Tìm kiếm

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Cần loại bỏ “bệnh phong trào”!

Nguồn Báo Hà Nội mới - thứ Hai, ngày 17/08/2015
Trong cuộc sống, cùng với những phong trào mang tính tích cực, nhận được sự hưởng ứng của xã hội vì hướng tới những mục tiêu là lợi ích chung của cộng đồng, điển hình như các phong trào xóa đói, giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế, thanh niên tình nguyện, lại xuất hiện những "phong trào" dù tuổi thọ không dài, xuất hiện chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng để lại hệ lụy cho xã hội.
Xin bắt đầu từ chính cuộc sống của người nông dân, một bộ phận chiếm khoảng trên 70% dân số và hơn 60% lực lượng lao động xã hội. Còn nhớ, khoảng hơn hai mươi năm trước, đời sống của nhà nông rộ lên "phong trào" nuôi ốc bươu vàng trong vòng vài năm, nhưng đến giờ bà con vẫn khổ vì tác hại do "phong trào" này để lại. Rồi chuyện nuôi bò sữa, ba ba, cá sấu, tôm, cá da trơn… tràn lan. Đúng là có không ít nhà nông làm giàu từ những cách làm ăn mới, nhưng chạy theo… "phong trào" cũng đã khiến hàng loạt hộ gia đình trắng tay, sạt nghiệp, rơi vào cảnh túng bấn, nợ nần. Đấy là chuyện nuôi đỉa, nuôi giun, nuôi dế… còn may chưa bị đẩy lên thành… phong trào". Tương tự, việc lựa chọn trồng cây gì ở nhiều vùng, miền trong cả nước cũng khổ vì "bệnh phong trào". Có thời gian, người dân đua nhau chặt phá rừng để đầu tư trồng cà phê, tiêu... mất vài ba năm, đến mùa thu hoạch thì cà phê, tiêu rớt giá, họ lại chặt bỏ, thậm chí chặt phá luôn cả những rừng cao su đang đến độ thu hoạch mủ để trồng cây sả vì nghe nói xuất khẩu tốt… Luẩn quẩn, mải miết chạy theo "phong trào" tự phát, tới khi tư duy được việc làm kinh tế thời nào cũng cần phải đưa ra những dự báo chính xác về nhu cầu thị trường sau khi điều tra nguồn lực, tiềm năng khai thác, điều kiện tự nhiên, xã hội... thì "học phí" phải trả là quá đắt.
Lối tư duy theo... phong trào không chỉ diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp, ở người nông dân mà cả với các lĩnh vực khác trong xã hội. Đặc biệt khi lối tư duy đó nhiễm vào những người làm công tác quản lý, lãnh đạo các cấp cũng mắc thì mọi chuyện trở nên nguy hiểm! 
Từ cái bệnh không có trong từ điển y học như đã nêu ở trên, thêm vào đó là tâm lý ganh đua theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy", "kém miếng khó chịu" đã dẫn đến tình trạng địa phương của anh có sân golf, nhà máy xi măng, nhà máy đường, nhà máy luyện thép… thì tỉnh tôi cũng phải "xin" phê duyệt từng ấy quy hoạch, đầu tư. Thậm chí ở cấp cơ sở, huyện anh xây nhà văn hóa, chợ đầu mối hoành tráng, đầu tư xây khu - cụm công nghiệp, làng nghề… thì huyện tôi cũng không thể thua kém. Từ đó có những chuyện cười mà đầy nước mắt. Một thời, nhiều địa phương đua nhau xây dựng nhà máy bia, như tính toán của các chuyên gia, nếu các nhà máy bia này hoạt động hết công suất thì trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam bất kể già trẻ, trai gái phải tiêu thụ tới vài lít bia. Đúng là chuyện thật như đùa, vậy nên sau đó, sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là điều dễ hiểu. Hay như chuyện xây mới các chợ dân sinh, cải tạo, nâng cấp một số chợ hiện có. Hàng nghìn tỷ đồng đã bỏ ra, hàng loạt trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối xuất hiện nhằm tạo nên bộ mặt mới về văn minh đô thị. Song tiếc rằng hiệu quả không như mong muốn khi nhiều công trình rơi vào cảnh đìu hiu, người bán không vào, người mua không tới, còn số lượng chợ tạm, chợ "cóc" lại không giảm. Nguyên nhân là do công tác lập quy hoạch, lựa chọn vị trí, địa điểm xây dựng chợ chưa hợp lý; công tác điều tra xác định nhu cầu thị trường chưa chính xác; chưa dự báo được tình hình phát triển khi lập dự án; vị trí quy hoạch chợ chưa thuận lợi đối với nhu cầu mua bán của người dân; đường giao thông khó khăn, hạ tầng không đồng bộ… 
Ở cấp quản lý cao hơn, có thời gian nhiều địa phương đua nhau làm cảng biển. Những tính toán khoa học vốn là yếu tố quyết định sự khả thi và hiệu quả kinh tế của từng dự án không được coi trọng đúng mức, thậm chí còn bị chèn ép bởi tính sĩ diện cùng tư duy… địa phương chủ nghĩa và ý chí của những người lãnh đạo, quản lý dẫn đến hệ quả là cảng biển nơi thiếu, nơi thừa, một ngành kinh tế được coi là mũi nhọn không thể phát huy hiệu quả. Cụ thể, các cảng phía Bắc chỉ đạt 25-30% khối lượng hàng hóa nên công suất chưa được sử dụng hết; miền Trung chiếm 13% khối lượng hàng hóa, cảng biển lại nhiều nên đa phần là lỗ; trong khi đó, các cảng phía Nam chiếm 57%, riêng container đến 90%, hiện đang ở tình trạng quá tải… 
Tương tự như thế là chuyện đầu tư xây dựng khu công nghiệp, sân bay, cảng hàng không… và đặc biệt là xây dựng các sân golf, một loại hình được nhiều nhà đầu tư và chính quyền một số địa phương coi là "gà đẻ trứng vàng". Có lẽ năm 2009 là mốc thời gian "đỉnh điểm" của phong trào phát triển sân golf với khoảng 150-160 dự án được cấp phép, đang xin cấp phép, đã hoàn công hoặc còn đang là đất ruộng. Con số này gấp 4 lần số lượng sân golf hiện có của nước Pháp và chiếm khoảng 28% diện tích đất trồng lúa của nước ta. Trước tình trạng đó, Chính phủ đã phải tiến hành rà soát và phê duyệt quy hoạch sân golf đến năm 2020, trong đó cắt giảm gần một nửa số dự án chưa thành hình, thành khối và kết quả là diện tích đất trồng lúa bị dự án sân golf chiếm dụng chỉ còn khoảng 2%. 
Đầu tư theo kiểu "bệnh phong trào" nêu trên, bên cạnh việc tiêu tốn tiền bạc không đem lại hiệu quả kinh tế, còn để lại cho xã hội những "dị tật" mà chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều. Những tác động tiêu cực không thể không đề cập tới trách nhiệm trong quản lý, điều hành của lãnh đạo, cán bộ một số địa phương cùng các bộ, ngành chức năng. Vậy mà, vừa rồi lại có địa phương nêu ý tưởng xây dựng dự án tổ hợp 10 sân golf, mua bản quyền, lấy thiết kế của các sân golf nổi tiếng thế giới và cho rằng đây là ý tưởng "đột phá" đối với một tỉnh nghèo. Cụ thể, dự án sẽ thu hút các golf thủ trên khắp thế giới đến với địa phương vì họ sẽ tiết kiệm được thời gian, tiền của để rong ruổi tới các sân golf đẳng cấp?! Đúng là ý tưởng mới, lạ và… hấp dẫn. Tuy nhiên, tính khả thi đến đâu thì còn phải chờ phân tích, tính toán dựa trên cơ sở khoa học và những con số cụ thể. Song, có một điều mà các cán bộ lãnh đạo địa phương này nhắc đi nhắc lại, đó là nguồn vốn dành cho dự án tổ hợp sân golf này hoàn toàn do nhà đầu tư tự thu xếp, địa phương không phải bỏ tiền đối ứng. Cần phải thấy rằng, vốn để đầu tư, dù từ nguồn nào cũng đều là của cải của xã hội, cũng đều phải xem xét hiệu quả chứ không thể "ném tiền qua cửa sổ". Trách nhiệm của những người quản lý, lãnh đạo là làm sao để mọi nguồn lực được đầu tư đúng chỗ, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp đồng thời phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Kết hợp và hài hòa giữa các nhóm lợi ích là như vậy.
Một câu chuyện khác. Tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới chủ trương của một tỉnh về việc xây dựng tượng đài và quảng trường, trung tâm hành chính của địa phương trong vài năm tới với tổng mức đầu tư tới khoảng 1.400 tỷ đồng. Con số đó xấp xỉ 1/2 mức thu ngân sách của địa phương trong một năm. Đáng chú ý đây là một tỉnh nghèo, hằng năm phải nhận nguồn phân bổ từ ngân sách trung ương tới hơn 6.500 tỷ đồng (nguồn thu từ địa phương chỉ đạt chưa đến 30%)… Dù lãnh đạo địa phương cho biết, nguồn vốn thực hiện dự án xác định dùng ngân sách địa phương và huy động nguồn xã hội hóa, không làm ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác… Song như đã nêu, dù kinh phí lấy từ nguồn nào thì xét cho cùng đều là của cải của xã hội. 
Vấn đề đặt ra là việc thực hiện dự án đó liệu đã phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể của địa phương? 
Đầu tháng qua, ngày 3-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản 1261 trả lời những nội dung chất vấn của một đại biểu Quốc hội trong việc xây dựng quảng trường hoành tráng đang có dấu hiệu phát triển thành… phong trào. Theo đó, quyết định xây dựng các quảng trường thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND các tỉnh, thành phố với nguồn kinh phí chủ lực là ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ quan điểm: "Việc xây dựng quảng trường tại các đô thị là tạo lập không gian sinh hoạt chung, phù hợp với xu thế phát triển của đô thị văn minh hiện đại và cần được nghiên cứu trên cơ sở tổng hòa giữa nhu cầu địa phương, cộng đồng dân cư; theo tiêu chuẩn, quy hoạch của các bộ quản lý, ngành có liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL...); thời điểm, lộ trình phù hợp với tình hình phát triển KT-XH, khả năng huy động vốn…". Như vậy mọi việc đã rõ, không cần phân tích thêm. Song có lẽ, với văn bản này, hàng loạt địa phương trong thời gian qua đã lập đề án xây dựng quảng trường, trung tâm hành chính của địa phương với nguồn vốn dự tính lên tới một, hai nghìn tỷ đồng, cá biệt có cả đề án lên tới 5.500 tỷ đồng… buộc phải nhìn nhận lại, công việc đó có phù hợp trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, bội chi vẫn tăng, nợ công cao… Không thể chỉ vì tính ganh đua thành tích, chạy theo phong trào, thậm chí là tư duy… nhiệm kỳ nhằm thực hiện những công việc mang dấu ấn cá nhân mà bỏ qua hoặc vượt lên trên tất cả những hệ lụy cho địa phương và đất nước.
Vẫn biết, nhiệm vụ xây dựng kinh tế phải được thực hiện song song với phát triển văn hóa. Văn hóa chính là nền tảng, mục tiêu của phát triển kinh tế. Đích cuối cùng của phát triển kinh tế là để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người. Tuy nhiên, phát triển văn hóa không đồng nghĩa với chạy đua theo kiểu phong trào, ganh nhau để "chinh phục" các kỷ lục về thành tích hoành tráng. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, phát triển văn hóa cần có quy hoạch, kế hoạch, chiến lược dài hơi, cụ thể; tương hợp với điều kiện kinh tế, sự phát triển chung của cộng đồng và kỳ vọng hướng tới… xây dựng kinh tế cũng tương tự như vậy. 
Không thể chạy đua vì thói sĩ diện cá nhân, vì lợi ích cục bộ của địa phương hay một nhóm người để rồi "vung tay quá trán", sử dụng đồng tiền thiếu trách nhiệm (dù là bất cứ từ nguồn nào), ấy là chưa nói tới mưu lợi cho bản thân. Vì vậy, phải loại bỏ "bệnh phong trào" trong tư duy của những người lãnh đạo - dù ở cấp nào - thì đất nước mới phát triển!


Hoàng Thu Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét