Tìm kiếm

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Tăng giá xăng, sức mua yếu càng thêm yếu


          Nguồn Báo SGTT.VN - Không chỉ làm tăng chi phí đầu vào, việc giá xăng dầu tăng thêm từ 400 – 900 đồng/lít vào ngày 20.4 được nhiều doanh nghiệp xem như cú đánh mạnh vào sức mua vốn đã yếu, làm bít đầu ra của sản xuất.
         Ngày 22.4, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm khẳng định họ đã nhận được thông báo tăng giá cước từ các đơn vị vận tải. Mức ít thì 1 – 2%, nhiều thì 5 – 10%.
        Chi phí đầu vào lại tăng
Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm Đồng Nai (D&F) cho biết đợt tăng giá xăng dầu ngày 7.3, doanh nghiệp vận tải chưa tăng cước, nhưng đến đợt này (ngày 20.4) liền thông báo tăng gộp hai đợt thêm 10%. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agifish An Giang cho biết, kể từ đầu năm đến nay, chi phí đầu vào các mặt hàng thuỷ sản đông lạnh bán nội địa đã tăng 20%. “Quý 1 năm nay chúng tôi tính toán mức tăng chi trung bình trên mỗi sản phẩm là 7.000 đồng so với cùng kỳ”, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc công ty Sài Gòn Food cũng nói.
          Đối với những người đi biển, dầu tăng 500 đồng/lít, đồng nghĩa với việc chi phí một chuyến đi biển tăng thêm ít nhất 15 triệu đồng. Ông Trần Văn Hoa, ngư dân xã Phước Tĩnh, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết đợt tăng giá dầu cách nay hơn một tháng đã có rất nhiều ngư dân không dám đi biển, vì tiền bán cá không đủ chi phí. Lần này tăng tiếp xem như cuộc sống của ngư dân khó dựa vào biển khi giá hải sản giảm vì sức mua thấp. “Cuối năm ngoái ngư dân bán cá phèn, cá đổng cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu từ 18.000 – 20.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ còn 12.000 – 16.000 đồng”, ông Hoa kể. Cá bò, sản phẩm đang khai thác chính trong mùa này từ mức giá năm ngoái 10.000 đồng/kg, nay chỉ có 3.000 – 4.000 đồng.
       Bế tắc vì sức mua thấp
Sức mua quá thấp, đã thể hiện khá rõ qua giá tiêu dùng TP.HCM trong tháng 4.2012 này chỉ tăng 0,08%, đây là mức tăng thấp nhất trong 19 tháng qua.
      Xăng tăng giá, các tiểu thương đã dự đoán chi phí vận chuyển hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ sẽ tăng thêm khoảng 5.000 – 15.000 đồng/chuyến tuỳ địa điểm. Thế nhưng bà Nguyễn Thị Hà, bán rau củ quả chợ Hoàng Hoa Thám, Tân Bình nói: “Làm sao dám tăng giá khi chợ đầy hàng, sạp này đang phải nhìn sạp kia mà kéo giá xuống rủ khách vào mua?”
      Ở công ty Sài Gòn Food, bà Lâm ghi nhận lượng khách mua các sản phẩm đông lạnh cho nhu cầu tiệc, hải sản cao cấp giảm 20%.
      Ông Trương Chí Thiện, giám đốc công ty Vĩnh Thành Đạt, cũng nói: “Nếu tăng giá thì doanh số còn sụt nữa nên chúng tôi phải ráng cầm cự giữ nguyên giá cũ”.
      “Lúc này chúng tôi không dám nghĩ tới chuyện tăng giá”, ông Nguyễn Tuấn Phương cho biết.
       Ráng... gồng
      Nhiều doanh nghiệp cho hay, gần như các biện pháp nhằm giảm chi phí, tối ưu hoá sản xuất đều đã được áp dụng như ở những công ty Sài Gòn Food, Agifish An Giang, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân… Thế nhưng việc giá đầu vào tăng liên tục, giá bán không thể tăng theo, lợi nhuận trở thành thứ “quá xa xỉ” như lời ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agifish An Giang.
       Bà Lâm khẳng định: “Lúc này dù hoà hay lỗ vốn doanh nghiệp vẫn phải cầm cự, bởi nếu không tiếp tục sản xuất sẽ mất công nhân, mất khách hàng…”
      Doanh thu ba tháng đầu năm nay của Vĩnh Thành Đạt ngang mức cùng kỳ, và để giữ được mức này công ty phải đầu tư mở thêm kênh phân phối, tuyển thêm người, thêm chi phí bán hàng để kéo khách. Chỉ tính riêng tiền xăng dầu tăng thêm lần này, mỗi tháng công ty Vĩnh Thành Đạt phải bỏ thêm 20 triệu đồng chi phí. “Chi phí tăng nhưng doanh thu không tăng”, dù vậy theo ông Thiện thì, “Phải làm chứ không ngưng được bởi tiền đầu tư đã bỏ ra, nếu ngưng sẽ mất tất cả”.
         Hoàng Bảy – Bích Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét