Tìm kiếm

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Nhóm Cánh Buồm và bộ sách giáo khoa dành cho xã hội phê duyệt


Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị
Một nhóm bao gồm những phụ huynh và một số trí thức đã tập hợp lại cùng nghiên cứu về giáo dục hiện đại và đã biên soạn ra một bộ sách giáo khoa mới.
Nhà giáo Phạm Toàn, hoa tiêu của “con tàu” có tên Cánh Buồm cho biết, cách đây hơn ba năm, ông cùng một nhóm trí thức và nhà giáo tâm huyết khoảng 20 người đã lập ra nhóm nghiên cứu về giáo dục hiện đại. “Tránh những đề xuất về cải cách trước đây không được mấy ai quan tâm, chúng tôi bàn với nhau phải làm một cái gì đó trực quan, để cho xã hội thấy và xem xét”, ông Toàn nói. Ý tưởng về một bộ sách giáo khoa mới trên nền tư tưởng của GS Hồ Ngọc Đại hình thành với đầy đủ triết lý, phương pháp, phạm vi kiến thức và cả mục tiêu giáo dục được hình thành.
Suốt năm 2009, nhóm viết xong bộ sách lớp một. “Mỗi tuần đều giảng thử, thảo luận, sửa chữa rồi viết lại. Gần như phải mở một trường sư phạm thu nhỏ”, ông Toàn nói. Nhưng điều khó nhất đối với nhóm không phải là viết sách mà tìm nơi để thực nghiệm. Ông cho biết đã đến hàng chục cơ sở giáo dục và trường học nhưng ở đâu cũng bị từ chối. Khi tưởng như tuyệt vọng thì chính bà Nguyễn Bích Hà (hiệu trưởng trường Nguyễn Văn Huyên) chủ động gặp và đề nghị mời ông về tiến hành với điều kiện làm cho trường một bộ sách khoa học công nghệ từ lớp một trở lên. Điều kiện thứ hai bà Hà đưa ra là nhóm chỉ làm thực nghiệm buổi chiều, buổi sáng học sinh vẫn học chương trình chính thống. Ai hỏi thì bảo là dạy nâng cao. “Chúng tôi gọi môn văn là giáo dục nghệ thuật, môn tiếng Việt là dạy ngôn ngữ… vừa là một cách tránh phiền phức, đồng thời lại đúng với mục tiêu đề ra. Với môn tin học, mục tiêu là làm cho học sinh hiểu cái máy tính là một công cụ lao động chứ không phải cái máy chơi game”. Sau đó, năm 2008 tình cờ nhóm lại được câu lạc bộ Đọc sách cùng con có mong muốn hợp tác và dạy thử cho con họ. Vậy là một bộ ba được hình thành hoàn chỉnh: phụ huynh – nhà trường – nhà giáo dục.
Theo nhà giáo Phạm Toàn, hiện nay Cánh Buồm có tổng cộng 15 thành viên chính thức, nhiều người trong số đó là những nhà khoa học rất tâm huyết như tiến sĩ vật lý Nguyễn Thành Nam ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thạc sĩ sư phạm Nguyễn Thị Thanh Hải (nguyên là biên tập viên ở nhà xuất bản Giáo Dục), tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh… Nhóm dự định sẽ thành lập trung tâm Nghiên cứu phát triển giáo dục hiện đại trực thuộc hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật để có “chính danh” hơn.
Về bộ sách giáo khoa do nhóm thực hiện, theo TS Nguyễn Thành Nam, muốn tiến hành cải cách nền giáo dục phổ thông, cần phải bắt đầu từ lớp học mang tính nền tảng là lớp một, đồng thời có tổ chức đúng việc học của trẻ em từ bên dưới thì sau đó mới dần dần tổ chức đúng các lớp trên. Nội dung của từng cuốn sách trong bộ sách thể hiện xuyên suốt một tư tưởng: tổ chức các việc làm của học sinh để các em tự mình tìm đến các khái niệm, tự mình tạo ra những kỹ năng cần thiết. Bộ sách nhằm tạo cho người học ngay từ lớp một đã có phương pháp tự học, cái tài sản tinh thần sẽ đi theo các em suốt những năm học đường và có thể sẽ theo các em suốt đời. Chẳng hạn, các tác giả quan niệm lối sống mới cho trẻ em được hình thành theo một trục chính là năng lực sống đồng thuận. Đó là học để biết cùng tìm cách sống hoà hợp giữa cá nhân với cộng đồng và giữa các cộng đồng với nhau. Đó cũng là lối sống hàng ngày, ngay ngày hôm nay, từ lớp một, và ý thức sống đó sẽ có tác động tới lối sống mai sau. Từ quan niệm này, cuốn Sách học lối sống được soạn để tổ chức việc học của trẻ em ở trường phổ thông thay thế hoàn toàn cách dạy “luân lý” hoặc “đạo đức” trước đây. Và cuốn sách với các phương pháp học để hình thành lối sống ở trẻ đã mở ra hướng dạy và cách học cụ thể trong nhà trường hiện đại hoá: tổ chức cho học sinh tự tìm ra cách đi tìm lối sống có đạo đức. Hiện nay bộ sách chỉ mới hoàn chỉnh được năm cuốn lớp một, công việc biên soạn sách sẽ còn được tiếp tục cho đến khi hoàn thiện bộ sách cho cả ba bậc phổ thông.
Sách soạn xong rồi, ai thẩm định? Ai dùng? Ông Phạm Toàn thẳng thắn nói: “Chúng tôi chủ trương gửi sách cho xã hội duyệt”. Ông cho rằng vinh dự và trách nhiệm của cả nhóm nằm trong việc nộp bản thảo và công bố lần đầu tại nhà xuất bản với tính chất một bộ sách tham khảo trình ra cho toàn xã hội để mọi độc giả đều tiếp cận được và xã hội thẩm định những cuốn sách này. Ngoài ra, nhóm Cánh Buồm cũng khẳng định bộ sách không nằm trong bất kỳ công cuộc kinh doanh nào. “Một bộ phận quan trọng tham gia xét duyệt sẽ là các vị phụ huynh: nếu các bậc cha mẹ mua sách in hoặc chép từ trang thông tin này về dạy con em mà thấy tốt, thì chắc chắn đó là sách có ích”.
            NHƯ THUẦN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét