Tìm kiếm

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Tham vấn công chúng


              Nguyễn Đức Lam
           Đối với nhiều dự luật, pháp luật các nước đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải đưa ra tham vấn công chúng (public consultation). Ở nhiều nước, quyền của công chúng tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách được quy định ở mức cao nhất trong hệ thống pháp luật, kể cả trong Hiến pháp, nhất là trong lĩnh vực môi trường. Ví dụ, Hiến pháp 1997 của Thái Lan quy định, “công dân có quyền tham gia vào quá trình hoạch định và xây dựng chính sách của Nhà nước, vào việc thực thi các hoạt động hành chính có thể ảnh hưởng đến quyền và tự do của công dân đó được pháp luật bảo đảm”. Không những thế, trong lĩnh vực môi trường, Điều 56 Hiến pháp nói trên cũng cấm tiến hành bất kỳ dự án hay hoạt động nào mà chưa nghiên cứu tác động về môi trường với sự tham gia của các tổ chức, các nhà khoa học về môi trường. Điều 59 quy định quyền được cung cấp thông tin về môi trường, quyền góp ý kiến về các tác động môi trường của các dự án tiềm năng. Hiện nay Hội đồng Nhà nước (HĐNN) Thái Lan đang soạn thảo dự án Luật tham vấn công chúng, tạo điều kiện cho công chúng tham gia vào quá trình ra quyết định. Trong quá trình soạn thảo dự án, HĐNN Thái Lan đã tham vấn với nhiều tổ chức, cơ quan về các phương thức thu hút ý kiến, các dạng hoạt động cần phải tổ chức tham vấn và cơ quan chịu trách nhiệm phản hồi về ý kiến công chúng.
         Ở Mỹ, cơ quan ban hành văn bản pháp luật phải lấy ý kiến công chúng. Công báo (Federal Register) là công cụ đăng tải các luật, dự thảo luật, thông báo của các cơ quan liên bang, các văn bản của hành pháp, được cập nhật vào 6 giờ chiều hằng ngày, phát hành từ thứ hai đến thứ sáu. Còn Regulation.com là diễn đàn trên mạng để công chúng tham gia đóng góp ý kiến về các dự thảo luật đã được đăng công khai trên Federal Register. Trong một số trường hợp, bên cơ quan Chính phủ phải tổ chức những buổi gặp mặt công chúng (public hearings), trực tiếp đưa chứng cứ, trình bày lý lẽ, nghe và giải đáp thắc mắc. Theo Luật về thỏa ước trong ban hành văn bản pháp quy (Negotiated Rulemaking Act), cơ quan Chính phủ khi ban hành văn bản cũng phải đạt được thỏa thuận với các bên có liên quan thông qua một ủy ban điều đình do các bên liên quan cử ra.
          Ở Canada, nguyên tắc xây dựng pháp luật là phải lấy ý kiến công chúng; để công chúng có cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật; các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo có thể yêu cầu cơ quan soạn thảo cung cấp các thông tin cơ bản của dự luật. Công báo Canada (Canada Gazette) là công báo chính thức của Chính phủ Canada từ năm 1841, công cụ tham vấn giữa Chính phủ và người dân, công cụ cho phép người dân tham gia và đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật. Nội dung đăng tải gồm dự thảo cuối cùng của luật để lấy ý kiến công chúng, các nhóm đối tượng có liên quan và cá nhân có cơ hội được đọc và góp ý kiến về dự thảo tại giai đoạn cuối cùng trong quá trình xây dựng luật trước khi thông qua; các văn bản đã được ban hành; các thông báo chính thức, các bổ nhiệm chính thức. Việc đăng tải các thông tin trên là bắt buộc theo quy định của Statutory Instrument Act.
           Còn ở nước ta, chúng ta hay kêu gọi đưa pháp luật vào cuộc sống, hay than phiền là luật chưa vào được cuộc sống. Nhưng điều không kém phần quan trọng là theo chiều ngược lại, luật phải bắt nguồn từ cuộc sống, hỏi xem, người dân, xã hội có cần đến luật đó hay không, có nghĩa là đưa cuộc sống vào luật.
          Muốn vậy, sự tham gia của nhân dân góp phần rất lớn trong việc nhận ra các vấn đề trong xã hội, tạo cơ sở để phân tích chính sách trước khi xây dựng văn bản pháp luật. Những người chịu tác động của một quyết sách sắp ban hành cần có cơ hội khả thi tối đa để đóng góp ý kiến hoặc tham gia vào quá trình ra quyết định. Sự tham gia này cũng chứng tỏ quyền được nghe và quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước phải công khai và có trách nhiệm. Công chúng hiểu rõ họ cần cái gì, nên có thể mách bảo nhiều giải pháp tốt mà các chuyên gia cũng không ngờ tới. Một nguyên nhân nữa để thu hút sự tham gia của công chúng là: khi được tham gia, công chúng thấy mình thực sự là một thành viên trong quá trình đó, có vai trò tích cực trong đó, nên các quyết định sẽ được tiếp nhận và ủng hộ nhiều hơn, tránh được những vướng mắc sau này trong khi thực thi.
          Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình xây dựng pháp luật như thế nào? Lâu nay việc lấy ý kiến nhân dân vào các dự án luật diễn ra khá rầm rộ, nhưng ngay các chuyên gia pháp luật, những người trực tiếp tổ chức công việc này cũng nhận xét về tính hình thức của nó. Nguyên nhân có nhiều, mà một trong số đó là chưa xác định đúng mục đích: nếu vẫn kỳ vọng nhân dân sẽ đóng góp ý kiến có tính chất chuyên môn, đó sẽ là một sự kỳ vọng quá mức và lệch hướng. Để tham gia góp ý cho một dự thảo văn bản pháp luật, không chỉ cần đọc, nắm được nội dung của nó, mà còn phải biết các văn bản liên quan, từ Hiến pháp, Luật, thông tư cho đến Nghị định. Bởi vậy, ngay cả số người đọc dự thảo từ đầu đến cuối để hiểu đã rất ít, chứ chưa nói đến tham gia góp ý.
          Như vậy, điều cần hỏi dân là văn bản luật sẽ tác động ra sao đến lợi ích của họ. Do đó, trong tập hợp các ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia được trực tiếp cử ra làm công việc tổng kết, phân tích các ý kiến đó sẽ lọc ra những vấn đề có tính chất chính sách, liên quan đến những lợi ích điển hình của nhóm, giới hoặc lợi ích chung. Từ những vấn đề lợi ích này mà cơ quan có thẩm quyền sẽ giao lại cho các chuyên gia chuyên soạn thảo văn bản thể hiện thành câu chữ, quy phạm cụ thể. Có quan điểm cho rằng, đối với đông đảo nhân dân, khi đăng dự thảo, cần kèm theo thuyết minh rõ ràng về một số vấn đề lớn nhất, có nhiều ý kiến tranh cãi nhất, chứ lấy ý kiến của một bộ luật đồ sộ như Bộ luật dân sự 1995 trước đây có 836 điều mà kỳ vọng nhân dân sẽ góp ý từng điều cụ thể thì không khả thi và không thực chất. Đối với những vấn đề chuyên sâu, chuyên môn, cần lấy ý kiến giới chuyên gia, nhưng cũng tránh hình thức, đi vào từng lĩnh vực hẹp, đưa ra các vấn đề để chuyên gia tranh luận. Bên cạnh đó, cần có cái nhìn tổng thể từ các chuyên gia không phải trong lĩnh vực pháp luật, mà cả về kinh tế, lịch sử, xã hội học…
          Trong thực tiễn nước ta, Luật Doanh nghiệp là một minh chứng rõ ràng rằng, muốn luật vào cuộc sống thì trước hết cần đưa cuộc sống vào luật. Dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được đưa ra lấy ý kiến một cách thực chất trong giới doanh nhân, các ý kiến đóng góp được tiếp thu khá nghiêm túc, bởi vậy Luật đã và đang phát huy tác dụng thực tế rất lớn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét