Tìm kiếm

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Mất thương hiệu và bao cấp tư duy


Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị
Theo thông lệ quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản, được trao cho cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội (ở Việt Nam, đối với chỉ dẫn địa lý thì chủ sở hữu là UBND tỉnh). Mọi tranh chấp phải được hai bên liên quan (bên vi phạm và bị vi phạm) giải quyết với nhau trên cơ sở luật lệ.
Chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” bị doanh nghiệp Trung Quốc lấy làm một phần nhãn hiệu hàng hoá, được cơ quan hữu quan Trung Quốc cấp văn bằng bảo hộ tại nước này, và có nguy cơ bị doanh nghiệp này đem đi đăng ký bảo hộ ở các nước khác.
Khi sự việc bị một luật sư phát hiện, một phó chủ tịch UBND tỉnh này mới tiết lộ ông đã biết chuyện từ… hai năm trước, khi dự một hội nghị đầu tư vào Dăk Lăk và nhận được một tấm danh thiếp của một doanh nhân ở Quảng Châu – Trung Quốc, trong đó có ghi “BUON MA THUOT COFFEE” và ông đã “nhắc” cán bộ hiệp hội Càphê Buôn Ma Thuột nên “cảnh giác” trước hiện tượng này.
Đứng trước việc tài nguyên, lợi ích quốc gia, địa phương bị xâm phạm, khi báo chí hỏi, ông Trịnh Đức Minh, phó giám đốc sở Khoa học và công nghệ Dăk Lăk đánh giá “sự việc không nguy cấp, nghiêm trọng đến mức là càphê Buôn Ma Thuột sẽ bị chặn xuất khẩu vào Trung Quốc hay ra các nước nhập khẩu, tiêu thụ càphê như nhiều thông tin lo ngại”. Và ngày 21.9, ông Trần Hiếu, phó chủ tịch UBND tỉnh Dăk Lăk cho biết tỉnh đã có công văn gửi bộ Ngoại giao, Công thương, Khoa học và công nghệ, bộ Công an, hiệp hội Càphê – cacao Việt Nam đề nghị “giúp đỡ” tỉnh bằng cách tác động “ngoại giao” để “yêu cầu” phía doanh nghiệp Trung Quốc huỷ bỏ văn bằng nhãn hiệu có chữ “Buôn Ma Thuột”, và phản đối việc cấp đơn đăng ký bảo hộ logo cũng có chữ “Buôn Ma Thuột”. Nếu việc này không thành công, tỉnh mới tính đến phương án kiện để đòi lại “thương hiệu”. Ông này cũng nói đến nay, tỉnh vẫn… đang chờ ý kiến tư vấn từ các bộ ngành nêu trên.
Không ngạc nhiên nhưng thất vọng về lựa chọn “ngoại giao trước, khởi kiện sau” của UBND tỉnh Dăk Lăk.
Không ngạc nhiên vì tư duy hành chính, bao cấp đã ăn sâu trong từng cơ quan, tổ chức Việt Nam. Cái gì cũng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên, vào Nhà nước. Điều này, rất tiếc, vẫn có thể có hiệu quả trong phạm vi tranh chấp giữa địa phương này với địa phương khác, kiểu con cái trong gia đình cãi nhau thì nhờ cha mẹ phân xử. Nhưng, một khi đã hội nhập, gia nhập các công ước quốc tế, vào sân chơi rộng lớn hơn thì đồng nghĩa với việc Nhà nước (cha, mẹ) tự giới hạn quyền lực của mình trong mối quan hệ với các nhà nước, tổ chức quốc tế khác, Nhà nước cũng phải xử sự theo luật lệ đã ký kết chứ không thể tự mình quyết định.
Thất vọng vì “ngoại giao” không thể (và cũng không nên) là giải pháp có thể mang lại… hy vọng. Theo thông lệ quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ là quyền tài sản, được trao cho cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội (ở Việt Nam, đối với chỉ dẫn địa lý thì chủ sở hữu là UBND tỉnh). Mọi tranh chấp phải được hai bên liên quan (bên vi phạm và bị vi phạm) giải quyết với nhau trên cơ sở luật lệ. Giả sử (chỉ giả sử thôi) Trung Quốc chấp nhận đề nghị mang tính “ngoại giao” của Việt Nam thì phải bất chấp pháp luật (quy trình cấp, thu hồi chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) do chính mình ban hành, mà thay bằng mệnh lệnh hành chính buộc cơ quan có thẩm quyền trong việc này thu hồi chứng nhận đã cấp. Trung Quốc và Việt Nam đang trong quá trình cải cách theo hướng pháp quyền. Cũng phải “hợp thức hoá” một việc ngoại giao thông qua thủ tục, quy trình có tính chất pháp lý mà thôi! Cũng phải chờ đợi rất mất thời gian mà thôi!
Nếu giải quyết được bằng đường ngoại giao thì cũng tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Nhiều nơi sẽ tiếp tục ỷ lại, bắt chước UBND tỉnh Dăk Lăk xin bú sữa mẹ – Nhà nước. Nhà nước lại đi làm cái việc không thuộc danh mục can thiệp của mình.
Ở nước ta, quả tình tranh chấp về sở hữu trí tuệ tương đối mới, việc bảo vệ mình dễ gặp lúng túng, nhưng nếu không chủ động tập dượt theo luật chơi chung thì không thể tham gia một cách đĩnh đạc vào cuộc chơi toàn cầu. Khiếu nại hay khởi kiện để bảo vệ mình là việc chủ động, tiết kiệm thời gian và học hỏi được nhiều bài học bổ ích nhất.
Thanh Niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét