chìa, sửa khóa của anh Thịnh nằm bên lề đường, gần với ngã ba Nam Phước nên anh đã chứng kiến nhiều vụ va quẹt, tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày ở đây. Nhiều cụ già tuổi cao, chân yếu, mắt mờ đi qua đường đã rất khó khăn nhưng vô cùng nguy hiểm; trẻ em, nhất là học sinh của trường Tiểu học số 3 Nam Phước lúc bãi trường mà người nhà chưa đón kịp, các em tự đi qua đường không kịp quan sát kỹ rồi bị xe tông, ... Những cái chết thương tâm, những thương tật không đáng có để lại trên thân thể các cụ, các cháu đã gieo vào lòng anh Thịnh nổi xót xa, ray rức. Anh thường xuyên trăn trở: Mình phải làm gì để góp phần giảm bớt tai nạn giao thông ở đây, nhất là tai nạn với các cụ già, trẻ em? Nổi niềm ấy đã thôi thúc anh thực hiện ý tưởng làm người dẫn đường cho các cụ, các cháu. Công việc này đã được anh thực hiện hơn 15 năm nay một cách âm thầm và tự nguyện. Điều quan trọng nhất với anh là góp phần làm giảm bớt nổi bất hạnh trong từng gia đình, chung tay xây dựng cuộc sống xã hội ngày một an toàn, tươi đẹp hơn!
Nghề sửa khoá, làm chìa là nguồn sống chính của bản thân anh cùng gia đình. Trong công việc, anh luôn luôn cần mẫn, chi li từng chi tiết nhỏ nên khách hàng rất vừa lòng. Tuy vậy, thu nhập hằng ngày của vợ chồng anh Thịnh cũng chỉ đủ cho chi tiêu tằng tiện trong gia đình. Anh yêu nghề và yêu luôn công việc làm người dẫn đường của mình. Tay thoăn thoắt cắt chìa, sửa khoá nhưng mắt anh thỉnh thoảng vẫn liếc nhìn xem có ai đang cần mình giúp đỡ không. Thấy một cụ già hay một em bé đang lúng túng nhìn dòng xe chạy là ngay lập tức anh bỏ dở công việc đang làm để giúp. Đã hơn mười lăm năm “hành nghề” dắt người già và trẻ em sang đường, anh Thịnh đã rất thân thiết với những em học sinh trường Tiểu học số ba Nam Phước. Có những em nhỏ được anh dắt sang đường đi học những ngày đầu tiên giờ đã vào đại học. Mỗi buổi tan trường về, người đi đường thường nghe giọng trẻ con ơi ới gọi: “Chú Thịnh”, “Chú Thịnh”! thì người thợ sửa khoá lại tức tốc sang dẫn các cháu qua đường. Các em cười đùa vui vẻ vì an tâm đã có chú Thịnh quan sát xe cộ trên đường. Bàn tay nhỏ nhắn của các em nằm gọn trong đôi bàn tay thô ráp của chú thợ sửa khóa với niềm tin tưởng và yêu mến. Anh Thịnh ân cần như một người cha mà cũng gần gũi như một người bạn của trẻ nhỏ. Tâm sự về công việc của mình, anh bảo đó là chuyện đơn giản trong cuộc sống, nhưng là một phần không thể thiếu trong ngày. Làm riết rồi quen nên đi đâu cũng nhìn xem có ai cần sang đường hay không. Nhiều người không biết, cười anh làm việc không đâu, bảo anh khi không lo việc thiên hạ, các em đã có phụ huynh đưa đón rồi nhưng anh chỉ cười trừ, có những điều nhìn từ bên ngoài làm sao mà hiểu hết.
Dắt người già, trẻ em sang đường - công việc mới nghe tưởng chừng như dễ dàng, đơn giản nhưng thực chất rất phức tạp và khó khăn, đòi hỏi phải có một sự kiên nhẫn, lòng yêu thương, tâm huyết mới có thể làm được. Nhiều lúc công việc nhiều, khách hàng đứng chờ và hối thúc liên tục, nhiều người cằn nhằn vì đợi quá lâu nhưng anh ôn tồn bảo: “Không dắt tụi nhỏ qua, lỡ có chuyện gì mình hối cũng không kịp”. Những người này dần cũng hiểu và thông cảm với anh. Không kể một người hay nhiều người cần sang đường, anh Thịnh đều nhiệt tâm và ân cần giúp đỡ, không chờ đợi, nề hà vì phải bỏ dở công việc của mình. Anh Thịnh cho đi tình yêu thương của mình và cũng nhận lại được sự kính trọng của các cha mẹ học sinh. Có anh họ yên tâm mỗi khi con mình tan học mà chưa đến đón kịp; có anh các cháu sẽ biết đi đúng luật giao thông, biết cùng nhau đoàn kết khi sang đường. Anh Phạm Quang Năm - bạn thân nhiều năm của anh Thịnh cho biết: thỉnh thoảng lại thấy anh Thịnh có những quả ổi, quả xoài, hỏi ra mới biết đó là do các em học sinh được anh dắt sang đường biếu để bày tỏ lòng biết ơn! Anh Thịnh không bao giờ nhận quà biếu của phụ huynh học sinh, bởi theo anh đây là công việc chung mà bản thân anh phải có trách nhiệm góp công sức vào thực hiện. Anh Năm còn cho biết thêm: “Nó ít nói về bản thân lắm, cái tính lâu nay là vậy! nó giờ chỉ ước ao phía bên kia ngã ba cũng có một người dẫn đường như nó”.
Mặt trời đã lên cao nhưng anh Thịnh vẫn nán lại cho hết giờ học để dẫn học sinh sang đường rồi mới về ăn trưa. Dù một ngày dẫn hàng chục cháu qua đường nhưng anh bảo vẫn chưa hết run bởi anh cần tập trung cao độ, tuyến đường này giao thông rất phức tạp. Hiểu được tấm lòng thiện nguyện của anh, công an thị trấn Nam Phước đã làm một tấm biển “Nhường đường cho người già và trẻ em” để anh thuận tiện hơn trong công việc của mình.
Cứ như thế, giữa ngược xuôi dòng người, anh Thịnh - Người dẫn đường vẫn âm thầm làm công việc của mình. Người dẫn đường ấy đã đưa các em đến bờ của sự an bình và cũng là bến bờ của tình người. Việc làm hôm nay của anh Thịnh sẽ mang nhiều ý nghĩa trong tương lai khi những mầm non ấy bước vào đời. Để rồi hằng ngày ở ngã ba Nam Phước này, người ta vẫn thấy nụ cười hồn nhiên của các em đi ngang qua bao nổi lo toan, vất vả của cuộc sống xã hội ngoài kia./.
                                                                                  Hà Dung-BTG Huyện ủyDuy Xuyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét