Tìm kiếm

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2015

"Sức mạnh mềm văn hóa" - chủ động hay bị động?



Nguồn Báo Hà Nội mới, thứ Hai 24/08/2015
Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng con người Việt Nam là nhiệm vụ không chỉ trong một thời gian, một thời kỳ mà là hằng ngày, hằng giờ và lâu dài...
Suy cho cùng, những gì còn lại là văn hóa. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của dân tộc. Hàng nghìn năm phát triển cùng sự thăng trầm và những biến cố lịch sử, văn hóa Việt Nam đã thể hiện một sức sống mãnh liệt trước âm mưu đồng hóa của những nền văn hóa lớn. Văn hóa Việt Nam đã được tôi luyện và có sức đề kháng cao. Điều này cho chúng ta sự tự tin trên chặng đường hội nhập đầy gian nan phía trước, khi con thuyền Việt Nam ra biển lớn, đối mặt với không ít cạm bẫy và những thách thức của tiến trình toàn cầu hóa.
1. Trước hết, cần khẳng định, toàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, toàn cầu hóa không phải là một hiện tượng bất biến, mà là một quá trình mở, luôn vận động, luôn biến đổi, chứa đựng nhiều mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực... Hội nhập quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự chi phối của nhiều thế lực siêu quốc gia, xuyên quốc gia không phải là con đường trải hoa hồng với những đất nước có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam. Vì vậy, vấn đề đặt ra không chỉ là tận dụng những thời cơ, cơ hội để phát triển kinh tế mà quan trọng không kém là giảm thiểu những bất lợi, những tác động tiêu cực mà quá trình hội nhập có thể gây ra đối với một dân tộc, một đất nước. Đặc biệt trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa với vai trò là nền tảng làm nên cốt cách và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Các mạng internet, cáp quang xuyên đại dương, các mạng kết nối siêu lộ thông tin… đã tạo ra kết cấu hạ tầng của toàn cầu hóa. Nói cách khác, toàn cầu hóa là hệ quả tất yếu từ sự phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ cao. Như vậy, có thể thấy, toàn cầu hóa là thành quả của văn minh nhân loại, nó chứa đựng nhiều giá trị tích cực, góp phần thúc đẩy đời sống kinh tế và sự phát triển văn hóa của các dân tộc trên thế giới. Nhưng ở khía cạnh khác, toàn cầu hóa chính là sản phẩm của kinh tế thị trường hiện đại, chứa đựng những mặt trái của "trò chơi" thị trường. Và trong quá trình toàn cầu hóa, không thể không nói tới sự chi phối của các siêu cường trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và cả trong lĩnh vực văn hóa.
Một nhà nghiên cứu người Mỹ cho rằng: Các tín hiệu văn hóa Mỹ thông qua Hollywood và McDonald mang đi khắp thế giới đang phá tan cơ sở của các xã hội khác. Theo một con số thống kê: 85% số phim được chiếu tại 22 nước phát triển nhất thế giới là phim Mỹ. Ở một điểm nhìn khác, không thể trói chặt hay đóng khung trong biên giới quốc gia, những giá trị truyền thống của một dân tộc sẽ thay đổi thế nào khi trở thành một yếu tố thương mại trong tiến trình toàn cầu hóa? Những yếu tố của nền văn hóa này xâm nhập vào nền văn hóa kia, hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa khác là hết sức bình thường trong quá trình tiếp biến văn hóa, nhưng từ những vấn đề nêu trên cho thấy một thực tế: Với tiềm lực công nghệ và truyền thông hiện đại, các siêu cường đang đồng hóa những quốc gia, dân tộc khác bằng "sức mạnh mềm" văn hóa!
2. Chúng ta cần làm và phải làm gì để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống với vai trò là nền tảng, sức mạnh của dân tộc trước dồn dập những con sóng du nhập của văn hóa trong bối cảnh hội nhập với một "thế giới phẳng"? Đây là một câu hỏi luôn mang tính thời sự, nhưng không mới với dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa Việt Nam đã có không ít cuộc "đụng độ" với nhiều nền văn hóa lớn như văn hóa Trung Hoa, văn hóa phương Tây. Những "vết thương" không thể tránh, nhưng bản lĩnh văn hóa Việt Nam đã được tôi luyện cùng cốt cách dân tộc Việt Nam: Chúng ta tiếp biến văn hóa ngoại lai và sáng tạo những giá trị mới chứ không chấp nhận sự đồng hóa.
Việc mô phỏng chữ Hán để tạo thành chữ Nôm của cha ông ta không chỉ thể hiện tính tự cường, tự chủ mà còn là một biểu hiện sinh động về việc tiếp thu có sáng tạo những thành tựu văn hóa ngoại lai của dân tộc Việt Nam. "Quốc âm thi tập" của Nguyễn Trãi, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du không chỉ là những áng thơ tuyệt tác chứa đựng triết lý sâu xa, tâm hồn dân tộc mà còn thể hiện quan điểm thẩm mỹ độc đáo của người Việt qua nghệ thuật đỉnh cao của ngôn từ. Đặc biệt, trong cuộc "đụng độ" văn hóa ở thời kỳ cận đại, với bản lĩnh trong việc tiếp biến các giá trị văn hóa ngoại lai, chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã tiếp thu từ văn tự, báo chí, tiểu thuyết, đến kiến trúc, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Các loại hình văn hóa nghệ thuật phương Tây du nhập vào Việt Nam đã được biểu đạt một cách tinh tế, sáng tạo với đạo lý, thẩm mỹ dân tộc và mang lại những giá trị mới cho kho tàng văn hóa Việt Nam.
Thế nhưng, hội nhập với thế giới trong kỷ nguyên thông tin, văn hóa Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề phức tạp hơn rất nhiều và trên một bình diện khác. Chuyện học hành, quan niệm về sự học của người Việt là một ví dụ. Tinh thần hiếu học với ý nghĩa một giá trị văn hóa vẫn được bảo tồn trong đời sống tinh thần của người Việt, nhưng quan niệm về sự học đã có những thay đổi. Nếu trước đây, học vì ham muốn hiểu biết, học để làm người thì ngày nay với không ít người, nhất là với những người trẻ, sự học ấy không quan trọng bằng cái bằng để có việc làm, địa vị trong xã hội, có nhiều tiền cho những ham muốn vật chất…
Điều này không thể nói là không chính đáng bởi nó xuất phát từ những nhu cầu khác nhau trong mỗi con người. Nhưng đáng lo ngại ở chỗ tinh thần nhân văn, yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam đang có nguy cơ bị đặt bên ngoài tinh thần học tập. Nguy hiểm hơn, trong xã hội đã xuất hiện những tư duy phản văn hóa như "văn hay chữ tốt không bằng dốt lắm tiền" và sự gia tăng của chủ nghĩa thực dụng cực đoan, cũng như quan niệm lấy bằng cấp làm thước đo năng lực, trí tuệ... đã dẫn tới việc "học giả, bằng thật" cùng với vô vàn hệ lụy khi sự học chỉ phục vụ cho mục đích cá nhân chứ không vì sự phát triển của cộng đồng, quốc gia, dân tộc.
Những giá trị văn hóa truyền thống như tinh thần nhân ái nhân văn, sự tôn trọng gia đình, huyết thống… cũng đang có biểu hiện rạn vỡ, để lại nhiều "vết thương" trong lòng xã hội. Và không thể nói điều này không liên quan đến việc du nhập, tiếp thu một cách thiếu chọn lọc những quan điểm, lối sống từ nhiều nền văn hóa khác nhau trong quá trình hội nhập. Tiếp thu văn hóa nhân loại trên cơ sở những giá trị nền tảng của con người, của truyền thống văn hiến và luôn có sự linh hoạt, sáng tạo nên văn hóa Việt Nam không bị hòa tan bởi những cuộc xâm lăng văn hóa trong quá khứ. Và điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ văn hóa truyền thống Việt Nam, tinh thần nhân văn Việt Nam trước những cuộc "đụng độ" văn hóa ngày càng khốc liệt hiện nay.
3. Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy: Toàn cầu hóa là một quá trình phát triển tất yếu của nhân loại. Giao lưu, tiếp biến văn hóa là một quy luật và không đứng ngoài tiến trình phát triển tất yếu đó. Do vậy, sẽ là sai lầm với bất cứ quốc gia, dân tộc nào nếu có ý định bảo tồn bản sắc văn hóa bằng cách từ chối hội nhập, đóng cửa với thế giới. Vấn đề đặt ra với Việt Nam và các quốc gia có cùng trình độ phát triển là tận dụng tối đa cơ hội cũng như những giá trị tích cực mà toàn cầu hóa mang lại để không bị hòa tan trong tiến trình hội nhập, đồng thời rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới. Và phương thức hiệu quả nhất chính là chủ động hội nhập - chủ động để khai thác nhiều nhất những giá trị lợi ích cho đất nước, cho dân tộc và hạn chế đến mức thấp nhất những thách thức, tiêu cực có thể nảy sinh.
Sự áp đặt sức mạnh của các siêu cường và sức lan truyền gần như không giới hạn của các phương tiện truyền thông hiện đại đã phá vỡ, làm xói mòn không ít giá trị truyền thống của các dân tộc. Thậm chí, điều này đã đẩy không ít quốc gia, dân tộc rơi vào trạng thái tiếp thu bị động, chấp nhận sự nô dịch về văn hóa. Nhưng mặt khác, dưới tác động của hội nhập quốc tế, có thể nhận biết rõ hơn trình độ của các dân tộc, các quốc gia, cũng như nhận thức rõ hơn vị thế của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trên trường quốc tế. Từ đó, có thể chủ động đưa ra các giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống phù hợp với thời đại và đẩy lùi, loại bỏ những yếu tố truyền thống có nguy cơ cản trở sự phát triển.
Các giá trị truyền thống không có nghĩa là bất biến, trái lại, nó liên tục được bổ sung một cách phù hợp với thực tiễn thời đại. Cái mới ra đời dựa trên cái cũ và cái cũ chính là tiền đề để cái mới phát triển. Nói cách khác, không có truyền thống thì sẽ không có hiện tại và tương lai. Những bài học từ quá trình du nhập, tiếp biến văn hóa ngoại lai trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Trong "thế giới phẳng" hiện nay, chúng ta không thể xây dựng những "con đê" để ngăn cản sự ào ạt của những cơn sóng văn hóa ngoại lai, nhưng việc tạo dựng những "bộ lọc" là hết sức cần thiết để thẩm thấu tinh hoa văn hóa nhân loại và loại trừ những giá trị không còn phù hợp với thực tế đời sống. Tóm lại, nếu chủ động kết hợp hài hòa những giá trị truyền thống và hiện đại, văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ có thêm xung lực để đối mặt với âm mưu đồng hóa dựa trên "sức mạnh mềm" của các thế lực siêu cường, đồng thời tạo dựng những giá trị mới làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hợp tác và hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu và cũng là thước đo khả năng thích nghi cũng như bản lĩnh của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia. Để văn hóa truyền thống luôn là mạch nguồn tạo nên những giá trị tinh thần và sức mạnh dân tộc, cùng với rất nhiều yếu tố khác, tầm nhìn, năng lực của các nhà hoạch định và quản lý văn hóa cần được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu, bởi nó tác động trực tiếp đến tiến trình hội nhập: Chủ động hay bị động, chịu ảnh hưởng hay bị hòa tan...
                                                                                                                          Cù Xuân Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét