Tìm kiếm

Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Bằng cấp và văn hóa!


           Nguồn Báo Hà Nội mới ngày 09/04/2012
        (HNM) - Mùa tuyển sinh đang đến gần. Dạo qua những lò luyện nổi tiếng quanh mấy trường nổi tiếng, không tối nào các lớp học ấy vắng người.
          Rồi, nghe cha mẹ các cháu trao đổi với nhau về chuyện cho con em mình thi vào trường đại học này, đại học kia, mới thấy cái khát khao, mong mỏi của các bậc phụ huynh về chuyện kiếm bằng được cho con em họ một tấm bằng đại học thật lớn nhưng cũng thật nặng nề. Còn đến công sở mà tìm hiểu chuyện "nỗ lực" học hành thấy sự phấn đấu cho có đủ các loại bằng cấp cần thiết của không ít người, thì mới cảm nhận được độ "nóng" của một xã hội học tập.
         Độ nóng đó được minh chứng rõ ở tình trạng hầu như tỉnh, thành phố, bộ, ngành nào xoàng cũng có vài trường trung cấp, cao đẳng, còn đỉnh hơn là dứt khoát phải có trường đại học. Chả thế mà, danh sách các trường thuộc hai đại học quốc gia, đại học dân lập và tư thục, đại học địa phương, đại học chuyên ngành dân sự, đại học vùng, các học viện, các trường dự bị đại học... tính sơ sơ đã lên tới con số gần 440 rồi. 
         Số trường đại học thì tăng với tốc độ chóng mặt mà đội ngũ cán bộ giảng dạy lại chạy không kịp, thành ra nghĩ cũng thương các thầy, cô cứ là quay như chong chóng, sáng vừa dạy ở Hà Nội, chiều đã lao xuống Hải Dương, Hải Phòng... 
         Nêu những điều ấy để thấy rằng, đúng là nước mình bây giờ đại học lắm thế thì chuyện phải sinh ra nhiều thầy là đương nhiên. Nhiều trường đại học tất sẽ nhiều bằng cấp trong xã hội.

           Bàn về chuyện bằng cấp, đáng ra phải vui nhưng thực tế nghĩ mà buồn.
          Con cái chúng ta đi học 12 năm, thì cũng đủ cả 12 lớp ấy có lớp nào chúng không lên lớp? Thế mà, xem ra đến lúc thi tốt nghiệp thôi, nếu cứ bị siết chặt một chút nhé, y như rằng đã rụng như sung cả.
          Qua được cửa tốt nghiệp, bố mẹ thở phào thì lại tiếp tục nín thở chờ con lao vào đại học. Cháu nào vào được những trường có tiếng do năng lực học tập thật sự của chúng nên vào thi là đạt yêu cầu. Còn phần đông cha mẹ lại cố mày mò tìm nơi cho con thi đỗ đại học (mà bây giờ vào đại học dân lập chỉ cần vài điểm!?), tìm dần chỗ quen biết, để hy vọng 4, 5 năm sau chúng nhận được cái bằng, làm sao chúng có chỗ mà làm việc. Nhiều cơ quan tổ chức thi tuyển đấy, nhưng chuyện tế nhị lắm, đâu phải ai cũng trúng tuyển. 
            Có bằng chính quy rồi, chạy được vào cơ quan này, nọ rồi, nhưng có vào mới lại thấy bi bí vì quanh mình xem ra nhiều anh chị học tại chức mở rộng cả? Cái độ vênh về đầu vào, về điểm xuất phát cũng khiến cho văn hóa ứng xử trở nên vênh nhau thật. Người ta "gọi bụt bằng anh", mình dám mà theo à?
            Không ai chê trách ý chí vươn lên trong học tập của mỗi người. Bởi, mỗi chúng ta ở từng vị trí công tác nhất định, nếu không thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thì chuyện hoàn thành công việc một cách bình thường đã là quá khó. Chỉ có điều, chính những quy định về nâng lương, nâng bậc, về cất nhắc, bổ nhiệm... lại luôn gắn vào với đủ loại bằng cấp này nọ, đôi khi đã khiến cuộc chạy đua bằng cấp trở thành câu chuyện bi hài. Có một thực tế là để hoàn chỉnh hàng loạt các loại bằng cấp, chứng chỉ ấy, chắc chắn ta phải tốn khá nhiều thời gian cho các khóa học đủ loại, mặc dù chất lượng cứ làng nhàng, để rồi chính phần việc chuyên môn mà ta đang đảm nhiệm lại được dành thời gian học và hành ít nhất.
           Đến ngay tại chính các trường đại học và cao đẳng, các thầy cô đã bơi ra mà dạy rồi, nhưng để "hợp chuẩn" hầu như ai cũng phải cố mà kiếm lấy cái bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Chỉ có điều, nếu xem các luận án ấy có mấy cái có giá trị thật sự, còn lại nó cứ na ná nhau rồi thì bằng bằng, bàng bạc như ta được đọc ở đâu rồi. 
          Ngẫm về các thầy các thế hệ trước, có người nào mang danh "tiến sĩ" đâu, nhưng sử dụng vài ba ngoại ngữ thành thạo, lại không chỉ uyên bác với hàng loạt công trình nghiên cứu để đời, mà nhân cách thì cao vời vợi.
          Cuộc chạy đua bằng cấp đủ loại ấy đã đẻ ra một lớp công chức, viên chức mà theo khảo sát mới nhất của Bộ Nội vụ, chỉ có 30% là làm được việc, 30% nữa thì cầm tay chỉ việc cũng chỉ đạt mức trung bình, còn lại chắc ai cũng tự hiểu sẽ là gì? 
           Nhiều người hôm nay để kiếm cho đủ loại bằng cấp hợp chuẩn, phải học từ xa, học mở rộng, tại chức, chuyên tu... Thế nên, kiến thức thì lỗ mỗ, hổng chỗ nọ, hụt chỗ kia. Nhưng, làm việc mà cái gì cũng lỗ mỗ kiến thức, chạy bằng cấp nên có mấy ai trong số họ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo? Với họ, đó chỉ là lời nói cho "thuận nhĩ" mà thôi.
          Khi bằng cấp trở nên quá nhiều để tiến thân mà chất lượng kém thì chuyện văn hóa ngày một vơi đi là điều khó tránh.
           Lại bàn về chuyện văn hóa.
          Mỗi người sinh ra đã được tiếp thu sự giáo dục ngay trong mỗi gia đình. Nếu cha mẹ, dòng tộc coi trọng gìn giữ những giá trị đạo đức truyền thống, tôn vinh việc học hành, tu thân, đấy chính là tấm gương sáng nhất cho con em mình noi theo.
           Là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, văn hóa trong mỗi con người hình thành nhờ cả một quá trình được dạy dỗ, học tập và rèn luyện từ mỗi gia đình, dòng tộc, tổ chức và chính thể. Không thể tách rời mỗi con người khỏi môi trường sống cụ thể, bởi chính từ môi trường ấy nếu ở gia đình hay nhà trường, tổ chức, sự lệch lạc về cách ứng xử, về trách nhiệm và nghĩa vụ, hay nói cao hơn là về bổn phận làm người, sẽ dễ dàng dẫn đến sự băng hoại về văn hóa. Bởi, nói đến văn hóa là nói đến chuyện làm người, chữ "Người" theo đúng nghĩa của nó.
            Khi "văn hóa phong bì" trở thành lẽ thường thì xem ra sự nghiệp giáo dục khó có thể làm nảy lên những mầm xanh của tùng, của bách luôn biết vươn thẳng trong phong ba, bão táp.
          Nhưng "văn hóa là gợi, là mở, là không thỏa mãn cái đã có, là đi tìm chân trời" (Phạm Văn Đồng), nên cũng đôi khi cái gợi, cái mở ấy, thậm chí cả cái đi tìm chân trời ấy đã bị nhìn nhận một cách sai lạc, đẩy ta đi chệch quỹ đạo của sự vận động; khi mà chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục, con cái chúng ta luôn được đem ra thử nghiệm qua đủ các loại sách giáo khoa cải tiến kiểu này lại đến đổi mới kiểu khác. Để rồi, không ít học sinh ra trường, trở thành cán bộ, công chức nhà nước hẳn hoi nhưng chuyện nhầm lẫn khái niệm, viết câu không thành câu, sai chính tả là chuyện không hề hiếm.
            Tư tưởng, đạo đức và lối sống là những lĩnh vực then chốt của văn hóa, nhưng khi bằng cấp trở thành "một phần tất yếu" cho sự tiến thân, chuyện lệch lạc về tư tưởng sống là điều khó tránh. Bằng cấp cũng khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức muốn đạt các loại chuẩn cần thiết, đã chọn cho mình cách tạo dựng các mối quan hệ để liên tục được chọn theo học các loại lớp, loại trường. Tiếc rằng, những người ấy đã không nhận thức được chính việc làm của họ không phải là tiêu chí đạo đức của những người trung thực, biết vươn lên từ ý chí, nghị lực và tài năng thật sự của mình.
        Trong tập thể như vậy, sẽ hình thành một lối sống chỉ biết vì mình lấn át dần trách nhiệm và nghĩa vụ.
         Tất nhiên, không thể đổ lỗi tất cả cho những người đó. Trách nhiệm của người đứng đầu hay văn hóa lãnh đạo, cũng là điều khiến chúng ta không thể không suy ngẫm.
           Văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển xã hội. Vậy thì có một câu hỏi khiến không ít người thật sự day dứt: khi bằng cấp làng nhàng của mỗi người đang ngày một nhiều hơn, có phải văn hóa cũng đang có nhiều hơn những chuyện đáng buồn?
           Nguyễn Hòa Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét