Tìm kiếm

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Ván cờ, chiếc váy và nhân cách


           Vừa rồi, báo chí xôn xao quanh việc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng bắt hai quan chức của ngành giao thông vận tải tỉnh này về tội "đánh bạc". Hai vị quan này đã nhiều lần đánh cờ tướng ăn tiền, mỗi ván từ 1 đến 5 tỷ đồng. Số tiền cờ bạc họ đã nợ nhau tổng cộng 22 tỷ đồng.
            Trước đó không lâu, dư luận cũng bàn nhiều về... chiếc váy giá 840 triệu đồng của Đại sứ Du lịch Việt Nam. Người ta xì xào bàn tán xem nó là hàng "xịn" hay hàng "phếch" (fake), tức là thật hay giả. Tất cả các bài viết "nhảy" vào câu chuyện này đều quan tâm xem "xịn" hay "phếch" để khẳng định "đẳng cấp" của người đẹp, "xịn" thì giá bốn mươi ngàn đô la, còn "phếch" thì chỉ độ mươi ngàn. Y phục xứng kỳ đức mà, đã là "sao" ai lại dùng hàng "phếch".
            Cũng có nhiều người nghĩ các câu chuyện trên chỉ là ở chốn quan trường hay thuộc giới người của công chúng, là phù phiếm, tào lao. Nhưng không phải vậy. Dân gian có câu: "Kiếm tiền đã khó nhưng tiêu tiền còn khó hơn". Sự khác biệt ở chỗ kiếm tiền thuộc tài năng kinh tế, còn tiêu tiền lại thuộc phạm trù văn hóa. Người ta cũng nói, muốn biết một người thế nào, xem cách người ta kiếm tiền lúc túng khó và tiêu tiền lúc giàu sang sẽ hiểu. Ở nước ta, mấy năm gần đây, cơ chế đổi mới đã tạo cơ hội cho nhiều người vươn lên làm giàu, thậm chí rất giàu. Dĩ nhiên, làm giàu là quyền chính đáng, là điều rất đáng trân trọng. Và không phải ai giàu rồi cũng hợm hĩnh. Cách đây không lâu, khi ông Đoàn Nguyên Đức, được coi là một trong những người giàu nhất Việt Nam, bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua máy bay riêng và thêm ra mỗi tháng vài trăm triệu đồng để "nuôi" chiếc máy bay ấy, đã có ý kiến cho rằng ông chơi trội để khoe tiền. Nhưng sự thật không hẳn vậy. Vì theo cách tính toán của ông Đức thì việc ông mua máy bay riêng là có lợi cho công việc làm ăn của ông. Hay nói cách khác, chiếc máy bay ấy là công cụ để đồng tiền của ông thêm sinh sôi nhiều hơn.
           Thế nhưng trong đời sống vẫn có những điều chẳng dễ lý giải. Nhà viết kịch Molière (Pháp) đã giễu cợt thói "trưởng giả học làm sang" trong vở kịch cùng tên của ông. Học để sang thì tốt nhưng học giả để sang giả thì đích thị là cái sang vô học. Tất cả mọi người, mọi tầng lớp đều có quyền học làm sang. Nhưng học thế nào cho sang lại là điều không dễ, có tiền và tiêu tiền búa xua không thể gọi là sang. Trong cuộc sống có rất nhiều người đã trở thành tấm gương sáng, những điển hình được xã hội tôn vinh về tài năng kiếm tiền (chân chính). Nhưng cũng thật trớ trêu là khi trở nên giàu có thì một số người lại trở thành những kẻ lố bịch và hợm hĩnh bởi cách tiêu tiền. Thế nên thực tế mới xảy ra chuyện rất đáng xấu hổ là nhiều "đại gia" lớn tiếng đấu giá làm từ thiện hàng tỷ đồng nhưng họ chỉ huênh hoang trước công luận để rồi sau đó "im thin thít, lặn mất tăm".
           So với mấy chục năm trước, cuộc sống của người Việt Nam bây giờ đã khác, đã đầy đủ hơn nhưng hỏi đã giàu chưa thì xin thưa: Chưa. Dù hằng ngày vẫn có nghe nói đến những món đồ xa xỉ này nọ, những chiếc xe bạc tỷ vẫn được nhập về, những bát phở tiền triệu, những nhà hàng, khách sạn xa hoa vẫn mọc lên, nhưng đó chỉ là cái váng mỏng ở thành thị. Còn số đông bà con lao động ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn cực nhọc lắm. Mới đây, nhà báo Trần Đăng Tuấn có dịp ngược về vùng cao Hà Giang và ông đã có được những trải nghiệm đầy xúc động, chứng kiến bữa ăn của hàng trăm đứa trẻ ở một ngôi trường, tất cả chúng chỉ ước mơ mỗi bữa ăn có một miếng thịt thôi còn chưa được, nói chi đến manh áo lành lặn. Trở về Hà Nội, ông Tuấn đã khởi động một việc tạm gọi là "dự án" mang cái tên cũng rất mộc mạc: Dự án "Cơm có thịt". Ông viết trên blog của mình: Chúng ta hãy đừng nghĩ nhiều về việc chúng ta có thể làm được bao nhiêu. Chúng ta hãy hình dung các bé, các em học sinh nội trú đang cùng ăn cơm với chúng ta và chúng ta gắp vào bát chúng một miếng thịt, miếng cá. Như hằng ngày chúng ta vẫn gắp vào bát cho em, con, cháu... của chúng ta quanh mâm cơm ấm áp của gia đình...
             Đó có phải là cách tiêu tiền ý nghĩa hay không, mỗi người đều có thể tự trả lời.
            Trở lại với hai câu chuyện trên. Quả thực nếu đem kể với những người nông dân đang hằng ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời thì chắc hẳn chẳng ai tin lại có chiếc váy giá 840 triệu đồng, và càng không thể tin người ta có thể mang 5 tỷ đồng ra chỉ để mua vui bằng một ván cờ. Với ngần ấy tiền thậm chí có thể tạo một bước ngoặt cho cả một xã nghèo (nếu là 840 triệu đồng) hoặc một huyện nghèo (nếu là 5 tỷ đồng), chứ không thể so nó với những hộ nghèo nơi vùng sâu, vùng xa thu nhập trung bình có khi chỉ vài triệu đồng mỗi năm.
          Có thể so sánh như thế là khập khiễng, là cái nhìn hẹp hòi của sự nghèo khổ. Người ta có tiền thì có quyền tiêu theo cách của mình chứ. Nhưng vấn đề ở chỗ thế giới chúng ta đang phải chứng kiến việc nhiều người đang tiêu những đồng tiền một cách phung phí. Vung tay quá trán đang trở thành một khái niệm quen thuộc trong xã hội. Cuối năm 2011, truyền hình đưa tin về việc ra mắt một tổng cục nọ, có lẽ ít ai để ý trong tin là những hình ảnh bữa tiệc linh đình dễ đến hàng trăm khách được tổ chức ở khán phòng một khách sạn sang trọng. Đáng nói là cũng thời điểm ấy, dư luận đang nóng với những thông tin các doanh nghiệp lớn thuộc mảng quản lý của tổng cục này đang kinh doanh thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Tại sao, thay vì một lễ công bố đình đám họ không tổ chức một buổi họp báo công bố quyết định thành lập, vừa hợp thông lệ, vừa đúng pháp luật, vẫn trang trọng và đặc biệt là tiết kiệm được một khoản tiền chắc chắn không nhỏ để chi tiêu cho những việc có ích khác.
           Thực tế hiện nay, tư duy "tiêu tiền Nhà nước không cần phải nghĩ" vẫn đang có nhiều cơ hội sống. Không khó để nhận ra những hành vi phung phí tiền công quỹ như mua sắm, sử dụng xe hơi đắt tiền; chi phí quá lớn cho hội nghị, tiếp khách, tặng quà, ăn uống; xây dựng trụ sở cơ quan quá mức cần thiết. Chỉ riêng cái bệnh thích phô trương ở nhiều cơ quan, ban, ngành thôi cũng đã là một sự phung phí không nhỏ. Có lẽ do thời buổi hội nhập nên cái gì người ta cũng thích to, thích hoành tráng, các địa phương từ cấp xã cho đến cấp tỉnh, hễ cứ có dịp là phải "kỷ niệm". Mà đã lễ thì phải làm cho mát mày mát mặt. Cấp xã, huyện thì đưa rước hội hè, cấp tỉnh cứ là phải đại lễ, phải truyền hình trực tiếp mới oách. Rồi cứ có cơ hội là người ta làm kỷ lục này, kỷ lục nọ, nhưng đằng sau kỷ lục là cái gì thì chẳng ai quan tâm. Từ chiếc bánh chưng lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam bị ôi thiu không ai dám ăn, hàng tấn gạo, đỗ, thịt đành phải bỏ đi, đến những dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng cũng đắp chiếu không hoạt động. Hay chuyện vị phó giám đốc sở nọ bị bắt quả tang đánh cờ ăn thua lên tới 5 tỷ đồng mỗi ván cũng đã khiến dư luận choáng váng. Rõ ràng, những cách tiêu tiền như thế là vô nghĩa và vô lối.
            Khi đọc những tranh cãi về chiếc váy, tôi cứ thắc mắc: Liệu có bao nhiêu người trăn trở về giá trị của nó cũng như cách ứng xử của chủ nhân? Đem câu chuyện ra kể với vợ chồng chị hàng nước ở đầu ngõ, chính câu trả lời có phần bàng quan của chị vợ lại khiến tôi thêm bối rối. Chị rằng: "Bác quan tâm đến chuyện ấy làm gì cho mệt. Người ta có tiền thì muốn thế nào chẳng được, ảnh hưởng gì đến mình đâu. Chứ cứ như em thì chiếc quần rách không mặc được cũng vẫn còn giá trị sử dụng".
            Vâng, chị hàng nước đã đặt mình ra ngoài cuộc nhưng câu nói của chị cũng ít nhiều đặt ra những suy nghĩ. Chuyện chiếc váy hay ván cờ của hai vị "quan liều" kia chỉ là cái cớ để ngẫm về văn hóa tiêu tiền của con người. Dù đó là tiền công hay của riêng thì cách chi tiêu nó cũng hàm chứa yếu tố văn hóa - đó là nhân cách!
                  Nguồn: Báo Hà Nội mới,  Đinh Tuấn Anh 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét