Tìm kiếm

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM CỨU THUA LỖ VIỄN THÔNG BẰNG CÁCH LÀM... KỲ LẠ


           Loạt bài phóng sự điều tra của nhóm phóng viên Báo Hà Nội Mới
           Từ hy vọng biến thành thất vọng
          LTS: Kinh doanh đa ngành là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Thực hiện chủ trương này, tận dụng những lợi thế của ngành, thời gian qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư kinh doanh viễn thông công cộng.
          Sau 10 năm hoạt động, EVNTelecom không những không phát triển mà còn bị thua lỗ nặng nề. Tuy nhiên, thay vì phải tìm ra những giải pháp cải tổ yếu kém trong điều hành, quản lý và kinh doanh để cứu EVNTelecom, EVN lại vướng vào những sai phạm khác.
         Là một doanh nghiệp trực thuộc EVN, EVNTelecom ra đời (năm 1995) với mục đích dựa trên cơ sở hạ tầng vững mạnh, công nghệ tiên tiến, kênh phân phối rộng khắp để cung cấp những dịch vụ tiện ích, chất lượng ổn định, giá cả cạnh tranh và đặc biệt đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn mới. EVN hy vọng việc đầu tư ra ngoài ngành, trong đó có viễn thông là một việc làm sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện đang bị mất cân đối về tài chính. Tuy nhiên, thực tế kinh doanh viễn thông những năm qua đã đem đến cho EVN từ hy vọng đến thất vọng lớn khi mà gánh nặng tài chính do sự làm ăn thua lỗ lớn gây ra...
           Bỏ rơi lợi thế…
          So với những đơn vị kinh doanh viễn thông, EVNTelecom là doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong kinh doanh. Trước hết về mạng lưới kinh doanh, ngoài 10 trung tâm trực thuộc EVNTelecom còn có các đơn vị điện lực, công ty điện lực trải rộng khắp trên 63 tỉnh, thành tham gia kinh doanh dịch vụ viễn thông.
         Đặc biệt về năng lực mạng lưới (cơ sở vật chất), EVNTelecom đã tham gia vào các mạng cáp quang lớn nhất thế giới và khu vực, kết nối Việt Nam với các nước trên thế giới qua các cổng truyền dẫn quốc tế: Cổng quốc tế Móng Cái, Lạng Sơn, Mộc Bài, Khánh Bình (An Giang), Lao Bảo.
         Với hệ thống cáp trên biển, EVNTelecom có thể đáp ứng nhu cầu cho sự bùng nổ băng thông rộng chất lượng cao, các dịch vụ viễn thông khác trong những năm tới và bảo đảm dự phòng an toàn cho mạng lưới viễn thông quốc gia.
Về mạng viễn thông trong nước, với mạng truyền dẫn đường trục quốc gia gồm trên 40.000km cáp quang, mạng truyền dẫn của EVNTelecom đã có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước; sử dụng hệ thống đường trục Bắc - Nam chạy song song đồng thời trên các tuyến dây tải điện 500kV, 220kV với công nghệ hiện đại và dung lượng thiết kế lên đến 400Gbps…
           Hệ thống mạng truyền dẫn nội hạt của EVNTelecom có độ an toàn, tin cậy cao do được thiết lập bảo đảm chặt chẽ nguyên tắc mạch vòng bảo vệ. So với các giải pháp khác, mạng truyền dẫn của EVNTelecom đã trở thành mạng truyền dẫn có độ an toàn cao.
          Bên cạnh những lợi thế về hạ tầng mạng, dịch vụ mạng CDMA 20001x của EVNTelecom thể hiện những ưu thế rõ rệt khi so sánh với các dịch vụ hữu tuyến và vô tuyến truyền thống khi triển khai cho vùng sâu, vùng xa, cung cấp đa dịch vụ trên nền một hạ tầng mạng.
         Câu hỏi lớn đang được đặt ra cho EVN là tại sao có nhiều lợi thế về cơ sở vật chất cũng như con người như vậy mà viễn thông điện lực đang phải gánh những khoản lỗ rất lớn và con số lỗ này sẽ ngày càng lớn hơn khi những cơ hội kinh doanh cũng như hợp tác kinh doanh của EVNTelecom ngày càng đi vào ngõ cụt.
          …tự làm thua lỗ nặng nề
         Doanh thu kinh doanh các dịch vụ viễn thông của EVNTelecom giảm nghiêm trọng, cụ thể: tháng 1-2010: 180 tỷ đồng, giảm xuống 147 tỷ đồng vào tháng 1-2011 và 134 tỷ đồng vào tháng 2-2011. Trong khi đó, tổng chi phí năm 2010 của EVNTelecom là 2.957 tỷ đồng, trong đó lãi vay là 257 tỷ đồng, khấu hao cơ bản là 471 tỷ đồng, cước kết nối 303 tỷ đồng. Chi phí ngoài lãi vay và khấu hao hằng tháng của EVNTelecom bình quân khoảng 160 tỷ đồng, bao gồm các chi phí hoa hồng, thuê tài sản (cột anten, nhà trạm, cáp quang) và vận hành cho các tổng công ty (TCT) điện lực, chi phí vận hành và quản lý mạng lưới của EVNTelecom. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối doanh thu - chi phí của EVN Telecom (hằng tháng EVNTelecom còn thiếu khoảng 16 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên của công ty, khoảng 10 tỷ trả lại các TCT điện lực sau khi bù trừ và thiếu khoảng               150 tỷ đồng để trả nợ gốc và lãi cho các ngân hàng).
Doanh thu CDMA chiếm tỷ trọng chi phối trong tổng doanh thu viễn thông của EVN (trung bình là 63% tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2010) đang giảm mạnh từng tháng. Cụ thể: doanh thu dịch vụ CDMA trả sau giảm từ 88 tỷ đồng vào tháng 1-2010 xuống 67 tỷ đồng vào tháng 1-2011 và 56 tỷ đồng vào tháng 2-2011.
Thực tế mạng CDMA 450 của EVNTelecom đang có lợi thế cạnh tranh cơ bản là các dịch vụ điện thoại cố định không dây (E-COM), tuy nhiên, EVN không đẩy mạnh được doanh thu do tốc độ phát triển thuê bao thực rất chậm, thuê bao rời mạng liên tục tăng, cứ phát triển 1 thuê bao thì có trung bình 7,1 thuê bao rời mạng.
Mặc dù, EVN có thế mạnh về cơ sở hạ tầng hệ thống cáp quang, nhưng thế mạnh này không phát huy được do hạ tầng bị phân tán, không được quản lý, vận hành và khai thác tập trung, khi sự cố xảy ra thì mất rất nhiều thời gian xử lý do có nhiều đầu mối quản lý (một phần do các TCT điện lực và TCT truyền tải quản lý, khai thác, một phần do EVNTelecom quản lý, khai thác). Trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay, dịch vụ cho thuê kênh luồng trong nước và quốc tế chỉ đạt khoảng 30 tỷ đồng/tháng, không tương xứng với năng lực của hệ thống.
Hệ thống cáp quang biển IA đưa vào khai thác dịch vụ từ 2009, tuy nhiên, việc kinh doanh thuê kênh quốc tế trên IA năm 2010 chưa đạt được kế hoạch đặt ra, tổng doanh thu kinh doanh dịch vụ IA năm 2010 là 47 tỷ đồng (gồm 30 tỷ doanh thu cung cấp dịch vụ cho khách hàng và 17 tỷ doanh thu cung cấp dịch vụ nội bộ).
           Việc kinh doanh các dịch vụ internet không phát triển dẫn đến hiệu quả tổng thể trong khai thác đường IA là rất thấp. Doanh thu kinh doanh dịch vụ trực tiếp trên IA và dịch vụ internet không đủ để cân đối chi phí đầu tư ban đầu cũng như chi phí vận hành của đường IA.
           Tổng doanh thu các dịch vụ internet (leased lines, internet trên truyền hình cáp, ADSL, FTTx) trung bình 11 tỷ đồng/tháng trong năm 2010. Dịch vụ internet trên truyền hình đang suy giảm đáng kể, dịch vụ FTTx tăng doanh thu cuối năm 2010 nhưng vẫn không đạt kế hoạch năm 2010.
          Dịch vụ 3G mới đưa vào tháng 10-2010, doanh thu đạt khoảng 2 tỷ đồng vào tháng 12-2010 và 2,2 tỷ vào tháng 2-2011 với số khách hàng phát sinh cước khoảng 45 thuê bao. Sau 5 tháng phát triển dịch vụ, số lượng khách hàng gần như không tăng, các loại dịch vụ gia tăng trên mạng 3G chưa hấp dẫn được khách hàng (do chưa tạo ra sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng).
          Năm 2010, doanh thu của EVNTelecom chỉ đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng và lỗ khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng. Hệ số nợ của EVNTelecom lên đến 5,1 lần (theo đó, nợ phải trả là 7.760 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.586 tỷ đồng). Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của EVNTelecom chỉ còn 31%.
         Với doanh thu của các TCT điện lực hiện nay, sau khi trừ các khoản EVNTelecom trả lại (thuê tài sản, hoa hồng...) không còn tiền để chi phí cho các hoạt động của công ty, đồng thời phải trả lại các TCT điện trung bình từ 7 đến 10 tỷ đồng/tháng. Như vậy, với kết quả kinh doanh dịch vụ CDMA chủ yếu giao cho các TCT điện lực thì EVNTelecom sẽ lỗ toàn bộ chi phí vận hành và chi phí đầu tư mạng và còn phải bù lỗ thêm khoảng 10 tỷ đồng/tháng để bảo đảm mạng CDMA phục vụ kinh doanh của các TCT điện lực.
         Các khoản vay vốn và trả lãi cho các dự án đã đầu tư hoàn toàn nằm ngoài khả năng thu xếp của EVNTelecom, hiện nay không có nguồn để trả các khoản vay và lãi vay này.
         Nhiều khoản nợ chưa thanh toán được cho các dự án CDMA cho các nhà thầu… với số tiền xấp xỉ 25 triệu USD, mặc dù các dự án này đã xong từ năm 2008 và đã đưa vào sử dụng. Các dự án tự đầu tư từ năm 2007 đến nay còn khoảng 30 tỷ chưa thanh toán được cho đối tác. Việc này cũng làm mất đi nhiều sự hỗ trợ tài chính của các nhà thầu cho các dự án của EVNTelecom.
        Toàn bộ các chi phí thường xuyên của riêng EVNTelecom (bao gồm cả lương CBCNV, thuê nhà văn phòng, điện nước, bảo hiểm…) là 51 tỷ đồng/tháng và được cân đối dựa vào nguồn thu từ kinh doanh kênh quốc tế và trong nước, tương đương khoảng 35 tỷ đồng/tháng để cân đối. Tuy nhiên, trong 35 tỷ đồng này còn phải chí phí trả cho việc thuê kênh và lưu lượng (China Unicom, China Telecom...) nên không đủ để chi phí, thiếu ròng khoảng 16 tỷ đồng/tháng.
         Như vậy, hằng tháng EVNTelecom thiếu hụt và không có khả năng thanh toán tổng cộng khoảng 176 tỷ đồng, gồm: 150 tỷ đồng tiền trả vốn và lãi vay ngân hàng (chưa tính cho dự án 3G); 10 tỷ đồng chi phí hoàn trả lại cho các TCT điện lực (sau đối soát các khoản thuê lại các PCs); 16 tỷ đồng chi phí hoạt động thường xuyên.
           Chuyển nợ, lỗ cho khách hàng dùng điện gánh chịu
          (HNM) - Khi EVNTelecom khó có khả năng trụ được với những khoản nợ và lỗ ngày càng lớn thì cũng là thời điểm Chính phủ yêu cầu triển khai thị trường điện. Cơ hội để EVNTelecom có lối thoát là thực hiện phương án tách một sóng mang thuộc mạng CDMA 450 để phục vụ thị trường điện và hệ thống điện đo đếm từ xa. Tuy nhiên, thực hiện phương án này đồng nghĩa với việc chuyển nợ và lỗ sang giá điện và diễn nôm là, mọi khoản lỗ từ SXKD yếu kém của hoạt động viễn thông đùn hết cho khách hàng sử dụng điện… gánh chịu.
          Thủ thuật chuyển nợ
          Theo phương án này, việc tách một sóng mang (carrier) trong 3 sóng mang của mạng CDMA 450 để phục vụ thị trường điện sẽ thông qua hình thức chuyển giao tài sản liên quan đến sóng mang tách ra trong số 3 sóng mang của CDMA 450 là hình thức "mua bán tài sản giữa EVN và EVNTelecom".
          Để thực hiện tách một carrier, EVNTelecom sẽ phải tách các BTS hiện có của mạng CDMA 450 để cung cấp một carrier tách ra, bao gồm các thiết bị viễn thông tại BTS. Phần thiết bị tách ra sẽ được chuyển giao cho EVN thông qua hợp đồng mua bán tài sản giữa EVN và EVNTelecom. Các tài sản là các thiết bị truyền dẫn tại BTS đang sử dụng chung cho cả 3 sóng carrier của mạng CDMA 450, các thiết bị viễn thông tại BTS liên quan đến phần sóng mang còn lại sẽ tiếp tục do EVNTelecom quản lý và khai thác sử dụng. Tính đến ngày 30-6-2011, số lượng BTS phục vụ một carrier tách ra là 2.098 BTS, như vậy, giá tách ra và chuyển giao cho EVN là hơn 3.117 tỷ đồng và giá trị phần sóng mang thuộc carrier thứ 2 và 3 để lại EVNTelecom chỉ còn khoảng 762,4 tỷ đồng. Với carrier thứ 2 và 3 được giữ lại này chỉ phủ sóng một số tỉnh Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… thì EVNTelecom sẽ gần như không còn gì để kinh doanh (!?).
         Việc chuyển giao sang phục vụ thị trường điện với giá trị lớn gấp hơn 4 lần giá trị giữ lại để EVNTelecom kinh doanh buộc phải đặt câu hỏi: nếu thị trường viễn thông chưa có nhu cầu thì tại sao EVNTelecom lại đầu tư quá lớn như vậy?
          Trở lại vấn đề tách một carrier của mạng CDMA 450 của EVNTelecom sang phục vụ thị trường điện và hệ thống điện đo đếm từ xa, đồng nghĩa với việc chuyển giao giá trị mà EVNTelecom đang nợ sang cho thị trường điện phải gánh, giá điện phải gánh và tóm lại là bổ vào "hầu bao" của khách hàng sử dụng điện.
         Để phục vụ thị trường điện, từ nay đến năm 2015, đo đếm tại các nhà máy điện sẽ cần đọc khoảng 70-100 công tơ; đến giai đoạn bán buôn cạnh tranh (2015-2020) mới có nhu cầu đo đếm đến cấp điện áp 110kV, nhưng cũng chỉ đo đếm tại ranh giới giữa các Tổng Công ty (TCT) Điện lực và như vậy thì sau năm 2015 mới cần đến. Trong điều kiện nền kinh tế và đời sống  người dân hiện nay, tại sao EVN không chọn giải pháp thuê kênh của EVNTelecom hay bất cứ đơn vị viễn thông nào có giá thành hợp lý để không gây sức ép tăng giá điện?
         Chưa hết, muốn triển khai hệ thống đo đếm từ xa sử dụng đo đếm bằng CDMA, phải thay thế toàn bộ công tơ cơ hiện nay bằng công tơ điện tử. Hiện EVN có khoảng 18 triệu khách hàng (EVN bán trực tiếp), nếu phải thay thế công tơ điện tử thì sẽ phải cần đầu tư nhiều tỷ USD, đây là yếu tố thiếu tính khả thi trong điều kiện hiện nay.
         Hiện nay, giá công tơ 3 pha là 250 USD/1 công tơ. Theo lộ trình, trong năm 2011 và hết năm 2012 sẽ lắp đặt được khoảng một triệu công tơ điện, chưa kể chi phí thi công, riêng chi phí cho mua công tơ đã lên tới 250 triệu USD. Nếu lấy con số công tơ khách hàng do ngành điện đang quản lý bán điện trực tiếp là 18 triệu công tơ, sẽ phải chi phí vào tiền mua công tơ 4,54 tỷ USD. Đây là con số không nhỏ nếu bị đẩy vào giá điện. Và đó là giải pháp lãng phí không cần thiết và đầy nguy hiểm.
          Điều dễ nhận thấy những khoản nợ lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng của EVN đang được "treo" lại chưa được tính vào chi phí kinh doanh sẽ là sức ép tăng giá điện.
          Đó là khoản lỗ 11.000 tỷ đồng do mua điện giá cao từ một số nhà máy điện độc lập. Sau khi cắt hết lợi nhuận của các công ty truyền tải, phân phối đã rút xuống được lỗ cơ bản còn 8.000 tỷ đồng. Sau đó là khoản chênh lệch tỷ giá, khoảng 17.000 tỷ đồng.
         Với khoản lỗ 8.000 tỷ đồng, phương án giá điện năm 2011 (đã áp dụng từ ngày 1-3-2011) nhưng chưa được tính vào giá điện. Sau khi có kết quả kiểm toán cuối tháng 5, EVN sẽ báo cáo để đưa vào kế hoạch phân bổ trong kế hoạch tăng giá điện tới. Còn khoản 17.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá, EVN đã báo cáo Chính phủ phân bổ từng bước vào giá điện.
         Các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần lên tiếng về việc cần công khai, minh bạch hóa quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó có việc công bố các kết quả kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán chi phí kinh doanh của các đơn vị này.
         Chuyển giá điện theo cơ chế thị trường được đánh giá là hợp lý, tuy nhiên, song song với nó cần phải có những cơ chế giám sát và kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của ngành điện.
          Thiếu vốn nhưng lại đầu tư vào ngân hàng, bất động sản
          EVN là một ngành kinh tế đặc biệt quan trọng. Vì vậy, việc đầu tư ra ngoài ngành của EVN phải được cân nhắc khi vốn cho các công trình điện đang còn thiếu nghiêm trọng, đặc biệt là khi Quy hoạch điện VII vừa được Chính phủ phê duyệt, đã xác định nhu cầu huy động vốn lên tới 5 tỷ USD/năm cho giai đoạn 2010 - 2020 và khoảng 7,5 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2021-2030. Việc hình thành cơ chế thích hợp để huy động vốn đầu tư vào ngành điện là bài toán mới đặt ra đối với nền kinh tế trong điều kiện kinh tế thế giới cũng đang gặp khó khăn.
          Trước đây, trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VI cũng vì thiếu vốn, nên việc phát triển nguồn điện chỉ đạt 80% kế hoạch. Bên cạnh các khó khăn liên quan tới giải phóng mặt bằng, năng lực quản lý của nhà thầu cơ chế, tình trạng nợ tiền thanh toán nhà thầu diễn ra trên hầu hết công trình điện… đã khiến nhiều dự án điện chậm tiến độ so với kế hoạch.
           Những năm gần đây, EVN mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực tài chính, bất động sản, viễn thông… Ví như, năm 2008, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực được chính thức thành lập và hoạt động với số vốn điều lệ là 2.500 tỷ đồng, trong đó EVN sở hữu 40%. EVN cũng là cổ đông chiến lược của Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank), một trong 10 ngân hàng TMCP có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam hiện nay với vốn điều lệ đạt trên 3.830 tỷ đồng (tính đến tháng 12-2010). Ngoài ra, EVN còn liên kết với Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Thành; Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Sài Gòn Vina, Điện lực miền Trung, EVNLand Nha Trang...
           Về lĩnh vực viễn thông, năm 2009, EVN và Hanoi Telecom đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trong vòng 10 năm. Theo thỏa thuận trong 3 năm đầu tiên, liên danh EVN Telecom (đơn vị trực thuộc EVN) và Hanoi Telecom sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho triển khai dịch vụ 3G, bảo đảm phủ sóng tới 50% dân cư khi cung cấp dịch vụ. Ngày 9-6-2010, đơn vị này đã chính thức cung cấp dịch vụ 3G ra công chúng.
          Hiện chưa có một tổng kết đánh giá hay công bố chính thức nào về hiệu quả đầu tư ra ngoài ngành, cũng như những khoản lỗ mà EVN đã gây ra khi đầu tư ra ngoài ngành, nhưng các chuyên gia kinh tế về cơ bản cho rằng lợi đâu chẳng thấy mà mới chỉ thấy thua lỗ. Vì thế, nay việc EVN chuyển nợ, lỗ của viễn thông cho người dùng điện gánh chịu lại là một nguy hiểm mới trong quản lý.
          Làm sai lệch giá trị thực của giá điện
          (HNM) - EVN kinh doanh viễn thông là lĩnh vực ngoài ngành, nhằm tận dụng lợi thế cơ sở vật chất và cũng phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Vấn đề không bình thường ở đây khi EVN xử lý sự thua lỗ của viễn thông bằng cách chuyển khoản lỗ này sang phần kinh doanh điện. Việc chuyển các khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông sang kinh doanh điện không chỉ làm sai lệch giá trị thực của giá điện mà còn gây những hệ lụy khác về lòng tin của người dân.
          Thất bại viễn thông
          Như chúng ta đã biết, EVN kinh doanh viễn thông với rất nhiều lợi thế từ cơ sở vật chất của ngành. Tuy nhiên, kinh doanh điện và kinh doanh viễn thông ở nước ta là hai lĩnh vực khác nhau quá xa. Vì thế, nếu EVN mang tư tưởng kinh doanh điện sang kinh doanh viễn thông thì sẽ rất bất cập. Bởi lẽ, kinh doanh điện ở nước ta vẫn còn là độc quyền tự nhiên; viễn thông thì phải cạnh tranh quyết liệt.
Lợi thế về cơ sở vật chất cũng như nhân lực của EVN cũng chính là cái bất lợi nếu EVN không tìm được cách điều hành hợp lý. Đơn cử, hệ thống cáp quang có nhiều, đầy đủ nhưng lại thiếu sự liên kết trong quản lý (EVNTelecom và các điện lực, tổng công ty truyền tải cùng tham gia quản lý và vận hành), một hệ thống truyền dẫn cáp quang trên 63 tỉnh, thành có nhiều đơn vị khác nhau quản lý và vận hành, điều này dẫn đến chậm và phức tạp khi xử lý sự cố, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và đây chính là yếu tố gây trở ngại trong điều hành và kinh doanh viễn thông.
          Bên cạnh đó, hầu hết các tuyến cáp quang (cả phần thiết bị truyền dẫn lẫn cáp quang) trong địa bàn tỉnh lại do các đơn vị điện lực tự đầu tư, không có quy hoạch tổng thể toàn hệ thống 63 tỉnh, thành, thiếu tính đồng bộ, mạnh đơn vị nào đơn vị ấy tổ chức đầu tư lắp đặt, sau đó kết nối với mạng đường trục của EVNTelecom. Điều đó dẫn đến dễ bị tắc nghẽn khi nhu cầu thực tế khách hàng tăng lên (vì thiết bị truyền dẫn không đủ năng lực, trong khi dung lượng và số sợi cáp quang dư thừa), vấn đề này đã và sẽ tiếp tục cản trở việc kinh doanh viễn thông của EVN khi cạnh tranh với VNPT và Viettel.
            63 tỉnh, thành đều có đơn vị điện lực, vì thế đều có thể kinh doanh viễn thông được. Đây là thế mạnh để phát triển khách hàng. Vì vậy, sau khi được phép kinh doanh viễn thông công cộng, ban đầu EVN là doanh nghiệp phát triển khách hàng với tốc độ khá nhanh. Nhưng do nhiệm vụ chính của điện lực là kinh doanh điện, chức năng chăm sóc khách hàng không như viễn thông nên không giữ được khách hàng. Các đơn vị điện lực đều phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ là kinh doanh điện và kinh doanh viễn thông, trong khi đó EVNTelecom là đơn vị kinh doanh viễn thông chính lại không tham gia kinh doanh trực tiếp, không giao tiếp trực tiếp với khách hàng mà phải thông qua các đơn vị điện lực. Do đó, EVNTelecom không nắm bắt kịp thời nhu cầu và phản ảnh của khách hàng. Điều này đã khiến cho EVNTelecom bị xếp hạng chăm sóc khách hàng kém nhất trong các đơn vị kinh doanh viễn thông.
           Thêm nữa, CDMA là công nghệ duy nhất ở Việt Nam nên thiết bị đầu cuối (handset - điện thoại mobile, điện thoại để bàn không dây) không được xã hội hóa, không được bán trong các cửa hàng bán lẻ thông thường trên thị trường mà phải mua từ các cửa hàng của EVN. Điều này dẫn đến khách hàng sử dụng thiết bị đầu cuối của EVNTelecom không thể sửa chữa được ở cửa hàng điện thoại nào như công nghệ của Viettel, Vinamobi… mà phải tìm đến địa điểm quy định, có nơi một huyện mới có một điểm, rất bất tiện cho khách hàng. Do không được xã hội hóa nên đã ảnh hưởng lớn đến việc chăm sóc khách hàng.
            Cũng vì thiết bị đầu cuối không xã hội hóa được nên giá thành mua rất cao, trong khi đó muốn cạnh tranh trên thị trường thì lại phải bán rẻ hơn giá mua. Để bù đắp vào khoản chênh lệch này, EVNTelecom phải tính vào chi phí khiến cho chi phí cao, càng mua nhiều thiết bị đầu cuối càng lỗ và hệ quả là doanh thu mỗi ngày một giảm và kết quả là doanh thu không bù được chi phí, dẫn đến kinh doanh bị lỗ.
           Vì lý do trên, các tổng công ty điện lực không tiếp tục mua thiết bị đầu cuối. Nhưng không mua thiết bị đầu cuối thì sẽ không phát triển được khách hàng, không có thiết bị để thay thế cho khách, dẫn đến khách hàng rời khỏi mạng EVNTelecom và như vậy đồng nghĩa với việc thị phần bị teo lại trong khi kinh doanh viễn thông đang phải đối mặt với thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
           Cho đến thời điểm này, EVN đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho dịch vụ 3G nhưng không kinh doanh hiệu quả do chỗ có sóng, chỗ không. Cả dải miền Trung chỉ có Đà Nẵng có sóng nhưng cũng không ổn định (do không đầu tư triển khai khu vực này). Chất lượng mạng 3G như vậy không thể cạnh tranh được với Viettel và VNPT cho nên rất ít khách hàng sử dụng dịch vụ 3G của EVN. Doanh thu của 3G hiện nay (sau hơn một năm triển khai kinh doanh 3G) chỉ từ 2,5 đến 3 tỷ đồng/tháng, thay vì với mức vốn đã đầu tư thì doanh thu phải đạt ít nhất 10 lần mới đủ hoàn trả vốn trong 10 năm khấu hao.
            Chuyển lỗ cho các đơn vị điện lực!
            Ngày 11-7-2008, EVN ban hành Quyết định số 415/QĐ-EVN-HĐQT về việc ban hành Quy chế Quản lý tài chính đối với hoạt động viễn thông công cộng áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, theo đó quy định, dịch vụ CDMA, đối với các thuê bao trả sau, EVNTelecom mua thiết bị đầu cuối, các công ty điện lực chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối theo tỷ lệ 45% thì được hưởng 45% doanh thu cước dịch vụ phát sinh; EVNTelecom hưởng 55%.
            Ở thời gian này, EVNTelecom đã vay tiền để mua thiết bị đầu cuối và các thiết bị này được giao cho các đơn vị điện lực bán. Như vậy, thiết bị đầu cuối này được các đơn vị điện lực bán và giao lại cho EVNTelecom 55% giá trị, 45% giá trị còn lại của thiết bị này các điện lực sẽ trả dần cho EVNTelecom trong 5 năm, còn doanh thu được chia với tỷ lệ đơn vị điện lực 45% và EVNTelecom 55%. Vậy tại sao việc kinh doanh lại bị lỗ?
            Ngoài các yếu tố về mô hình tổ chức và công nghệ, phải kể đến các quy chế tài chính đối với hoạt động viễn thông công cộng được áp dụng trong EVN. Tính đến nay, đầu tư thiết bị của EVNTelecom đã lên tới khoảng 4.500 tỷ đồng, với việc áp dụng quy chế tài chính chia tỷ lệ 45%/55% thì EVN phải đạt doanh thu 9.000 tỷ đồng. Đây là con số không khả thi trong điều kiện kinh doanh viễn thông hiện nay của EVN.
            Khi EVNTelecom khó có khả năng vay tiền để đầu tư thiết bị đầu cuối, ngày 29-9-2009, EVN lại ban hành Quyết định số 497B/QĐ-EVN về việc ban hành quy chế quản lý tài chính thay cho Quyết định 415/QĐ-EVN-HĐQT ngày 11-7-2008. Quyết định số 497B quy định: Đối với thuê bao phát triển từ ngày 30-9-2009 trở về trước, các công ty điện lực chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối theo tỷ lệ 45% và được hưởng 45% doanh thu cước dịch vụ phát sinh (sau khi đã trừ cước các dịch vụ GTGT của các nhà cung cấp khác và chi phí khuyến mãi); EVNTelecom chịu chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối là 55% và được hưởng phần doanh thu còn lại. Đối với thuê bao phát triển từ ngày 1-10-2009, các công ty điện lực chịu trách nhiệm đầu tư mua thiết bị đầu cuối và chịu 100% chi phí hỗ trợ thiết bị đầu cuối thì các công ty điện lực được hưởng 60% doanh thu cước dịch vụ phát sinh (sau khi trừ cước các dịch GTGT của các nhà cung cấp khác và chi phí khuyến mãi); EVNTelecom được hưởng phần còn lại.
             Sau khi phân tích tài chính năm 2009 của EVNTelecom thấy bị lỗ khoảng 1.026 tỷ đồng, vào tháng 3-2010 EVN đã quyết định chuyển toàn bộ khoản lỗ này sang các tổng công ty điện lực bằng quyết định tăng giảm vốn đầu tư của EVN tại công ty con. Khoản tiền này sẽ được treo nợ trả dần trong 5 năm kể từ năm 2009.
             Thực chất của bài toán chuyển tài sản này sẽ làm giảm lỗ trên sổ sách của EVNTelecom, giúp cho bức tranh tài chính của EVNTelecom có vẻ sáng sủa hơn. Để giảm lỗ cho EVNTelecom, cũng trong tháng 3-2010, EVN lại quyết định áp dụng thay thế tỷ lệ 45%/55% bằng tỷ lệ 30%/70% áp dụng để tính toán cho năm 2009.
            Mỗi năm, ngành điện cần tới hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển các công trình nguồn, lưới... EVN thiếu vốn là một thực tế. Nhưng sự việc xử lý các khoản lỗ của EVNTelecom và những hệ lụy của nó đã làm sai lệch sự nhìn nhận của người dân đối với giá điện.
Những dích dắc trong lựa chọn đối tác chiến lược và ẩn các khoản lỗ!
            (HNM) - Để cứu thua lỗ cho EVNTelecom, EVN đã tìm cách chọn đối tác chiến lược và ẩn các khoản lỗ vào đầu tư kinh doanh điện. Tuy nhiên, cách chọn đối tác chiến lược và cách ẩn các khoản lỗ một cách rất… dích dắc lại gây khó khăn cho EVNTelecom cũng như sự minh bạch trong điều hành quản lý của EVN, nếu không nói đến những hệ lụy trên bình diện tổng thể đã và đang xảy ra.
             Dích dắc trong lựa chọn đối tác chiến lược
             Năm 2008, EVNTelecom tiến hành cổ phần hóa (CPH) với việc bắt tay với một doanh nghiệp của Triều Tiên, nhưng sau một thời gian thương thảo thì dừng lại. Đến tháng 10-2009, EVNTelecom tiếp tục lựa chọn đối tác chiến lược trên cơ sở 7 đối tác đăng ký tham gia và chốt lại 2 đối tác là Singapore và Malaysia. Sau khi tổ chức chào giá và thực hiện một số điều kiện khác để lựa chọn, EVN quyết định lựa chọn Singapore làm đối tác chiến lược với điều khoản đối tác mua 30% giá trị EVNTelecom dưới dạng phát hành thêm cổ phiếu (tức vốn Nhà nước được giữ nguyên và giá trị doanh nghiệp được tăng thêm). Để tiến hành các thủ tục tiếp theo, đối tác Singapore đã đặt cọc 15 triệu USD. Hồ sơ được tiến hành theo trình tự và đến tháng 7-2010 thì hoàn tất trình Chính phủ.
             Trong lúc hồ sơ đang được trình lên Chính phủ thì Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư công nghệ (FPT) có văn bản gửi EVN đề nghị được mua 60% nhưng là mua giá trị vốn Nhà nước trong tổng vốn tài sản EVNTelecom. Và thế là EVN đã quyết định lựa chọn FPT thay cho STT (Singapore). Hồ sơ lại làm từ đầu, và tháng 1-2011 Chính phủ có văn bản chấp thuận cho FPT trở thành nhà đầu tư chiến lược của EVNTelecom. Thế nhưng, đúng vào thời điểm FPT được Chính phủ chấp thuận là đối tác của EVNTelecom thì FPT lại xin được rút lui. Ngay sau đó, EVN xem xét lựa chọn Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) là đối tác chiến lược của EVNTelecom. Theo điều kiện thương thảo của VTC, trong hợp đồng mua cổ phần, EVN chấp thuận cho EVNTelecom quyền quản lý toàn bộ các cột điện, cột đèn, cột thông tin, nhà trạm hay kết cấu khác có thể dùng để treo hay đặt dây dẫn thông tin, thiết bị viễn thông, truyền hình.
            Khi EVN đem tài nguyên viễn thông quốc gia được Nhà nước giao cho quản lý để tiến hành... cổ phần hóa (hợp tác với VTC bằng việc VTC mua cổ phần), ngày 26-8-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có ý kiến bằng văn bản (số 91/TB-BTTTT), về phương án đầu tư của VTC mua cổ phần của EVNTelecom. Văn bản này nêu rõ: Cam kết của EVN về chuyển giao cơ sở hạ tầng của EVN tại các địa phương cho VTC sử dụng; tần số sử dụng cho CDMA 450Mhz 2000xl là tài nguyên viễn thông quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cho EVNTelecom để kinh doanh dịch vụ viễn thông di dộng, cố định không dây trên phạm vi toàn quốc, theo phương án sắp xếp tổ chức gắn liền với tài sản thuộc tần số sử dụng cho mạng CDMA 450Mhz để điều hành hệ thống thông tin ngành điện và giao cho EVNTelecom quản lý là đơn vị sẽ tách khỏi EVN sau khi CPH là chưa có cơ sở pháp lý, không phù hợp với các quy định của pháp luật.
             Trở lại chuyện chọn đối tác trước đó. Thực tế, EVN đã nghiên cứu và có một quá trình thương thảo với STT (Singapore) trên cơ sở lựa chọn 7 đối tác đăng ký tham gia. Các bước tiến hành lựa chọn của EVN đã rất cẩn trọng và đúng trình tự nhưng rồi đột ngột EVN lại chọn FPT. Hồ sơ được hoàn thiện trong 3 tháng, nhưng rồi cho đến khi Chính phủ ban hành quyết định, FPT lại lên tiếng rút lui.
            Trong thời gian chờ Chính phủ chấp thuận là đối tác chiến lược của EVNTelecom sau khi CPH, FPT đã đề nghị EVN (và đã được EVN chấp thuận) không triển khai tiếp 3G khu vực miền Trung, hạn chế đầu tư các tỉnh còn lại, dùng mạng Metro và Core Internet (hai mạng này chủ yếu cung cấp dịch vụ Internet) của FPT Telecom. Điều này dẫn đến toàn bộ khu vực từ Thanh Hóa vào đến Nha Trang chất lượng sóng 3G chưa thể đủ điều kiện để kinh doanh. Cần hiểu là, việc bảo đảm chất lượng dịch vụ 3G và Internet để kinh doanh phải phụ thuộc vào tiến độ xây dựng mạng Core Internet và mạng Metro mà FPT dự kiến triển khai. Hiện nay, tốc độ triển khai mạng Metro của FPT chậm không đáp ứng được tiến độ lắp đặt NodeB (đầu mối để cung cấp dịch vụ tới khách hàng) ở 7 tỉnh và thành phố lớn. Trong khi đó, các Tổng công ty (TCT) Điện lực không có vốn để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cho các NodeB, một phần nguyên nhân là chờ quyết định về CPH của EVNTelecom để biết giá trị thuê tài sản giữa EVNTelecom với các TCT Điện lực nên không triển khai xây dựng trạm, cột antena và cáp quang theo kế hoạch. Do phải "chốt" được đối tác chiến lược của EVNTelecom thì EVN mới triển khai được việc bảo lãnh vay vốn, nên việc triển khai 3G giai đoạn 2 cũng bị ảnh hưởng do việc giải ngân giai đoạn 1 đang bị dừng lại vì phía ngân hàng không đồng ý giải ngân tiếp. Giai đoạn 2 lại chưa ký được hợp đồng vay vốn (tuy nhà thầu đã chuyển được 90% số lượng thiết bị và lắp đặt tại các tỉnh).
              Những dích dắc trong việc lựa chọn đối tác chiến lược cho EVNTelecom như đã nêu trên làm nhiều người trong ngành đặt câu hỏi: Phải chăng EVN quá dễ dãi hay có gì đó không minh bạch (bởi lẽ việc dích dắc này càng làm cho EVNTelecom đã khó khăn lại càng khó khăn hơn).
             Biến lỗ lớn thành lỗ… nhỏ
            Căn cứ vào các quy chế quản lý tài chính đối với hoạt động kinh doanh viễn thông công cộng áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do Hội đồng quản trị EVN ban hành theo các quyết định, thì ngoài khoản lỗ của EVNTelecom sẽ còn khoản lỗ từ các đơn vị điện lực tương ứng với tỷ lệ đóng góp và được hưởng từ doanh thu. Như vậy, khoản lỗ từ kinh doanh viễn thông của các đơn vị điện lực cũng tương đương với khoản lỗ của EVNTelecom. Nhưng tại sao khoản lỗ của các đơn vị điện lực lại không được thể hiện trong sổ sách hạch toán? Đây là một cách đẩy các chi phí viễn thông vào chi phí kinh doanh điện của các đơn vị điện lực.
            Cần phải nói về chức năng kinh doanh viễn thông của các đơn vị điện lực. Các đơn vị điện lực phải kinh doanh trực tiếp các dịch vụ viễn thông, trong đó bao gồm: CDMA, dịch vụ 3G, thuê bao kênh luồng, internet. Từ các công việc này, các đơn vị điện lực phải chi phí để lập các cửa hàng bán thiết bị đầu cuối, sửa chữa thiết bị, phát triển khách hàng. Để kinh doanh viễn thông, các đơn vị điện lực đã chủ yếu sử dụng nhân lực của kinh doanh điện và tuyển dụng thêm nhân lực không đáng kể. Ngoài các chi phí đầu tư cơ sở vật chất, trả lương, thuê đối tác đại lý, chi phí quản lý…, các đơn vị điện lực còn phải chi phí đầu tư mua thiết bị đầu cuối - có nghĩa, nếu các đơn vị điện lực hưởng tỷ lệ doanh thu 45% thì cũng phải chi phí đầu tư 45% giá trị mua sắm thiết bị đầu cuối. Như vậy, các đơn vị điện lực sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí đầu tư khá lớn trong lúc kinh doanh điện cũng bị lỗ, vốn đầu tư phát triển lưới điện phân phối của các đơn vị điện lực thiếu trầm trọng.
            Theo giá trị quyết toán, giá trị chuyển từ EVNTelecom sang các đơn vị điện lực trong phương án tách 1 sóng mạng thuộc mạng CDMA 450 để phục vụ thị trường điện, chi phí đầu tư bình quân cho một BTS là hơn 1,4 tỷ đồng. Như vậy, tổng số BTS đã đầu tư là gần 2.900 BTS, trong đó, EVNTelecom chỉ đầu tư khoảng hơn 200 BTS, số còn lại do các đơn vị điện lực đầu tư.
Đầu tư phục vụ dịch vụ 3G cũng do các đơn vị điện lực chịu trách nhiệm, trong 6.000 BTS hiện có thì có khoảng 2.000 BTS đầu tư trước đây cho dịch vụ 2G, đầu tư mới còn khoảng 4.000 BTS (giá đầu tư 1 BTS 3G khoảng 1.700 USD).
            Để không bị lỗ trên sổ sách, các đơn vị điện lực đã phải đưa các khoản chi phí đầu tư các điểm bán hàng, trả lương, chi phí quản lý vào chi phí kinh doanh điện. EVN cũng cho phép EVNTelecom được sử dụng các chi phí thu được từ quản lý dây, cáp viễn thông và thông tin của đơn vị khác treo trên cột điện để hạch toán thay cho phải đưa vào để giảm chi phí kinh doanh điện vì các tài sản này đã được tính vào chi phí để cấu thành giá điện. Vậy vốn đầu tư để kinh doanh viễn thông của các đơn vị điện lực được lấy từ đâu nếu không "đánh bùn" sang nguồn vốn kinh doanh điện? Đây quả là một cách hạch toán… kỳ lạ.
           Như vậy, có thể nói để cứu sự thua lỗ nghiêm trọng khi đầu tư ra ngoài ngành (EVNTelecom), EVN đã áp dụng một số cách làm… kỳ lạ. Những cách "giải cứu" kỳ lạ này đã làm méo mó giá trị đầu tư, giá điện và gây ra những hệ lụy toàn cục khác - đó là chưa nói đến những thiệt hại đã và đang xảy ra.
           Nhóm PV điều tra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét