Tìm kiếm

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Để phát huy vai trò cá nhân người đứng đầu


SGTT.VN - Trước tình trạng bàn thảo sôi động về một loạt vấn đề của đất nước, nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết tâm trạng của ông: “Tôi thấy buồn vì nói thì nhiều mà làm thì ít quá!”
Người tài, tiêu chuẩn cán bộ, trách nhiệm của người đứng đầu hay vai trò cá nhân… là những vấn đề theo ông “chủ trương đã có” song thực tế vẫn rất thiếu cơ chế, chính sách còn thực thi hầu như chẳng thấy gì.
Trong xã hội, hiện đang chí ít có hai chủ đề trở thành “mốt thời thượng” đang hình thành. Một là, khắp nơi đâu đâu cũng phát biểu, hội thảo, họp bàn về “tái cơ cấu”. Hai là, liên tục bàn về “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Riêng về đề tài thứ hai này, Đại hội Đảng VI, và tiếp đó là các Đại hội VII, VIII, IX, X, XI đều có những nội dung liên quan đến sử dụng người tài. Tính ra 30 năm liên tục chủ trương này đã được chính thức nêu, nhưng trên thực tế vẫn chưa thấy những động thái, chính sách thiết thực làm thay đổi tình hình. Ai cũng nói đại khái như nhau: để chọn lựa người tài thì phải công khai, nhưng đã thực công khai chưa? Vẫn chưa. Hoặc muốn có người tài, ai cũng biết là phải cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng giáo dục vẫn đầy rẫy những bất cập! Hoặc ai cũng nhấn mạnh phải đãi ngộ, tôn vinh người tài vì không thể áp dụng chính sách bình quân chủ nghĩa, nhưng thực tế mới chỉ dừng lại ở lời nói chứ chưa làm được mấy… Bản thân tôi, khi còn làm ở bộ Ngoại giao, đã đề xuất trợ cấp thêm cho người có hai, ba ngoại ngữ, nhưng rồi cũng không thực hiện được vì vướng cơ chế tiền lương… Tóm lại, có những chuyện nói để mà nói nhưng rồi lại đánh trống bỏ dùi! Lẽ ra một chủ trương ra đời thì phải chỉ định đầu mối chỉ đạo tổ chức thực hiện với lộ trình, đầu việc, trách nhiệm cụ thể để hiện thực hoá nó thành chính sách và nhất là tiến hành các biện pháp thiết thực. Đây chính là vấn đề cốt lõi nếu thực tâm muốn triển khai công việc hiệu quả.
Hiện nay, chưa có hệ thống tiêu chí rất cụ thể cho từng chức danh trong hệ thống cán bộ lãnh đạo, quản lý của ta từ cấp Trung ương, cấp bộ đến địa phương, bao gồm tỉnh, huyện, xã, phường. Theo tôi, có ba loại cán bộ: cán bộ lãnh đạo; cán bộ khoa học – công nghệ – nghệ thuật – văn hoá; cán bộ sản xuất – kinh doanh. Không thể từ cấp Trung ương đến cấp xã đều chung một tiêu chuẩn na ná giống nhau là trung thành, đoàn kết... gần đây thêm những mỹ từ như trí tuệ, đổi mới... nhưng không rõ nội hàm là gì. Sao cứ hội thảo, hội họp mãi mà không định được tiêu chuẩn rất cụ thể cho từng chức danh? Nếu không làm, thì bao giờ thực hiện thành công được chiến lược về cán bộ mà Đảng đã đề ra?
Qua phát biểu của một số thành viên Chính phủ gần đây có những nét mới, cách hành xử cũng khá ấn tượng, vợ chồng tôi xem trên tivi thấy thế cũng mừng, nhưng để đánh giá chính xác có lẽ phải chờ thêm hành động cụ thể và hiệu quả công việc, có lẽ khoảng một năm sẽ thấy rõ. Dù sao đi nữa nhiều thành viên Chính phủ khoá mới có một số điểm chung: một là, lớp bộ trưởng mới ngày càng trẻ hơn; hai là, được đào tạo tốt hơn, có bằng cấp thật và kiến thức thật; ba là, đều đã trải qua những công việc, lĩnh vực công tác thực tế tương đối gần với trách nhiệm của họ hiện nay; và bốn là, họ được tiếp cận thế giới nhiều. Đó là những cảm nhận ban đầu của tôi. Các đồng chí đó có biến được những thế mạnh đó thành kết quả trong công việc hay không, rất cần có thời gian để chứng minh. Nhưng có một điều cần thông cảm với họ là hiện còn không ít sức cản như sức ì của bộ máy, sự rối rắm của cơ chế, thậm chí những lợi ích của các nhóm... Vì thế không phải mọi việc họ định ra đều có thể làm được một cách dễ dàng. Đó chính là cái đáng buồn cho họ và cơ chế. Các thế hệ trước không phải không có những hoài bão, nhiều việc có thể biết đấy nhưng chưa dễ gì làm được. Hy vọng rằng, lớp bộ trưởng mới vượt qua được mọi sức cản. Nếu động cơ là vì dân thì sẽ được dân ủng hộ!
Tôi đọc báo thấy mới đây một ông bộ trưởng ở Hàn Quốc từ chức vì cúp điện, một bộ trưởng khác có con gái vào làm trong bộ mình dù cô con gái rất giỏi, qua mọi cuộc khảo sát nhưng vẫn phải từ chức; rồi ở Nhật Bản cũng có vị bộ trưởng từ chức chỉ vì có một vài phát ngôn không cẩn thận… Phải nói thật rằng, do cơ chế và cả tinh thần trách nhiệm của ta chưa rõ ràng, nên mới có tình trạng các vấn đề bức xúc thuộc thẩm quyền ngành mình nhưng vẫn không dám quyết mà phải hỏi, chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên. Khi có chuyện gì xảy ra cũng lại không quy được trách nhiệm cho ai, và cũng không có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nếu cơ chế này không thay đổi, tôi e rằng sự trì trệ còn dài dài…
Quan điểm của tôi là bên cạnh việc khẳng định vai trò của quần chúng; nên nêu rõ cả vai trò của hiền tài, của lãnh đạo. Nếu nói mọi việc là do quần chúng quyết định thì rất đúng nhưng chưa đủ, có lẽ nên nói là: mọi việc do quần chúng được các vị hiền tài dẫn dắt quyết định. Nếu đổ trách nhiệm hết lên vai quần chúng thì quần chúng bầu anh lên làm gì? Vẫn là quần chúng đó, nhưng nếu người đứng đầu khác, sẽ khác. Và điều cực kỳ quan trọng là hạt nhân lãnh đạo luôn phải đồng tâm nhất trí và nêu cao tấm gương tài trí, đức độ, có như thế mới quy tụ được quần chúng làm nên sự nghiệp. Trong một vụ mà anh vụ trưởng và anh vụ phó găng nhau, và theo đó tập thể chia thành hai phe, thì làm sao tập thể đó mạnh được? làm sao hoàn thành nhiệm vụ được?
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan - Nguồn Báo  Sài Gòn tiếp thị, Kim Hoa ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét