Tìm kiếm

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

TRÁCH NHIỆM

Sự cố ca sĩ Mỹ Linh hát sai, hát nhịu, hát lung tung bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lễ hội pháo hoa Đà Nẵng cuối tháng tư vừa rồi là một sơ suất. Nhưng đó là một sơ suất thuộc lỗi chuyên nghiệp. Mỹ Linh đã chủ quan thành ra khinh suất, nhất là bài hát này cô đã từng biểu diễn thành công. Mỹ Linh đã không thận trọng khi ra sân khấu, dù là bất cứ sân khấu lớn nhỏ nào thì khi bước ra đó, người nghệ sĩ cũng phải cẩn trọng hết sức và biểu diễn hết mình. Và cái không chuyên nghiệp sau nữa của Mỹ Linh là cô đã không ý thức được điều sai của mình với nhạc sĩ, với công chúng. Giá như sau đêm biểu diễn đó, cô chủ động lên tiếng với báo chí xin lỗi ban tổ chức và khán giả thì hay biết mấy. Chờ khi báo chí lên tiếng trước rồi cô mới thấy ra lỗi của mình, mới xin lỗi, lại còn cho biết là chồng cô đã mắng cô về cái sai đó nữa, thì người nghe vẫn thấy gợn. Trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về Mỹ Linh cả trong việc hát sai, cả trong việc không kịp thời sửa sai xin lỗi.
Phạm Xuân Nguyên
Điều này không riêng ca sĩ Mỹ Linh mắc phải. Rất nhiều các cơ quan công quyền của ta chỉ lên tiếng xin lỗi, nhận trách nhiệm sai sót hoặc hứa xem xét tình hình khi và chỉ khi đã bị các phương tiện truyền thông đại chúng nêu tên chỉ việc, hoặc nặng hơn nữa là phanh phui sự cố. Như trường hợp ở đình Trang Liệt, phường Trang Hạ, Từ Sơn, Bắc Ninh. Một ngôi đình cổ được xếp hạng di tích văn hóa, nơi từ đây đã phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, vậy mà có một cái chợ ngang nhiên nhóm họp và tồn tại trong một thời gian dài nhưng chính quyền đại phương cứ làm lơ, không ra tay dẹp bỏ. Cho đến khi được nhân dân phản ánh, đài truyền hình trung ương phát một phóng sự về tình trạng đó, chính quyền mới hành động. Vậy mà vị đại diện chính quyền còn nói là sẽ làm nghiêm, sẽ bảo vệ cho đình được phong quang. Thử hỏi, nếu không bị đài đưa lên sóng, họ có biết nhưng có làm không?
Hàng ngày chúng ta nói nhiều về trách nhiệm của mỗi người, của cơ quan đoàn thể, của tổ chức bộ máy. Nhưng hình như càng nói nhiều thì trách nhiệm càng bé lại, giảm đi, đến thành ra không thấy trách nhiệm ở ai, ở đâu nữa. Mỗi cá thể cũng như tập thể cứ chờ bị nhắc, bị báo đài săm soi thì mới giật mình, mới vội sửa chữa cái sai, cái dở. Do đó mới có một tâm trạng rất đáng buồn và đáng cười ở ta là săn đón các phương tiện truyền thông, nhất là truyền hình, mỗi khi “tốt phô ra”, còn khi “xấu xa đậy lại” thì lại tìm mọi cách ngăn cản phóng viên, nhà báo tiếp cận sự việc, thậm chí là hành hung người đang đưa tin, làm tin.
Trách nhiệm vì thế không chỉ là một yêu cầu xã hội, mà còn là một đòi hỏi nội tâm, để mỗi con người, mỗi tổ chức biết cân nhắc, thận trọng trước mỗi hành vi, hoạt động của mình, dù là trong lĩnh vực nào và ở phạm vi nào.
              Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét