Tìm kiếm

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2011

TƯ LIỆU QUÝ: HAI BÀI THUỐC CHỮA UNG THƯ TRONG THƯ TỊCH CỔ

BÀI "DƯỢC PHƯƠNG CA" VIẾT BẰNG CHỮ NÔM NÓI VỀ PHƯƠNG PHÁPCHỮA BỆNH UNGTHƯ
Nguyễn Thị Dương
Thư tịch Hán Nôm viết về Y dược là một bộ phận quan trọng trong kho di sản Hán Nôm mà ông cha ta truyền lại. Đó là sự đúc kết trí tuệ của bao thế hệ người Việt Nam, là sự đúc kết bản sắc văn hoá dân tộc trong lĩnh vực Y học. Từ những kinh nghiệm dân gian đến Y văn của những bậc tiền bối, những lương y nổi tiếng đã tạo nên mảng sách Y dược có nội dung phong phú, đa dạng, với phương pháp biên soạn độc đáo. Có nhiều tác phẩm có giá trị về thực tiễn và lý luận, đáng để cho các thế hệ sau học tập. Thế nhưng trên thực tế hiện nay ngoài những tác phẩm nổi tiếng của các danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông... thì các tư liệu quý giá này hầu như chưa được khai thác, chưa kể một lượng không nhỏ còn nằm rải rác trong dân gian. Riêng kho sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện đang lưu giữ gần 400 đầu sách. Nếu chúng ta biết cách khai thác những tư liệu này thì nó sẽ có những đóng góp cho cuộc sống hiện tại, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày một nâng cao song sức khoẻ con người lại bị đe doạ bởi những căn bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng từ môi trường sống và nhiều nhân tố khác đem lại, nhiều căn bệnh mà Y học hiện đại phải bó tay thì việc khai thác những tinh hoa của Đông y - Đông dược ứng dụng vào cuộc sống hiện tại là một việc làm cần thiết. Chẳng hạn những tư liệu chép về việc chữa trị căn bệnh ung thư.
Ung thư là một căn bệnh nan y mà giờ đây, số người mắc phải ngày một nhiều. Qua thống kê ban đầu, sách viết về bệnh ung thư tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 22 đầu sách, tồn tại dưới hai dạng hoặc sách chuyên thư hoặc chép lẫn trong các sách ngoại khoa, tạp bệnh khác bao gồm:
1. Bản thảo, VHv. 524
2. Chủng đậu pháp, VHb. 61
3. Dưỡng quy trùng trị bệnh tiệp hiệu, VNv. 164 (còn có tên là Dưỡng quy hoạt ấu ngoại khoa)
4. Hoàng thị chế tác châm cứu tân soạn quốc ngữ, VNv.84
5. Hoạt nhân toát yếu tăng bổ, A.2535
6. Kinh nghiệm dược phương, VHv.2110
7. Ngoại khoa kinh nghiệm bí phương, VHv.542
8. Ngoại khoa thư, VHb.245
9. Tạng phủ kinh luận, VHv.521
10. Tạp bệnh nghiệm phương, VHv.1981
11. Tạp bệnh toản yếu, VHv.2404
12. Tân san Nam dược tiệp hiệu thập hoa ứng trị, A.3220
13. Thập di dược phương, VNv.195
14. Thập tam thiên quốc âm ca, VHb.49
15. Ung thư chư độc sang, VHb.32
16. Vệ sinh yếu chỉ (7 ký kiệu)
17. Y gia tân phương, VNv.176
18. Y gia thập tam phương, VHv.247
19. Y khoa tạp biên, VHv.2092
20. Y nang bí thuật, VNb.198
21. Y phương toát yếu, VHv.795
22. Y thư ngoại khoa, VHb.21
Hầu hết các loại sách này là những văn bản chép tay, được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, có khi cả Hán lẫn Nôm (cứ mỗi câu chữ Hán lại có những dòng chú thích bằng chữ Nôm cho dễ hiểu). Sách nói rõ về nguyên nhân phát bệnh, các vị trí phát bệnh, cách bắt mạch thăm khám, các bài thuốc... Có sách chỉ nhắc tên bệnh, nêu bài thuốc, nhưng cũng có sách nói khá tỉ mỉ về nguyên nhân, triệu chứng bệnh. Nếu như trong Y học hiện đại ung thư được hiểu là “U ác tính, phát triển nhanh, thường có di căn, dễ gây tử vong” thì quan niệm Đông y có sự phân biệt nhỏ giữa ung và thư: “Ung vi dương, thuộc Vệ phủ, huyết thắng ở ngoài. Thư vi âm, thuộc Vệ tạng, độc công ở trong. Hai loại tuy có nét khác nhau song đều bởi thấp nhiệt ngưng trệ mà sinh ra (Y phương toát yếu). Bệnh có thể phát ở nhiều bộ phận trên cơ thể người như phổi, dạ dày, gan, ruột, não, bụng, vòm họng, âm hộ... Như bệnh ung thư vòm họng (yết hầu ung):
“Bệnh phát trong vòm họng, lở loét ghê gớm mạnh như gió nổi. Trong họng nóng ran, sưng tấy lớn như thuỷ triều dâng lên là bệnh tình nguy cấp rồi, sáng phát bệnh, chiều có thể chết. Uống nước mà chẳng hết khát, nước bọt không nuốt xuống được là do kinh dương minh của dạ dày bị độc tích tụ đẩy lên mà thành) (Y phương diễn quốc âm).
Hay bệnh ung thư tiểu tràng (tiểu tràng ung): “Chứng này do bàng quang tích chứa nhiệt độc, không thải ra được nên kết thành bệnh, khiến cho trong rốn kết hạch cứng, tiểu tiện đau buốt” (Ung thư chư độc sang).
Còn bệnh nhũ ung (Tây gọi là viêm áp xe tuyến vú) có thể do hai nguyên nhân. Hoặc do “phụ nữ sau khi sinh, tuyến sữa không thông biến thành chứng bệnh” hoặc “phụ nữ chưa sinh nở do kinh dương minh tích chứa nhiệt độc, kinh mạch tam tiêu gặp phải phong tà, nhiệt độc công phá nơi vú biến thành ung thư” (Y phương diễn quốc âm)...
Sách Ngoại khoa kinh nghiệm còn nêu hai chứng trạng ung và thư trên cùng một bộ phận (phế): Chứng phế thư là do: vì bị viêm nhiệt, vì gặp phải khí uế, khí độc mạnh nên phát sinh chứng thư, ở trên da hoặc khắp cơ thể, hình dạng như mộc miết tử, to bằng đầu con gà. Nếu không chữa trị nhanh, độc khí nhập vào nang sẽ gây tử vong”. Còn chứng phế ung được giải thích: “Phế là sự hoá ích của ngũ tạng. Chứng ung này là do cả trong ngoài đều bị phong hàn làm thương tổn và sự ưu tư sầu muộn gây nên. Tạng người hàn lại uống đồ lạnh làm thương tổn phế kinh, tạo thành chứng ung. Thân phát hàn nhiệt, hai bên nách đều đau, miệng thổ khí hôi, ho suốt đêm ngày, ngực đầy đờm dãi... giấc ngủ không yên”.
Để điều trị căn bệnh này, hầu như sách nào cũng đưa ra các phương thuốc như Thiên kim nội trung thang cho bệnh tràng ung, Định thống tán độc lưu khí cho chứng tâm can ung, Lộc giác tán cho bệnh nhũ ung, Trầm nhũ ẩm hoặc tê giác tán cho chứng dạ dày... và tuỳ từng trường hợp cụ thể gia giảm cho phù hợp. Có sách còn viết thành bài ca cho dễ đọc dễ nhớ như Ngoại khoa dã đàm tịnh dược phương ca trong sách Dưỡng quy hoạt ấu ngoại khoa.
Nhìn chung các thư tịch Y dược này, dù ít dù nhiều đều có giá trị lý luận và thực tiễn. Trong Hội nghị thông báo Hán Nôm lần này tôi xin giới thiệu toàn văn bài Dược phương ca này.
Ngoại khoa dã đàm tịnh dược phương ca:
Nhân sinh thoả chí trong đời
Cửu lưu thuật sĩ có tài thì hơn.
Sĩ tài danh chiếm trường môn
Y tài quốc thủ sang hơn mọi tài.
Lý năng luận được gái trai,
Toán năng biết hết mọi loài cát hung.
Đế sư truyền giáo chính tông
Hiên, Kỳ, Viêm, Lịch, Giản Công, Hoa Đà. (1)
Nôm na quốc ngữ huấn ca
Gia truyền bí nghiệm ngoại khoa tỏ tường
Trước định ung thư một chương
Biết hay hàn nhiệt âm dương lẽ màu.
Âm phát no đã đau lâu
Da dày sắc bạch hình đầu thì không.
Ấy là chủ huyết bệnh trung
Khí ngoài chẳng kịp trệ dùng dần nên.
Ta làm một phương thuốc tiên,
Là thập lục khí lưu truyền tán đi.
Nhân sâm, ô thược, hoàng kỳ
Hậu phác, quế, cánh, phục, bì, cam, lang.
Quy, khung, chỉ xác, mộc hương,
Phòng phong, tô diệp một dường ai qua.
Thấy nó đã đau cắn ra,
Nhũ hương, một dược bệnh hoà tiêu thông.
Dương chứng bì sắc xích hồng,
Sạ hàn sạ nhiệt tâm trung khí phiền (2)
Ngại ăn đau đớn chẳng yên,
Ta làm hoá độc thất tiền phòng phong.
Hoàng kỳ, cam thảo, quy, khung,
Ma hoàng, sâm, thược lại dùng phục linh.
Thạch tiêu thạch lãnh phân minh,
Kim ngân nhị truật dụng sinh đại hoàng.
Liên kiều chi tử mang tiêu
Sắc lên cho uống thũng tan những là.
Dầu thấy mủ đã cắn ra.
Thập tuyên nội ẩm mủ ra tức thì.
Nhân sâm, hậu phác hoàng kỳ,
Đương quy, cát cánh, quế bì, phòng phong,
Bạch chỉ, cam thảo tương công
Vị thành tốc tán, nùng trung tốc bài (3).
Tháng tám với lại tháng hai,
Nhất phương tụ cái làm người chớ quên,
Xuân hạ nhẫn (4) tới thu tiền
Trung tâm kị dụng tiền an đã cần.
Bì nhục hủ lạn gian tân
Sinh cơ giải độc thập phân lại thành.
Mộc hương, trạch tả, hoàng liên,
Phòng phong nhị truật tứ tiền khổ sâm,
Thuỷ tiễn (5) điều phục tâm không,
Ngoại đồ (6) hoà hỗn sáp ong mỡ dầu.
Phất chỉ năng thụ chớ lâu
Tự nhiên da thịt đã đau lại lành.
Dẫu hoà hàn nhiệt chứng sinh,
Thai huyết bất tận trong mình lại đau.
Ẩu thổ hạ lị phải âu
Gia giảm nhiệm màu bất hoán kim thang (7).
Thảo, khung, hậu, phác, hoắc hương,
Phục linh, thương truật, mộc hương, trần bì.
Còn chầy thấy hãm lại suy
Tái gia quan quế, đương quy ba đồng.
Sinh khương ngũ phiến thang dùng
Nhập dược tiễn phục trong lòng mới khoan.
Dẫu thấy tẩu nhập phế can
Thương trung thích thống yêu cường bối đông.
Gia giảm ngũ tích thang dùng
Ma hoàng, thược dược, khung cùng quế chi.
Cam thảo, phậu phác, trần bì
Bán hạ, chỉ xác, đương quy một dường.
Thương truật, chỉ, linh can khương
Thuỷ tiễn ôn phục thường thường chẳng chi.
Ẩu thổ chứng ấy thậm nguy,
Nhị trần gia vị trần bì, cam, đinh
Bán hạ, sa nhân, phục linh
Ấy tuỳ sở chứng phân minh chớ chầy.
Dẫu thấy đại tiện bí nay
Cấp dụng thừa khí giải ngay chớ thường
Chỉ thực, phác, tiêu, đại hoàng,
Thấy lâu còn bí tìm phương tức thì.
Tạo giác quý tử đồng bì
Sinh thục cộng tán hỗ vê viên dài.
Âm môn để vào chẳng sai,
Một dây tiện xuất ra ngoài liền an.
Tiện lâm quý tử hắc khiên
Nhị linh, chi tử, lịch, tiền, mộc thông
Chớ lợi Trạch tả, phòng phong,
Đại hoàng bạch truật lại dùng quế chi.
Cam, linh, chi tử, trần bì
Ấy là ngoại chứng thường lề chẳng âu.
Ngũ phát tại nội nhiệm màu,
Phế ung sơ phát bài đầu sâm, tô.
Mộc hương, chỉ xác, tiền hồ,
Cát, trần, cam, cát, sâm, tô phục thần.
Máu mủ ho mựa đòi lần
Làm tiêu nùng tán cho cần chẳng chi.
Nam bán, ý dĩ, tang bì,
A giao, cách, chỉ, bối, tri, khung, phòng.
Địa hoàng, hạnh, thảo môn đông,
Bổ phế gia giảm bài nung sâm, kỳ
Ngũ vị, bạch chỉ mật vê,
Trương suyễn tiểu sản trọng thì lịch gia.
Tối tân ngũ vị quế, ma
Can khương, bạch thược cùng là hạnh nhân.
Suyễn cấp toạ, ngoạ nhọc nhằn
Ta làm cam cát bội phần bạch tang.
Đương quy, can cát chớ thang,
Thăng ma, lâu, lịch, hoàng kỳ, sa nhân.
Trường ung tiện bế cứ tuần,
Trước dùng Thông thánh sau dùng Thập tuyên.
Đào nhân thừa khí mới yên,
Đại hoàng, cam, quế, đào liền mang tiêu
Bàng quang kết nhiệt đã nhiều,
Thuỷ tiễn ôn phục nhiệt tiêu giải đường,
Mẫu đơn tán tiêu đại hoàng
Qua nhân, đào tử một dường giảm phân.
Thấy mạch hồng sác (8) tâm thần
Phế, can, thận, vị vệ phân con nào
Luận tin tường chứng mới cao,
Vương ứng nùng cố chớ nào lệ chi.
Xuyên đàm thống đỗng đương quy,
Địa hoàng quan quế, sâm, kỳ, thược, cam.
Thấy đau no (9) phát mà lường,
Lại xem chốn mọc cho tường mỗ danh.
Trước xem biệt chủng ngũ đinh
Bạch đinh hữu tị đinh ninh một dường.
Thanh đinh mục hạ khả lường,
Thiệt căn đinh xích, hoàng đinh khẩu thần.
Hắc phát nhĩ tiền bất nhân
Thoắt mọc có mủ bội phần dữ thay.
Thấy nhỏ dễ nó chẳng hay,
Sạch mày sạch mặt một dây thương người.
Nhĩ hạ, di hạ hoặc tai,
Mân hậu hiệp có cật ngoài bối du.
Nhân diện trong đâu gối co
Biện nơi tiện độc cá đồ khước căn.
Nội viêm là lại chân trong
Ngoại viêm ngoại sống ngay dùng bàn chân.
Bàn tay trong bàn nhất văn.
Thoắt thư ngón trỏ chín phần mựa quên.
Tiêu ung ngón bốn là tên,
Thủ túc nội ngoại biện nên mới tài.
Tả tháp hữu đáp đôi vai,
Phát thư dưới cật hình loài liền phong.
Tỉnh thư phát ở nương long,
Đôi tâm lại truật cánh cùng hai bên.
Liên huyền trệ ngạch thư huyền,
Yêu thư giỗ cổ ốc liền não thư.
Nhũ phát là nhũ độc dư,
Phế ung phát phế, tỳ ung phát tỳ.
Đại tiểu tràng ung khác chi,
Tiểu tràng thời dễ, đại nguy khôn bàn.
Vị, tề, thận, nội tâm can,
Phát ở chốn ấy gian nan khôn lường.
Lưu thư truyền tẩu đốt xương,
Lưu anh năm, bảy quái tường giống sinh.
Nhục sắc bất biến nhục anh,
Hình như mạch máu rành rành phát ra,
Gân xích hiện ra ngoài da,
Huyết anh mạch máu dần ra thũng hồng.
Có chứng tiểu tràng trong lòng,
Khí anh là nó vốn dòng khôn toan.
Thạch anh giống nó gian nan,
Kiên ngạch như cái thạch bàn bất di.
Lục lưu phát cũng gian nguy,
Huyết lưu nhục sắc nhân chi đỏ dần.
Thạch lưu truyền giữa sống xương,
Giống nó kiên cường thuốc nó khôn ra.
Nay lời bảo các thày ta,
Thấy hai giống nó luận ra hiểm nghèo.
Ung thư hình dạng khác nhiều,
Xem lo tinh tế hộ điều vạn dân.
Tiếng đồn dậy đến minh quân
Lệnh làm quốc thủ cầm quân chưởng điều.
Mát tay trợ đã hiểm nghèo,
Xa gần đón rước dập dìu xưa nay.
Lại khuyên con cháu làm thày
Ít thời cứu trợ nhiều nay có tiền.
Trời cho phúc lộc dõi bền,
Người người đem lại của liền đề đa (10).
Chú thích:
1. Hiên, Kỳ, Viên, Lịch, Giản Công, Hoa Đà: tên các vị danh y Trung Quốc thời cổ.
2. Sạ hàn sạ nhiệt tâm trung khí phiền: chợt nóng, chợt lạnh, trong lòng buồn bực.
3. Tốc bài: thải ra một cách nhanh chóng.
4. Nhẫn: suốt.
5. Thuỷ tiễn: một cách chế biến thuốc bằng cách cho thuốc vào nước để đun.
6. Ngoại đồ: bôi thuốc ở ngoài.
7. Kim thang: tên thang thuốc.
8. Hồng, sác: 2 trong 24 hiện tượng có thể gặp khi bắt mạch, hễ dưới ngón tay rất lớn là hồng, hễ đi lại gấp quá là sác.
9. No: khi
10. Đề đa: nhiều
Danh mục sách tham khảo
1. Danh từ Đông y, Nguyễn Thanh Giản chủ biên. Nxb Y học, 1990
2. Đông y tiết khảo, Trần Hàm Tấn, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm
3. Gìn giữ, phát huy bản sắc nền Đông y, Đông dược Việt Nam, Tạp chí Đông y, số 335/2002
4. Hướng dẫn viết đọc và dịch Hán Nôm trong Đông y. Nxb Thuận Hoá 1998
5. Từ điển Đông y học cổ truyền. Nguyễn Thiện Quyến, Nguyễn Mộng Hưng, Nxb KH & KT 1990
Thông báo Hán Nôm học 2002, tr.108-118.
Tác giả bài viết là Thạc sĩ Nguyễn Thị Dương, hiện là cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét