Tìm kiếm

Thứ Hai, 23 tháng 1, 2012

Dụng nhân, dụng mộc


           Con người là vốn quý của xã hội, đó là chân lý. Đã có nhiều câu châm ngôn kinh điển suy tôn vị trí bất khả thay thế về con người ở các lĩnh vực: Văn học là nhân học; con người là trung tâm nghiên cứu của triết học; con người là trung tâm của vũ trụ; con người sáng tạo ra vạn vật... 
           Ở mọi chế độ xã hội từ thời kỳ nguyên thủy sơ khai đến thời đại văn minh đều luôn chú ý đến nhân tố gìn giữ, phát triển xã hội, đó là nguồn nhân lực - những người là chủ thể sáng tạo, động lực phát triển khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; góp phần cải tạo tự nhiên và hoàn thiện chính mình. Lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng của Việt Nam đã có nhiều minh chứng hùng hồn về vai trò quần chúng và thủ lĩnh đã làm nên lịch sử, dạng danh non sông.
           Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chúng ta rất cần đội ngũ những người giỏi về quản lý, có nghề, thạo việc, chuyên sâu. Việc mở trường lớp dạy học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, chuyên môn, thợ giỏi là việc làm bắt buộc, thường xuyên và là nhân tố đầu tiên để có lớp thầy giỏi, thợ giỏi. Các nước tiên tiến có trình độ khoa học kỹ thuật cao đi trước chúng ta vài chục năm kinh nghiệm cũng đào tạo theo quy chuẩn trường lớp: Thầy dạy, trò học. Vấn đề là dạy như thế nào? Học như thế nào? Nhưng ta còn khác họ ở chỗ đó.
           Hiện nay, chúng ta còn đang yếu và thiếu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở các ngành, các cấp từ cơ sở đến tỉnh, thành phố và bộ, ngành trung ương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Cơ chế sử dụng, đãi ngộ còn chưa phù hợp với thay đổi linh hoạt của đời sống xã hội. Chúng ta còn lúng túng trong quản lý, phối hợp khai thác các công trình nghiên cứu khoa học (có nhiều công trình khoa học tốn tiền của, trí tuệ nhưng rồi chỉ xếp trong tủ), tận dụng chất xám của các cán bộ khoa học đầu ngành; chậm có cơ chế thu hút người có tay nghề cao, giỏi chuyên môn, chuyên gia làm việc và tạo thuận lợi để họ có cơ hội cống hiến. Lỗi cuối cùng đều đổ tại cơ chế. Thật lạ, địa phương nào cũng kêu ca bị trói buộc, ngày trước có anh "quan liêu bao cấp" mà đổ tội cho, vậy giờ đổ vào đầu ai đây?
           Nói về nhân lực, là bàn chuyện đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng con người. Đây là các khâu khép kín trong quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện, làm việc, cống hiến của mỗi người lao động trong xã hội. Vì thế mối quan hệ tương tác giữa chủ thể, khách thể ở mỗi khâu (như nhà trường, ngành giáo dục - đào tạo; cơ quan, đơn vị, địa phương và người quản lý sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp; hệ thống tổ chức cán bộ, cơ quan chủ quản...) có tác động rất lớn đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động.
Trong hệ thống giáo dục - đào tạo, các cấp học, ngành học phải thực hiện thật tốt 3 nhiệm vụ: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, mang tính chiến lược phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước mà sứ mạng này giao cho toàn hệ thống chính trị và cả xã hội cùng làm, chứ không thể là công việc riêng của ngành giáo dục - đào tạo. Vì vậy, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Cả nước, cả dân tộc chung tay, chung sức nâng cao dân trí, mở mang trí tuệ qua các hệ thống đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng xã hội học tập.
           Đào tạo gắn với bồi dưỡng; đào tạo rồi phải có chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo lại để luôn làm mới kiến thức cho nhân lực. Học tập cũng vậy. Học trường lớp, học xã hội, học gắn với hành, học trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu để không ngừng làm mới cho kiến thức cá nhân. Đâu phải ai cũng có điều kiện được học tập chính quy từ ghế nhà trường; các loại hình đào tạo, bồi dưỡng rất phong phú là cơ hội, là môi trường rộng mở để học tập, trau dồi kiến thức nghề nghiệp; học thầy, học bạn rất quan trọng, kể cả tự học. Xã hội hóa học tập, xây dựng xã hội học tập chính là tạo môi trường, là mảnh đất màu mỡ để phát triển sự nghiệp giáo dục toàn dân. Vì thế, chúng ta rất cần phải xác định thật chuẩn phương hướng, nhiệm vụ, quy mô đào tạo các loại hình lao động để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức phục vụ sự nghiệp cách mạng thời kỳ mới.
          Thủ đô Hà Nội mở rộng, dân số đông là nguồn cung cấp lao động dồi dào. Hằng năm, Hà Nội có số nhân lực bước vào độ tuổi lao động tăng nhanh, cộng với lao động ở tỉnh khác vào thành phố (khoảng 100 ngàn người/năm) đang là thách thức với việc đào tạo lao động có tay nghề. Đồng thời, dự báo số nông dân không còn ruộng đất do đô thị hóa nhanh, số lao động chưa qua đào tạo cũng chiếm khoảng hơn 200 ngàn người/năm sẽ có nguy cơ mất việc hoặc thiếu việc làm. Thực tế cho thấy, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra khá nhanh, có địa phương khó kiểm soát đã kéo theo tình trạng nông dân thất nghiệp, bán thất nghiệp là điều khó tránh. Hà Nội và các tỉnh khác cũng trong bối cảnh này.
           Việc sử dụng lao động cũng là vấn đề bức xúc xã hội. Lớp trẻ không khỏi toan tính học gì? Học ngành nghề gì? Nhưng khó khăn vất vả bội phần là học xong sẽ được làm gì? Làm ở đâu? Cũng không thể trách cứ thanh niên thời nay là thực dụng, bởi "cơm áo không đùa với khách thơ", "Có thực mới vực được đạo". Mỗi người phải biết tự nuôi sống mình và gia đình thì mới tồn tại và phục vụ xã hội! Câu nói "Dụng nhân như dụng mộc" chính là ở chỗ này. Chất lượng nguồn nhân lực có được khai thức đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng để "gỗ nào vào việc ấy", mọi người mới phát huy hết sở trường, sở đoản phục vụ xã hội. Những năm qua, câu nói cửa miệng của người đi xin việc làm là "phải chạy"! Mà chạy ai, ai chạy, chắc không phải khó khăn gì không đoán biết mà nói ra thì thật khó, "Chuyện này như mây trên trời, nhìn thấy mà không cầm nắm được". Lỡ miệng nói ra là mất việc như bỡn! Nếu còn tình trạng xin - cho, tuyển lao động như ban ơn thì còn có người chạy chọt, dễ dàng nảy sinh tiêu cực, tham ô, tham nhũng!
          Chuyện xưa kể, quan Thái sư Trần Thủ Độ nổi tiếng anh minh khi chọn tướng, kẻ sỹ, gây dựng cơ nghiệp nhà Trần. Một lần, vợ ông là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung xin cho một người cháu họ làm chức quan "câu đương" (chức dịch thu thuế xã). Ông gọi người có ý định đút lót tiền bạc, chạy chức đó đến chỉ giáo: "Ngươi bất tài, muốn làm quan tắt, phải chặt đi một ngón chân để phân biệt với các quan khác". Người nọ lạy lục van xin để tránh cái nhục chạy chức quan trường. Lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam như Đinh, Lê, Lý, Trần... có nhiều tấm gương sáng về chọn tướng sỹ, hiền tài phò vua, giúp nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trọng kẻ sỹ, mến người tài giỏi để kháng chiến, kiến quốc, là bài học luôn mang tính thời sự về công tác cán bộ.
           "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Hiền tài chiếm số đông thì quốc gia hưng thịnh". Từ xa xưa, cha ông ta đã trọng dụng người quân tử tài năng như vật báu quốc gia, trọng người có học rộng, có đức độ. Trong xã hội, người tài giỏi thì có thể nhiều, nhưng đạt đến trình độ nhân tài (hiền tài) hẳn không phải nhiều. Việc sử dụng, đãi ngộ thầy giỏi, thợ giỏi, đặc biệt là nhân tài cũng cần có cơ chế phù hợp để có nhiều luồng "nguyên khí quốc gia", tạo ra vượng khí cho nước nhà hưng thịnh.
           Hà Nội chúng ta làm tốt công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng người giỏi, phù hợp với công việc phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong giai đoạn mới cũng chính là góp phần thực hiện Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - hòa bình.
            Nguồn: Báo Hà Nội mới - Kiều Ngọc Kim

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét