Tìm kiếm

Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Tiền đề cho sự đổi mới



Thứ Tư 05:38 10/09/2014 (Nguồn Báo Hà Nội mới - Vũ Duy Thông)
 Cuối cùng thì sau một thời gian dài gần như được cả xã hội quan tâm chờ đợi, chiều qua Bộ GD-ĐT đã công bố phương án về kỳ thi quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 6-2015.
Dẫu vẫn còn một số ý kiến chưa thật sự đồng tình, song nhìn chung, có thể thấy phương án tổ chức kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT đưa ra lần này đáp ứng được cả hai tiêu chí của Chính phủ đưa ra và vì thế nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận. Cụ thể là với việc gộp cả 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi CĐ-ĐH (thậm chí nếu tính kỳ thi ĐH-CĐ là 2 kỳ thi riêng thì là 3 kỳ thi) thành 1 kỳ thi duy nhất mang tên kỳ thi quốc gia, với 4 môn thi trong đó có 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn, phương án này không những sẽ giảm được sự rườm rà, tốn kém về vật chất, mà còn giúp vơi đi lo lắng, áp lực đối với thí sinh, phụ huynh và thậm chí là cả xã hội. Quy định sau khi đỗ kỳ thi quốc gia mới có thể đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng sẽ giúp giảm rất nhiều hồ sơ ảo, đồng nghĩa với việc giảm cả sự chuẩn bị về người coi thi, chấm thi, phòng thi và nhiều lãng phí khác. Đáng kể là phương án thi này cũng đáp ứng được tiêu chí đánh giá đúng trình độ học vấn, năng lực của thí sinh, bảo đảm phân luồng mạnh cho các cấp học sau THPT. Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc rất có ý nghĩa trong việc đào tạo con người mới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập…
Thi cử là một khâu trong quá trình học tập của một con người. Kỳ thi rất quan trọng nhưng cũng chỉ là đánh giá năng lực học tập của một giai đoạn mà thôi. Vấn đề quan trọng nhất không phải là tổ chức thi như thế nào mà là chất lượng của kỳ thi đó ra sao, có nghiêm túc, đánh giá chính xác trình độ học vấn, năng lực của thí sinh, có đáng tin cậy hay không. Kỳ thi càng căng thẳng, thiếu chính xác, thiếu minh bạch vô hình trung càng khuyến khích thái độ coi trọng bằng cấp, không coi trọng thực lực đang khá phổ biến trong xã hội. Vì vậy, dẫu không thể kỳ vọng phương án thi mới sẽ giải quyết được hết những vấn đề tồn tại lâu nay trong lĩnh vực GD-ĐT, song dù sao cũng có thể xem đây là một bước đột phá trong công tác đánh giá, tuyển sinh, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới nền giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng, với việc đặt mục tiêu quyền lợi của thí sinh và chất lượng tuyển sinh lên hàng đầu, ngành GD-ĐT đã chấp nhận "gánh" thêm những áp lực, khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh từ nay đến thời điểm diễn ra kỳ thi chỉ còn khoảng 10 tháng nữa. Do vậy, ngành GD-ĐT sẽ phải nỗ lực, phấn đấu hết mình để có một kỳ thi nghiêm túc, công bằng, bảo đảm sự tin cậy, tạo tiền đề cho việc tổ chức kỳ thi quốc gia trong những năm tiếp theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét