Tìm kiếm

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

Năm mới với trách nhiệm người đứng đầu


Có lẽ, chưa bao giờ, cụm từ “trách nhiệm người đứng đầu” được nhắc đến nhiều như hiện nay.
Mới đây nhất, ngày 26.12.2011, tại buổi khai mạc hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Bộ Chính trị đã kiến nghị Trung ương cần làm ngay một trong ba việc “cấp bách” là xác định rõ “trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền” nhằm “tạo ra được những kết quả cụ thể, rõ rệt để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Thực ra, nước ta không thiếu quy định để xác định trách nhiệm người đứng đầu. Trên mặt trận quan trọng như chống tham nhũng, từ năm 2006, đã có riêng nghị định 107 quy định về việc xử lý người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Tổng quan hơn, từ năm 2007, có nghị định 157 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Sau đó, bộ Nội vụ còn ra thông tư 08 hướng dẫn thực hiện. Luật Cán bộ, công chức ra đời sau này, năm 2008, cũng quy định trách nhiệm của người đứng đầu, là một bước nâng tầm pháp lý nữa.
Thế nhưng, câu hỏi mang tính chất vấn về trách nhiệm người đứng đầu lại thường xuyên xuất hiện trên các mặt báo, nhất là sau mỗi thông tin về sai phạm trong khu vực công. Chuyện quốc gia đại sự như tham nhũng thì “Không thể núp bóng tập thể để trốn trách nhiệm”, “Quên xử lý trách nhiệm người đứng đầu”, “Chống tham nhũng: người đứng đầu đang đứng ở đâu?”... Chuyện thường ngày bức xúc dân sinh thì “Giảng viên bị tẩy chay và trách nhiệm người đứng đầu” hay “Tai nạn giao thông và trách nhiệm người đứng đầu”…
Không chất vấn sao được, khi mà, tại cuộc đối thoại về phòng chống tham nhũng do Chính phủ cùng các nhà tài trợ tổ chức mới đây, trong khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao thông tin năm năm qua (2007 – 2011), các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ về các tội tham nhũng thì văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho biết trong năm 2011, mới có 61 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra tham nhũng trong phạm vi mình quản lý, phụ trách. Đó mới chỉ là so sánh giữa số vụ án khởi tố (được cho là ít ỏi so với thực tế tội phạm này) với số người đứng đầu bị kỷ luật. Theo quy định, để xảy ra tham nhũng trong cơ quan mình quản lý, dù chưa đến mức xử lý hình sự, người đứng đầu đã phải bị kỷ luật với những mức độ khác nhau.
Không chỉ là chuyện nói và làm, chính sách và thực thi như trong chuyện chống tham nhũng, dưới mắt các nhà tài trợ, nguy hiểm hơn, thực tế này dẫn đến hệ quả “chấp nhận tham nhũng” từ cả phía người dân, vì “có tố cáo cũng không có tác dụng gì”. Cho nên, kiến nghị và việc thực hiện kiến nghị nói trên của Bộ Chính trị sẽ thực sự có ý nghĩa nếu tạo ra được những kết quả “cụ thể”, “rõ rệt”... hơn so với hiện nay, nếu không, khó đạt được mục tiêu củng cố “niềm tin”.
Chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu rộng chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi chịu trách nhiệm nếu cấp dưới có sai phạm, bị phát hiện, như tham nhũng. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý. Nếu hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước vẫn không công khai, minh bạch, với thực tế bao che, nể nang, né tránh… như bấy lâu nay, chuyện người đứng đầu bị xử lý kỷ luật theo quy trình hành chính công vụ không dễ. Và người dân biết mà “bắt giò” trách nhiệm người đứng đầu hay trách nhiệm của người phải xử lý người đứng đầu càng khó hơn.
Gần đây, đã có một số nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong việc công khai, minh bạch kết quả thanh tra, kiểm tra tình hình hoạt động kinh doanh của ngành điện lực, xăng dầu hay tập đoàn Vinashin. Một số địa phương, đơn vị thí điểm để người dân đánh giá chất lượng hoạt động của mình hay một số tổ chức cho điểm cơ quan nhà nước trong một số lĩnh vực. Nhưng công khai minh bạch rồi, bày tỏ quan điểm rồi thì sao? Có biết bao sai phạm, sự không hoàn thành, thái độ không hài lòng, mấy ai chịu trách nhiệm về chuyện đó. Luật không tắt, có tắt cũng dễ mở, chỉ lòng người thực thi pháp luật, nếu tắt thì bế tắc. Cũng vì vậy, lời hứa cụ thể của người đứng đầu các bộ, sở, ban ngành trên các diễn đàn dân cử công khai không chỉ thể hiện tinh thần thái độ cần có của họ với công việc mà còn là chiếc neo người dân nương vào đó để theo dõi, giám sát.
Quý thay những lời hứa, nhưng cũng buồn thay vì những lời hứa!
Còn nhớ, người làm thầy, làm cô đã hy vọng thế nào khi cuối năm 2006, phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi đó còn là bộ trưởng bộ Giáo dục và đào tạo hứa “Năm 2010 nhà giáo có thể sống được bằng lương”. Không chỉ giáo viên, từ năm 2008, cán bộ công chức cả nước đã khấp khởi chờ đợi, khi thứ trưởng bộ Nội vụ Thang Văn Phúc hứa “Năm 2012 lương sẽ đảm bảo cho công chức có tích luỹ”. Rồi tân bộ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhậm chức, lời hứa của ông vào thời điểm năm 2011 có một độ lùi về “chất” so với thời tiền nhiệm, rằng: “Năm 2012 công chức sẽ “sống được” bằng lương tối thiểu”. Tích luỹ đâu không thấy, theo một khảo sát của chính bộ Nội vụ trong năm 2011 này, 98% cán bộ công chức không sống được bằng lương. Giờ thì đã sang năm 2012.
Tân bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhận bàn giao thì nói mình không hứa gì. Không biết có phải bà rút kinh nghiệm từ những rắc rối của người tiền nhiệm? Khi báo chí nói ông Nguyễn Quốc Triệu hứa và không thực hiện được lời hứa về thời điểm chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường, ông phủi tay “Chấm dứt nằm ghép? Chuyện tầm phào! Tôi không hứa!”, rồi “nhẹ nhõm”, như “anh nông dân cày xong thửa ruộng” khi bàn giao di sản quá tải bệnh viện. Vấn đề là dù không hứa thì người đứng đầu cũng không thể thoái thác trách nhiệm đối với nhiệm vụ. Có vẻ như có gì chưa thuận lắm, khi bà Kim Tiến lúc cho rằng: “Quá tải bệnh viện thuộc trách nhiệm bộ”, lúc thì “Quá tải bệnh viện không chỉ trách nhiệm của ngành y tế”. Dù “không chỉ” thì cũng là có, như một phần tất yếu gắn liền với công việc. Nếu không, sự gọi là trần tình “Mới phải nằm hành lang, chưa nằm... gầm giường” của một phó giám đốc sở Y tế Hà Nội nghe như ngoài cuộc, vô cảm lắm.
Cho tới nay, không mấy người đứng đầu dám hứa những điều gì cụ thể. Một nghị quyết của Quốc hội về chuyện giám sát những lời hứa hiếm hoi ấy cũng chưa có. Những chế định đã có về việc bày tỏ thái độ tín nhiệm hay bất tín nhiệm thì chưa được vận hành hoặc chưa vận hành được. Con đường tìm kiếm trách nhiệm chính trị đối với họ, xem ra còn chông gai. Như một tiền lệ xấu, đến hẹn lại lên, lại những câu hỏi về lời hứa và quả bóng trách nhiệm, về người đứng đầu đang ở đâu.
Lời hứa về trách nhiệm, trách nhiệm với lời hứa hay đơn giản một cách… kỷ luật hành chính là trách nhiệm chịu trách nhiệm, gì thì gì, nếu không vận hành sẽ không thể củng cố niềm tin. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng tình trạng hiện nay đã là “nhà dột từ nóc”. Cái nóc – người đứng đầu – đừng để cơn lốc thiếu vắng trách nhiệm cuốn phăng.
                                                       Nguồn: SGTT.VN - NGUYÊN LÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét