Tìm kiếm

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Thay đổi tư duy về tăng trưởng


Nguồn Báo Người Lao động, thứ Bảy, 01/10/2011 22:29
Mục tiêu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trong phiên thảo luận ngày 1-10 về hàng loạt báo cáo phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và cả giai đoạn 5 năm 2011-2015 là đưa lạm phát xuống một con số
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu (ĐB) Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH), cho rằng vấn đề xã hội được đề cập quá mờ nhạt trong cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH. Đã nhiều lần, ĐBQH góp ý về vấn đề này nhưng chưa được khắc phục.
Nhiều vấn đề chưa được coi trọng
ĐB Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, đề xuất không nên tiếp tục chia ngân sách theo cách bao nhiêu phần trăm cho từng lĩnh vực mà cần xác định các lĩnh vực ưu tiên để đầu tư có trọng điểm, không có hiện tượng chỗ thừa, chỗ thiếu.
ĐB Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, lo ngại cách làm như ĐB Phùng Quốc Hiển đề xuất sẽ khiến việc mất cân đối trong lĩnh vực kinh tế - xã hội càng thêm trầm trọng, ngân sách sẽ ưu tiên cho các vấn đề kinh tế. ĐB này cảnh báo: “Không phải đầu tư đủ tỉ trọng là đã hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với giáo dục và văn hóa, lấy con số chỉ tiêu hoàn thành để đánh giá kết quả thực hiện chính sách là sai lầm. Ví dụ hiện tượng tuyển sinh, đào tạo sinh viên vượt chỉ tiêu đề ra nhưng chất lượng giáo dục, trình độ sinh viên tốt nghiệp đều có vấn đề. “Trong lĩnh vực y tế, chỉ tiêu càng cao là tội lỗi. Cần phải có tiêu chí đánh giá về chất lượng” - ĐB này chốt lại vấn đề.
Không đồng ý với báo cáo của Chính phủ chỉ tóm tắt “mấy dòng quen thuộc lặp đi lặp lại” về an ninh, trật tự xã hội, ĐB Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH, đề nghị Chính phủ phải bổ sung để QH thảo luận, đồng thuận và đi đến thống nhất về chủ trương hành động.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bình luận: Thường vụ họp bàn về kinh tế - xã hội nhưng không có bộ trưởng hoặc đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ GD - ĐT tham dự chứng tỏ lĩnh vực này không được quan tâm. Một thành viên của Thường vụ QH báo cáo ngay: Ủy ban Thường vụ có gửi giấy mời nhưng 2 bộ này không có đại diện đi họp.
Hai “kịch bản” tăng trưởng kinh tế
Chính phủ đề ra 2 “kịch bản” tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới: Tăng trưởng GDP bình quân 6,5%/năm, CPI tăng khoảng 7% và GDP tăng khoảng 7%/năm, CPI tăng 5%. 
Tuy nhiên, đã có khá nhiều chỉ tiêu vênh nhau giữa đề nghị của Chính phủ và quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, đặc biệt là các chỉ tiêu CPI, nhập siêu và dư nợ công. Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị chỉ tiêu CPI phải được đưa về một con số ngay từ năm 2012 và phải dưới 5% vào năm 2015. Riêng chỉ tiêu nhập siêu có độ vênh khá lớn.
Chính phủ đề xuất đưa nhập siêu về dưới 10% so với xuất khẩu vào năm 2015 nhưng Ủy ban Kinh tế của QH lại đề nghị giảm dần từ năm 2012 và đưa về mức 4% vào năm 2015. Ủy ban này cũng đề xuất số nợ Chính phủ không vượt quá 50% GDP và nợ công không quá 60% GDP, thấp hơn 5% so với đề nghị của Chính phủ.
Một số ĐB cho rằng có thể chọn phương án tăng trưởng thấp trong năm 2012 vì đó là giải pháp khả thi trong thời điểm khó khăn. ĐB Phùng Quốc Hiển đồng tình với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% trong 5 năm tới nhưng nhấn mạnh có thể đưa xuống 6,5%, miễn là không thấp hơn 6% để bảo đảm an sinh xã hội. Ông Hiển cho rằng: “Nên thay đổi tư duy tăng trưởng nhanh, bền vững sang phát triển bền vững vì điều kiện Việt Nam chưa đủ đạt cả hai mục tiêu tăng trưởng vừa nhanh vừa bền vững”.
Kết thúc phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói đây chỉ là thảo luận sơ bộ, sau phiên họp này, Chính phủ và các ủy ban phải bàn bạc thêm, thống nhất các phương án trình QH thông qua.
“Báo cáo trùng lặp, sơ sài: Theo ĐB Phan Trung Lý, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, ông cảm thấy buồn vì nhiều yếu kém, bất cập trong các báo cáo kinh tế - xã hội vẫn lặp đi lặp lại liên tục trong 4 nhiệm kỳ qua. Đến mức đi tiếp xúc cử tri, ông không cần chuẩn bị báo cáo cũng trình bày được. Năm 2011, có 10/24 chỉ tiêu không đạt nhưng Chính phủ không có báo cáo lý do, bài học kinh nghiệm để khắc phục.
Tô Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét