Tìm kiếm

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Người tài hôm nay


Nước Việt Nam từ xưa:
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt không đời nào thiếu...
Nước Việt Nam phong kiến, trừ một số ngoại lệ, tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, già trẻ đều có cơ hội thăng tiến thông qua hệ thống thi cử. Thi cử có một điểm yếu chết người, để vươn lên chỉ có một đường duy nhất - thi đỗ làm quan. Hậu quả của hệ thống tuyển chọn đó vẫn tồn tại tới tận hôm nay. Người Việt Nam vốn tin đỗ đạt mới thành người nên giờ đây, khi có nhiều điều kiện, cơ hội hơn, họ đều sẵn sàng hy sinh tất cả cho con em ăn học, kiếm mảnh bằng. Quan niệm ấy đã quá nặng nề từ bao đời, lại càng phát triển mạnh vì những sai lầm trong chiến lược giáo dục - đào tạo; trong thực tế dùng người: Từ chế độ làm việc theo phân công hơn là theo kiến thức, khả năng thời bao cấp; và xin cho, bằng cấp hiện nay. Bằng của chúng ta, trong rất nhiều trường hợp, kể cả học vị sau đại học, chưa thể hiện đúng trình độ, kiến thức của người sở hữu nó. Ai cũng biết vậy mà ai cũng cố có được bằng cấp vì không có nó khó thăng tiến...
10 năm qua, số trường cao đẳng, đại học ở nước ta tăng 2,5 lần, tới 386 trường; sinh viên tăng 2,3 lần (hơn 2,2 triệu). Hầu như tỉnh nào cũng có đại học. Bộ GD-ĐT tuyên bố tiếp tục mở thêm các trường. Tuy nhiên, rất nhiều trường chỉ có tên, chỗ học phải đi thuê. Thiết bị giảng dạy, nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá... hoặc tạm bợ, hoặc không có. Trò đông, thầy thiếu. Trò tăng hơn 2 lần thầy tăng 30%. Thầy có ngày dạy tới 12 - 14 tiết; chương trình cả học kỳ thầy có đúng một tuần để hoàn thành... Bộ GD-ĐT có dự án tới năm 2020 sẽ có thêm 20 nghìn tiến sĩ. Liệu chỉ tiêu đó có hiện thực? Chúng ta vốn quen, ngay cả trong giáo dục, cứ khánh thành cho đúng tiến độ bất chấp chất lượng, rồi sau đó ngày rộng tháng dài lại làm tiếp. Thử tưởng tượng hàng nghìn tiến sĩ không đạt chất lượng vì phải ra cho đủ số lượng theo kế hoạch. Đó sẽ là một thành tích hay tai họa?
Chúng ta không có người đủ tài để đua tranh với thế giới hay bản chất vấn đề ở chỗ khác. Trong 8 năm Hà Nội tiến hành chủ trương ưu tiên tuyển chọn thủ khoa tốt nghiệp đại học, chỉ 57 trong số 1.000 thủ khoa được tiếp nhận. Có rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học danh tiếng, đội ngũ hùng hậu những nhà khoa học với đủ mọi học vị nhưng nhiều thiết bị, nông cụ tiện dụng, phù hợp với đồng lúa Việt Nam, lại do mấy Anh Hai chân đất làm ra: Máy bóc ngô, lạc, đậu; xử lý rác thải, máy liên hợp; dịch chuyển các công trình kiến trúc, thậm chí cả trực thăng... Họ không được hỗ trợ tài chính từ ngân hàng; giúp đỡ kiến thức từ các nhà khoa học; nhiều người còn không được chính quyền ủng hộ.
Người tài của chúng ta mọi thời kỳ, nhất là hôm nay, không thiếu. Thiếu là một chiến lược, một chương trình hành động đào tạo, giúp đỡ, sử dụng tài năng.
Nguyễn Triều - Nguồn: Báo Hà Nội mới - 11/09/2011 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét